Chỉ trong tháng 7 vừa qua, trên địa bàn TP Hải Phòng đã phát hiện đến cả chục vụ việc xả thải ra môi trường.
Nguy hiểm hơn là đã có rất nhiều chất thải độc hại đổ thẳng xuống nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt của nhiều địa phương…
Người dân bất an…
Mới đây nhất là vào cuối tháng 7 vừa qua, gần 1 tấn chất thải không rõ nguồn gốc đựng trong 30 thùng nhựa được phát hiện trên kênh Hòa Bình (phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh). Thành phần chứa trong chất thải là gì hiện cơ quan chức năng đang làm rõ, nhưng chỉ cần thấy cả một đoạn kênh đổi màu nước từ trắng sang xanh, đủ để hình dung ra mức độ độc hại như thế nào.
Được biết, kênh Hòa Bình thuộc hệ thống thủy lợi Đa Độ, ngoài nhiệm vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp với diện tích hàng nghìn ha, còn là nơi cung cấp nước thô đến các nhà máy sản xuất nước sinh hoạt phục vụ cho người dân thành phố Hải Phòng.
Những ngày này, người dân ở thôn Cẩm Văn (xã Quốc Tuấn, huyện An Lão) đang vô cùng hoang mang lo sợ, trước hiện tượng nước kênh ở đây, đoạn từ cống Hạ Câu đến sông Đa Độ, toàn bộ nhuốm một màu vàng đỏ như nước phù sa, bên trên nổi váng khiến cá tôm chết hàng loạt…
Còn tại thôn Kim Sơn, xã Lê Thiện, huyện An Dương, người dân lo sợ trước hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường của Công ty CP thương binh Đoàn Kết nên đã dựng lều bạt trước cổng để phản đối.
Cụ thể là Công ty CP thương binh Đoàn Kết sản xuất hạt nhựa tổng hợp từ nguồn rác thải nhựa nhập khẩu. Tuy nhiên, mỗi khi dây chuyền sản xuất hoạt động lại gây mùi hôi khét khiến người dân tức ngực, khó thở. Đặc biệt, nước thải của doanh nghiệp, cũng như nước tràn từ bể lắng xuống kênh Kim Xá có màu đen, bốc mùi hôi thối.
Trong khi đó kênh Kim Xá lại là kênh quan trọng dẫn nước bổ sung cho kênh An Kim Hải, nơi cung cấp 80% nguồn nước thô phục vụ sản xuất nước sạch cho sinh hoạt, sản xuất của toàn thành phố.
Trước áp lực của các hộ dân tại địa phương cũng như để bảo vệ nguồn nước ngọt của thành phố, huyện An Dương và các ngành chức năng đã buộc doanh nghiệp dừng hoạt động sản xuất kinh doanh cho đến khi có kết luận của cơ quan chuyên môn và công ty phải hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Đến nay, cơ quan chức năng đã xác định chất thải đổ ra môi trường gây thương tích cho bà Lê Thị Lan là chất thải lỏng, màu nâu đen, sền sệt, quánh, trong đó có thành phần là phenol và dầu. Đây là loại hoá chất độc hại, cấm dùng trong thực phẩm, có thể gây bỏng nặng khi tiếp xúc với da. Phenol và các chất dẫn xuất của phenol chỉ được dùng trong sản xuất công nghiệp.
Biện pháp xử lý chưa đủ mạnh
Không chỉ gây tâm lý hoang mang cho người dân, vụ việc đổ trộm chất thải tại xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo, để khắc phục hậu quả bằng cách nạo vét toàn bộ chất thải đổ ra, thành phố Hải Phòng đã phải bỏ ra hơn 6 tỷ đồng. Trong khi đó đến nay, cơ quan chức năng mới chỉ tìm ra được phương tiện vận chuyển chất thải đi đổ, chứ chưa xác định được chủ mưu.
Hay như vụ việc xả thải ra kênh Cẩm Văn, Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn, huyện An Lão cho biết, hiện tượng trên đã xảy ra nhiều lần từ đầu năm 2017 đến nay, nhưng không thể nào xác định được đối tượng. Do việc xả thải thường xảy ra vào ban đêm nên rất khó bắt được quả tang. Thậm chí đến khi xác định được đối tượng vi phạm mới chỉ xử lý hành chính, chưa đủ sức răn đe, nên chỉ thời gian sau lại tái phạm.
Sông Rế chạy qua địa bàn huyện An Dương và quận Hồng Bàng cũng là một con sông quan trọng cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sản xuất nước sạch phục vụ nhu cầu 80% người dân TP Hải Phòng. Tuy nhiên, hiện tại đang có hàng trăm cơ sở sản xuất và các khu dân cư xung quanh đang ngày đêm xả thải trực tiếp khiến nguồn nước ô nhiễm nặng nề.
Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi An Hải – Trần Quang Hoạt cho biết, là đơn vị quản lý, khai thác kênh An Kim Hải, trong đó có sông Rế, Công ty chỉ có thể tuần tra, phát hiện, lập biên bản và chuyển cơ quan có thẩm quyền xử phạt, xử lý. Tuy nhiên do chế tài chưa đủ sức răn đe nên vẫn xảy ra việc xả trộm, đổ trộm chất thải xuống lòng kênh mương…
Thiết nghĩ, trong khi đạo đức kinh doanh, ý thức vì cộng đồng của một số doanh nghiệp còn chưa cao thì những biện pháp mạnh, rắn là cần thiết. Trong đó lực lượng Cảnh sát môi trường cùng các Tài nguyên – Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải là nòng cốt phối hợp kiểm tra xử lý các “điểm nóng”.
Nếu phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng như xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra tuyến kênh thì tiến hành xử phạt nghiêm, thậm chí nếu đầy đủ yếu tố sẽ tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự để làm gương cho các doanh nghiệp khác.
V. Huy