Print Thứ Ba, 17/11/2020 18:00 Gốc

Lực lượng chức năng ra quân thì đường thông hè thoáng, nhưng khi vắng mặt, lại hàng quán bè phè, vỉa hè thành nơi kinh doanh, lòng đường thành nơi để xe đạp, xe máy.

Chỗ chặt, chỗ lỏng

Tuyến đường nối từ phố Lạch Tray ra hồ An Biên (quận Ngô Quyền), đoạn đi qua bãi đỗ xe công viên An Biên, trước đây được coi là điểm nóng về mất trật tự đô thị khi có nhiều người bày bán hàng ăn, uống vào buổi tối. Nhưng hiện nay, đường thông, hè thoáng, chỉ lác đác có một số phương tiện của khách hàng tới các nhà hàng ăn uống gần đó dừng đỗ.

Vỉa hè chung quanh khu vực hồ An Biên thường xuyên bị lấn chiếm làm nơi bán hàng.

Tuy nhiên, cách đó chưa đầy 100m, ở tuyến đường cạnh Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt-Tiệp, song song với tuyến đường kể trên và cũng thuộc địa phận quản lý của phường Lạch Tray (quận Ngô Quyền), tình hình lại trái ngược hoàn toàn. Như khoảng 20 giờ ngày 13-11 vừa qua, cả tuyến đường được phủ kín bằng các lều tạm bán hàng, chủ yếu là rượu mực khô, đồ uống. Đếm sơ qua cũng có tới gần 40 quán kinh doanh, được phân biệt bằng màu những chiếc ghế nhựa, chỗ ghế xanh, chỗ ghế đỏ đan xen nhau xếp dưới lòng đường. Trên vỉa hè, chủ quán trải chiếu, che mái bạt phục vụ những khách hàng ngồi bệt. Hệ thống “chuỗi nhà hàng” này kéo dài tới tận bờ hồ An Biên, tạo nên cảnh quan mất trật tự đô thị.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở khu vực dải trung tâm thành phố. Ở khu vực bờ hồ Tam Bạc, lực lượng chức năng xử lý rất kiên quyết hành vi chiếm dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh nên hầu như không có bất kỳ hàng quán nào. Tuy nhiên, tại công viên Tam Kỳ cũng nằm trên dải trung tâm thành phố tình trạng lại phức tạp hơn. Theo số liệu của Ban Quản lý dải trung tâm, một số thời điểm tại đây có tới 18 hộ kinh bày bán hàng trên vỉa hè. Còn ở khu vực quảng trường Nhà hát thành phố, một số hộ kinh doanh lại chiếm dụng vỉa hè làm nơi bày ô tô điện cho người dân thuê.

Việc thiếu kiên quyết, đồng bộ trong quản lý đường hè là một trong các nguyên nhân dẫn tới những vụ việc mất an ninh trật tự tại các khu vực dải trung tâm thành phố. Như vụ việc cuối tháng 12-2019, sau khi tranh chấp bán hàng ở hồ An Biên, một số người đánh nhau nhưng kịp thời được lực lượng chức năng ngăn chặn. Hay mới đây, ngày 4-10, lại xuất hiện vụ mâu thuẫn, xô xát giữa cán bộ của Ban Quản lý dải trung tâm với người bán hàng trên khu vực vỉa hè bờ sông Tam Bạc.

Gắn trách nhiệm quản lý của địa phương

Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhân lực thực tế của các đơn vị được giao trách nhiệm quản lý rất mỏng. Như tại Ban Quản lý dải trung tâm thành phố, chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ dải trung tâm từ bờ sông Tam Bạc đến vườn hoa Tố Hữu nhưng chỉ vỏn vẹn 10 cán bộ thuộc tổ trật tự trực tiếp làm nhiệm vụ đôn đốc, nhắc nhở các hộ vi phạm quy định về trật tự đường hè. Tổ được chia thành 2 ca, ca sáng 4 người, ca tối 6 người, trực các ngày trong tuần.

Trên thực tế, ngay khi lực lượng quản lý đô thị này có thường xuyên “xuống đường” hiệu quả cũng chưa thực sự cao. Cứ khi nào tổ công tác có cán bộ chiến sĩ công an đi cùng, người dân chấp hành. Ngược lại, khi không có lực lượng này, nhiều người vẫn vin vào cớ “kiếm kế sinh nhai” để bám vỉa hè, không chấp hành quy định về giữ gìn trật tự đường hè, bán hàng đúng nơi quy định. Giám đốc Ban quản lý dải trung tâm Đoàn Trọng Nhật cho rằng: Tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” như trên cần có sự tham gia tích cực từ chính quyền các phường có liên quan, trong đó, xây dựng cơ chế phối hợp cử cán bộ, chiến sĩ của công an các phường tham gia vào hoạt động tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý những hộ cố tình vi phạm quy định về quản lý đô thị.

Luật gia Vũ Đình Thức, Phó chi hội trưởng Chi hội Luật gia công chức và doanh nhân cho biết: Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Trong một số trường hợp vẫn cho phép tổ chức một số hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ. Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác phải do UBND cấp tỉnh quy định, nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Do đó, để tăng cường hiệu quả quản lý trật tự đường hè, song song với việc tuyên truyền, lực lượng chức năng cần tăng cường xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh bán hàng. Trong đó cần xử lý vi phạm nghiêm minh thường xuyên, liên tục với các cơ sở, tránh tình trạng chỗ này phạt, nơi kia bỏ qua, dẫn đến trật tự đô thị có diễn biến phức tạp.

Khoản 5, Điều 12, Nghị định 100/2019/ NĐ-CP của Chính phủ quy định: phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng đối với hành vi sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày bán hàng hóa.

MINH AN – ẢNH: TRUNG KIÊN

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Bảo đảm trật tự đường hè khu vực công cộng trung tâm thành phố: Xử lý vi phạm thường xuyên, kiên quyết
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác