Print Thứ Ba, 19/03/2019 10:21

Thời gian gần đây, Báo Hải Phòng liên tục nhận được kiến nghị của nhiều người lao động về quyền lợi bị ảnh hưởng do doanh nghiệp giải thể hoặc tái cơ cấu.

Các cấp, ngành, đoàn thể cần phối hợp bảo vệ quyền lợi của người lao động khi doanh nghiệp giải thể hoặc tái cơ cấu (ảnh minh họa).

Mới đây, vào cuối tháng 2-2019, hơn 1000 lao động Công ty TNHH Vĩnh Chân (quận Dương Kinh) – doanh nghiệp có vốn từ Hồng Kông, chuyên sản xuất đồ chơi) đứng ngồi không yên vì công ty giải thể, chuyển cơ sở sản xuất sang tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, mới đầu, người lao động chỉ nhận được thông báo di dời địa điểm hoạt động và ai có nhu cầu gắn bó với công ty thì chuyển sang Hải Dương làm việc. Song, hàng trăm lao động nữ không thể chuyển sang làm việc tại Hải Dương do phải đi làm quá xa nhà và điều kiện gia đình không cho phép. Các công nhân bàng hoàng vì ngoài thông báo trên, không có thông tin giải quyết về chế độ đối với người lao động khi công ty giải thể. Trong khi, doanh nghiệp chưa thanh toán tiền lương tháng 1, 2- 2019 cũng như một số chế độ nghỉ ốm, thai sản của người lao động, không công khai tài chính công đoàn, chế độ bảo hiểm xã hội… khiến người lao động lo lắng, tụ tập trước cổng công ty này để yêu cầu bảo đảm quyền lợi.

Cũng trong thời gian này, Báo Hải Phòng nhận được đơn của tập thể người lao động Công ty CP Lisemco kiến nghị doanh nghiệp này nợ tiền đóng bảo hiểm gần 6 năm với số tiền lên tới hơn 60 tỷ đồng. Trong khi đó, người lao động lại nhận được thông tin hơn 80% số cổ phần thuộc sở hữu nhà nước tại công ty này được đấu giá thành công. Họ lo lắng về số tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội doanh nghiệp nợ sẽ giải quyết ra sao, vì không được công ty thông báo phương án giải quyết.

Trước đó, một số công ty đóng tàu trên địa bàn thành phố giải thể, ảnh hưởng đến quyền lợi, việc làm cả hàng nghìn người lao động, để lại khoản nợ lương, bảo hiểm xã hội đeo đẳng người lao động cho đến nay. Như Công ty TNHH MTV CNTT Lâm Động (huyện Thủy Nguyên) giải thể vào năm 2014 và được chuyển giao cho đơn vị khác quản lý, chuyển đổi hoạt động, không giải quyết dứt điểm tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội. Bà Phạm Thị Hòa, nguyên Kế toán trưởng công ty này cho biết: Tính đến ngày 31-5-2014, Công ty TNHH MTV CNTT Lâm Động nợ lương 15 người lao động với tổng số tiền hơn 981,2 triệu đồng, nợ tiền bảo hiểm hơn 826,1 triệu đồng. Nhiều năm nay, người lao động đi đòi hỏi quyền lợi chính đáng, nhưng không biết đến bao giờ và được doanh nghiệp nào có trách nhiệm giải quyết.

Xây dựng chế tài chặt chẽ hơn

Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật (Liên đoàn lao động thành phố) Nguyễn Công Hòa cho biết, khi doanh nghiệp giải thể hay chuyển đổi, tái cơ cấu sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động. Một số doanh nghiệp còn nợ người lao động về tiền lương, bảo hiểm xã hội và các chế độ chính sách khác, song không tích cực giải quyết. Chỉ đến khi người lao động kiến nghị, các cấp Công đoàn vào cuộc, doanh nghiệp mới cam kết thực hiện trách nhiệm theo quy định pháp luật đối với người lao động. Đầu năm 2019, Liên đoàn lao động thành phố nhận được một số kiến nghị của người lao động về vấn đề này và tích cực phối hợp các ngành chức năng vào cuộc bảo vệ quyền lợi của người lao động. Cụ thể, đối với kiến nghị của người lao động làm việc tại Công ty TNHH Vĩnh Chân (quận Dương Kinh), Liên đoàn Lao động các cấp phối hợp cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt tâm tư, kiến nghị của người lao động, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp tổ chức đối thoại, giải quyết bảo đảm quyền lợi của người lao động. Công ty TNHH Vĩnh Chân cam kết thực hiện trả lương và các chế độ liên quan đến người lao động. Hiện nay, Liên đoàn Lao động quận Dương Kinh đang giám sát việc thực hiện cam kết của doanh nghiệp này.

Về trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động khi bị giải thể hoặc tái cơ cấu, theo Luật sư Đào Văn Bẩy (Công ty Luật TNHH MTV Thái Thành): Luật Lao động năm 2012 quy định trong trường hợp doanh nghiệp bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện theo đúng trách nhiệm pháp luật quy định trên, khiến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng . Trước thực tế này, mới đây, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng dự thảo nghị định trình Chính phủ ban hành quy định quản lý thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhằm ngăn chặn tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp giải thể, phá sản. Trong khi chờ đợi các chế tài chặt chẽ hơn, thời gian tới, trên địa bàn thành phố, ngành Bảo hiểm xã hội nên phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường thanh, kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị chấp hành đúng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn, với vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động cần tích cực tham gia, giám sát để đối thoại, đấu tranh với người sử dụng lao động thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về thực hiện chế độ liên quan cho người lao động.

BÙI HƯƠNG

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Bảo vệ quyền lợi người lao động tại các doanh nghiệp   giải thể, tái cơ cấu: Công đoàn, ngành chức năng vào cuộc
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác