Print Thứ tư, 11/12/2019 14:55 Gốc

Hát Xẩm thực sự là một loại hình âm nhạc chuyên nghiệp, chỉ khác ở chỗ, sân khấu của nghệ sỹ là đường phố, là gốc đa, bến nước, sân đình… hoặc đơn giản chỉ là một góc chợ quê nghèo.

Với lối kể tích sâu sắc, khéo léo và hấp dẫn, hát Xẩm là thể loại âm nhạc dân dã, một lối diễn xướng dân gian độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việ Nam.

Là sản phẩm của người lao động, âm nhạc và lời ca của nghệ thuật hát Xẩm hết sức mộc mạc chân thành nhưng chứa đựng những nội dung tư tưởng sâu sắc.

Lời ca trong hát Xẩm không chỉ phong phú về thể loại như ca dao, tục ngữ, thơ…, mà còn rất đa dạng về mặt nội dung. Những ca từ của Xẩm hàm chứa những triết lý, những lời răn dạy đạo lý ở đời.

Nguồn gốc của hát Xẩm

Hát Xẩm là một thể loại âm nhạc dân gian chuyên nghiệp, một lối diễn xướng dân gian độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Nghệ thuật hát Xẩm được hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 14. Từ khi ra đời đến khoảng nửa đầu thế kỷ 20, hát Xẩm được gọi với những tên khác nhau như hát rong, hát dạo.

Sức ảnh hưởng và lan tỏa mãnh liệt của Xẩm trong đời sống dân gian thể hiện ở số lượng bài Xẩm lên tới hàng trăm bài, đa dạng về nội dung, làn điệu cũng như môi trường diễn xướng.

Theo nghiên cứu, Xẩm có khoảng trên dưới 10 làn điệu, và hơn 400 lời Xẩm đã được thu tập trong đó các làn điệu phổ biến là: Xẩm Thập Ân, Xẩm Huê Tình, Xẩm Hà Liễu, Xẩm Ba Bậc, Xẩm Trống Quân, Xẩm Hò Khoan, Xẩm Phồn Huê, Xẩm Chợ, Xẩm Sai, Xẩm Ngâm Vịnh, Xẩm Tàu Điện và Hát Ai.

Cách gọi tên các làn điệu Xẩm cũng rất đa dạng và thú vị, phản ánh khả năng “sinh sôi nảy nở” của loại hình âm nhạc này.

Xẩm có thể được đặt tên theo không gian biểu diễn, đi từ chợ (Xẩm Chợ) ra Hà Nội lên tàu điện (Xẩm Tàu điện hay Xẩm Hà Nội), vào nhà trò (Xẩm Nhà trò); được đặt tên theo mục đích bài Xẩm (Xẩm Hò khoan); đặt theo nội dung hoặc tên bài Xẩm nổi tiếng như Xẩm Thập Ân; theo nguồn gốc như Xẩm Sai…

Cách gọi tên các bài Xẩm lại còn đa dạng hơn nữa. Từ những nhân vật lịch sử (Bà ba Cai Vàng), nhân vật trữ tình (Hỡi cô em yếm đỏ), những thói hư tật xấu (Xẩm Thuốc phiện), những hình ảnh mang tính biểu trưng (Lênh đênh mặt nước cánh bèo),… đều có thể trở thành tên của bài Xẩm.

Các bài Xẩm bao gồm một hoặc nhiều làn điệu kết hợp với nhau, tùy thuộc độ dài câu chuyện khi cần hát kể nhiều tình tiết hay trạng thái cảm xúc. Nghệ sỹ Xẩm có khi hòa mình vào nhân vật trong câu chuyện, có khi lại chỉ đứng ở góc độ “người kể,” khiến các bài Xẩm có sắc thái rất đa dạng.

Thời phong kiến, hát Xẩm là tiếng nói phản kháng lên án những bất công cường quyền, áp bức, những thói hư tật xấu của xã hội, cất lên tiếng nói bênh vực những số phận bất hạnh nghèo khổ bị chà đạp. Sau chiến tranh, các làn điệu Xẩm được các nhạc sỹ, cán bộ văn hóa sử dụng như một công cụ để tuyên truyền chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Riêng Hà Nội có một dòng Xẩm rất đặc trưng mà không đâu có được, đó là Xẩm Tàu điện vì nó thường được hát trên tàu điện.

