Trung tuần tháng 3 vừa qua, chiếu xẩm Hải Phòng đã tổ chức Lễ giỗ Tổ nghề hát xẩm với sự tham gia của nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ cùng đông đảo các CLB, các chiếu xẩm trên toàn quốc.
Nhiều người yêu nghệ thuật hát xẩm đã quá quen thuộc với nghệ nhân Dân gian Việt Nam Đào Bạch Linh (sinh năm 1983). Anh được phong danh hiệu cao quý này năm 2016 bởi những cống hiến hết mình cho sự nghiệp gìn giữ, phát triển vốn văn nghệ dân gian Việt Nam.
Từ khi còn là sinh viên khoa Công nghệ Thông tin Đại học Bách Khoa tại Hà Nội, cứ cuối tuần, Đào Bạch Linh lại lặn lội về thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình học đàn, hát xẩm từ Nghệ nhân nổi tiếng Hà Thị Cầu, người cuối cùng còn giữ được lối hát ca trù cổ. Từ một chàng thanh niên xuất thân không trong một gia đình nghệ thuật, chỉ bằng lòng đam mê và quyết tâm theo đuổi đến cùng loại hình văn nghệ dân gian này mà Đào Bạch Linh đã tự học thành tài để có thể vừa miệng hát, tay kéo nhị, chân đập phách.
Thạo nghề, Đào Bạch Linh đã truyền dạy nghệ thuật này cho những người hâm mộ, làm sống lại nghệ thuật Xẩm ở Hải Phòng vào đầu năm 2010 với việc tập hợp tất cả lại để phổ biến, học hỏi lẫn nhau. Sau đó, tháng 3/2013, nhóm của anh sinh hoạt tại Trung tâm Văn hóa quận Lê Chân với tên gọi Câu Lạc Bộ (CLB) Hải Thành. CLB của Linh hiện có khoảng hơn 20 hội viên, ít tuổi nhất là 7 tuổi và cao tuổi nhất là 76. Năm 2015, chiếu xẩm Hải Thành trở thành một CLB của Hội Văn nghệ Dân gian thành phố trực thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng với những hoạt động ngày càng bài bản.
Đặc biệt, ngày 12/10/2020, chiếu xẩm Hải Thành trở thành CLB hát Xẩm Hải Phòng trực thuộc Trung tâm Văn hóa thành phố theo Quyết định của Sở Văn hóa và Thể thao, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của giáo phường Xẩm thành phố với Ban Chủ nhiệm CLB đứng đầu là nghệ nhân Dân gian Việt Nam Đào Bạch Linh. Được biết, hiện tại ở Hải Phòng có 3 nhóm xẩm do Đào Bạch Linh chỉ đạo hoạt động bao gồm: Xẩm Hải Thành thuộc Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng, Xẩm Hải Phòng thuộc trung tâm Văn hóa thành phố và Xẩm Lạc Viên thuộc Trung tâm văn hóa quận Ngô Quyền.
Trước đây, chiếu Xẩm Hải Thành sinh hoạt 4 buổi/tuần tại nhà riêng của nghệ nhân Đào Bạch Linh, trong đó 2 buổi dành cho việc học hát và 2 buổi học đàn. Nay, do quá bận rộn, chiếu chỉ sinh hoạt 2-3 buổi/tuần. Chiếu Xẩm Hải Thành thường tham gia biểu diễn tại các lễ hội truyền thống địa phương ở Hải Phòng như Lễ hội nữ tướng Lê Chân, lễ hội Minh Thề ở Kiến Thụy, lễ hội làng Cốc Liễn (xã Minh Tân, Kiến Thụy), Tràng Kênh (Thủy Nguyên)…
Những năm gần đây, mỗi năm hai lần (vào ngày 22 tháng 2 và 22 tháng 8 âm lịch hằng năm), CLB (nay là giáo phường) Xẩm Hải Thành đều tổ chức giỗ Tổ nghề hát xẩm có sự tham gia của nhiều nhóm, CLB Dân gian các tỉnh lân cận. Đây cũng là dịp để những người hát xẩm giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm đàn hát; những người có vai vế trong làng cũng nhân đây truyền đạt lại các quy tắc luật lệ, phân chia lại địa bàn hoạt động của người hát xẩm.
Lễ giỗ Tổ nghề hát xẩm năm nay do CLB hát xẩm Hải Phòng tổ chức theo nghi lễ truyền thống, có sự tham dự của nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân và các CLB, chiếu xẩm trên toàn quốc, như: Chiếu Xẩm Từ Sơn (Bắc Ninh), Chiếu Xẩm Hà Thị Cầu, Chiếu Xẩm 48h, Chiếu Xẩm Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình)… Sau nghi lễ dâng hương hát thờ Tổ nghề và các bậc tiền nhân, các nghệ nhân, người yêu hát xẩm trong cả nước đã có cuộc giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm.
Anh Nguyễn Đức Danh, chủ nhiệm CLB Xẩm Quỳnh Phụ (Thái Bình) cho biết: Được về dự lễ giỗ Tổ nghề hát xẩm do thầy Bạch Linh tổ chức, chúng tôi rất vui và vinh dự vì nghệ thuật hát xẩm đang trong quá trình hồi sinh. Tổ chức được lễ giỗ Tổ nghề thế này là rất đáng quý, nhất là lại được gặp gỡ các nghệ nhân, anh em ở các tỉnh về. CLB hát Xẩm Quỳnh Phụ được thành lập gần chục năm, cũng có sự giao lưu với các CLB ở các tỉnh khác và đặc biệt là CLB đã đưa được hát xẩm vào trường tiểu học, tập cho các em đi thi “Tiếng hát tiểu học” và đã được giải Nhất.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Mận, Chủ nhiệm CLB hát Xẩm Hà Thị Cầu cho biết thêm, CLB hiện có hơn 30 thành viên, trong đó đa phần là học sinh. Các em không chỉ biểu diễn trong tỉnh Ninh Bình mà còn có mặt trong nhiều liên hoan văn nghệ toàn quốc và biểu diễn ở nhiều địa phương cả nước
Chủ nhiệm CLB hát Xẩm Hà Thị Cầu chia sẻ, giữ được lễ giỗ Tổ nghề hát xẩm, giữ được nghề hát xẩm là rất quý. Trước kia, hát xẩm chỉ hát ở đường, ở chợ, bây giờ xẩm đã được lên sân khấu. CLB Hà Thị Cầu hàng tuần 2 buổi cho các cháu tập, đợt vừa rồi được đi diễn ở thành phố Hồ Chí Minh, các cháu đã để lại những ấn tượng rất tốt tại thành phố mang tên Bác.
VŨ DUYÊN