Print Thứ Năm, 15/08/2019 16:38

Dengue: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh

Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây dịch và đã trở thành một bệnh dịch lưu hành địa phương ở Việt Nam. Bệnh SXHD do vi rút Dengue gây nên với các triệu chứng đặc trưng là sốt và xuất huyết.

Vi rút Dengue có 4 tuýp huyết thanh là Dengue I, II, III và IV, và 1 người có thể bị nhiễm VR tới 4 lần trong đời. Bệnh SXHD có tình trạng người lành mang vi rút. Bệnh lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua muỗi Aedes (muỗi vằn). Thời kỳ ủ bệnh từ 3-14 ngày, trung bình là 5-7 ngày. Bệnh nhân chính là nguồn lây bệnh, đặc biệt trong thời kỳ có sốt, nhất là 5 ngày đầu của sốt. Muỗi bị nhiễm vi rút có thể truyền bệnh suốt đời của nó.

Tại Hải Phòng, số ca mắc SXHD trong 7 tháng đầu năm 2019 tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến ngày 6/8/2019, toàn thành phố ghi nhận 347 ca mắc tại 14/15 quận, huyện (Bạch Long Vỹ không ghi nhận ca mắc), trong đó có 253 ca dương tính (bằng xét nghiệm Mac-Elisa và NS1), không có trường hợp  tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, số mắc tăng 12,8 lần và tăng hơn nhiều so với ngưỡng cảnh báo (của 5 năm: 2013 – 2016 và năm 2018).

Biểu đồ số ca mắc SXHD tại Hải Phòng (theo quận, huyện) năm 2019  (tính đến ngày 6/8)
Biểu đồ số ca mắc SXHD tại Hải Phòng (theo quận, huyện) năm 2019  (tính đến ngày 6/8)

Những dấu hiệu cơ bản nhất của bệnh sốt xuất huyết

Khi bị sốt xuất huyết, ở thể nhẹ người bệnh sẽ có các biểu hiện như sốt, sốt cao liên tục từ 2-7 ngày; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.

Ở thể Sốt xuất huyết trung bình, ngoài các triệu chứng trên, người bệnh có xuất huyết: chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam; da xung huyết, phát ban.

Ở thể bệnh nặng, sẽ xuất hiện các triệu chứng: Vật vã hoặc lừ đừ, li bì, chân tay lạnh, da lạnh ẩm; Đau tại vùng gan, hoặc ấn đau vùng gan; gan to; nôn nhiều; đi tiểu ít; chảy máu niêm mạc, chảy máu nặng: chảy máu cam nặng, rong kinh, nôn ra máu, đi ngoài ra máu hoặc đi ngoài phân đen, đi tiểu ra máu… Rối loạn tri giác, sốc, tử vong.

Để điều trị SXH, người bệnh cần uống nhiều nước: oresol, nước trái cây, nước chín… Nếu sốt cao ≥ 39 độ C, người bệnh cần uống thuốc hạ sốt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm. Khi có dấu hiệu bệnh nặng, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế.

Cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết

Trước tình hình sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng, Ngành Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết như sau:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Khai thông cống rãnh, phát quang bụi rậm để hạn chế sự sinh sôi và phát triển của muỗi.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn.

3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với Ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

V.H.N

Nguồn. haiphong.gov.vn

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Bệnh sốt xuất huyết Dengue: Dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác