Kinh tế

Bất động sản công nghiệp Hải Phòng: “Mỏ vàng” thu hút các nhà đầu tư

Theo đánh giá của Hiệp hội bất động sản (BĐS) Việt Nam, Hải Phòng có tiềm năng lớn để phát triển BĐS công nghiệp. Đây được coi là “mỏ vàng” thu hút các nhà đầu tư khai thác.

Tiềm năng lớn

Giám đốc thị trường, Công ty JLL Việt Nam Nguyễn Hồng Vân nhận định, Hải Phòng còn nhiều tiềm năng phát triển thị trường BĐS, nhất là BĐS khu công nghiệp. So với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực phía Bắc, Hải Phòng có nhiều lợi thế trong phát triển BĐS công nghiệp. Trong đó, diện tích đất trống để chào đón các nhà đầu tư của Hải Phòng lớn. Theo phân tích của JIL Việt Nam, hiện nay, tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê tại thị trường phía Bắc (gồm các thị trường: Hà Nội (không tính Khu công nghệ cao Hòa Lạc); Hải Phòng; Bắc Ninh; Hưng Yên và Hải Dương là 9.371 ha. Trong đó, nguồn cung tại các thị trường Hưng Yên, Hà Nội được lấp đầy đến từ 90% trở lên. Như vậy, chỉ còn Bắc Ninh, Hải Phòng đủ đất trống để chào đón các nhà đầu tư. Tuy thời gian gần đây, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp của thành phố đang tăng nhanh song thành phố cũng đã, đang triển khai quy hoạch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp mới. Cụ thể, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16, từ nay tới năm 2025, thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng mới 5 KCN với tổng diện tích hơn 6.400 ha tại 8 quận, huyện. Trong đó, huyện Tiên Lãng sẽ xây dựng 3 KCN diện tích lớn nhất, hơn 1.450 ha, huyện Vĩnh Bảo mở thêm 3 KCN, diện tích 900 ha. Trong số 15 KCN dự kiến đầu tư mới này, có 11 khu đang triển khai các bước theo trình tự đầu tư.

Với nhiều yếu tố thuận lợi, bất động sản công nghiệp Hải Phòng có nhiều tiềm năng phát triển. Trong ảnh: Khu công nghiệp Đình Vũ.

Theo các chuyên gia BĐS khác, thị trường BĐS Hải Phòng nói chung, BĐS công nghiệp Hải Phòng nói riêng có tiềm năng lớn, được cộng hưởng từ nhiều lợi thế. Đó là Hải Phòng có mạng lưới hệ thống giao thông đa dạng, là địa phương duy nhất miền Bắc hội tụ đủ 5 loại hình giao thông: đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và đường hàng không. Với vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng được đầu tư, Hải Phòng định hướng trở thành cửa ngõ chủ chốt cho hoạt động xuất nhập khẩu của khu vực phía Bắc. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như: chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ngày càng tăng, môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, chất lượng nguồn nhân lực không ngừng được nâng cao…cũng là điểm cộng để phát triển BĐS công nghiệp Hải Phòng. Cũng bởi các yếu tố trên, Cổng thông tin BĐS công nghiệp Việt Nam (IIP Việt Nam) đánh giá, BĐS Hải Phòng chắc chắn sẽ trở thành “mỏ vàng” thu hút các nhà đầu tư.

Đồng bộ cơ chế, nâng cao chất lượng hạ tầng

Theo các chuyên gia BĐS, tuy Hải Phòng có tiềm năng lớn nhưng để tạo sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư, cần đẩy mạnh tái cấu trúc các khu công nghiệp hiện hữu. Bên cạnh đó, cần phát triển các khu công nghiệp mới gắn với quy hoạch nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống công nhân, lao động. Đồng thời, phải tạo được sự liên kết và đồng bộ với các dự án thuộc ngành, nghề khác liên quan, để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các khu công nghiệp các cơ quan quản lý trên địa bàn thành phố cần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ trong lĩnh vực này.

Theo đại diện Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Sao Đỏ, chủ đầu tư KCN Nam Đình Vũ 1, để thu hút các nhà đầu tư vào KCN, quan trọng nhất là hạ tầng và chất lượng hạ tầng có đáp ứng được mong muốn của nhà đầu tư hay không. Thực tế hiện nay nhiều KCN đi vào hoạt động, nhưng có đất sạch để bàn giao được hay không lại rất ít. Nhiều vùng phát triển nhưng hiện nay không có đất bàn giao. Có những khu vực được quy hoạch diện tích lớn, nhưng chỉ giải phóng được giai đoạn đầu, còn giai đoạn sau có quy hoạch nhưng lại không có đất. Chính bởi vậy, cần có yếu tố vĩ mô như chính sách của Chính phủ, thành phố trong thu hút đầu tư (cải cách thủ tục hành chính, kết nối giao thông của vùng…).

Còn theo ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, để đầu tư 1 dự án BĐS mất ít nhất 2 năm. Đơn cử, một dự án BĐS trên 10 ha phải qua trình tự thẩm định từ cấp huyện, sau đó lên cấp tỉnh, thành phố (các sở, ban ngành tham vấn) rồi trình Thủ tướng phê duyệt. Ở mỗi nơi cũng mất vài tháng. Đấy mới là thời gian nếu các thủ tục hành chính thuần túy “thông đồng bén giọt”, còn không lại phải làm lại từ đầu. Do đó, doanh nghiệp mong có sự vào cuộc tích cực của các cấp lãnh đạo chính quyền thành phố để đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan.

BÀI: NGUYÊN HÀ – ẢNH: DUY THÍNH

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Giá vàng có thể tăng hơn nữa trong năm 2025

Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng và…

12/01/2025

Dự kiến bộ máy Chính phủ có 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ, không còn cấp tổng cục

Sau khi sắp xếp bộ máy bên trong các bộ ngành sẽ giảm 13/13 tổng…

11/01/2025

Bổ sung phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ

Bộ trưởng Nội vụ vừa có báo cáo bổ sung, trong đó thành lập Bộ…

11/01/2025

Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng: Khẳng định vị thế tiên phong trong đổi mới và ứng dụng công nghệ y tế

Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…

10/01/2025

Chương trình hành động của Chính phủ xây dựng, phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…

10/01/2025

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More