Print Thứ Năm, 09/05/2019 14:29

Trong suốt 3 năm qua (từ năm 2016 đến 2018), nhà thầu nước ngoài là tập đoàn Ericsson AB liên tục trúng hàng loạt các gói thầu rất lớn của Tổng Công ty Hạ tầng mạng (VNPT Net – thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) bằng hình thức chỉ định thầu quốc tế.

Hàng loạt câu hỏi đặt ra, liệu có khuất tất gì trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu với việc nhà thầu “ngoại” Ericsson AB trúng hàng loạt của VNPT Net thông qua hình thức chỉ định thầu quốc tế với tư cách nhà thầu độc lập hoặc thành viên liên danh, trong khi những gói thầu này đều vượt hạn mức để chỉ định thầu và đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước hoặc quốc tế.

 Ericsson AB trúng hàng loạt của VNPT Net thông qua hình thức chỉ định thầu quốc tế

Ericsson AB trúng hàng loạt các gói thầu vượt hạn mức chỉ định thầu

Điển hình, năm 2016, VNPT Net tổ chức hình thức chỉ định thầu cho gói thầu “Thiết kế và cung cấp thiết bị hệ thống vô tuyến thuộc dự án phát triển mạng vô tuyến khu vực TP Hồ Chí Minh mạng Vinaphone 2016-2017”. Nhà thầu trúng thầu: Liên danh Ericsson AB và Công ty CP tư vấn chuyển giao công nghệ ITC (chỉ định thầu). Giá trúng: 88.567.054.000 VNĐ và 11.102.294,83 USD, được phê duyệt tại Quyết định 5294/QĐ-VNPTNet-KHĐT ngày 28/11/2016.

Tiếp đến năm 2017, gói thầu “Thiết kế và cung cấp thiết bị hệ thống vô tuyến thuộc dự án mở rộng TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận 2017”, liên danh Ericsson AB, Ericsson Việt Nam company limited và VTC Telecom được chỉ định thầu. Giá trúng: 143.312.281.842 VNĐ và 27.940.185,1 USD, tại Văn bản QĐ số1011/QĐ-VNPTNet-KHĐT-PTM ngày 15/6/2017.

Một gói thầu khác là “Cung cấp thiết bị hệ thống vô tuyến thuộc dự án mua thiết bị xoá điểm đen khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh” VNPT Net tổ chức đấu thầu trong năm 2017, liên doanh Ericsson AB, Ericsson Việt Nam company limited cũng được chỉ định thầu. Giá trúng: 360.316.000 VNĐ và 332.838,10 USD, tại Văn bản số 2077/ QĐ-VNPTNet-KHĐT-PTM ngày 21/11/2017.

Cũng trong năm 2017, tại dự án “Thiết kế và cung cấp thiết bị hệ thống vô tuyến thuộc dự án mở rộng mạng Vinaphone 4 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long năm 2017”, áp dụng loại hình mua sắm trực tiếp, Ericsson AB cũng nằm trong danh sách lựa chọn cùng với liên danh Ericsson Việt Nam company limited và VTC telecom. Giá trúng thầu: 21.820.107.108 VNĐ và 4.475.124,10 USD, theo Quyết định phê duyệt 1431/QĐ-VNPTNet-KHĐT-PTM ngày 4/8/2017.

Vào năm 2018, sơ qua 3 gói thầu theo hình thức chỉ định thầu quốc tế, Ericsson AB đều được VNPT Net trao hợp đồng cung cấp hàng hoá. Trong đó 1 gói thầu thiết kế và cung cấp thiết bị hệ thống vô tuyến thuộc dự án mở rộng mạng vô tuyến khu vực TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Nam bộ và Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hoà mạng Vinaphone 2018”. Tại Văn bản: số 675/QĐ- VNPTNet-KHĐT -PTM ngày 29/3/2018 ghi rõ: Nhà thầu trúng: liên doanh Ericsson AB, Ericsson Việt Nam company limited và VTC telecom (chỉ định thầu). Giá trúng: 158.688.575.808 VNĐ và 22.426.475,36 USD.

2 gói còn lại Ericsson AB được chỉ định cùng với liên danh công ty Ericsson Việt Nam. Đó là Gói “Thiết kế và cung cấp thiết bị hệ thống vô tuyến thuộc dự án trang bị thiết bị vô tuyến phục vụ phát triển nóng khu vực TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Nam bộ và Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hoà mạng Vinaphone 2018” phê duyệt tại Văn bản: số 2464/ QĐ-VNPTNet-KHĐT -PTM ngày 22/11/2018. Giá trúng: 458.478.400 VNĐ và 917.744 USD; và Gói “Cung cấp thiết bị hệ thống vô tuyến thuộc dự án trang bị thiết bị vô tuyến phục vụ phát triển nóng các tỉnh Nam Bộ và Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng mạng Vinaphone 2018, phê duyệt tại Văn bản: số 2581/ QĐ- VNPTNet-KHĐT-PTM ngày 11/12/2018. Giá trúng: 1.241.280.000 VNĐ và 2.532.806 USD.

Ngay cả với những gói thầu mua sắm vật tư bổ sung, dự phòng (nằm trong dự toán mua sắm vật dự phòng cho hệ thống vô tuyến VNPTN Net sử dụng thiết bị Ericsson) năm 2017 và 2018 cũng được VNPT Net chỉ định Ericsson AB là nhà cung cấp thông qua hình thức chỉ định thầu quốc tế. Tại hai gói thầu này, nhà thầu Ericsson AB trúng thầu với mức giá trúng thầu lần lượt 259.816,68 USD và 521.031,26 USD (căn cứ theo quyết định Quyết định số 1147/QĐ-VNPTnet-KHĐT-ngày 08/05/2018 của Tổng giám đốc Tổng công ty Hạ tầng mạng phê duyệt và Quyết định số 489/QĐ-KTM-KHKT-NMC ngày 02/11/2018 của Giám đốc Ban Khai thác mạng phê duyệt).

