Thực hiện kế hoạch số 11/KH-BATGT ban hành ngày 16-8-2018 của Ban An toàn giao thông thành phố về bảo đảm trật tự giao thông khu vực trước các cổng trường học trên địa bàn thành phố năm học 2018-2019, nhiều cơ sở giáo dục chủ động lập kế hoạch, có những đổi mới, sáng tạo trong công tác bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc vào giờ “cao điểm”.
Thêm cách làm hay
Trường tiểu học Kim Đồng, phường Gia Viên (quận Ngô Quyền) nằm trong ngõ sâu, liền kề với khu dân cư, trên tuyến đường một chiều Lê Lợi. Trường có hơn 590 học sinh, chủ yếu sinh sống trong khu vực ngõ Cấm, đường Nguyễn Hữu Tuệ, phường Gia Viên (quận Ngô Quyền)- khu vực đối diện với điểm trường. 7 giờ kém 15 phút hằng ngày, mỗi khi cán bộ tổ dân phố hay đoàn viên, thanh niên phường Gia Viên thổi còi ra hiệu, các phương tiện đang lưu thông dừng lại trước vạch sơn trắng nối 2 phía đường dẫn vào trường và khu vực ngõ Cấm để học sinh qua đường an toàn.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng, Đặng Thị Bích Liên cho biết: “Qua điều tra xã hội học, nhà trường nắm được tình hình, do trường học gần nhà nên hầu hết các học sinh đều tự đi bộ, đi xe đạp đến trường hoặc được ông, bà đưa đón; số ít có bố mẹ chở đi học bằng xe máy, ô tô. Tuy nhiên, khi đến đầu ngõ Cấm, học sinh và phụ huynh thường đi ngược chiều một đoạn để vào trường. Điều này không chỉ vi phạm trật tự an toàn giao thông, mà còn mất an toàn cho chính học sinh, phụ huynh và những người tham gia giao thông vào giờ “cao điểm”, vì xe cộ qua lại đông đúc. Từ thực tế này, nhà trường phối hợp UBND phường Gia Viên xây dựng và thực hiện mô hình “Aan toàn gia thông cho trẻ-Dắt trẻ sang đường” dựa trên sự đồng thuận, ủng hộ của các bậc phụ huynh”. Buổi sáng, 11 thầy, cô giáo thuộc Chi đoàn giáo viên nhà trường luân phiên nhau đảm nhiệm đón, đưa trẻ sang đường cùng sự hỗ trợ của các lực lượng như Công an phường, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, tổ dân phố… Mỗi buổi sẽ có 2 giáo viên chờ học sinh tại đầu ngõ Cấm, sắp xếp 10 em/lượt sang đường. Những học sinh đi xe đạp cũng dắt xe sang đường cùng thầy, cô và các bạn; hoạt động này cứ lần lượt diễn ra đến hết giờ vào lớp.
Lực lượng thanh niên xung kích, bảo vệ Trường THCS Ngô Quyền hướng dẫn học sinh đi xe đạp ra về theo quy định
Tại Trường THCS Ngô Quyền (quận Lê Chân), chị Nguyễn Thùy Linh, Tổng phụ trách thông tin: Ngay từ đầu năm học mới, nhà trường lên kế hoạch củng cố, đẩy mạnh các giải pháp giảm ách tắc giao thông vào giờ tan học. Theo đó, nhà trường không chỉ bố trí nơi phụ huynh đỗ xe đợi đón con 2 bên vòm mái che, mà còn tiến hành “phân luồng” giao thông ngay trong trường. Nhà trường và lực lượng công an hướng dẫn học sinh đi thành 2 làn đi bộ và đi xe đạp nhằm giảm lượng học sinh cùng một lúc đổ ra đường. Số học sinh đi bộ được xếp hàng ra về trước để giải tỏa lượng phụ huynh chờ đón con cách trường 20 mét theo quy định. Sau đó, số học sinh đi phương tiện xe đạp, xe đạp điện, phụ huynh đợi đón con trong trường mới tiếp tục ra về; theo một hướng ra cổng trường rồi rẽ phải; tránh việc các phương tiện quay đầu ngay tại khu vực cổng trường để sang đường gây ùn ứ giao thông.
Duy trì sự chung tay của nhiều lực lượng
Bên cạnh những “tín hiệu” đáng mừng từ một số mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” trên địa bàn thành phố, không ít trường học còn gặp khó khăn trong quá trình thực hiện mô hình. Trường tiểu học Thái Phiên và THCS Quang Trung cùng nằm trong ngõ 244 đường Đà Nẵng (quận Ngô Quyền), vì vậy, lưu lượng các phương tiện giao thông của phụ huynh vào giờ đến lớp và tan học rất lớn. Để phù hợp điều kiện thực tế, Đoàn thanh niên 2 trường phối hợp, phân công Trường THCS Quang Trung phụ trách phân luồng giao thông vào giờ lên lớp, Trường tiểu học Thái Phiên thực hiện hoạt động này vào giờ tan học. Nhờ vậy, tình trạng tắc nghẽn giao thông trong con ngõ được khắc phục đáng kể. Tuy nhiên, dù 2 trường làm công tác tuyên truyền, vận động nhiều lần, song các hàng quán vẫn lấn chiếm mặt ngõ gây cản trở giao thông. Trong khi đó, 2 trường không nhận được sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chức năng vào giờ “cao điểm”.
Các giáo viên Trường tiểu học Kim Đồng thực hiện mô hình “Dắt trẻ sang đường”
Còn tại Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, phường Hoàng Văn Thụ (quận Hồng Bàng), do trường có hơn 2.000 học sinh, các lực lượng chức năng và Đoàn thanh niên nhà trường luôn thường trực để điều tiết giao thông. Song, thực tế nhiều phụ huynh vẫn dừng xe dưới lòng đường gây mất trật tự ATGT dù nhà trường, lực lượng công an liên tục nhắc nhở. “Nhà trường mong muốn các bậc phụ huynh nêu cao sự đồng thuận, chấp hành quy định bảo đảm trật tự ATGT khu vực cổng trường học; các cấp có thẩm quyền, lực lượng chức năng tiếp tục phối hợp nhà trường để công tác bảo đảm ATGT đạt hiệu quả hơn nữa”, thầy Trần Văn Hân, Phó bí thư Chi đoàn giáo viên Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng đề nghị.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Trường THCS Ngô Quyền cho rằng: Ngoài việc các trường học phối hợp chặt chẽ với các lực lực lượng chức năng, cần có sự liên kết, phối hợp đồng bộ giữa các cơ sở giáo dục. Theo đó, các trường học nằm trên cùng một tuyến đường nên thảo luận, đưa ra những giải pháp chung, ký cam kết bảo đảm ATGT trước các cổng trường học; tránh tình trạng trường làm trường không, ảnh hưởng đến hiệu quả chống ùn tắc giao thông.
Được biết, Thành Đoàn Hải Phòng đang thực hiện đợt khảo sát 136 mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” trên địa bàn thành phố để nắm những bất cập, khiếm khuyết trong quá trình thực hiện mô hình, qua đó rút kinh nghiệm, có những điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Phương Linh – Báo Hải Phòng 10/10/2018
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More