Bệnh viện hữu nghị Việt- Tiệp vừa cứu sống 4 người bệnh nhồi máu não do đột quỵ bằng kỹ thuật can thiệp mạch não lấy huyết khối. Đây là một kỹ thuật khó và hiện đại nhất hiện nay trong can thiệp mạch máu, lần đầu triển khai thành công tại Hải Phòng.
Ông Phạm Văn Vụ, 57 tuổi, ở thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt- Tiệp lúc 9 giờ ngày 1-6 trong tình trạng hôn mê, yếu ½ người bên phải. Người bệnh được chẩn đoán nhồi máu não sang giờ thứ 4 do tắc động mạch cảnh, tiên lượng rất nặng, chỉ định can thiệp lấy huyết khối cấp cứu. Gia đình anh Vụ thuộc diện khó khăn, chi phí điều trị khoảng 100 triệu đồng, quá khả năng thanh toán. Tuy nhiên, bệnh viện vẫn tiến hành can thiệp cấp cứu người bệnh và tìm cách huy động các nhà hảo tâm hỗ trợ chi phí điều trị. Sau 30 phút thực hiện kỹ thuật can thiệp mạch não lấy huyết khối, ông Phạm Văn Vụ phục hồi hoàn toàn, không để lại di chứng nào. Trước đó, cuối tháng 5, khoa Thần kinh cũng sử dụng kỹ thuật can thiệp mạch máu lấy huyết khối cho 3 người bệnh khác đạt kết quả rất khả quan.
Người bệnh Phạm Văn Vụ phục hồi hoàn toàn sau khi được can thiệp mạch não lấy huyết khối. Ảnh: Đỗ Hiền
Theo TS. Phùng Đức Lâm, Phó trưởng Khoa Thần kinh, đột quỵ nhồi máu não chiếm khoảng 80% trong tổng số đột quỵ não do tắc động mạch cấp máu và oxy cho não, làm chết tế bào não. Tỷ lệ tử vong cao, di chứng tàn tật đứng hàng đầu. Hiện nay, có 2 phương pháp can thiệp hiệu quả trong trường hợp này là tiêu sợi huyết dùng can thiệp trong tắc mạch máu nhỏ (phương pháp này hiện được triển khai thường quy tại bệnh viện) và hút huyết khối – can thiệp trong tắc mạch máu nhánh lớn, là kỹ thuật khó nhất hiện nay trong can thiệp mạch máu. Kỹ thuật được thực hiện bằng cách đưa các dụng cụ can thiệp từ động mạch đùi lên động mạch não nơi có huyết khối làm tắc và hút huyết khối ra khỏi động mạch. Tuy nhiên, thời gian lý tưởng nhất để triển khai được các kỹ thuật này (còn được gọi là “giờ vàng” của người bệnh) là từ 4-5 tiếng tính từ khi phát hiện có các dấu hiệu đột quỵ đầu tiên. Mỗi 1 phút trôi qua, là có 2 triệu tế bào não bị chết, do vậy, người bệnh được can thiệp càng sớm thì khả năng phục hồi càng tốt, gần như phục hồi hoàn toàn.
Trung bình mỗi tháng Khoa Thần kinh của bệnh viện Việt- Tiệp tiếp nhận khoảng 130 ca bệnh nhồi máu não. Trước đây, những ca tắc mạch máu não nhánh lớn đều phải chuyển lên tuyến trên điều trị, khiến người bệnh mất đi “thời gian vàng” để can thiệp kỹ thuật kịp thời, bị ảnh hưởng nặng hơn do quá trình di chuyển xa. Từ cuối năm 2017, khoa cử hai nhóm bác sĩ đi học kỹ thuật can thiệp nội mạch trong nhồi máu não cấp tính tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Nhân dân 115. Sau hơn 4 tháng đi học, từ tháng 5-2018, các bác sĩ làm chủ kỹ thuật mới này. Ngay trong tuần đầu triển khai kỹ thuật mới này, Bệnh viện Việt- Tiệp thực hiện thành công liên tiếp 4 ca can thiệp mạch não lấy huyết khối. Tuy nhiên thời gian phục hồi của mỗi người bệnh khác nhau, phụ thuộc vào “thời gian vàng” khi được đưa vào can thiệp. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện người thân có các dấu hiệu đột quỵ (méo miệng, tê tay chân, yếu tay chân, đột ngột mất ý thức…, gia đình nên đưa ngay đến bệnh viện. Đột quỵ phải được xử trí tức thời, người thân phải quyết đoán trong thời khắc sinh tử, không nên trì hoãn đưa đi cấp cứu vì sẽ làm mất “thời gian vàng”. Đặc biệt, không tự ý sử dụng các loại thuốc đông y để điều trị sẽ khiến bệnh nặng hơn.
Kim Oanh – Báo Hải Phòng 17/6/2018
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 101/QĐ-TTg chủ trương đầu…
Chiều 14/1, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Chiều 14/1, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị đánh giá kết…
Chiều 14/1, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị tổng kết…
Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, ngày 14/11, đồng chí Đỗ Mạnh…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 86/QĐ-TTg ngày 14/1/2025 chủ trương…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More