Xã hội

Bão số 10 có sức gió không lớn nhưng diễn biến phức tạp, khó lường

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo từ đêm 4/11 đến ngày 6/11, ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250-350mm/đợt.

Ngày 4/11, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp về việc ứng phó với cơn bão số 10.

Ông Nguyễn Đức Quang, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Cục trưởng Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) yêu cầu các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 35/CĐ-TW ngày 2/11 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về việc chủ động ứng phó với bão số 10.

Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Đức Quang phát biểu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN).

Bão số 10 diễn biến phức tạp, dự báo sẽ vào đất liền từ ngày 5/11

Tiến sỹ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết lúc 7 giờ ngày 4/11, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên trong khoảng 140km tính từ tâm bão.

Đến 13 giờ ngày 4/11, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 19 giờ ngày 4/11, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 330km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Bão số 10 có diễn biến phức tạp với đặc điểm là vùng mây đối lưu lệch về phía Tây nên khả năng xảy ra hiện tượng mưa dông, lốc và gió giật mạnh ở vùng ven biển và đất liền. Điều này gây mối nguy cơ cao đối với tàu, thuyền và các lồng bè nuôi trồng thủy sản ven bờ“, tiến sỹ Hoàng Phúc Lâm lưu ý.

Tiến sỹ Hoàng Phúc Lâm cảnh báo từ đêm 4/11 đến ngày 6/11, ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250-350mm/đợt; các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt.

Từ ngày 5-7/11 ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt.

Vùng biển phía Tây của khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4-6m; biển động rất mạnh.

Vùng biển từ Quảng Nam đến Ninh Thuận (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh dần lên cấp 6, từ đêm 4/11 tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão gió cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 3-5m, biển động mạnh.

Theo dõi chặt diễn biến cơn bão

Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Đức Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, ban hành kịp thời các ban tin cảnh báo, dự báo sát với diễn biến thực tế, nhất là đối với các khu vực đang tập trung lực lượng cứu hộ, cứu nạn, những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất…

Lực lượng chức năng thông báo kiểm soát tàu, thuyền, đặc biệt là các tàu của tỉnh Bình Định, tỉnh Tiền Giang còn trong vùng nguy hiểm; tàu vận tải, tàu vãng lai neo đậu ở các cửa sông; hướng dẫn việc neo đậu trên bến để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Các lực lượng chức năng cần hướng dẫn việc gia cố, di chuyển lồng bè, sẵn sàng sơ tán dân và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, khách du lịch trên các đảo, ven biển, lồng bè, các khu nuôi trồng thủy sản, nhất là ở hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập sâu, chia cắt, cô lập.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp trong công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 9 và mưa lũ sau bão; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu hộ; giúp dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh khôi phục sản xuất ổn định cuộc sống, sẵn sàng ứng bão và mưa sau bão.

Sơ đồ đường đi của bão số 10 qua Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN).

Lực lượng chức năng khôi phục hệ thống điện, lưu ý trước khi đóng điện trở lại cần thông báo cho các cơ quan và người dân để tránh xảy ra tai nạn; vận hành an toàn công trình và hạ du các hồ đập thủy lợi, thủy điện đặc biệt đối với các hồ đập nhỏ, các hồ đập xung yếu; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống đê sông, đê biển, các công trình phòng chống thiên tai, sạt lở, nhất là các trọng điểm xung yếu, các sự cố xảy ra trong bão số 9 và các đợt mưa lũ vừa qua; trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cần tăng cường công tác trực ban, đôn đốc các địa phương, đặc biệt là Quảng Nam, Quảng Ngãi, báo cáo tình hình khắc phục hậu quả mưa, bão, tổng hợp để báo cáo Ban Chỉ đạo.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó, hỗ trợ tìm kiếm người mất tích

Theo đại diện cơ quan thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 8 giờ ngày 4/11, Bộ đội Biên phòng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa đã phối hợp với các địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng để thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.884 phương tiện với 232.118 người di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Hiện tại trong vùng nguy hiểm của bão vẫn còn 10 phương tiện với 80 lao động (tỉnh Bình Định có 8 phương tiện/60 lao động, tỉnh Tiền Giang có 2 phương tiện với 20 lao động). Các chủ phương tiện, thuyền trưởng đã nhận thông tin và đang di chuyển tránh bão.

Bộ Giao thông Vận tải đã có công điện chỉ đạo các cảng vụ hàng hải giữ liên lạc, hướng dẫn các tàu trú tránh bão.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các phóng viên TTXVN tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, tính đến 7 giờ ngày 4/11, mưa lũ và hoàn lưu bão số 9 đã làm 39 người chết (Nghệ An 10 người; Quảng Nam 27 người, trong đó Nam Trà My 17 người, Bắc Trà My 1 người, Phước Sơn 9 người; Gia Lai 1 người; Đắk Lắk 1 người).

Còn 56 người vẫn mất tích trong các đợt mưa bão vừa qua, trong đó ở Quảng Nam là 20 người; ở Bình Định là 23 người (mất tích trên biển); ở Kon Tum là 1 người; ở Thừa Thiên-Huế (khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3) là 12 người.

Hiện các đơn vị chức năng và lực lượng dân phòng đang huy động 1.539 người và 71 phương tiện các loại để giúp tỉnh Quảng Nam tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả tại huyện Nam Trà My và Phước Sơn.

Ngày 3/11, lực lượng cứu hộ đã tìm được thêm 4 thi thể nạn nhân trong vụ sạt lở đất tại huyện Phước Sơn.

Đại tá Nguyễn Xuân Dũng (Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn) cho biết để ứng phó với bão số 10, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng huy động 64.517 người và 1.718 phương tiện để xử lý các tình huống.

Ngoài ra, trong những ngày qua, Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo Quân khu 4 điều động 4.489 người và 91 phương tiện, 3 chó nghiệp vụ để tìm kiếm cứu nạn ở khu vực Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên-Huế) đồng thời vận chuyển hơn 7 tấn lương thực, thực phẩm, 250 lít xăng dầu hỗ trợ nhân dân xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) và xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam).

Việc tìm kiếm 23 ngư dân của 2 tàu cá BĐ 97469 TS và BĐ 96388 TS23 (của tỉnh Bình Định) mất tích trên biển vẫn đang được các đơn vị chức năng phối hợp tiếp tục tiến hành (hiện đã tìm kiếm được 3 ngư dân và đưa vào bờ an toàn).

Các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa đã khắc phục các điểm trường bị thiệt hại và cho học sinh đi học bình thường.

Hoạt động cung cấp, sản xuất hàng hóa, vật liệu xây dựng tại các khu vực ảnh hưởng đã được khôi phục, không có biến động lớn./.

Thắng Trung (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn tin: VietnamPlus

Tin khác

Thông tin về vụ cháy tại KCN Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương

Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…

24/11/2024

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More