Các bác sĩ Khoa Tim mạch lồng ngực (Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng) vừa phối hợp các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương can thiệp đóng ống động mạch thành công đối với 3 bệnh nhi còn ống động mạch. Việc tái khởi động can thiệp tim mạch tại bệnh viện chuyên khoa nhi tuyến cuối thành phố tạo thêm cơ hội đối với trẻ em mắc bệnh tim mạch được điều trị ngay tại Hải Phòng, mà không phải chuyển tuyến lên Trung ương.
Can thiệp sớm, hiệu quả cao
Đón con gái về phòng hồi sức để theo dõi, chăm sóc sức khỏe sau mổ, chị Trần Thị Hồng Nhung, ở phố Chợ Hàng cũ, phường Đông Hải (quận Lê Chân), mẹ cháu Nguyễn Hoàng Diệp Anh, 27 tháng tuổi vỡ òa niềm hạnh phúc. Chị Nhung cho biết: Khi sinh cháu, thấy con hay ốm vặt như viêm phổi nhưng gia đình chủ quan, không đưa đi khám. Cách đây ít ngày, thấy con sốt liên tục trong 5 ngày, gia đình mới đưa cháu vào Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng khám. Trong khi làm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, cháu được phát hiện mắc bệnh về tim mạch, cụ thể là ống động mạch chưa đóng.
Sau khi đưa con gái là Bùi Thị Yến Nhi, 44 tháng tuổi vào phòng mổ, chị Lê Mai Thương, ở xã An Lư (huyện Thủy Nguyên) hồi hộp chờ đợi và ca phẫu thuật thành công. Chị Thương cho biết, gia đình phát hiện cháu mắc bệnh từ khi 2 tháng tuổi, cũng đi khám nhiều nơi nhưng vì con còn bé nên chưa dám điều trị phẫu thuật. “Khi cháu đi học mầm non, có tháng 3 lần bị viêm phổi, thường xuyên đau bụng nên phải nghỉ học. Đến nay, được các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng tư vấn tiến hành can thiệp tim mạch nên gia đình tin tưởng thực hiện”. Trường hợp khác cũng được can thiệp đóng ống động mạch thành công là cháu Đỗ Khánh Vy, 6 tuổi, ở xã Thanh Sơn (huyện Kiến Thụy).
BSCK2 Dương Văn Đoàn, Trưởng Khoa Tim mạch lồng ngực (Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng) cho biết, còn ống động mạch là bệnh tim bẩm sinh do ống động mạch sau khi sinh không đóng lại. Trẻ mắc bệnh có các biểu hiện lâm sàng khác nhau, phụ thuộc vào kích thước ống động mạch. Các biểu hiện thường gặp ở trẻ mắc bệnh: Chậm lớn, kém ăn, thở khò khè, khó thở…, có thể dẫn đến suy tim, các nhiễm trùng trong tim và dễ bị tử vong. Can thiệp tim mạch đóng ống động mạch bằng dù là phương pháp hiện đại. Các bác sĩ sử dụng hệ thống ống thông đường dẫn đưa vào mạch đùi, ngược dòng máu vào tận các buồng tim và mạch máu của bệnh nhi. Dưới màn hình hệ thống chụp mạch DSA, bác sĩ kiểm soát và đánh giá chính xác các tổn thương do dị tật còn ống động mạch và lựa chọn dụng cụ dù can thiệp thích hợp để đóng tổn thương ống động mạch đối với người bệnh. “Mỗi ca can thiệp đóng ống động mạch bằng dù diễn ra trong khoảng 30 phút, trong khi can thiệp thông thường có thể trong 4 giờ đồng hồ. Thời gian can thiệp bằng dù nhanh, không gây tổn thương, biến chứng. Sau can thiệp, người bệnh phục hồi nhanh, có thể ra viện sau 2-3 ngày”, bác sĩ Đoàn đánh giá.
Giảm thời gian và chi phí của gia đình người bệnh
Theo thông tin của Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, từ khi bệnh viện triển khai Dự án thực hiện kỹ thuật chuyên sâu can thiệp tim mạch theo Quyết định số 469 năm 2015 của UBND thành phố đến tháng 7/2020, có 30 người bệnh được can thiệp tim mạch thành công tại bệnh viện. Các ca can thiệp đều có sự hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ đầu ngành Bệnh viện Nhi Trung ương theo đề án bệnh viện vệ tinh. Các bệnh nhi sau khi được can thiệp tim mạch đều phục hồi sức khỏe tốt.
Tuy nhiên, từ sau tháng 7/2020 đến giữa năm 2023, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến việc đi lại, mua sắm trang thiết bị y tế gặp nhiều khó khăn và một số nguyên nhân khác dẫn đến bệnh viện không thể tiếp tục triển khai dự án này. Theo PGS.TS Bùi Văn Chiến, Giám đốc Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, mỗi năm bệnh viện đón hàng trăm trường hợp khám bệnh ngoại trú liên quan đến tim mạch. Cụ thể, 6 tháng năm 2023 có 145 trường hợp; năm 2022 có 326 trường hơp; năm 2021 có 296 trường hợp và 2020 có 503 trường hợp. Thống kê trên cho thấy nhu cầu khám và điều trị can thiệp tim mạch cho trẻ mắc các bệnh tim mạch bẩm sinh khá lớn. Vì vậy, việc tái khởi động can thiệp tim mạch và triển khai thành kỹ thuật này thành thường quy vừa giúp trẻ em mắc bệnh tim mạch được điều trị ngay tại Hải Phòng, không phải chuyển tuyến trên, góp phần giảm tình trạng quá tải của bệnh viện tuyến Trung ương, tiết kiệm thời gian, chi phí của người bệnh, gia đình người bệnh.
Để những trẻ em bị mắc bệnh tim mạch của thành phố và các tỉnh lân cận được phát hiện, can thiệp sớm, các bác sĩ chuyên khoa nhi khuyến cáo các bậc cha mẹ nên đưa con em đi khám và sàng lọc sớm bằng siêu âm tim ngay sau sinh có thể giúp trẻ được phát hiện dị tật ở tim mạch sớm, tránh các biến chứng nặng nề ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Hiện, một số trường hợp trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh như còn ống động mạch không có biểu hiện trên lâm sàng mà chỉ được vô tình phát hiện khi khám sàng lọc, siêu âm tim, khi phát hiện thì bệnh gây biến chứng nặng nề./.
Bài và Ảnh: Việt Hoàng