Ra đời vào đầu thế kỷ 20, Xẩm Tàu điện xuất hiện trong môi trường đô thị, khi những người hát Xẩm biểu diễn bằng hình đi qua các toa tàu điện.

Được xem là một nhánh sau của Xẩm cổ, Xẩm Tàu điện có tiết tấu nhanh, ngắn gọn, thường sử dụng thơ của những thi sỹ nổi tiếng như “Anh khóa,” “Cô hàng nước” (của Á Nam Trần Tuấn Khải), “Giăng sáng vườn chè,” “Em đi tỉnh về” của Nguyễn Bính… vào các điệu Xẩm, đưa Xẩm đã trở thành loại hình âm nhạc đường phố vô cùng độc đáo, góp phần tạo nên nét đặc sắc riêng văn hóa phố phường của Thăng Long-Hà Nội.

Nghệ sỹ nhân dân Xuân Hoạch cho biết: “Mỗi bài Xẩm đều có nhịp điệu đu đưa ăn khớp với chu kỳ chao đảo và độ giật, lắc mỗi khi tàu phanh, nhờ thế mà át được tiếng ồn không hề dễ chịu của tàu điện.”

Trong hệ thống làn điệu của Xẩm nói trên, có những làn điệu hấp dẫn, đặc sắc nên nhiều bộ môn nghệ thuật khác như Chèo, Ca trù phải “vay mượn,” như các điệu Xẩm huê tình, Xẩm chợ, Xẩm xoan…

Bài Xẩm huê tình khi được các đào nương, kép đàn ca trù du nhập vào trong hình thức ca quán, thường gọi là điệu Xẩm Cô đầu (hay Xẩm Nhà trò). Như vậy cũng đủ thấy các nghệ sỹ giáo phường ca trù rất tôn trọng nghệ thuật Xẩm, họ vẫn giữ chữ “Xẩm” ở làn điệu này nhằm chỉ rõ gốc gác của làn điệu.

Ngày nay, nhiều người vẫn hiểu Xẩm là lối hát của người khiếm thị, ăn xin. Thật ra, đúng ra là người khiếm thị đã dùng Xẩm làm phương tiện kiếm sống. Vì thế, hát Xẩm thực sự là một loại hình âm nhạc chuyên nghiệp, chỉ khác ở chỗ, sân khấu của họ chính là đường phố, là gốc đa, bến nước, sân đình… hoặc đơn giản chỉ là một góc chợ quê nghèo.

Thăng trầm nghề hát Xẩm

Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 là thời gian thịnh vượng nhất của hát Xẩm. Lúc này, không còn đơn thuần là loại hình giải trí lúc nông nhàn, Xẩm đã phát triển thành một nghề kiếm sống của người nghèo nơi thành thị và được truyền dạy từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Trong quá trình phổ biến lối hát Xẩm, có những người mù hoặc nghèo khổ nhưng rất có năng khiếu về âm nhạc đã vận dụng hát Xẩm làm phương tiện kiếm sống, vô hình trung, đưa hát Xẩm trở thành nghệ thuật biểu diễn của những người ăn xin.

Lượng người hát Xẩm đông nhất là thời kỳ Pháp thuộc và những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Một thời gian dài, hát Xẩm trở thành món ăn tinh thần của quần chúng lao động. Nó đề cập đến nhiều vấn đề ở mọi khía cạnh, trong mọi tình huống của cuộc sống, từ công cha nghĩa mẹ, tình yêu, tình vợ chồng, tình huynh đệ cho đến những tình cảm riêng tư của mỗi con người, hay những vấn đề mang tính thời sự cập nhật, đả kích và phê phán những thói hư tật xấu của xã hội đương thời…

Không chỉ phục vụ cho đám đông ngoài xã hội, người nghệ sỹ Xẩm còn sẵn sàng phục vụ theo yêu cầu như trong dịp cưới xin, ma chay, giỗ kỵ… và thậm chí nhiều khi chỉ đơn giản là “nhờ bác Xẩm đánh tiếng dùm” với cô nàng thôn nữ đang đứng bên đàng.

Một trong những chức năng vô cùng độc đáo của nghệ thuật hát Xẩm là một kênh truyền thông bằng tiếng hát rất hữu hiệu.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cả trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Xẩm địch vận đã xuất hiện và phát huy vai trò tích cực của mình.

