Dưỡng Động vốn là làng tối cổ có từ thời Hùng Vương dựng nước. Xa xưa đây là xã thuộc huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Ngày nay là thôn của xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Hàng trăm năm trước, nơi đây từng nổi tiếng với nghề gốm truyền thống, được nhiều người biết đến. Trải qua thời gian, năm tháng, nghề gốm Dưỡng Động phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách, song những người con nơi đây vẫn đau đáu giữ ngọn lửa nghề của ông cha truyền lại.
Về với thôn Dưỡng Động, xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, đến thăm gia đình anh Vũ Mạnh Huy, một nghệ nhân làm gốm nơi đây, du khách sẽ có dịp hiểu thêm về gốm Dưỡng Động, những đam mê, tâm huyết và nỗ lực của người thợ gốm trên con đường bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống của ông cha. Trong khuôn viên nhỏ của gia đình, ngày ngày, anh Huy cùng những người dân địa phương miệt mài bên những sản phẩm gốm; tỉ mỉ, công phu, kiên nhẫn với từng công đoạn; dồn tâm sức cho những chi tiết dù nhỏ nhất, với mong muốn những sản phẩm gốm Dưỡng Động sẽ đi xa hơn, được nhiều người biết đến hơn, điều mà trước đây, thế hệ ông cha của anh đã làm được.
Nghề gốm làng Dưỡng Động đã hình thành và phát triển từ vài trăm năm. Trước đây làng Dưỡng Động có 12 xóm đều làm gốm. Xóm Lò có nghề làm nồi đất nên còn gọi là xóm “Lò Nồi”. Trong vùng còn truyền tụng câu ca:
“Ai về thăm xóm Lò Nồi
Mà xem cái bát sáng ngời nước men”
Để làm ra một sản phẩm gốm phải trải qua nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian, đòi hỏi sự sáng tạo và kiên trì, tỉ mỉ nên không phải ai cũng có thể theo nghề và trụ lại với nghề. Phải thực sự yêu và tâm huyết, mới có thể trở thành một người thợ gốm. Sinh ra trong một gia đình có 4 đời nối truyền làm nghề gốm ở Dưỡng Động, anh Vũ Mạnh Huy luôn trăn trở, làm thế nào để có thể tiếp nối, gìn giữ nghề truyền thống của quê hương, để đưa những sản phẩm gốm Dưỡng Động đến với đông đảo người dân, không chỉ ở Hải Phòng, mà còn ở các tỉnh thành khác. Sau gần 20 năm bôn ba xa quê hương, năm 2007, anh quyết định trở về khôi phục lại nghề gốm Dưỡng Động. Rất nhiều khó khăn mà anh và những người thợ gốm nơi đây đã và đang phải đối diện, nhưng anh vẫn kiên trì bám trụ với nghề. Bên cạnh việc sản xuất kinh doanh, anh còn tích cực truyền nghề cho những người yêu thích nghề gốm, giới thiệu về nghề làm gốm cho các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh. Những mong, trong số đó, sẽ có những người góp sức cùng anh, tiếp nối nghề truyền thống của ông cha.
Phía trước còn rất nhiều khó khăn trên con đường khôi phục nghề gốm ở Dưỡng Động, song một điều quý giá mà anh Huy đã làm được, đó là khơi dậy tình yêu, niềm tự hào của người dân địa phương về nghề truyền thống của quê hương.
Một số hình ảnh về nghề gốm truyền thống Dưỡng Động