Việc một số sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee thông báo ngừng áp dụng chính sách đồng kiểm và việc người mua hàng qua Lazada nhận phải điện thoại “nhái” hồi đầu tháng 8 vừa qua dấy lên băn khoăn về quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ như thế nào khi mua hàng trong thương mại điện tử.
Quảng cáo một đằng, giao hàng một nẻo
Đầu tháng 8 vừa qua, anh P.P.K, ở quận 3 (thành phố Hồ Chí Minh) đặt mua một chiếc điện thoại Oppo Pro 128G trên sàn giao dịch thương mại điện tử Lazada với mức giá gần 3,5 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi thanh toán tiền và nhận hàng về sử dụng, anh K. mới phát hiện chiếc điện thoại mình nhận được là hàng “nhái”, không sử dụng được.
Anh K. không phải là khách hàng đầu tiên gặp sự cố với hoạt động giao hàng khi mua hàng tại Lazada. Trước đó, tháng 5-2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) phối hợp với một số cơ quan kiểm tra hoạt động kinh doanh của Lazada do đơn vị này liên tục bị khách hàng khiếu nại vì chậm giao hàng, chất lượng hàng hóa không đúng như quảng cáo trên trang web; giao hàng cũ, hàng đã qua sử dụng…
Anh Bùi Công Minh, ở ngõ 117 phố Cấm, phường Gia Viên (quận Ngô Quyền) cho biết: Trước đây, anh thường xuyên mua hàng tại các gian hàng trên Lazada. Tuy nhiên, từ ngày 15-3-2019, đơn vị này áp dụng chính sách không hỗ trợ đồng kiểm khi nhận hàng, anh Minh không mua hàng trên sàn này nữa. Bởi theo anh Minh, trong bối cảnh nhiều người phải “ngậm quả đắng” khi mua hàng qua mạng do hàng được giao có chất lượng, mẫu mã không đúng với quảng cáo, việc Lazada quy định người mua hàng phải thanh toán đầy đủ thì mới được xem hàng làm tăng nguy cơ khách hàng mua phải hàng “nhái”, hàng giả. Dù cho phép người mua được đổi, trả hàng trong thời gian 3-15 ngày sau khi nhận hàng mà không phải trả chi phí vận chuyển, nhưng những thủ tục rắc rối, phức tạp thường khiến nhiều người mua ngậm ngùi chịu thiệt chứ không chọn đổi lại hàng. Tuy nhiên, anh Minh cũng cho biết: Cùng với Lazada, nhiều sàn thương mại điện tử khác cũng áp dụng chính sách không hỗ trợ đồng kiểm. Khi mua bán trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và trở thành xu hướng như hiện nay, chính sách bán hàng như vậy rõ ràng không phù hợp.
Cũng giống như anh K., anh Minh, nhiều người mua hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee cũng phải “nếm trái đắng” khi bị lừa đảo. Vừa qua, quản trị viên một diễn đàn người dùng đam mê các thiết bị công nghệ thông minh tại Hà Nội phải cảnh báo các thành viên về dấu hiệu lừa đảo của một cửa hàng trên Shopee. Với chiêu thức đăng bán sản phẩm với giá cực rẻ, sau khi khách đặt mua và cung cấp địa chỉ giao hàng, cửa hàng này hủy đơn và thuê đơn vị vận chuyển ngoài (không phải của Shopee) chuyển hàng “nhái”, hàng giả, thậm chí chỉ là rác, giấy vụn tới khách hàng và thu tiền. Sau khi khách mở hàng, phát hiện bị lừa cũng chỉ biết kêu trời vì không biết đến đâu để lấy lại tiền.
Quản lý chặt, tránh thả nổi
Theo số liệu mà Cục Cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cung cấp tại hội thảo “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử” diễn ra cuối tháng 4-2019 tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện có khoảng hơn 30% dân số cả nước tham gia mua sắm trực tuyến (tương đương hơn 30 triệu người). Số lượng người sử dụng dịch vụ mua sắm trực tuyến tại Hải Phòng cũng không ngừng gia tăng. Thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2019 cho thấy, Hải Phòng tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3 cả nước về chỉ số thương mại điện tử (EBI), chỉ sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Bên cạnh những mặt tích cực, sự phát triển ồ ạt của hoạt động mua bán trực tuyến trong khi các quy định về quản lý loại hình này chưa theo kịp cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Trong đó, nhiều bức xúc của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến đều liên quan tới việc giao nhận hàng. Theo thống kê của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Hải Phòng, từ đầu năm tới nay, đơn vị này nhận gần 40 kiến nghị của người dân về các vấn đề liên quan tới việc mua bán hàng hóa ảnh hưởng tới quyền lợi của người mua.
Theo luật sư Đào Văn Bảy, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Thái Thành: Điều 9 Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định, người tiêu dùng có trách nhiệm kiểm tra hàng hóa trước khi nhận. Vì vậy, việc một số sàn giao dịch thương mại điện tử đưa ra chính sách không hỗ trợ đồng kiểm hàng là vi phạm quy định này và đặt khách hàng vào vị trí “yếu thế” trong giao dịch mua bán. Khi người tiêu dùng chấp nhận kiểu kinh doanh trên sẽ tự tước đi quyền được kiểm định chất lượng sản phẩm và bảo đảm an toàn của bản thân.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử, cùng với những quy định về việc niêm yết, quảng cáo sản phẩm, các cơ quan chức năng cần quy định khắt khe hơn về trách nhiệm của các đơn vị bán hàng trực tuyến trong bảo đảm chất lượng và an toàn hàng hóa khi giao tới khách hàng, đồng thời tổ chức xếp hạng uy tín gian hàng, sàn giao dịch, làm căn cứ để người tiêu dùng có chọn lựa chính xác. Về phía người tiêu dùng cần tìm hiểu rõ chất lượng các gian hàng, sàn giao dịch trước khi quyết định đặt mua trực tuyến, tránh rước họa vào thân.
Thành Lê. Nguồn: Báo Hải Phòng