Trong bài viết này, người viết chưa có điều kiện thống kê số liệu về sự tồn tại các xưởng gia công lậu trên địa bàn, vì thực ra đã là “chui” là “lậu” thì số liệu cũng khó mà chính xác. Điều đáng lưu ý, mô hình này tồn tại theo dạng “đa không”: không đầu tư, không đóng thuế, không đúng mục đích sử dụng đất, không đúng quy định về sử dụng năng lượng, không an toàn vệ sinh lao động, không hợp đồng lao động, không bảo hiểm bảo hộ, không phòng chống cháy nổ…
Hình ảnh nạn nhân trong vụ cháy xưởng gia công lậu ở xã Tân Dân
Mặt khác, không chỉ bất cập về quản lý, mà dạng hình này còn khiến không ít người ngộ nhận cho rằng đó là cách để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Chưa kể nó sẽ phá vỡ kết cấu quy hoạch công nghiệp và đô thị chung của cả thành phố, và mục tiêu “Công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn” cũng đã bị đánh tráo thành khái niệm “Thay nông nghiệp nông thôn bằng công nghiệp”.
Rõ ràng đây không phải là mô hình sản xuất tích cực, cho dù chúng có được hợp thức hóa thủ tục chăng nữa cũng không nên khuyến khích. Bởi trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang cần chuyển dịch đầu tư từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao chất lượng công nghệ, tiết kiệm năng lượng, bảo đảm sạch môi trường… theo quan điểm mà Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, cũng như đại hội 15 đảng bộ thành phố đã đề ra.
Như đã đề cập ở kỳ trước, một số ý kiến cho rằng mô hình này giải quyết được bài toán về lao động nông thôn? Trao đổi với một cán bộ chuyên ngành về công nghiệp, được biết điều đó chỉ mang tính cục bộ, vì bản chất các mô hình này nằm trong hệ thống vệ tinh mở rộng đầu tư, nhưng khác là được ngụy tạo né tránh quản lý và tiết kiêm chi phí, thay cho việc đầu tư tập trung.
Nghĩa là, theo tính toán cơ học, nếu sản lượng hàng hóa không thay đổi thì quy gọn những mô hình này vào một khu công nghiệp việc sử dụng lao động cũng không thay đổi, vì đặc thù ngành nghề thủ công. Trong khi đó, giả như đưa được các nhà sản xuất vào đầu tư tập trung, việc thực hiện các chỉ tiêu quản lý sẽ đem lại một nguồn lợi không nhỏ cho ngân sách, không chỉ các quyền lợi cho người lao động được đảm bảo hơn, mà các tác động khác như an toàn, an ninh, môi trường đều được chú trọng hơn.
Cụ thể, theo tính toán của một chuyên gia ngành giày, để có một một nhà máy sản xuất ổn định cho 1.000 lao động, tổng chi phí bình quân cho mỗi lao động khoảng 500 USD/người/tháng. Thực tế đối với mô hình lậu, các chủ xưởng thuê thẳng công nhân gói gọn khoảng 200 USD/người/tháng, còn lại 300 USD thất thoát vào quy trình đầu tư, mà lẽ ra một phần lớn trong đó thuộc về nhà nước, cũng như chính người lao động.
Mặt khác, bản chất của “cai” lao động là nhận mối một giá, thuê gia công một giá, tiết kiệm càng nhiều hưởng lợi càng lớn. Chưa kể khi công ty mẹ “cắt’ việc, thì nhất thời các xưởng cùng máy móc sẽ trở thành vô dụng vì người lao động cũng không làm chủ công nghệ. Đây là bài học đắt giá Hải Phòng đã gặp phải, khi chúng ta còn gia công cho Liên Xô và Đông Âu, mà nên nhớ đó là các mô hình chính quy mang cấp độ nhà nước.
Hình ảnh của một cơ sở sản xuất nến trước khi bị “bà hỏa” thiêu trụi ở quận Dương Kinh
Phân tích sâu hơn, vì là dạng hình “đa không” nên các xưởng gia công chui lậu cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh trật tự. Chắc chắn nhiều người không thể quên được vụ hỏa hoạn kinh hoàng làm 38 người thương vong ở xưởng gia công mũ giày tại xã Tân Dân (An Lão) cách đây gần chục năm.
Khi vụ việc xảy ra, bản thân các chủ xưởng ngoài việc vướng vào vòng lao lý, không thể khắc phục nổi hậu quả vì không có khả năng tài chính, hệ quả là gia đình nạn nhân và xã hội phải gánh chịu.
Còn nhớ lúc đó huyện An Lão đã tập trung rà soát, thì trên địa bàn có tới 46 mô hình gia công tương tự, lúc đó đã có ý kiến chỉ đạo được đưa ra là nếu cơ sở nào đủ điều kiện sẽ cho tiếp tục hoạt động?
Tuy nhiên, làm thế nào để đủ điều kiện? Chỉ nói như việc sử dụng đất, hầu hết các cơ sở hiện đều sử dụng sai mục đích từ đất nông nghiệp, đất nhà ở hoặc thuê lại công sở cũ, nằm giữa khu dân cư, các hợp đồng thuê mướn thực hiện ngoài vòng pháp luật. Việc sử dụng điện cũng từ nguồn dân sinh, gần như không cơ sở nào có trạm điện riêng, chưa nói đến việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải, rác thải công nghiệp, các điều kiện về bảo hộ bảo hiểm an toàn khác…
Tóm lại, rất ít cơ sở nếu không nói là tất cả, có đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu về quản lý. Cũng có nghĩa đây là mô hình hoạt động vi phạm nhiều quy định của pháp luật, mà đã là phạm pháp thì không có lý do để tồn tại. Trong khi nhiều doanh nghiệp hoạt động nghiêm chỉnh đang thiếu lao động, thì một lực lượng lao động lại được “giữ” trong các mô hình phi pháp, thành ra một bài toán lẩn quẩn.
Vấn đề là tại Hải Phòng, việc dẹp bỏ mô hình gia công như vậy trước mắt sẽ gây khó khăn cho một bộ phận người lao động. Hoặc cho những địa phương còn rất yếu về công nghiệp như Kiến Thụy, Tiên Lãng, một số xã của các huyện An Lão, Vĩnh Bảo…
Cũng là những nơi mà để có việc làm tại các nhà máy lớn, người lao động phải di chuyển trên quãng đường khá xa, dở dang giữa ở trọ hay cơ động, điều này rất cần chính sách hoạch định của thành phố.
Bên cạnh đó, ngoài việc rà soát siết chặt hoạt động, thì tại các nhà máy lớn cần phải đề cao hơn nữa điều kiện làm việc, sinh hoạt cho người lao động, không những để nâng cao chất lượng quản lý, mà người lao động cũng yên tâm hơn.
Thiết nghĩ, năm nay là năm thứ tư liên tiếp thành phố thực hiện chủ trương “cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”. Điều cần thiết là phải tạo ra môi trường ngày càng bình đẳng, để giữ gìn cũng như thu hút các nhà đâu tư có tiềm lực, có ý thức đóng góp cho nhà nước và xã hội.
Vẫn biết là sẽ rất khó khi phải dẹp bỏ một mô hình đã phát triển trên bề rộng, đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cấp nhiều ngành, tốn kém chi phí tiền của. Nhưng đây là bài học đắt giá cho sự buông lỏng quản lý và ngộ nhận về đầu tư, chưa kể đến các yếu tố tiêu cực có thể xảy ra, mà vụ “Tân Dân” chỉ là ví dụ điển hình.
Lê Minh Thắng