Để động viên tinh thần đấu tranh anh dũng của các chiến sỹ trong trận tuyến quyết giữ mạch máu lưu thông cầu Hàm Rồng, nghệ nhân Xẩm Minh Sen (Thanh Hóa) đã ôm cây đàn nhị đi khắp mọi nơi trên mặt trận để mang những lời ca hóm hỉnh, mang lại tiếng cười sảng khoái cho các chiến sỹ.

Các em nhỏ tập hát xẩm tại nhà cố nghệ nhân Hà Thị Cầu. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Rồi nghệ nhân Xẩm đất Ninh Bình là bà Hà Thị Cầu, người được mệnh danh là người đàn bà hát Xẩm cuối cùng của thế kỷ 20, tuy không hề biết đến mặt chữ, nhưng cách đây hơn nửa thế kỷ đã sáng tác ra bài Xẩm “Theo Đảng trọn đời” theo điệu thập ân với những câu thơ: “Vững tâm theo Đảng nghe con/ Đạp bằng sóng gió sắt son lời thề.”

Hay nghệ nhân Vũ Ðức Sắc với bài “Tiễu trừ giặc dốt” hưởng ứng Phong trào Bình dân học vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động…

Tới giữa thế kỷ 20, nghề hát Xẩm vẫn còn với các tên tuổi nghệ nhân tài ba như Nguyễn Văn Nguyên – tức cụ Trùm Nguyên, Vũ Đức Sắc (Hà Nội); Thân Đức Chinh (Bắc Giang); Nguyễn Phong Sắc (Hải Dương), cụ Trùm Khoản (Sơn Tây), cụ Chánh Trương Mậu (Ninh Bình); cụ Đào Thị Mận (Hưng Yên); cụ Trần Thị Nhớn (Nam Định); Trần Thị Thìn, Nguyễn Văn Khôi (Hà Đông)… và nhiều nghệ nhân khuyết danh khác.

Từ thập niên 60 trở lại đây, vì nhiều nguyên nhân khác nhau do điều kiện môi trường và xã hội, đặc biệt là do những quan niệm sai lầm nên các phường Xẩm dần tan rã và không hoạt động nữa.

Các nghệ nhân Xẩm tài danh bước dần vào tuổi xế chiều, rồi lần lượt ra đi, vĩnh viễn đem theo những giá trị nghệ thuật đặc sắc mà họ đã từng lưu giữ và thực hành. Nhất là khi “người giữ hồn Xẩm” – nghệ nhân Hà Thị Cầu (vợ út của ông Chánh Trương Mậu – trùm Xẩm đất Ninh Bình khi xưa) qua đời vào năm 2013.

Tín hiệu vui về nghệ thuật hát Xẩm

Sau bao thăng trầm và ít nhiều bị mai một, thất truyền, hát Xẩm đang dần được khôi phục bởi những tấm lòng nhiệt huyết và đam mê với nghệ thuật truyền thống.

Các tỉnh phía Bắc thành lập nhiều câu lạc bộ, nhóm Xẩm như chiếu Xẩm Hà Thành, chiếu Xẩm Hải Phòng, các Câu lạc bộ hát Xẩm tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Bình… đã tạo nên sức sống mới cho loại hình nghệ thuật hát Xẩm.

Nội dung các bài hát Xẩm đã phong phú hơn, ngoài ngợi ca tình yêu quê hương đất nước, nghĩa mẹ, tình cha thì những vấn đề xã hội đã được đưa vào Xẩm để phù hợp với cuộc sống đương đại.

Từ những nỗ lực của những nghệ sỹ nặng lòng với nghệ thuật dân gian như Thao Giang, Văn Ty, Xuân Hoạch, Thúy Ngần, Thanh Bình, Mai Tuyết Hoa… nghệ thuật hát Xẩm dần được hồi sinh.

Lớp truyền dạy nhạc cụ hát xẩm tại huyện Yên Mô (Ninh Bình). (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

Từ một loại hình diễn xướng dân gian phổ biến nơi đông người qua lại như bến sông, hè đường, góc chợ… và là phương tiện cho không ít người khiếm thị mưu sinh, Xẩm đã lên sân khấu trong các chương trình nghệ thuật, phục vụ khách du lịch.

Sự chào đón nồng nhiệt của khán giả Thủ đô đối với Xẩm chưa bao giờ giảm kể từ năm 2005 – khi nhạc sỹ Thao Giang lần đầu tiên thử nghiệm đưa Xẩm lên sân khấu tại khu vực ngã năm Hàng Đào.

Năm 2006, một CD về Xẩm Hà Nội đã ra đời và một chiếu Xẩm hằng đêm vào tối thứ bảy vẫn duy trì ở khu vực chợ đêm Đồng Xuân. Có những đêm diễn, hàng trăm người đứng xem.

Cũng ở đó, nhiều nhân sỹ, trí thức đã đến thưởng thức một không gian riêng của Xẩm như Giáo sư Trần Văn Khê, Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong, nhà thơ Nguyễn Duy… Và những đốm lửa đã được nhóm Xẩm Hà Thành và những người thầy miệt mài, bền bỉ thắp lên như thế, để Xẩm đi vào đời sống và người dân Hà Nội bắt đầu biết về Xẩm.

Năm 2018, nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, Chiếu Xẩm Hải Phòng và Nhóm Đình làng Việt phối hợp với Ban Quản lý Di tích Phố cổ Hà Nội tổ chức chương trình Tọa đàm và biểu diễn “Nghệ thuật hát Xẩm – Từ hè đường đến sân khấu.”

Ngay trong chương trình biểu diễn vừa qua, khán giả không chỉ ngạc nhiên, vui mừng được nghe những làn điệu tưởng như đã mai một do các nghệ nhân dân gian và các nghệ sỹ hát Xẩm trình diễn trong một không gian sân khấu hoàn toàn khác lạ, mà còn được gặp gỡ, giao lưu với các thế hệ tâm huyết lưu giữ, duy trì hát Xẩm.

Tiêu biểu là nghệ sỹ nhân dân Xuân Hoạch, người được xem là “trưởng lão” của làng Xẩm Việt Nam đương đại với nhiều năm nghiên cứu, kế thừa và phát triển tinh hoa của các thế hệ đi trước, đồng thời là người có công phục chế nhiều loại nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn nhị, đàn đáy, đàn nguyệt.

Bên cạnh đó, có nghệ nhân dân gian Lê Minh Sen đến từ Thanh Hóa, một “cây đa, cây đề” trong làng Xẩm, từng ôm cây đàn nhị ra mặt trận trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, mang lời ca hóm hỉnh, tiếng cười sảng khoái động viên tinh thần các chiến sỹ, thôi thúc ý chí quyết tâm chiến đấu của quân và dân Thanh Hóa.

Đặc biệt là nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh, học trò của nghệ nhân Hà Thị Cầu, một trong những nghệ nhân hát Xẩm ít ỏi của Việt Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chiếu Xẩm Hải Thành của Hải Phòng, một người trẻ luôn đau đáu với trách nhiệm phải gìn giữ loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Bà Nguyễn Thị Mận, con gái nghệ nhân hát Xẩm Hà Thị Cầu, xúc động chia sẻ: “Trải qua bao thăng trầm, tôi không ngờ có ngày những làn điệu Xẩm lại được vang lên trên sân khấu, không còn ở hè đường như trước đây. Xẩm bây giờ được truyền dạy, biểu diễn ở khắp nơi và nhận được sự yêu mến từ công chúng.”

Tại Ninh Bình, sau nhiều nỗ lực, Liên hoan các Câu lạc bộ hát Xẩm khu vực miền Bắc lần đầu tiên đã được tỉnh đăng cai tổ chức. Ninh Bình được coi là một trong những cái nôi sản sinh ra bộ môn nghệ thuật hát Xẩm và là quê hương của cố nghệ nhân hát Xẩm nổi tiếng Hà Thị Cầu – “báu vật nhân văn sống” quốc gia.

Hiện, Ninh Bình có nhiều câu lạc bộ hát Xẩm đang hoạt động, trong đó tập trung ở huyện Yên Mô với sự tham gia học hát của nhiều người ở các lứa tuổi.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Ninh Bình, cho biết tỉnh sẽ cùng các tỉnh khu vực phía Bắc chuẩn bị lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ công nhận hát Xẩm là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Sau đó, ban tổ chức có kế hoạch xây dựng những điều kiện để làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Đây có thể coi là nguồn động lực lớn để những người nghệ nhân hát Xẩm và người yêu loại hình âm nhạc dân tộc này tiếp tục cố gắng bảo tồn, phát triển và đào tạo, để trong một ngày không xa nghệ thuật hát Xẩm sẽ được ghi nhận một cách đúng đắn, có vị trí xứng đáng trong công chúng trong nước và bạn bè quốc tế./.

 
PV (Vietnam+)
Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Bảo tồn nghệ thuật hát Xẩm – loại hình diễn xướng dân gian độc đáo
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác