Print Thứ Bảy, 26/01/2019 17:53

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015 quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, đến nay, Hải Phòng có 5 bệnh viện công chuyển sang hoạt động theo mô hình tự chủ tài chính. Tự chủ tài chính mang đến nhiều lợi ích thiết thực không chỉ đối với người bệnh, mà còn tạo chuyển biến về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tinh thần thái độ phục vụ tại các bệnh viện công. Tuy nhiên, quá trình tự chủ đặt ra không ít thách thức, buộc ngành y tế triển khai nhiều giải pháp mang tính bền vững, căn cơ…  

 

Bệnh viện và người dân cùng hưởng lợi

 

Tạm biệt những tháng ngày đằng đẵng lặn lội lên thủ đô điều trị căn bệnh ung thư vòm họng tại Bệnh viện K, ông Trần Văn Thực (ở xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng) giờ đây có thể điều trị ngay tại Hải Phòng. Từ khi Bệnh viện Việt- Tiệp đầu tư máy xạ trị gia tốc đặt tại Trung tâm Ung bướu, ông Thực là một trong hàng trăm người bệnh được hưởng lợi khi tiết kiệm chi phí điều trị, chi phí đi lại, ăn ở khi không phải chuyển lên tuyến trên. Máy xạ trị gia tốc là một trong những thiết bị kỹ thuật hiện đại được Bệnh viện hữu nghị Việt- Tiệp đầu tư khi thực hiện tự chủ tài chính từ tháng 1-2017.

 

Giám đốc Bệnh viện Việt- Tiệp Nguyễn Văn Tập cho biết, sau 1,5 năm, bệnh viện chủ động đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh, như vay gần 100 tỷ mua máy xạ trị gia tốc; vay 96 tỷ đồng đấu thầu mua thiết bị MRI 3.0 tesla, CT 768 lát, 20 tỷ đồng mua các máy thở, nội soi… Nhờ đó, bệnh viện làm chủ các kỹ thuật mới, tiên tiến, hiện đại, kỹ thuật cao, chuyên sâu như can thiệp mạch não, phẫu thuật cắt u gan, đốt u gan bằng vi sóng… trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Với việc điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh, nhất là tính lương vào giá làm thay đổi nhận thức, tư duy của cán bộ y tế. Tinh thần, thái độ làm việc và phục vụ người bệnh của cán bộ y tế được nâng cao, tỷ lệ hài lòng của người bệnh tăng từ 70% năm 2017 lên 95% năm 2018. Chất lượng khám, chữa bệnh từng bước nâng lên, hầu hết chỉ tiêu khám, chữa bệnh đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra từ 107% – 166%.

 

Thực hiện tự chủ tài chính nhằm giúp các bệnh viện công nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Trong ảnh: Khu vực đón tiếp người bệnh tại Bệnh viện trẻ em Hải Phòng. Ảnh: Đỗ Hiền

 

Giám đốc Sở Y tế Phạm Thu Xanh cho biết, Bệnh viện Việt – Tiệp là đơn vị đi đầu cả nước thực hiện tự chủ tài chính nhóm 1. Cùng với đó, 4 bệnh viện tự chủ nhóm 2 gồm Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, Bệnh viện Mắt Hải Phòng và Bệnh viện Kiến An. Trong năm 2018, các bệnh viện còn lại giảm cấp ngân sách nhà nước chi thường xuyên từ 10-85% do đưa yếu tố tiền lương vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

 

Các bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính bước đầu có nhiều cố gắng trong việc sắp xếp tổ chức lại bộ máy, nhân sự theo hướng tinh giản, hiệu quả. Năm 2017, toàn thành phố tinh giản hơn 4.000 biên chế, riêng 5 bệnh viện tự chủ tài chính tinh giản hơn 3.600 biên chế. Hầu hết bệnh viện đều có nhiều thay đổi cơ bản về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Đặc biệt, các bệnh viện có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh như tăng số bàn khám, điều tiết tăng nhân lực phòng khám vào giờ cao điểm, tăng cường điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày; cải tiến khu vực đón tiếp, có bộ phận và nhân viên hướng dẫn người bệnh và người nhà làm các thủ tục khám, chữa bệnh. Tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ người bệnh hài lòng khi khám, chữa bệnh ngày càng tăng.

 

 

Không ít thách thức

 

Phó giám đốc Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng Phạm Văn Dương chia sẻ, từ khi thực hiện cơ chế tự chủ, tự hạch toán thu, chi bảo đảm có tích lũy, bệnh viện không khác doanh nghiệp, tự thu, tự chi và tự cân đối. Không bệnh viện nào mong muốn nguồn thu bị giảm sút trong khi các khoản bệnh viện phải chi hằng tháng luôn cố định, ít biến động như tiền lương và các chế độ, tiền điện, tiền nước, dịch vụ bảo vệ, dịch vụ vệ sinh công nghiệp…

 

Thông tư 15 thay thế Thông tư 37 từ ngày 15-7-2018 ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu của bệnh viện cũng như quá trình tự chủ nhóm 2. Trong khi chế độ tiền lương tối thiểu của nhà nước đang áp dụng 1.390.000 đồng thì Thông tư 15 chỉ tính cơ cấu giá tiền lương ở mức 1.150.000 đồng. Giá dịch vụ Thông tư 15 chưa bao gồm giá khấu hao nhà cửa, trang thiết bị, chi phí đào tạo, chi phí nghiên cứu khoa học. Mặt khác, giá viện phí theo Thông tư 15 giảm nhiều dịch vụ y tế. Hằng tháng, bệnh viện giảm thu hơn 400 triệu và chi tiền lương do mức lương tối thiểu tăng hơn 300 triệu. Hằng năm, bệnh viện phải bù thêm gần 9 tỷ đồng, ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động bệnh viện, đời sống cán bộ, nhân viên.