Như vậy, chỉ tính trong 3 năm từ 2016 đến 2018, Ericsson AB liên tục trúng nhiều gói thầu quan trọng của VNPT Net theo hình thức chỉ định thầu quốc tế và 01 gói thầu mua sắm trực tiếp với tổng giá trị lên tới 414.448.028.000 VNĐ (trên 414 tỷ đồng) và 70.508.313,60 USD.

Trong khi đó, tại Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu, gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 22 của Luật Đấu thầu bao gồm: Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; Không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công; Không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.

Câu hỏi đặt ra có sự ưu ái cho nhà thầu nước ngoài này hay không. Tại sao đa phần các dự án mua sắm hàng hoá có quy mô đầu tư rất lớn, không nằm trong hạn mức được chỉ định thầu lại được chủ đầu tư VNPT Net áp dụng hình thức lựa chọn đặc biệt này mà không tổ chức đấu thầu rộng rãi?

 Ảnh minh họa

Ericsson AB không đủ tư cách hợp lệ vẫn được tham gia đấu thầu?

Theo Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 4/4/2017 Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước. Trường hợp hàng hóa thông dụng, đã được nhập khẩu và chào bán tại Việt Nam thì không được tổ chức đấu thầu quốc tế. Nghiêm cấm việc phân chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành nhằm mục đích hạn chế sự tham gia của các nhà thầu trong nước.

Theo điểm h khoản 1, Điều 5, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH43 quy định, nhà thầu, nhà đầu tư là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện: Nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu trong nước đối với nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu quốc tế tại Việt Nam trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ phần công việc của gói thầu.

Tuy nhiên, tại gói thầu “Mua sắm vật tư dự phòng cho hệ thống vô tuyến VNPT Net sử dụng thiết bị Ericsson năm 2017”và gói “Mua sắm vật tư dự phòng cho hệ thống vô tuyến VNPT Net sử dụng thiết bị Ericsson năm 2018” do VNPT Net làm chủ đầu tư, Ericsson AB vẫn được phê duyệt trúng thầu mặc dù khi tham gia gói thầu này, Ericsson AB không liên danh với bất kỳ nhà thầu nào trong nước.

Trong khi đó, năm 2018, cũng với một dự án tương tự được VNPT Net tổ chức đấu thầu là gói thầu “Thiết kế kỹ thuật và cung cấp thiết bị hệ thống vô tuyến, thuộc dự án Mở rộng mạng vô tuyến khu vực 18 tỉnh Miền Bắc mạng Vinaphone năm 2018”, gói thầu này nhà thầu trong nước là Công ty Cổ phần Viễn thông Tin học Bưu điện trúng. Ngoài ra với nhiều gói thầu, nhiều nhà thầu trong nước cũng đảm nhiệm liên danh được. Cần nói thêm rằng, nhà thầu trong nước còn đáp ứng được gói thầu quy mô lớn và không chỉ đáp ứng cung cấp mà còn đảm nhiệm vai trò là nhà thầu thiết kế kỹ thuật. Vậy nhưng, không hiểu lý do gì mà VNPT Net vẫn phê duyệt choEricsson AB đứng độc lập thực hiện 02 gói thầu mua sắm vật tư dự phòng trên.

Vì VNPT Net nêu nhãn hiệu hàng hoá Ericsson trong hồ sơ yêu cầu?

Tại 02 gói thầu “Mua sắm vật tư dự phòng cho hệ thống vô tuyến VNPT Net sử dụng thiết bị Ericsson năm 2017”và gói “Mua sắm vật tư dự phòng cho hệ thống vô tuyến VNPT Net sử dụng thiết bị Ericsson năm 2018” trên, VNPT Net còn nêu thẳng tên nhãn hiệu, xuất xứ hàng hoá vào hồ sơ yêu cầu, vào tên gói thầu là “thiết bị Ericsson”.

Theo hướng dẫn tại Mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư số 11/2015/TT- BKHĐT quy định chi tiết việc lập hồ sơ yêu cầu đối với chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, trong yêu cầu về kỹ thuật không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây sự cạnh tranh không bình đẳng.

Trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hoá theo đặc tính kĩ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì được nêu nhãn hiệu, cattalô của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh hoạ cho yêu cầu về kĩ thuật của hàng hoá nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương”sau nhãn hiệu, catalô đồng thời phải quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hoá đó về đặc tính kĩ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn cộng nghệ và các nội dung khác (nếu có) để tạo thuận lợi cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị báo giá.

Với cách thức tổ chức đấu thầu quốc tế trong thời gian qua của VNPT Net và với cách nhà thầu Ericsson AB trúng thầu thì việc băn khoăn của dư luận cũng hoàn toàn dễ hiểu. Nhất là trong khi việc tham gia thực hiện các những gói thầu có quy mô lớn trên không phải có duy nhất nhà thầu “ngoại” Ericsson AB đáp ứng được mà trên thực tế đã có nhiều nhà thầu trong nước trúng thầu ngay cả khi VNPT Net tổ chức đấu thầu với các gói thầu tương tự về tính chất và quy mô đầu tư.

Nguồn. Kinh tế & Đô thị

Tiện ích thông tin
QR Code
QR CODE: Bất thường nhà thầu Ericsson AB trúng thầu tại các dự án của VNPT Net?
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác