Print Thứ năm, 27/02/2020 11:56 Gốc

Việc bảo tồn cây di sản là tiền đề khuyến khích sự tham gia sâu rộng hơn của cộng đồng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị của cây di sản nói riêng và bảo vệ môi trường, cây xanh nói chung. Tuy nhiên, hoạt động bảo tồn hiện gặp nhiều khó khăn về kinh phí và cơ chế thực hiện.

Trên địa bàn thành phố hiện có 139 cây cổ thụ được vinh danh cây di sản. Tuy nhiên, công tác bảo tồn cây di sản chưa có cơ chế, kinh phí thực hiện rõ ràng, cụ thể. Giám đốc Trung tâm tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật môi trường (ENCEN thuộc Hội Bảo vệ môi trường thành phố) Trần Văn Đức cho biết: Hội Bảo vệ môi trường chủ yếu hỗ trợ về hồ sơ, thủ tục vinh danh và biện pháp kỹ thuật, khoa học chăm sóc; còn việc bảo vệ, chăm sóc do các chủ cây, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư nơi có cây đảm nhận. Nhưng hiện chưa có quy chế cụ thể, thống nhất và sự phân cấp quản lý trong lĩnh vực bảo tồn, chăm sóc cây di sản. Tùy điều kiện thực tế, mỗi địa phương, đơn vị có cách bảo tồn, bảo vệ cây di sản riêng. Trong khi đó, các cây cổ thụ đều già, cỗi, việc chăm sóc cần có kỹ thuật và kinh phí lớn. Nhưng nguồn lực trong nhân dân cũng hạn chế. Do đó, việc tìm nguồn kinh phí bảo vệ, chăm sóc cây di sản gặp nhiều khó khăn.

Cây đa 13 gốc ở phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền được vinh danh cây di sản.

Bước đầu, để bảo vệ cây di sản tại các địa phương Hội, Bảo vệ môi trường phối hợp với chính quyền địa phương thành lập Ban bảo vệ cây di sản. Ban có nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại cây di sản; chăm sóc, phòng trừ sâu hại; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham quan, du lịch, nghiên cứu cây di sản Việt Nam. Nhưng toàn thành phố mới có 18 xã có quyết định Ban bảo vệ cây di sản. Số cây còn lại, việc bảo tồn, chăm sóc do những chủ cây hoặc các cộng đồng địa phương, của đình, đền chùa nơi có cây đảm nhận.

Theo Giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật môi trường (ENCEN) Trần Văn Đức: hiện mới có quy chế về việc vinh danh. Còn những chính sách, cơ chế về bảo tồn, bảo vệ cây di sản, trách nhiệm của chính quyền địa phương, ngành liên quan chưa được quy định cụ thể. Việc bảo tồn, bảo vệ mang tính tự phát, “mạnh ai nấy làm”. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm có quy định hoặc đề xuất Chính phủ xây dựng quy định cụ thể về việc bảo tồn cây di sản; tạo hành lang pháp lý để cộng đồng dân cư, chính quyền các cấp xác định rõ trách nhiệm và xây dựng giải pháp huy động nguồn lực hiệu quả để phát huy giá trị cây di sản. Bên cạnh đó, cây di sản gắn với cộng đồng, do đó việc tăng cường thông tin, tuyên truyền rất cần thiết, để nhân dân chung tay cùng chính quyền địa phương trong bảo vệ, chăm sóc.

Luật Bảo vệ và phát triển rừng đang được xem xét điều chỉnh, một trong những nội dung được đông đảo nhà quản lý, giới chuyên gia, nhà khoa học quan tâm đó là việc nghiên cứu, xây dựng chính sách đặc thù cho nhóm cây không thuộc vườn quốc gia, rừng đặc dụng, khu dự trữ sinh quyển… Mong rằng Luật Bảo vệ và phát triển rừng sau khi được sửa đổi, bổ sung là cơ sở để việc chăm sóc, gìn giữ cây di sản.

Huy Vũ – Ảnh: Ngọc Thụy

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Bảo vệ cây di sản: Chưa rõ cơ chế, kinh phí bảo tồn
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác