Print Thứ Ba, 04/06/2024 08:50 Gốc

Hiện thời tiết nóng nắng làm tăng nguy cơ mất nước và cân bằng điện giải, ảnh hưởng đến hệ thống tuần hoàn và tim mạch, làm tăng nguy cơ đột quỵ, thậm chí còn là nguyên nhân gây đột tử. Nắng nóng cũng làm gia tăng một số bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy cấp…

Theo thống kê của Khoa Đột quỵ (Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp), hiện số người bệnh đột quỵ vào khoa tăng 10-15% so với tháng 4, nhất là những ngày thời tiết nắng nóng gần đây, khi nhiệt độ ngoài trời lên đến 40 độ C. Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận 10-12 ca đột quỵ, trong đó phần lớn là người cao tuổi, người trẻ (dưới 40 tuổi) chiếm khoảng 20%. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới đột quỵ do người bệnh tiếp xúc nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng, không nghỉ ngơi và bổ sung nước chưa kịp thời hoặc do cơ thể chưa thể thích nghi do thay đổi nhiệt độ đột ngột, đang từ khu vực có nền nhiệt nóng chuyển sang lạnh gây ra đột quỵ.

Theo TS.BS. Phùng Đức Lâm, Trưởng Khoa Đột quỵ (Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp), khi cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ cao làm tăng nguy cơ mất nước và rối loạn cân bằng điện giải, ảnh hưởng tới hệ thống tuần hoàn, tim mạch, gây nguy cơ đột quỵ. Trường hợp người đang ở ngoài trời nắng nóng đi vào phòng lạnh cũng có nguy cơ đột quỵ, vì mạch máu bị co lại đột ngột, gây tăng huyết áp, là nguyên nhân chính gây đột quỵ. Nắng nóng cũng làm tăng độ nhớt của máu bởi khi cơ thể mất nước, máu trở nên đặc hơn, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Bên cạnh đó, nắng nóng có thể gây stress nhiệt, làm gia tăng nguy cơ các biến cố tim mạch và đột quỵ. Cũng theo BS. Lâm, những trường hợp có nguy cơ cao bị đột quỵ trong thời tiết nắng nóng là người có bệnh lý nền như tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, từng đột quỵ trước đó. Ngoài người cao tuổi thì trẻ em, phụ nữ, người lao động trong môi trường nhiệt đột tăng cao kéo dài cũng có nguy cơ bị đột quỵ.

Bác sĩ Khoa Đột quỵ (Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp) thăm khám người bệnh điều trị nội trú.

Nắng nóng không chỉ làm gia tăng các bệnh tim mạch, đột quỵ, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy cấp… Cụ thể, tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, Bệnh viện quốc tế Sản nhi Hải Phòng những ngày gần đây ghi nhận nhiều trường hợp trẻ em vào điều trị do rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp. BSCK2. Trần Thị Ngọc Hòa, Phó giám đốc Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết, trong những ngày nắng nóng, nhiệt độ tăng cao tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi, phát triển, thức ăn dễ bị ôi thiu. Rối loạn tiêu hóa không phải bệnh nghiêm trọng nhưng ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lý của người bệnh. Nếu phát hiện và điều trị chậm, có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em, khi sức đề kháng cơ thể yếu. Cùng với đó, thời tiết nắng nóng sau đó mưa nhiều cũng là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn sinh sôi, đẻ trứng trong những bánh xe ô tô, chậu, bể nước lâu ngày không sử dụng đến hoặc trong các bụi rậm, rãnh nước tù đọng và nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue…

Để phòng tránh các bệnh tim mạch, đột quỵ, TS.BS. Phùng Đức Lâm và BSCK2. Trần Thị Ngọc Hòa khuyến cáo người dân cần tránh tiếp xúc trực tiếp, làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng trong thời gian dài. Đồng thời, tránh hoạt động thể chất quá sức trong thời gian nóng nhất trong ngày và cần sử dụng quạt, máy điều hòa hoặc tìm nơi có bóng râm để giảm nhiệt độ cơ thể. Cùng với đó, cần uống đủ nước, nhất là nước lọc (uống đủ 1,5-2 lít nước/ngày) để duy trì sự cân bằng nước và điện giải trong cơ thể; tránh các đồ uống có cồn và chất kích bởi những thức uống này có thể làm tăng nguy cơ mất nước. Bác sĩ cũng khuyến cáo những người có bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch cần thường xuyên theo dõi sức khỏe và tuân thủ liệu trình điều trị.

Còn để phòng, tránh các bệnh truyền nhiễm, BSCK2. Trần Thị Ngọc Hòa khuyến cáo người dân thực hiện tốt nguyên tắc “ăn chín, uống sôi”, không ăn thức ăn ôi thiu, để lâu ngày trong tủ lạnh; sử dụng các thực phẩm sạch có nguồn gốc rõ ràng, chế biến thực phẩm đúng cách và bảo đảm vệ sinh; giữ vệ sinh thân thể bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với thực phẩm, môi trường bẩn… Để bảo vệ sức khỏe, nhất là trong những ngày nắng nóng, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng, tránh thích hợp, duy trì lối sống lành mạnh và theo dõi sức khỏe định kỳ. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám, chẩn đoán bệnh và tư vấn kịp thời, BS. Hòa nhấn mạnh.

Bài và Ảnh: Nam Giang

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Bảo vệ sức khỏe trong thời tiết nắng nóng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác