2 năm qua (2017-2018), Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố phối hợp các sở, ngành, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT. Phóng viên Báo Hải Phòng trao đổi với ông Phạm Mạnh Thường, Phó trưởng Phòng Giám định BHYT (BHXH thành phố) chung quanh vấn đề này.
Cán bộ y tế hướng dẫn người nhiễm HIV/AIDS chế độ khám, chữa bệnh BHYT.
– Đề nghị ông cho biết, theo quy định, người nhiễm HIV/AIDS có thuộc trường hợp được hỗ trợ kinh phí tham gia BHYT không?
Theo quy định người nhiễm HIV/AIDS không thuộc trường hợp được hỗ trợ kinh phí tham gia BHYT (trừ trường hợp thuộc bảo trợ xã hội quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ). Tuy nhiên từ năm 2017, BHXH thành phố cùng với Sở Y tế, Sở Tài chính tham mưu với UBND thành phố hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS. Cụ thể: năm 2017, thành phố trích kinh phí từ nguồn cân đối quỹ khám, chữa bệnh BHYT để mua BHYT cho 383 người nhiễm HIV/AIDS với số tiền hơn 250 triệu đồng; năm 2018, thành phố bố trí kinh phí từ ngân sách thành phố hỗ trợ 100% kinh phí cho trường hợp nhiễm H tham gia BHYT. Tính đến tháng 8-2018, toàn thành phố có 354 người nhiễm HIV/AIDS được cấp thẻ BHYT để đi khám, chữa bệnh.
– Khi tham gia BHYT, người nhiễm HIV được hưởng quyền lợi như thế nào? Thuốc kháng vi rút ARV có nằm trong danh mục được chi trả BHYT không?
Khi tham gia BHYT, người nhiễm HIV được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh. Hiện nay, nhiều thuốc kháng ARV thuộc danh mục BHYT chi trả, nhưng đang do ngân sách nhà nước chi trả. Tuy nhiên, theo Quyết định 1125/QÐ-TTg ngày 31-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu Y tế – Dân số giai đoạn 2016-2020, thuốc ARV được chi trả từ quỹ BHYT từ ngày 1-1-2019. Chi phí điều trị bằng thuốc ARV rất cao nên tham gia BHYT là phương án hỗ trợ thiết thực cho những người nhiễm HIV/AIDS.
– Trong trường hợp người bị nhiễm HIV/AIDS phải cấp cứu nhưng không đúng tuyến thì họ được hưởng quyền lợi như thế nào?
Trong trường hợp người bị nhiễm HIV/AIDS phải cấp cứu nhưng không đúng tuyến thì họ được 100% quyền lợi theo mã quyền lợi được ghi trên thẻ BHYT tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào (từ tuyến xã, tuyến huyện đến tuyến trung ương).
Khi đi khám, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở y tế nào, người nhiễm HIV/AIDS phải xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ tùy thân có ảnh trước khi ra viện. Tình trạng cấp cứu là do bác sĩ quyết định. Khi đó, người tham gia BHYT sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi như đi khám, chữa bệnh theo đúng quy định.
– Lo ngại bị tiết lộ thông tin khi đi khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT khiến nhiều người nhiễm HIV/AIDS ngại tham gia, thậm chí không dám sử dụng thẻ BHYT. Vậy ngành BHXH làm thế nào để thông tin cá nhân của người nhiễm HIV/AIDS không bị lộ khi sử dụng thẻ BHYT?
Hiện nay, thông tin ghi trên thẻ BHYT không có ký hiệu nào thể hiện việc người tham gia BHYT bị nhiễm HIV/AIDS. Do đó, thông tin cá nhân của người nhiễm HIV không thể bị lộ trong quá trình cấp thẻ BHYT. Tuy nhiên, trong quá trình khám, chữa bệnh BHYT, người nhiễm HIV/AIDS dễ bị lộ danh tính. Vì vậy, cơ sở KCB cần bảo mật thông tin này.
– Trong trường hợp gia đình có người nhiễm HIV/AIDS không có điều kiện kinh tế tham gia BHYT cho toàn hộ mà chỉ mua riêng cho người nhiễm HIV/AIDS thì có được hay không? Trong quá trình đăng ký và sử dụng thẻ BHYT để người nhiễm HIV/AIDSđược hưởng quyền lợi tốt nhất?
Trường hợp hộ gia đình có người nhiễm HIV không có điều kiện kinh tế tham gia BHYT cho toàn hộ thì được đăng ký mua riêng thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS. Để được hưởng quyền lợi BHYT khi đi KCB, người nhiễm HIV/AIDS đến bệnh viện đa khoa quận, huyện đăng ký để được lập danh sách cấp thẻ BHYT. Người nhiễm HIV/AIDS cần đi KCB đúng tuyến KCB ban đầu, khi đi KCB cần mang theo thẻ BHYT và giấy tờ nhân thân có dán ảnh, trường hợp hợp chuyển tuyến phải mang theo giấy chuyển viện theo quy định.
Tú An – Báo Hải Phòng 24/09/2018