Đi vào đất liền các tỉnh Đông Bắc Bộ lúc 4h30 sáng nay, bão Mun suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Cây xanh bật gốc ở khu du lịch Đồ Sơn. Ảnh: Giang Chinh
Rạng sáng 4/7, bão Mun đã đổ bộ vào các tỉnh từ Hải Phòng đến Nam Định. Vùng tâm bão ở đảo Cát Hải và Hòn Dáu (Hải Phòng) có gió mạnh cấp 8-9 (50 đến 75 km/giờ), giật cấp 11. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Nghệ An tiếp tục có mưa to.
Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho hay, 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 10-15 km/h, vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực trung du và vùng núi Bắc Bộ.
Xe tải quân đội tham gia thu dọn cây đổ tại Đồ Sơn. Ảnh: Giang Chinh
Ở Vịnh Bắc Bộ (gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) trong sáng sớm nay gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 11. Biển động rất mạnh.
Tại Hải Phòng, một số cây xanh trên đường Lạch Tray (quận Ngô Quyền) bị đổ; các hoạt động của người dân ở khu vực nội thành diễn ra bình thường.
Khu du lịch Đồ Sơn cũng có nhiều cây xanh và cột điện bị đổ; một số đoạn bờ kè tại khu 1 bị sóng đánh bay. Lực lượng chức năng đang khẩn trương thu dọn.
Quảng Ninh, trong đất liền ở các địa phương ven biển có mưa và gió giật nhẹ. Mọi hoạt động của người dân vẫn diễn ra bình thường.
Ông Trần Như Long – Chủ tịch UBND huyện Cô Tô thông tin, “từ tối qua trên địa bàn có mưa rải rác, đến sáng nay mưa ngớt nhưng gió vẫn mạnh cấp 7-8. Dự kiến đến trưa gió sẽ giảm dần và xuất hiện mưa lớn do hoàn lưu sau bão”.
Cũng theo ông Long, trên toàn huyện chưa ghi nhận thiệt hại về người và tài sản; các lực lượng đang tập trung kiểm soát những vị trí xung yếu có nguy cơ ngập úng, sạt lở để chủ động xử lý.
Thanh Hóa, lúc 7h vùng biển Sầm Sơn trời lặng gió, song hoàn lưu bão gây mưa trên diện rộng, nhiều người dân vẫn ra đường. Nhà chức trách cảnh báo mưa lớn ở khu vực miền núi có thể gây lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.
Thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Thanh Hóa, mưa lớn gây sập một phần cầu Yên Hòa tại xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia làm hai người chết, 3 người bị thương khi tham gia giao thông đêm ngày 3 và sáng 4/7.
Tại Nghệ An, từ chiều 3/7 huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai mưa rất to khiến một số đồng lúa, hoa màu, khu vực nuôi trồng thủy sản bị ngập. Một số nhà dân và khu vực chăn nuôi ở thị xã Hoàng Mai bị nước tràn vào nhà buộc phải di chuyển đồ đạc lên cao. Tới 5h sáng nay, mưa đã ngớt, các điểm ngập nước đang rút dần, không có thiệt hại về người.
Tại huyện Quỳ Hợp, đêm 3/7 mưa lớn khiến lũ tràn qua cầu bản Ính (xã Châu Lộc). Khoảng 20h, ông Nguyễn Văn Thao (trú xã Châu Lộc) đi qua cầu tràn này bị nước cuốn trôi, may mắn bám được vào bụi cây rồi kêu cứu. Công an xã và người dân phát hiện nên cứu được nạn nhân ngay sau đó.
Mun là cơn bão thứ hai ở biển Đông trong năm nay. Cơn bão thứ nhất xuất hiện ngày 1/1, thực ra là vẫn rơi rớt của năm 2018. So với quy luật, năm nay bão đến muộn hơn khoảng một tháng.
Theo dự báo, trong ngày 4/7, ở Thanh Hóa và khu vực Tây Bắc Nghệ An có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 40-80 mm/12 giờ, có nơi trên 100 mm/12 giờ); từ đêm nay mưa giảm.
Ngày và đêm nay, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Đông Bắc có mưa to (lượng mưa phổ biến 50-150 mm/24 giờ, có nơi trên 150 mm/24 giờ); vùng núi Bắc Bộ cũng tương tự.
Khu vực Hà Nội mưa vừa và giông; trong mưa giông có gió giật mạnh.