Vụ tai nạn giao thông xảy ra sáng 20-9-2018 khiến 2 người tử vong là vụ tai nạn thứ 11 từ đầu năm 2018 đến nay làm 4 người chết trên tuyến quốc lộ 5 kéo dài tại Đình Vũ (chồng lấn với đường 356). Điều đáng nói là 100% số vụ tai nạn dẫn đến chết người trên tuyến đều liên quan đến ô tô và xe mô tô. Trong các nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn có bất cập về hạ tầng và tổ chức giao thông.
Vạch kẻ phân làn đường không hợp lý
Đoạn quốc lộ (QL) 5 kéo dài từ ngã ba Đình Vũ-Nguyễn Bỉnh Khiêm đến điểm giao nhau với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng trước đây là đường tỉnh 356 đoạn 2A. Năm 2014, sau khi hoàn thành cải tạo, đoạn tuyến này được nâng cấp thành QL 5 kéo dài, Sở Giao thông-Vận tải bàn giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý. Tổng cục Đường bộ Việt Nam ủy thác Tổng công ty phát triển hạ tầng. Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) quản lý, bảo trì. Là đoạn đường chồng lấn với đường tỉnh 356. Vidifi quản lý lòng đường, bao gồm cải tạo, duy tu, đặt biển báo, sơn vạch kẻ đường…, trong khi thành phố Hải Phòng quản lý về cây xanh, hạ tầng trên vỉa hè.
Xe container đỗ vào làn xe máy, xe thô sơ trên tuyến quốc lộ 5 kéo dài tại Đình Vũ.
Khi tiếp nhận, Vidifi triển khai lắp đặt biển báo và vạch kẻ đường như tuyến QL5 qua nội thành Hải Phòng. Mỗi chiều tuyến QL5 kéo dài tại Đình Vũ được tổ chức giao thông thành 3 làn đường dành cho xe ô tô, 1 làn đường dành cho xe thô sơ và xe mô tô, được kẻ bằng vạch sơn, trên cột cần vươn lắp biển hiệu lệnh đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Như vậy, đoạn đường này có tới 8 làn đường, thậm chí có đoạn 10 làn đường (từ ngã tư K9 đến ngã ba giao với đường cao tốc có 4 làn xe ô tô, 1 làn xe mô tô và xe thô sơ). Những tưởng nhiều làn đường được xác định bằng vạch sơn, tình hình tai nạn giao thông sẽ giảm bớt trên tuyến, nhưng không! Việc kẻ vạch phân chia làn đường thiếu tính toán và không phù hợp đang là nguy cơ dẫn đến các vụ tai nạn giao thông (TNGT) tại đây.
Trung tá Lê Anh Sơn, Đội trưởng Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT đường bộ, đường sắt-Công an thành phố) cho biết, đoạn đường này xuất hiện bất cập ngay từ khi đơn vị quản lý tiến hành kẻ vạch phân làn. Đường có rất nhiều xe container hoạt động, nên được dành tới 3 làn đường cho xe ô tô. Thế nhưng, làn dành cho xe mô tô và xe thô sơ lại quá nhỏ, có khu vực rộng chỉ khoảng dưới 2 m, có nơi chỉ còn khoảng 1 m. Vào giờ cao điểm, xe mô tô tràn cả ra làn đường dành cho xe ô tô. Vụ tai nạn sáng 20-9 khi xe mô tô đi trên làn đường dành cho xe ô tô. Trung tá Sơn cho biết thêm, hầu hết các vụ TNGT liên quan đến xe mô tô đều xảy ra khi lưu thông lấn vào làn đường dành cho xe ô tô, chỉ vì làn đường dành cho xe mô tô, xe thô sơ quá nhỏ.
Theo các thành viên của CLB An toàn-văn hóa giao thông Hải Phòng, vạch kẻ phân làn đường xe mô tô và xe thô sơ tại Đình Vũ là vạch phân làn đường giữa xe thô sơ và xe cơ giới (vạch được phép đè). Ngoài ra, tình trạng xe ô tô đi vào làn dành cho xe mô tô và xe thô sơ khá nhiều. Thậm chí lái xe ô tô còn sử dụng làn đường này làm nơi đỗ xe để sửa chữa, người tham gia giao thông bằng xe mô tô buộc phải lấn ra làn đường dành cho xe ô tô, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
Biển hiệu lệnh không đồng nhất và sai quy chuẩn
Trên tuyến đường, đơn vị quản lý ngoài việc đặt một số biển cấm dừng, đỗ xe, hệ thống biển hiệu lệnh được đặt trên cột cần vươn. Thế nhưng, việc đặt biển lại không theo làn đường và sai so với Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ năm 2016 (QC41). Cụ thể, trên toàn tuyến, biển hiệu lệnh được vẽ theo hình biển R.403, nhưng không giống với hình trong QC 41, vì thế những hình vẽ này được dân mạng và lái xe gọi đùa là…đĩa bay. Không những sai về hình vẽ, đơn vị lắp biển còn “sáng tạo” viết thêm chữ vào biển với mục đích thông báo cho người tham gia giao thông biết về ý nghĩa phân làn. Thế nhưng mục đích đó lại vi phạm quy định biển báo hiệu đường bộ theo QC 41. Đã sai lại sai them
Quy cách biển đã không đúng, cách đặt biển phân làn cũng không phù hợp. Anh Nguyễn Văn Ngọc, thành viên sáng lập CLB An toàn-văn hóa giao thông Hải Phòng nhận xét, biển hiệu lệnh phân làn trên đoạn đường này lẽ ra nên đặt theo các mẫu hình biển R.412 (làn đường dành riêng), thì lại đặt biển R.403 (đường dành cho xe ô tô), dẫn đến làm khó các đơn vị kiểm soát giao thông. Khi xe mô tô lấn làn, với hệ thống biển báo sai quy chuẩn và vạch kẻ đường không phù hợp, rất khó để xử lý. Cũng theo anh Ngọc, đây là đường đôi, theo Thông tư 91/2015 của Bộ Giao thông-Vận tải, trong khu đông dân cư, đường này được chạy tối đa 60 km/giờ. Đây là điều đặc biệt nguy hiểm khi xe container phóng nhanh trên tuyến đường này. Cần đặt biển tốc độ tối đa 50 km/giờ để bảo đảm an toàn hơn.
Thượng tá Trần Thanh Hải, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt cho biết, lực lượng CSGT và Sở Giao thông-Vận tải đã kiến nghị đến cơ quan quản lý tuyến đường rất nhiều lần, nhưng biển báo và vạch kẻ đường vẫn chưa được sửa chữa, thay thế. Đặc biệt, cần mở rộng làn đường dành cho xe mô tô và xe thô sơ qua lại thuận lợi, an toàn hơn. Với làn đường nhỏ hẹp, lại tham gia giao thông cùng với xe container, nguy hiểm luôn rình rập người điều khiển xe mô tô, xe thô sơ. Đơn vị quản lý phải nhanh chóng thay đổi biển báo, vạch kẻ đường vì sự an toàn của người dân thành phố cũng như góp phần thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, cảng biển tại Đình Vũ.
Ngay trong sáng 20-9, lãnh đạo Sở Giao thông-Vận tải chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố khẩn trương kiểm tra, rà soát biển báo, vạch kẻ đường trên toàn tuyến, đốc thúc đơn vị quản lý tuyến đường tổ chức giao thông để bảo đảm an toàn hơn.
Mai Lâm – Báo Hải Phòng 21/09/2018