Năm 2017, các hội viên Hội Văn nghệ dân gian (VNDG) Hải Phòng sưu tầm, biên soạn hơn 50 tác phẩm về văn hóa,VNDG, trong đó có 35 tác phẩm được tập hợp in trong cuốn sách “Văn hóa, văn nghệ dân gian Hải Phòng quá khứ và hiện tại”. Trong 7 tháng năm 2018, các hội viên của Hội sưu tầm, biên soạn, sáng tác 9 bài viết và ca khúc VNDG tiêu biểu… Đó là những nỗ lực của các nhà nghiên cứu, nghệ nhân nhằm bảo tồn, làm phong phú hơn kho tàng văn hóa, VNDG của Hải Phòng và cả nước.
Đẩy mạnh sưu tầm, quảng bá
Nhà sử học Ngô Đăng Lợi, hội viên Hội VNDG Hải Phòng vừa có bài viết “Lễ hội đua ngựa gỗ làng Hoàng Châu”. Trong đó ông tập trung lý giải cặn kẽ về lịch sử hình thành, nét văn hóa miền biển riêng biệt, độc đáo của lễ hội đua ngựa gỗ ở Hoàng Châu (huyện Cát Hải); phân tích hiện trạng và giải pháp bảo tồn lễ hội trong cuộc sống đương đại.
Các hội viên khác của Hội cũng có hoạt động sưu tầm, quảng bá phong phú, như: tác giả Phạm Văn Thi có 3 bài nghiên cứu “Những nghệ nhân khắc gỗ tiêu biểu của làng nghề Bảo Hà”, “Đình Cốc Liễn, nơi thờ thành hoàng Chử Đồng Tử” và “Tục thờ chó đá của người Việt”; tác giả Bùi Quang Đạo có bài “Sự liên kết nghệ thuật múa rối cổ truyền với dân ca chèo”, “Giai thoại làng Bảo Hà”; nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Chính sáng tác bài hát văn “Họ Đỗ Việt Nam”; nhà báo Anh Thơ có bài “Rượu quê”…Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) thành phố Tô Hoàng Vũ, các bài sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác mới này có ý nghĩa lớn nhằm giữ gìn, bảo tồn các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian dựa trên những tìm hiểu, nghiên cứu công phu, luận giải xác đáng, làm tài liệu lưu giữ, truyền lại cho thế hệ sau.
Hát văn và hầu đồng là các loại hình được hội viên Hội Văn nghệ dân gian tích cực gìn gữ, thực hành. Ảnh: Đỗ Hiền
Để các tác phẩm nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, VNDG đến được với người xem, người nghe, các câu lạc bộ (CLB), giáo phường trực thuộc Hội VNDG tổ chức hàng trăm buổi biểu diễn nhân Ngày giỗ tổ nghề Xẩm, chào mừng các ngày lễ, Tết và giao lưu với các tỉnh, thành phố bạn và cả các buổi liên hoan quy mô vùng miền và toàn quốc. Tiêu biểu như Giáo phường Ca trù Hải Phòng tổ chức thành công kỷ niệm 25 năm thành lập CLB Ca trù Hải Phòng với chương trình nghệ thuật đặc sắc, thu hút hàng trăm ca nương, kép đàn khu vự phía Bắc về giao lưu. CLB dân ca và chèo tập luyện và biểu diễn thành công tiết mục “Khúc hát dân gian của tác giả Trần Tuấn Tiến. CLB Hát xẩm Hải Phòng (hay còn gọi là Chiếu xẩm Hải Thành) thường xuyên biểu diễn nhân dịp Lễ hội Hoa Phượng Đỏ và tham gia biểu diễn giao lưu do Hội đình làng Việt tổ chức. CLB Múa rối Minh Tân (hay còn gọi là Phường Múa rối Minh Tân) tổ chức 20 buổi biểu diễn phục vụ khách du lịch. Nghệ nhân Đào Minh Tuân, Chủ nhiệm phường được mời đạo diễn nghệ thuật cho Nhà hát múa rối Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), tham gia tạo hình con rối cho Nhà hát Múa rối Phương Nam (thành phố Hồ Chí Minh)…
Vẫn tự túc mọi mặt trong hoạt động
Theo Chủ tịch Hội VNDG Hải Phòng Phạm Đức Giang, thời gian qua, Hội VNDG Hải Phòng chưa nhận được nhiều sự quan tâm thỏa đáng; các hội viên chủ yếu hoạt động theo sự đam mê tự giác và tự túc về mọi mặt. Là một trong 9 ngành của Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng nhưng kinh phí hoạt động của Hội chủ yếu là tự túc. Trong khi đó, việc in ấn, phát hành các ấn phẩm về VNDG khá nhiều kinh phí, phần hỗ trợ từ ngân sách không đáng là bao, các hội viên phải kêu gọi xã hội hóa để đủ kinh phí in ấn sách. Chẳng hạn như năm 2017, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Chính chỉ được hỗ trợ 5 triệu đồng trên tổng kinh phí hơn 30 triệu đồng khi ra mắt cuốn sách về đàn và hát chầu văn. Một số hội viên khác có công trình nghiên cứu nhưng chưa được nhận kinh phí hỗ trợ. Do vậy khối lượng tác phẩm và chất lượng chương trình còn nhiều hạn chế về diện rộng và chiều sâu, chưa thật hấp dẫn, thu hút nhiều người xem, người đọc. Mặt khác, người làm nghề bị mai một dần, số còn lại phần lớn là người lớn tuổi “trót đa mang nên phải đèo bòng”. Các hội viên trẻ hoạt động trong Hội chỉ chiếm khoảng 20%, chủ yếu là những nghệ sĩ biểu diễn; số người làm công tác sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian còn ít.
Trước thực tế này, Hội VNDG tập trung vận động hội viên tích cực sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn các tác phẩm văn hóa, VNDG có chất lượng; xây dựng các công trình nghiên cứu văn hóa, VNDG làm đề tài khoa học đề nghị thành phố đầu tư thực hiện; duy trì các lớp học dạy nghề do các nghệ nhân và CLB trực thuộc Hội tổ chức; tổ chức các chuyến giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữ gìn, bảo tồn và phát huy vốn cổ…
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Tô Hoàng Vũ, để tạo điều kiện cho Hội VNDG Hải Phòng hoạt động tốt hơn, Hội Liên hiệp VHNT thành phố đề xuất thành phố, Sở Văn hóa – Thể thao quan tâm, động viên, khích lệ hội viên sáng tạo những tác phẩm có giá trị để đầu tư xuất bản quảng bá tác phẩm đến bạn đọc. Cụ thể, đồng ý về chủ trương và bố trí kinh phí đầu tư hoặc hỗ trợ thiết thực cho các công trình nghiên cứu văn hóa, VNDG. Hằng năm, có kế hoạch thu hút lực lượng trẻ tham gia hoạt động nghiên cứu, sưu tầm như mở lớp bồi dưỡng, mở trại sáng tác văn hóa, VNDG; rà soát, đề xuất trao tặng các danh hiệu nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú cho những người có nhiều đóng góp nổi bật cho lĩnh vực này, kể cả những người trẻ tuổi.
Đông Hải – Báo Hải Phòng 14/8/2018