Theo Ban An toàn giao thông thành phố, hiện toàn thành phố còn khoảng hơn 50 đường ngang qua đường sắt, trong đó có hơn 30 đường ngang bất hợp pháp (còn gọi là lối đi tự mở) theo chiều dài 24,8 km tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng. Những lối đi này chủ yếu do hộ dân phía trong hành lang an toàn đường sắt tự ý đặt tấm bê tông hoặc vun đất, đá cho ngang bằng với mặt đường sắt. Thậm chí có nơi người dân còn tháo bỏ rào thép chắn giữa đường gom với đường sắt để tạo lối đi. Điều nguy hiểm là toàn bộ LĐTM đều không có cảnh báo. Để giữ an toàn khi qua lại, người dân chủ yếu trông chờ vào quan sát hoặc kinh nghiệm.
Trước thực trạng này, tháng 9-2019, UBND thành phố tổ chức kiểm tra, chỉ đạo Sở Giao thông-Vận tải phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức xóa bỏ trong năm 2019. Tuy nhiên, tình trạng “lực lượng chức năng rời đi, người dân lại tự mở” tiếp tục diễn ra. Tuy chỉ ở quy mô nhỏ một vài gia đình, nhưng cho thấy công tác quản lý LĐTM còn bất cập, chưa nâng cao ý thức của người dân về mức độ nguy hiểm khi băng qua. Vì vậy, để quản lý và đưa vào nền nếp, ngoài việc cần có hồ sơ quản lý các LĐTM, ngăn chặn không để phát sinh mới là yêu cầu cấp bách. Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố, nếu không chấm dứt tình trạng này và không có sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, nguy cơ về tai nạn giao thông đường sắt vẫn hiện hữu.
UBND thành phố ban hành Quyết định số 41 về quản lý, xóa bỏ LĐTM qua đường sắt trên địa bàn thành phố theo nguyên tắc: thu hẹp, giảm dần, xóa bỏ LĐTM. Theo quyết định này, việc thu hẹp, giảm dần, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các LĐTM qua đường sắt phải bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và có phương án thay thế để bảo đảm sự đi lại thuận tiện của người dân. Việc đầu tư, xây dựng các công trình phụ trợ để xóa LĐTM tuân thủ Luật Đường sắt 2017 và các quy định liên quan. Trên cơ sở dần xóa bỏ LĐTM, thành phố sẽ thực hiện theo 4 thứ tự ưu tiên: xóa bỏ LĐTM là vị trí nguy hiểm trên đường sắt; là LĐTM có thể xóa bỏ ngay mà không sử dụng công trình phụ trợ; LĐTM sau khi xây dựng đường gom; LĐTM sau khi xây dựng xong nút giao khác mức…
Cũng theo Quyết định số 41, tại các LĐTM chưa thể xóa bỏ ngay phải có các biện pháp để bảo đảm an toàn như: cảnh giới, lắp thiết bị cảnh báo đường sắt, tổ chức lại giao thông giảm mật độ phương tiện, rào chắn để hạn chế xe cơ giới, xây dựng gồ giảm tốc, cảnh báo giao thông đường bộ giao cắt với đường sắt, giải tỏa tầm nhìn…Đối với LĐTM vào nhà một hộ dân, chủ hộ phải có cam kết với UBND cấp phường, xã về bảo đảm an toàn giao thông, chấp hành sự sắp xếp khi được tổ chức lại giao thông…
Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, Phó trưởng Ban ATGT thành phố Nguyễn Đức Thọ cho biết, LĐTM là nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông đường sắt, việc xóa bỏ LĐTM là ưu tiên hàng đầu trong việc bảo đảm ATGT tại Hải Phòng. Để thực hiện chủ trương này, việc xây dựng đường gom, đường ngang hợp pháp và nút giao khác mức sẽ được triển khai quyết liệt, đồng bộ. Theo ông Thọ, trước mắt, thành phố sẽ triển khai xây dựng các tuyến đường gom dọc theo đường sắt, mỗi khoảng nhất định nối với đường ngang có cảnh báo. Các đường gom chủ yếu được làm bằng bê tông, bảo đảm an toàn cho các phương tiện xe 2 bánh, 3 bánh qua lại.
Việc xây dựng đường gom phải đáp ứng theo Quyết định số 41 của UBND thành phố. Đó là đường gom mới phải được xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn giao thông và phải kết hợp với hàng rào chắn. Đường gom trong khu vực đô thị hoặc khu đông dân cư, bề rộng đường gom rộng 3-3,5 m, tốc độ thiết kế 20 km/giờ. Khu vực ngoài đô thị tốc độ thiết kế 15 km/ giờ. Đối với những đường gom cũ không đáp ứng được yêu cầu vẫn được xem xét tiếp tục sử dụng phục vụ xóa LĐTM. Cùng với đường gom, lựa chọn vị trí xây dựng đường ngang phù hợp với giao cắt giữa đường sắt với đường bộ, ưu tiên xây dựng đường ngang tại vị trí là các đường trục chính của địa phương hoặc tại các vị trí không thể xây dựng đường gom. Trường hợp vị trí xây dựng đường ngang không đáp ứng được các điều kiện, Sở Giao thông-Vận tải chủ trì tham mưu với UBND thành phố kiến nghị Bộ Giao thông-Vận tải chấp thuận.
Năm 2020, thành phố sẽ hoàn thành nút giao thông lập thể Nam cầu Bính, là bước tiến quan trọng để tiếp tục xây dựng các nút giao khác mức, từng bước giảm dần và xóa bỏ các giao cắt cùng mức, nhằm bảo đảm an toàn giao thông giữa đường bộ với đường sắt. Với sự quyết tâm của thành phố, tình trạng mất an toàn giao thông đường sắt sẽ tiếp tục giảm, tiến tới chấm dứt những vụ tai nạn thương tâm./.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đường sắt, khiến 1 người tử vong. Đáng chú ý là cả 2 vụ đều xảy ra trên địa bàn các xã dọc quốc lộ 5 thuộc huyện An Dương.
Mai Lâm – Ảnh: Hoàng Phước
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Sáng 20/12, thông tin từ Công an huyện Thủy Nguyên, trên địa bàn huyện vừa…
Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…
Ngày 20/12, thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (Sở…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More