Xã hội

Bảo vệ nguồn nước sông Rế trên địa bàn huyện An Dương: Sớm có giải pháp căn cơ

Sông Rế trên địa bàn huyện An Dương là một trong những con sông quan trọng, cung ứng tới ¾ lượng nước sinh hoạt cho nhân dân thành phố. Tuy nhiên, thời gian gần đây sông Rế đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm cao do nhiều nguồn xả thải từ các tổ chức, dân cư chưa được kiểm soát. Để bảo vệ nguồn nước sông Rế, ngoài các giải pháp trước mắt đã và đang thực hiện, về lâu dài cần có giải pháp căn cơ.

Gần 120 điểm xả thải vào sông Rế

Trước tác động của quá trình đô thị hóa nhanh và ý thức của một bộ phận cộng đồng dân cư, doanh nghiệp chưa cao, nguồn nước sông Rế trên địa bàn huyện An Dương đang có nguy cơ ô nhiễm cao.

Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi An Hải, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện An Dương và 2 phường Hùng Vương, Sở Dầu (quận Hồng Bàng) có gần 120 điểm xả thải trực tiếp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và 800 hộ dân sinh sống hai bên sông Rế xuống dòng sông. Trong đó, đáng chú ý, hơn 60 điểm xả thải của các doanh nghiệp, người dân các thôn: Mỹ Tranh, Quỳnh Hoàng (xã Nam Sơn) đổ thẳng vào kênh Bắc Nam Hùng, chảy trực tiếp vào sông Rế.

Ông Bùi Thế Tiễn, Trưởng Phòng Quản lý nước và công trình, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi An Hải cho biết, thời gian qua, hầu hết các tuyến kênh trên địa bàn xã Nam Sơn đều xảy ra tình trạng cá chết, nguồn nước đen đục, bốc mùi. Ngoài các điểm trên địa bàn huyện An Dương, còn có nhiều điểm xả thải của các hộ dân, doanh nghiệp ở các khu dân cư Quỳnh Cư, Cam Lộ ở phường Hùng Vương và phường Sở Dầu (quận Hồng Bàng). Đáng lo ngại, sau mỗi trận mưa, nguồn nước sông Rế có chiều hướng ô nhiễm hơn do các nguồn xả thải từ các khu dân cư, ao hồ đổ trực tiếp vào sông Rế. Theo ông Tiễn, công ty rất lo vì mức độ ô nhiễm có chiều hướng tăng, nhất là mức độ ô nhiễm về tạp chất hữu cơ, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý của đơn vị và gia tăng chi phí sản xuất nước sạch.

Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi phối hợp với Công ty CP Cấp nước Hải Phòng kiểm tra các điểm xả thải vào sông Rế. Ảnh: Hoàng Phước.

Kết quả quan trắc trong thời gian qua của các cơ quan chức năng thành phố cho thấy, nguồn nước ngọt tại sông Rế cung cấp cho sản xuất nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố ngày càng gia tăng ô nhiễm do các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, các làng nghề, nguồn thải từ các bệnh viện, các nghĩa trang nằm dọc theo các bờ sông, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, các bãi rác, nước thải sinh hoạt gây ra. Trong đó chủ yếu là các chỉ tiêu về Amoni, Nitrit, chất hữu cơ nhiều thời điểm vượt ngưỡng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

Thu gom nước thải, nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước

Trước nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sông Rế, thời gian qua, thành phố, huyện An Dương tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải vào cuộc triển khai các giải pháp bảo vệ nguồn nước. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền người dân các địa phương nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước, không xả rác, chất thải, nước thải vào nguồn nước; đồng thời tập trung nguồn lực đầu tư các công trình ngăn chặn, điều tiết nguồn nguồn xả thải ô nhiễm đi nơi khác.

Bằng các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, thành phố, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi An Hải triển khai nhiều giải pháp công trình. Trong đó, tập trung đầu tư, nâng cấp nhiều công trình kênh mương, cống, đập, trạm bơm điện để ngăn chặn, đưa nguồn nước thải từ các khu dân cư, doanh nghiệp đang đổ thẳng vào sông Rế ra khỏi hệ thống. Công ty thủy lợi An Hải tăng cường kiểm tra hệ thống sông Rế, chất lượng nguồn nước, kịp thời phát hiện các vi phạm gây ô nhiễm nguồn nước. Hiện nay, Công ty thủy lợi An Hải đang triển khai dự án thu gom nước thải từ các khu dân cư, các làng nghề ở xã Tân Tiến; đang đề xuất triển khai nhân rộng tới các điểm trong các khu dân cư trên địa bàn huyện; tiếp tục triển khai cắm mốc chỉ giới bảo vệ hệ thống thủy lợi trên địa bàn gắn với nâng cấp các hạng mục công trình bảo vệ nguồn nước thô hệ thống An Kim Hải.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện An Dương Bùi Xuân Quảng cho biết, Hội CCB huyện ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2014-2020 với Hội CCB Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi An Hải tập trung triển khai các giải pháp bảo vệ nguồn nước sông Rế. Trong đó, giao các hội viên hội CCB cơ sở đảm nhận một đoạn sông thường xuyên vớt bèo, khơi thông dòng chảy, phối hợp tuần tra phát hiện, ngăn chặn các tổ chức, cá nhân xả thải nguồn nước vào sông Rế báo cáo chính quyền địa phương, cơ quan chức năng xử lý.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện An Dương Lê Văn Cường, thời gian tới huyện An Dương tập trung cao chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân địa phương, nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước sông Rế; đồng thời lập phương án đề xuất thành phố bố trí kinh phí xây dựng hệ thống thu gom nước thải cho các khu dân cư thị trấn An Dương dọc sông Rế. Tuy nhiên về lâu dài, cần có giải pháp căn cơ hơn, trong đó thành phố sớm triển khai đầu tư dự án thu gom nước thải kênh Bắc Nam Hùng; dự án mở rộng cống Song Mai phục vụ tưới tiêu cho khu vực quốc lộ 5, Dự án bảo vệ nguồn nước sông Rế từ cầu Rế đến đập Cái Tắt.

Tiến Đạt

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Viettel tri ân khách hàng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ với loạt ưu đãi

Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Viettel tri ân khách hàng sử dụng…

09/01/2025

Đồng chí Đào Khánh Hà, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy thăm, tặng quà, chúc Tết các cá nhân tiêu biểu quận Đồ Sơn

Sáng 9/1, đồng chí Đào Khánh Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng…

09/01/2025

Tăng cường quan hệ hợp tác giữa Hải Phòng với các địa phương, doanh nghiệp nước Cộng hòa Togo

Sáng 9-1, Đoàn Bộ Ngoại giao, Hội nhập khu vực và Kiều dân nước Cộng…

09/01/2025

Thông tin cụ thể về hướng tuyến, vị trí 31 ga tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng

Đã có những thông tin tương đối cụ thể về hướng tuyến và vị trí…

09/01/2025

Đoàn doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tại Hải Phòng

Chiều 8/1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường tiếp Đoàn đại biểu…

08/01/2025

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More