Tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) cho người bệnh hiểm nghèo để có chỗ dựa và giảm bớt về tài chính khi đứng trước những căn bệnh nan y.
Tốn tiền tỷ điều trị bệnh
Bệnh hiểm nghèo đang ngày càng phổ biến, phát triển phức tạp cả về bệnh và hướng điều trị. Với những người không có BHYT sẽ phải tự chi trả hoàn toàn. Nếu người chỉ có mức thu nhập trung bình chắc chắn gặp khó khăn trong trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính phải điều trị lâu dài. Chi phí cho một quy trình điều trị bệnh hiểm nghèo không phải nhỏ, nó có thể lên tới hàng trăm triệu hay hàng tỷ đồng.
Chị Hằng (Bạch Mai, Hà Nội) có con trai sinh năm 1991, đã lập gia đình và có một bé gái vừa tròn 3 tuổi. Năm 2017, con gái chị phát hiện căn bệnh ung thư dạ dày. Để điều trị cho con, chị đã phải bán tài sản là một căn nhà. “Rất may con tôi được phát hiện và điều trị sớm nên bệnh được kiểm soát nhưng cũng rất tiếc là tôi không có hợp đồng bảo hiểm nào để có sự hỗ trợ về mặt tài chính. Qua chuyện này, tôi nhận thấy việc có khả năng tài chính để chữa chạy bệnh từ giai đoạn đầu là rất quan trọng” – chị Hằng nói.
San sẻ khó khăn
BHYT là một chính sách quan trọng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội của nước ta. Đối với nhiều người bệnh, nhất là người bệnh nghèo khi phải đi khám chữa bệnh, đi nằm viện trong thời gian dài ngày mới thấy hết được giá trị của chiếc thẻ BHYT, của chính sách BHYT. Chiếc thẻ BHYT nhỏ bé đó là chiếc phao cứu sinh giúp người bệnh và gia đình họ không bị rơi vào cảnh cùng cực.
Mỗi năm, trên thế giới có hàng triệu người mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư, đột quỵ, suy thận, tiểu đường… Trong số đó, ung thư là bệnh có tỷ lệ mắc ngày càng cao và nguy hiểm nhất. Theo thống kê, riêng năm 2018 đã có tới hơn 164.000 người Việt phát hiện bị ung thư. Con số này được dự đoán sẽ tăng 20%, tương ứng với 196.000 người vào năm 2020.
Tại khoa Chạy thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, để duy trì sự sống, mỗi bệnh nhân phải chạy thận lọc máu hàng tuần, hàng tháng, chi phí cho mỗi bệnh nhân lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Bà Dương Thị Nhàn, quê Hải Phòng không may mắc bệnh từ năm 1995. Đến nay, hơn 20 năm điều trị, bà Nhàn cho biết, mỗi tháng bà chỉ phải trả 500.000 đồng thay vì hơn 10 triệu đồng nếu như không có BHYT. Theo số liệu trên hệ thống giám định của BHXH Việt Nam, trong 11 tháng năm 2019, đã tiếp nhận khoảng 167,828 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT; số chi BHXH, BHYT, BHTN là 278.211 tỷ đồng, đạt 83,8% kế hoạch cả năm. Thời gian gần đây, Quỹ BHYT đã chi trả cho nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn, hỗ trợ đáng kể cho bệnh viện và người bệnh.
Về quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT cho người mắc bệnh hiểm nghèo, cơ quan BHXH cho biết, vấn đề này phụ thuộc vào mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng trong phạm vi quyền lợi và thời gian tham gia BHYT, không phụ thuộc vào loại bệnh mà người tham gia BHYT mắc phải.
Người bệnh được đi khám, chữa bệnh trái tuyến trong các trường hợp sau: Tại bệnh viện tuyến Trung ương, Quỹ BHYT thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng BHYT của đối tượng; tại bệnh viện tuyến tỉnh, Quỹ BHYT thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng BHYT của đối tượng; tại bệnh viện tuyến huyện, Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT.
Khi người tham gia BHYT điều trị các bệnh hiểm nghèo thì Quỹ BHYT thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế theo chỉ định của bác sĩ; có trong danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán do Bộ Y tế ban hành; được cơ sở y tế cung ứng theo quy định của pháp luật về đấu thầu mua sắm. Không phụ thuộc vào việc sử dụng trang thiết bị cao cấp hay loại thuốc cao cấp.