Dự báo, sau khi áp sát bờ bão số 3 có khả năng đi dọc bờ biển Hải Phòng – Quảng Ninh. Đến thời điểm này, vùng tâm bão chưa chắc nằm ở chỗ nào của Quảng Ninh, Hải Phòng hay Thái Bình.
Theo ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, sáng 2/8 bão số 3 đã di chuyển chậm lại, khoảng 5 – 10 km/giờ. Vùng gần tâm bão gió mạnh cấp 9, giật cấp 12 và vùng gió mạnh từ cấp 6 – cấp 8 trở lên có bán kính khoảng 170km, tính từ vùng tâm bão.
Dự báo cơn bão sẽ duy trì cấp gió mạnh này cho đến 16 – 17 giờ chiều nay, tiếp tục di chuyển theo hướng Tây. Khi đi vào bờ, bão có xu hướng lệch xuống phía Nam.
Về thời điểm bão ảnh hưởng đến đất liền, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết thêm, dự kiến chiều tối và đêm nay, bão áp sát vào bờ và đi vào khu vực từ Quảng Ninh đến Thái Bình. Nhưng ngay từ sáng nay, theo quan trắc tại một số trạm khí tượng ở Cô Tô, Cửa Ông, Tiên Yên, Quảng Hà, khí áp đang giảm mạnh và đây là một trong những yếu tố cho thấy bão sẽ quét qua khu vực này.
“Sau khi áp sát bờ và có khả năng đi dọc bờ biển Hải Phòng – Quảng Ninh, đến thời điểm này, vùng tâm bão chưa chắc nằm ở chỗ nào của Quảng Ninh, Hải Phòng hay Thái Bình, nhưng vùng gió mạnh cấp 8 sẽ ảnh hưởng đến tất cả các địa phương từ Quảng Ninh, Hải Phòng và phía bắc tỉnh Thái Bình”, ông Mai Văn Khiêm cảnh báo.
Bên cạnh đó, bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh và Hải Phòng đúng vào thời điểm triều cường mạnh nhất, dự báo nước biển dâng trong cơn bão có thể cao từ 4 – 4,5 m.
Ghi nhận hiện tại các tỉnh ven biển đang căng mình để chống bão nhằm đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, vật nuôi, cây trồng…
Tại TP Hải Phòng, chính quyền địa phương đã thông báo cho 3.344 phương tiện/14.172 lao động; 465 lồng bè/1.290 lao động; 350 chòi canh/288 lao động đang hoạt động biết thường xuyên về diễn biến của bão.
Tại Quảng Ninh, UBND tỉnh đã thành lập 5 đoàn công tác do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn, xuống các địa phương để chỉ đạo việc triển khai ứng phó với bão số 3. Có 14/14 địa phương trên toàn tỉnh đã triển khai các phương án đối phó với cơn bão.
Tại Nam Định có trên 2.100 tàu thuyền với 6.000 lao động, khu ven biển có trên 1.000 lều, chòi nuôi được di dời về nơi an toàn. Chính quyền địa phương đã sắp xếp cho 1.488 lượt phương tiện neo đậu an toàn tại các bến. Tỉnh Nam Định huy động 17 tổ công tác, 86 cán bộ, chiến sĩ tăng cường xuống địa bàn trọng yếu để hướng dẫn giúp ngư dân chằng chống nhà cửa, chuẩn bị các phương tiện sẵn sàng di dời người dân khi có lệnh và phải hoàn thành trước 15h ngày 2/8/2019.
Trong khi đó tỉnh Thái Bình thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, đã di dời được 1.281 lao động ở các chòi canh/1.164 chòi canh ngao ven biển; 1.907 lao động đang làm việc tại 1.216 đầm nuôi trồng thủy, hải sản; 55 lao động/575 lồng bè về nơi an toàn. Kêu gọi 1.279 tàu, thuyền. Đối với các đê trọng yếu trong đó có 01 công trình đang thi công thì cần bố trí sẵn nhân lực phương tiện để sẵn sàng ứng cứu. Có phương án chủ động di dời 8.476 hộ dân sinh sống trong các ngôi nhà có nguy cơ sập. Giữ thông tin liên lạc với các tàu, thuyền đang hoạt động ở nơi có ảnh hưởng của bão…
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 3, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu: Trước 15h chiều nay, các tỉnh phải sơ tán dân khỏi lồng, bè, chòi canh trên biển. Trong trường hợp cần thiết, phải cưỡng chế. Thứ trưởng cũng đặc biệt lưu ý đến bài học lũ quét khi thủy điện xả lũ, và đề nghị trong đợt mưa bão số 3 này, Bộ Công thương rà soát kỹ, kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ của các hồ thủy điện nhỏ khi dự báo sẽ có mưa lớn trong những ngày tới.