Print Thứ Tư, 16/08/2023 17:55 Gốc

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa công bố dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động (NLĐ) làm việc không theo hợp đồng lao động, lấy ý kiến hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành. Luật sư NGUYỄN THANH TÙNG, Giám đốc công ty Luật TNHH MTV Hải Phòng (Đoàn luật sư Hải Phòng) trao đổi chung quanh nội dung dự thảo này.

Đây là lần đầu Chính phủ xây dựng Nghị định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động tự nguyện. Đề nghị luật sư cho biết một số nội dung đáng chú ý trong dự thảo nghị định?

Theo dự thảo, khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ) tự nguyện, NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động sẽ được thụ hưởng chính sách về trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ… khi không may bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Dự thảo gồm có 6 chương, 39 điều, quy định khá chi tiết về điều kiện tham gia, thụ hưởng Quỹ Bảo hiểm TNLĐ tự nguyện; hồ sơ, thủ tục tham gia, giải quyết chế độ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện; quyền và trách nhiệm của cơ quan BHXH, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, NLĐ đối với bảo hiểm TNLĐ tự nguyện… Ngoài ra, dự thảo Nghị định về BHXH TNLĐ còn quy định về: chế độ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện; điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện; trợ cấp một lần; trợ cấp hằng tháng; phương thức đóng và mức đóng của NLĐ tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện; tạm dừng đóng và hoàn trả một phần tiền đóng bảo hiểm TNLĐ tự nguyện…

Luật sư có thể giới thiệu cụ thể hơn những quy định về mức đóng và mức hưởng khi tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện?

Dự thảo Nghị định quy định NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động có thể tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện theo các hình thức đóng hằng tháng hoặc 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng một lần; với mức đóng hằng tháng bằng 2% mức lương tối thiểu vùng 4 do Chính phủ quy định. Nhưng nếu NLĐ thuộc hộ nghèo theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn sẽ được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng; nếu họ thuộc hộ cận nghèo theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn hoặc hộ nghèo đa chiều thiếu hụt về tiêu chí bảo hiểm y tế sẽ được Nhà nước hỗ trợ 25% của mức đóng… Khoản 1, Điều 6 dự thảo Nghị định quy định, khi tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện, nếu NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% do tai nạn lao động thì được hưởng trợ cấp một lần với mức như sau: Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở. Ngoài mức trợ cấp nêu trên, NLĐ còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, cứ thêm mỗi năm đóng kể từ năm đóng thứ 2 trở đi được tính thêm 0,3 mức lương cơ sở. Khoản 1, Điều 7 dự thảo cũng nêu rõ, NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do TNLĐ thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. Ngoài chế độ NLĐ được hưởng, thì thân nhân của NLĐ sẽ được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở nếu thuộc một trong các trường hợp: NLĐ đang làm việc bị chết do TNLĐ; NLĐ bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do TNLĐ; NLĐ bị chết trong thời gian điều trị thương tật do TNLĐ mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động; NLĐ bị suy giảm khả năng lao động hơn 31% bị chết trong quá trình điều trị do thương tật tái phát mà số tháng người lao động đó được hưởng trợ cấp chưa đủ 36 tháng.

Bảo hiểm xã hội tai nạn lao động tự nguyện sẽ giúp người lao động bớt khó khăn nếu không may gặp tai nạn. Trong ảnh: Công nhân xây dựng công trình tại khu đô thị ICC Quán Mau (quận Lê Chân). Ảnh: Phạm Tùng.

Ông có tư vấn gì đối với những lao động đang làm việc không theo hợp đồng lao động?

Theo quy định hiện nay, NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động không thuộc diện pháp luật bắt buộc phải tham gia bảo hiểm TNLĐ. Nhưng lực lượng lao động này hiện chiếm tỷ lệ khá lớn tại đô thị, nông thôn với các nghề phổ biến như: Thợ xây dựng, người giúp việc, buôn bán hàng rong, tài xế xe ôm, lao động mùa vụ trong nông nghiệp… Do không có bảo hiểm TNLĐ, nên khi xảy ra TNLĐ, họ mất đi nguồn thu nhập quan trọng nuôi sống bản thân và gia đình, chưa kể gánh nặng chi phí điều trị khi gặp tai nạn. Nếu có bảo hiểm TNLĐ tự nguyện, họ sẽ giảm được rất nhiều khó khăn. Vì vậy, đề nghị các ngành chức năng liên quan, các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những quy định mới có lợi trong nghị định tới người lao động. Trên cơ sở hiểu được giá trị và quyền lợi thiết thực của bảo hiểm xã hội TNLĐ tự nguyện, khi Nghị định được ban hành và có hiệu lực, người lao động sẽ đưa ra quyết định sáng suốt có lợi cho bản thân và gia đình.

Trân trọng cảm ơn luật sư!

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện: Biện pháp quan trọng bảo vệ người lao động
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác