Print Thứ năm, 18/06/2020 17:17 Gốc

Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật liên quan quy định rất rõ về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng internet. Tuy nhiên, đến nay, nhận thức, hiểu biết của cộng đồng nói chung, các bậc cha mẹ nói riêng về vấn đề này còn nhiều hạn chế, dẫn tới chủ quan, lơ là trong việc bảo vệ con em mình trước những mối nguy từ môi trường mạng.

Vô tư đăng ảnh con lên mạng xã hội

Là mẹ của hai bé gái 5 tuổi và 1,5 tuổi, chị Nguyễn Thị Ngọc, ở ngõ 227 Miếu Hai Xã, phường Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân) thường xuyên đăng những hình ảnh đáng yêu của con mình lên trang facebook cá nhân. Chị Ngọc cho biết, hai bé đang độ tuổi đáng yêu với rất nhiều câu nói, hành động ngây ngô, dễ thương. Sẵn điện thoại thông minh với chức năng chụp ảnh, quay phim hiện đại, chị thường chụp ảnh, quay video lại những khoảnh khắc này của các con rồi đăng vào một album trên trang facebook của mình như một cách vừa để chia sẻ với bạn bè, người thân, vừa để lưu giữ lại những kỷ niệm đẹp về thời thơ ấu của con. Những bức ảnh, video về hai bé nhà chị Ngọc sau khi đăng trên mạng xã hội thường nhận được những bình luận khen ngợi, tán thưởng từ bạn bè, người quen trên mạng internet nên chị thấy khá vui và không hề lo lắng, băn khoăn gì về việc làm này của mình.

Tâm sự, suy nghĩ của chị Ngọc cũng là tâm lý của nhiều bậc cha mẹ hiện nay về việc chia sẻ hình ảnh, video về con cái mình lên mạng xã hội. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 56/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, hình ảnh cá nhân là một trong số những thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em. Ngoài, ra, còn có thông tin về tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; thông tin về các thành viên trong gia đình; thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em… là các thông tin đời sống riêng tư của trẻ cần được bảo mật. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng internet phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ từ đủ 7 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.

Trên thực tế, rất nhiều bức ảnh cha mẹ chụp con mặc đồng phục đi học ghi rõ tên trường, hoặc những bức ảnh chụp gia đình có định vị vị trí, các bức ảnh thời nhỏ nhạy cảm… mà cha mẹ vô tình đăng trên trang mạng xã hội cung cấp những thông tin đời sống riêng tư của trẻ. Khi những bức ảnh này rơi vào tay kẻ xấu có thể đẩy trẻ đứng trước nguy cơ bị bắt cóc hoặc bị khai thác thông tin sử dụng vào mục đích xấu, như chế nhạo, giễu cợt trẻ khi trẻ đi học hay tham gia các hoạt động tập thể sau này… Thống kê của một số tổ chức xã hội ở nhiều nước trên thế giới ghi nhận việc nhiều bức ảnh của trẻ nhỏ trên mạng xã hội còn bị một số đối tượng xấu thu thập để chia sẻ kèm những bình luận khiếm nhã hoặc dùng cho mục đích đồi bại.

Nâng cao trách nhiệm bảo vệ trẻ

Bà Phạm Thị Lan, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội thành phố Hải Phòng cho biết: Qua hoạt động tuyên truyền kiến thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em tới các bậc cha mẹ ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố, có thể thấy, hiện nay, nhiều bậc cha mẹ chưa ý thức hết trách nhiệm trong việc bảo vệ con trước những nguy cơ đe dọa từ môi trường mạng. Nhiều bậc cha mẹ vô tư đăng ảnh của con lên mạng xã hội mà không biết hành động này là vi phạm pháp luật về quyền tham gia của trẻ em. Cũng không ít trường hợp do bức xúc, cha mẹ dùng chính con mình làm “vũ khí” đưa lên mạng để đấu tranh với cơ sở giáo dục như vụ em bé đứng nắng ở Trường tiểu học Quang Trung (quận Ngô Quyền) hồi cuối tháng 5 vừa qua mà không lường hết được hậu quả đằng sau việc làm này.

Trước tình trạng này, tại các buổi tuyên truyền, phổ biến các quy định, pháp luật về trẻ em, các cán bộ Trung tâm Công tác xã hội thành phố chủ động lồng ghép, xây dựng các tình huống cụ thể liên quan tới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng internet đi kèm với cách ứng xử chuẩn mực. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và hướng dẫn các bậc cha mẹ có cách ứng xử đúng đắn để bảo vệ con em mình khi đăng tải, chia sẻ các hình ảnh, thông tin của trẻ trên mạng.

Còn theo lãnh đạo Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội), đơn vị tham mưu Sở đề xuất UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 76/KH-UBND về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020÷2025. Trong đó, phòng, chống xâm hại, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng xã hội được xác định là hoạt động quan trọng. Cùng với việc tăng cường tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của cộng đồng và các ngành, đơn vị liên quan về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, kế hoạch đề ra giải pháp phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí, đồng thời đẩy mạnh việc kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm trong sử dụng mạng xã hội, đăng tải, khai thác sử dụng các thông tin liên quan tới trẻ em trên không gian mạng. Về phía gia đình, cha mẹ thường xuyên chia sẻ, cởi mở với các con về cách giao tiếp trên mạng xã hội, giao tiếp như thế nào, giao tiếp với ai cùng với các nguyên tắc bảo đảm an toàn khi sử dụng mạng internet.

Thành Lê – Ảnh: Đỗ Hiền

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng internet
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác