Đến nay, tổng số nợ BHXH rất khó đòi, thậm chí không có khả năng thu hồi, đã lên đến 6.654 tỉ đồng
Hải Phòng hiện là địa phương có số nợ BHXH cao nhất nước, với hơn 1.000 tỉ đồng. Trong số này, các doanh nghiệp (DN) thuộc Vinashin nợ 272 tỉ đồng, các đơn vị phá sản, giải thể còn nợ 128 tỉ đồng.
Nợ nhiều, đòi được chẳng bao nhiêu
Lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết để bảo đảm quyền lợi của người lao động, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các tỉnh, TP thanh tra đột xuất tất cả đơn vị nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên. Nếu ban hành kết luận thanh tra mà đơn vị không thực hiện thì chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan công an điều tra, xử lý.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, việc xử lý nợ được thực hiện từng bước, tổ chức gặp gỡ, đối thoại và thông báo cho DN về lộ trình xử lý. Khi đã thanh tra, kiểm tra nhiều lần mà các DN vẫn cố tình chây ì, đặc biệt là với các DN làm ăn có lợi nhuận, bước cuối cùng sẽ là đề nghị khởi tố hình sự.
Công nhân Công ty TNHH Bumjin Vina (KCN Vĩnh Lộc; quận Bình Tân, TP HCM) đòi quyền lợi vì bị chiếm dụng tiền BHXH Ảnh: CAO HƯỜNG
Ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng Ban Thu – BHXH Việt Nam, nhìn nhận đã có nhiều DN tự giác trả nợ ngay khi bị thanh tra, nhắc nhở. Đơn cử, khi cơ quan BHXH thanh tra 4 DN nợ BHXH ở Ninh Bình, 3 DN ngay khi nhận quyết định thanh tra đã nộp số tiền nợ. Còn một DN khó khăn cũng đã xây dựng lộ trình đóng số tiền nợ BHXH.
Tại TP HCM, Công ty TNHH Nam Phương là DN đầu tiên bị BHXH đề nghị cơ quan công an xử lý hình sự vì trốn đóng BHXH, BHYT lên đến 29 tỉ đồng. Trước đó, giám đốc người Hàn Quốc đã xin khất nợ nhưng cơ quan BHXH không đồng ý.
Hình sự hóa vi phạm BHXH
Với Bộ Luật Hình sự năm 2015, lần đầu tiên, pháp luật Việt Nam quy định xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) – tạo cơ sở pháp lý xử lý nghiêm khắc hơn đối với các hành vi này.
Dù vậy, đến nay, những quy định này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cũng như chưa có văn bản hướng dẫn về hồ sơ, trình tự thực hiện chuyển hồ sơ vi phạm có dấu hiệu tội phạm về BHXH, BHYT sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định.
Đến nay, đã có 15 BHXH tỉnh, TP chuyển sang cơ quan điều tra đề nghị xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN với tổng số 43 hồ sơ. Điển hình, đầu năm 2018, BHXH TP HCM đã chuyển hồ sơ Công ty TNHH Nam Phương (huyện Củ Chi) nợ BHXH sang cơ quan công an đề nghị điều tra, xử lý theo luật hình sự. Tuy nhiên, đã gần 1 năm trôi qua, vụ việc vẫn không tiến triển. Do đó, BHXH TP tạm ngừng việc chuyển hồ sơ DN vi phạm cho cơ quan công an.
Một lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết cơ quan này đã đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sớm ban hành nghị quyết hướng dẫn chi tiết áp dụng một số quy định của Bộ Luật Hình sự về các tội phạm liên quan đến bảo hiểm như: dấu hiệu phạm tội trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; quy định về hồ sơ, tài liệu cần thiết phục vụ công tác điều tra tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; quy trình chuyển giao hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan công an; việc xử lý pháp nhân thương mại phạm tội trốn đóng bảo hiểm…
Tuy nhiên, BHXH Việt Nam cho rằng việc xử lý hình sự chỉ là biện pháp cuối cùng nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động. “Trước khi gửi hồ sơ sang cơ quan công an, thông qua quá trình thanh tra chuyên ngành và thanh tra liên ngành, nhiều đơn vị nợ đọng BHXH cũng đã khắc phục được phần nào số nợ. Do đó, hy vọng các DN thực hiện tốt nghĩa vụ của mình đối với người lao động để tránh bị xử lý hình sự” – ông Đào Việt Ánh bày tỏ.
Khởi tố để răn đe
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết Tổ chức Công đoàn đã khởi kiện nhiều DN nợ BHXH chưa được xử lý hình sự. Trong quá trình thực hiện, về mặt chi tiết còn nhiều vướng mắc do liên quan đến sự đồng bộ giữa các quy định của pháp luật: Luật BHXH, Bộ Luật Lao động, Bộ Luật Tố tụng dân sự. Theo ông Hiểu, những DN có đủ điều kiện nhưng vẫn chậm đóng, chây ì nợ BHXH thì cần phải xử lý hình sự.
Trong năm 2019, Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo, xem xét, khởi tố một số vụ án về nợ BHXH, BHYT, BHTN để tạo sức răn đe, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
V.Duẩn
NHÓM PHÓNG VIÊN