 

Cùng chung quan điểm, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng Vũ Văn Tâm cho biết, bệnh viện thực hiện tự chủ nhóm 2 trong điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, không gian khám bệnh bị thu hẹp trong khi phải cạnh tranh với các bệnh viện tư. Hiện nay, bệnh viện phải bù 23 tỷ đồng mỗi năm để trả lương cán bộ, nhân viên thay vì được ngân sách thành phố cấp như trước. Cùng với đó, là gánh nặng tài chính trong sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng xuống cấp, đầu tư trang thiết bị phục vụ phát triển khoa học kỹ thuật, nâng cao đời sống cán bộ, nhân viên. Một bộ phận cán bộ, nhân viên chán nản, sẵn sàng rời bỏ công việc để chuyển chỗ làm tốt hơn.

 

Tọa đàm trực tuyến do Báo Hải Phòng và Sở Y tế phối hợp tổ chức với chủ đề “Tự chủ tài chính tại các bệnh viện công để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”.  Ảnh: Minh Hằng

 

Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính là cần thiết, song với những bệnh viện khó khăn về nguồn thu, số lượng người bệnh ít, chưa thể tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên, nhất là những bệnh viện thuộc lĩnh vực chuyên khoa đặc thù rất cần cơ chế hỗ trợ để bảo đảm chính sách an sinh xã hội.

 

Từng bước tháo gỡ khó khăn

 

Tọa đàm trực tuyến do Báo Hải Phòng và Sở Y tế phối hợp tổ chức với chủ đề “Tự chủ tài chính tại các bệnh viện công để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” thu hút sự quan tâm rất lớn từ người dân và các cơ sở y tế tại thành phố. Tọa đàm phát trực tuyến trên website www.baohaiphong.com.vn và kênh youtube, trang fanpage của Báo Hải Phòng tiếp nhận gần 700 lượt truy cập và nhiều ý kiến phản hồi tích cực. Bạn đọc Lê Bích Diệp cho biết “Lâu lắm mới thấy tọa đàm nhiều thông tin ý nghĩa đến thế”, còn bạn đọc Nguyễn Thái Quốc chia sẻ: “Chương trình quá ý nghĩa, các giám đốc bệnh viện chia sẻ rất thẳng thắn”.

 

Có thể thấy, tự chủ tài chính bệnh viện công đang là vấn đề “nóng”, cần được thông tin rộng rãi, chính xác để bạn đọc, người bệnh, gia đình người bệnh hiểu đúng, hiểu rõ và chia sẻ với ngành y tế nói chung, các bệnh viện nói riêng về quá trình thực hiện tự chủ tài chính của bệnh viện, giúp bệnh viện đổi mới, nâng cao chất lượng, người bệnh được hưởng lợi khi khám, chữa bệnh. Nhà báo Lê Trọng Nghĩa, Tổng biên tập Báo Hải Phòng nhấn mạnh công tác tuyên truyền tác động rất lớn tới chất lượng thực hiện tự chủ tài chính tại các bệnh viện công. Coi đây là một trong những giải pháp giúp nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong dư luận nhân dân, cán bộ, nhân viên ngành y tế cũng như giúp các chính sách, trong đó có Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa 12) về “tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” đi vào cuộc sống.

 

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến tâm huyết của lãnh đạo các bệnh viện tự chủ tạo tiền đề để ngành y tế triển khai đồng bộ nhiều giải pháp căn cơ trong việc mở rộng tự chủ tài chính tất cả cơ sở y tế công lập đến năm 2020, nhất là các bệnh viện tuyến quận, huyện. Giám đốc Sở Y tế Phạm Thu Xanh cho biết, Sở tiếp tục thực hiện các dự án bệnh viện vệ tinh, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Bệnh viện tuyến thành phố phải cử cán bộ xuống bệnh viện quận/huyện, trạm y tế xã định kỳ 1-2 ngày/tuần để khám, chữa bệnh, đào tạo, giúp tuyến dưới nâng cao trình độ, tạo sự tin tưởng của người dân đối với y tế cơ sở. Đồng thời, Sở chỉ đạo, tổ chức bố trí nhân sự, dành đủ từ 3-5% số thu tiền ngày giường, tiền khám bệnh và ưu tiên Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp theo quy định để sửa chữa, cải tạo, mở rộng khoa khám bệnh, mua sắm, bổ sung bàn khám, các bộ dụng cụ khám bệnh, tăng cường và hợp đồng thêm hoặc điều chỉnh nhân lực để tăng số bàn khám, phòng khám không để người bệnh chờ lâu…

 

Để bảo đảm quyền lợi của người bệnh cũng như hài hòa lợi ích của bệnh viện, Sở Y tế thường xuyên kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi trục lợi BHYT, tận thu người bệnh để tăng nguồn thu…


Nguyên Nguyên – Báo Hải Phòng 22/09/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Bệnh viện công tự chủ tài chính nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác