Print Thứ ba, 17/12/2019 12:26 Gốc

Sông Rế dài khoảng 9 km chạy từ cầu Hà Liêm, xã Lê Lợi (huyện An Dương) đến cống Cái Tắt (quận Hồng Bàng), nhưng cung cấp đến 80% lượng nước thô cho các nhà máy nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, nguồn nước sông này đang có nguy cơ ô nhiễm cao. Được người dân và cử tri quan tâm, việc bảo vệ nguồn nước sông Rế là vấn đề “nóng” được đưa ra chất vấn tại kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố khóa 15 vừa qua.

Nguy cơ ô nhiễm gia tăng

Qua tìm hiểu được biết, năm 2019, sông Rế cung cấp khoảng 18 triệu m3 nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sinh hoạt: Công ty CP khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng (Khu công nghiệp Tràng Duệ), xí nghiệp sản xuất nước máy An Dương (Công ty CP cấp nước Hải Phòng), Công ty TNHH công nghiệp nặng Doosan và 7 nhà máy nước mi ni của huyện An Dương.

Anh Nguyễn Văn Thanh, ở xã Lê Lợi (huyện An Dương) sống gần sông Rế phản ánh, vì nước thải của các khu dân cư, nhà máy đổ vào sông Rế, nên chỉ bằng mắt thường cũng thấy nước sông ngày càng đục.

Thực tế, theo kiểm tra chất lượng nước mặt sông Rế hằng ngày của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải cho thấy, nguồn nước sông đang bị nguy cơ ô nhiễm cao, các chỉ số cơ bản như Amoni, Manga.., nhiều thời điểm vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia năm 2015 về chất lượng nước mặt để sản xuất nước sinh hoạt. Cụ thể, từ ngày 3 đến 6-9-2019, kết quả đo tại trạm Quán Vĩnh (huyện An Dương): Chỉ số Amoni đều cao vượt ngưỡng cho phép, ngày cao nhất là 0,613 mg/L (tiêu chuẩn cho phép không vượt quá 0,30mg/L); Chỉ số Manga cũng cao vượt ngưỡng cho phép, ngày cao nhất là 2,86 mg/L (tiêu chuẩn cho phép không vượt quá 0,200mg/L); Pemanganat (chất hữu cơ) cao vượt ngưỡng cho phép, cao nhất là 5,2 mg/L (tiêu chuẩn không quá 5,26%).

Cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải kiểm tra chất lượng nguồn nước sông Rế tại khu vực Trạm bơm nước thô Quán Vĩnh, xã An Đồng (huyện An Dương).

Trưởng Phòng Quản lý nước và công trình (Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi An Hải) cho biết: Sông Rế nằm trong hệ thống thủy lợi An Kim Hải chạy từ huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương) về Hải Phòng. Tại phía đầu nguồn sông Rế ở xã Kim Tân, huyện Kim Thành có 3 trang trại nuôi khoảng gần 5 nghìn con lợn, có thời điểm phân lợn đổ xuống kênh thủy lợi tạo thành bùn dày đến 1m. Hiện nay, chưa có hệ thống thu gom nước mặt, nên khi trời mưa, nguồn nước thải đổ về hệ thống thủy lợi của thành phố, làm gia tăng ô nhiễm sông Rế. Ngoài ra, trên kênh An Kim Hải thuộc sông Rế có đến 423 điểm xả nước thải, trong đó có 365 điểm xả của các doanh nghiệp, 44 điểm cả của các khu dân cư, trường học, 14 hộ cá nhân kinh doanh. Trong đó, mới có 33/52 doanh nghiệp được cấp phép xả thải, nên tình trạng xả trộm nước thải vẫn diễn ra. Năm 2019, đơn vị tham gia đoàn liên ngành thành phố kiểm tra, xử lý 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH giày Phúc Đạt ở xã Lê Lợi, Công ty Hưng Thịnh Phát sản xuất mạ kẽm, ở xã Sắc Sơn (cùng huyện An Dương) vì xả thải trực tiếp nước thải ra kênh thủy lợi, nối với sông Rế.

Khẩn trương thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố

Trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngọt, nhất là sông Rế, mới đây, đầu tháng 12-2019, UBND thành phố có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các sở, ngành chức năng, các địa phương cùng với Công an thành phố triển khai các biện pháp ứng phó những sự cố về ô nhiễm nguồn nước nhằm bảo đảm cung cấp nguồn nước an toàn cho nhân dân, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm bảo vệ nguồn nước, nhất là sông Rế cung cấp phần lớn nước ngọt cho các nhà máy nước sinh hoạt.

Ngày 5-12, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 11 HĐND khóa 15, về vấn đề này Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Văn Phương thông tin: Theo số liệu về giá trị lớn nhất của các chỉ tiêu nước và diễn biến chất lượng nước ngọt qua các năm, các nguồn nước, nhất là sông Rế đang có xu hướng gia tăng tình trạng ô nhiễm. Về giải pháp, ngành chức năng đề nghị UBND thành phố giao các công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tăng cường biện pháp điều tiết, thau đảo thường xuyên các nguồn nước. Về lâu dài, UBND thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện lập dự án đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung với thu gom nước thải dọc các nguồn nước ngọt để xử lý tập trung, không để nước thải từ các khu dân cư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh xả trực tiếp vào nguồn nước như hiện nay. Ngoài ra, các nhà máy nước sạch phải hoàn thành việc lập kế hoạch cấp nước an toàn theo quy định. Cùng với đó, tăng cường quy hoạch và quản lý xả thải của các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, các doanh nghiệp có xả thải trực tiếp vào các nguồn nước ngọt, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Với nguồn nước sông Rế, hiện Công ty khai thác công trình thủy lợi An Hải đang tăng cường điều tiết, đảo nguồn nước, xây dựng đập chặn nước của kênh nhánh, không cho nước từ kênh nhánh đổ vào sông Rế gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, để hạn chế lấy nước từ huyện Kim Thành, công ty chuyển sang lấy nước từ sông Cấm qua cống Kim Sơn, xã Lê Thiện (huyện An Dương). Công ty vừa hoàn thành mở rộng cống Kim Sơn từ 1 cửa cống rộng 2m lên thành 3 cửa cống với tổng chiều rộng 7,5m. Tuy nhiên, do hiện đang vướng cống qua đường sắt Hải Phòng – Hà Nội và quốc lộ 5 chưa được triển khai, nên việc đảo nguồn nước này chưa thực hiện được. Thời gian tới, thành phố quan tâm đầu tư công trình trên. Đối với nước thải dân cư là tác nhân ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nước sông Rế, tổ chức JICA (Nhật Bản) hỗ trợ công ty hoàn thiện xây dựng bể thu gom, xử lý nước thải dân cư tại xã Tân Tiến (huyện An Dương), bằng công nghệ vi sinh truớc khi đổ ra sông Rế. Cùng với đó, công ty chủ động mua phao ngăn dầu để xử lý sự cố và lắp đặt quan trắc tự động tại một số điểm có nguy cơ ô nhiễm cao. Năm 2019, công ty thành lập đội kỹ thuật bảo vệ công trình, giao cho mỗi nhân viên phụ trách quản lý từ 1 đến 2km sông Rế, kênh thủy lợi để kịp thời phát hiện, xử lý khi phát hiện ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước mặt sông Rế.

Bài và ảnh: Mạnh Quang

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Bảo vệ nguồn nước mặt sông Rế: Cần khẩn trương, quyết liệt hơn
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác