Print Thứ bảy, 26/01/2019 23:04

Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) triển khai mô hình thí điểm gia đình, cá nhân nhận nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tại Hải Phòng, mô hình được Trung tâm Công tác xã hội (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) thực hiện tại huyện Vĩnh Bảo.

Cán bộ Trung tâm công tác Xã hội Hải Phòng và cán bộ chăm sóc, bảo vệ trẻ em huyện Vĩnh Bảo thăm, động viên cháu Trần Ngọc Vinh.

Thêm sự quan tâm với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Hải Phòng triển khai từ tháng 10-2018 dành cho trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, không nơi nương tựa nhiễm HIV/AIDS tại huyện Vĩnh Bảo. Qua khảo sát của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, Vĩnh Bảo có khoảng 250 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt, bao gồm: trẻ em mồ côi cha, mồ côi mẹ; mồ côi cả cha và mẹ; bố mẹ ly hôn, trẻ sống với ông bà, người thân; trẻ bị bỏ rơi… Như trường hợp cháu Đ.B.M, ở tiểu khu 1-5 thị trấn Vĩnh Bảo (huyện Vĩnh Bảo). Năm nay B.M được 2 tuổi, cháu là trẻ bị bỏ rơi ven đê sông  Thái Bình thuộc xã Tân Hưng cùng huyện. Anh Đ.T.B khi đi bẫy chim ở khu vực cánh đồng ven đê nhặt được cháu vào buổi sáng sớm khi cháu vừa mới sinh. Anh B mang bé về nhà, làm các thủ tục theo hướng dẫn của cơ quan chức năng và nhận nuôi cháu từ đó đến nay. Hoàn cảnh gia đình anh B không khá giả, vợ làm công nhân, bản thân anh là người khuyết tật, hiện anh chị có 2 con nhỏ gồm cháu B.M và 1 con gái ruột (vợ chồng anh B hiếm muộn 8 năm chưa sinh được con, sau khi nhận nuôi cháu B.M, vợ anh B mới có thai và vợ chồng anh sinh được cô con gái). Hay như trường hợp cháu Trần Ngọc Vinh, lớp 6, ở xã Tân Hưng. Cháu Vinh mồ côi cả cha và mẹ, hiện cháu ở với người bác dâu là Bùi Thị Ngát, chồng bác Ngát cũng đã qua đời, ông nội cháu Vinh bị bệnh tật, hoàn cảnh khó khăn không thể nuôi cháu.

Trên cơ sở đến từng nhà, gặp gỡ từng người, cán bộ, nhân viên Trung tâm Công tác Xã hội phối hợp với cán bộ phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, cán bộ chính sách địa phương khảo sát kỹ từng hoàn cảnh, lựa chọn đúng đối tượng, đánh giá nhu cầu, ưu tiên 35 trẻ mồ côi cả cha và mẹ, trẻ nhiễm HIV không nơi nương tựa để hỗ trợ. “Mục tiêu của chương trình là giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được sống trong môi trường gia đình, giảm thiểu nguy cơ đe dọa đến cuộc sống của trẻ, giúp trẻ ổn định tâm lý, sức khỏe và hòa nhập cộng đồng”, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Hải Phòng Phạm Thị Lan cho biết. Theo mô hình thí điểm, sẽ hỗ trợ gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt  trong 3 tháng 10, 11, 12 năm 2018. Cụ thể, mức 675 nghìn đồng/tháng cho gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ dưới 4 tuổi; 405 nghìn đồng/trẻ/tháng với trẻ từ 4 tuổi đến 16 tuổi. Hỗ trợ kinh phí mua sắm vật dụng cá nhân cho mỗi trẻ 700 nghìn đồng.

Thêm kỹ năng cho trẻ và gia đình

Khi triển khai mô hình thí điểm, mục tiêu chính là hỗ trợ trẻ em, gia đình nhận nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để trẻ được sống trong môi trường gia đình an toàn, phát triển bình thường. Mô hình còn tổ chức nhiều hoạt động góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ lãnh đạo địa phương, cán bộ làm công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em, người nhận nuôi trẻ thông qua các buổi tập huấn. Bà Phạm Thị Nhiên, cán bộ chính sách xã Giang Biên cho biết, mô hình triển khai sẽ giúp một số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt không chỉ về kinh phí, quan trọng hơn là thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Như tại xã Giang Biên, qua khảo sát có 4 gia đình có 3/5 trường hợp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt đáp ứng các tiêu chí của mô hình. Đây thực sự là những trẻ em cần sự giúp đỡ. Bản thân cán bộ làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em khi được tập huấn triển khai mô hình cũng biết cách khảo sát, lựa chọn đối tượng phù hợp, chính xác để phối hợp với các phòng ban, trung tâm triển khai mô hình hiệu quả cao hơn.

Trong khuôn khổ mô hình thí điểm, Trung tâm Công tác xã hội cũng triển khai các lớp tập huấn cho gia đình, cá nhân nhận nuôi trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, cung cấp cho họ các kiến thức về tâm sinh lý của trẻ, kỹ năng giáo dục và ứng xử với trẻ có hoàn cảnh đặc biệt; kỹ năng phòng ngừa các nguy cơ, bảo vệ trẻ; kỹ năng xây dựng môi trường thân thiện giúp trẻ hòa nhập với cuộc sống mới. Các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cũng được tập huấn cung cấp các kiến thức, kỹ năng về tự chăm sóc bản thân; ứng phó với sự phân biệt, kỳ thị; kỹ năng xác định mục tiêu vươn lên trong cuộc sống. Với sự nỗ lực của cán bộ làm công tác xã hội, sự quan tâm của các địa phương nơi triển khai mô hình sẽ đáp ứng yêu cầu bước đầu đặt ra. Mong rằng mô hình sẽ nhân rộng thêm tại nhiều địa phương khác, để nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ, giúp đỡ.

Bài và ảnh: PhươngNam – Báo hải phòng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Bảo đảm trẻ được sống trong môi trường gia đình
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác