Print Thứ Bảy, 26/01/2019 18:25

Hiện nay, nhiều kết luận thanh tra (KLTT) được thực hiện kéo dài hoặc không dứt điểm do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, ảnh hưởng xấu đến việc khắc phục hậu quả sai phạm trong quản lý, hoạt động kinh tế- xã hội, chậm điều chỉnh cơ chế, chính sách để hạn chế phát sinh sai phạm.  

 


Nhiều kiến nghị trong kết luận thanh tra tại Trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế từ năm 2016 của Thanh tra thành phố đến nay vẫn chưa được Công ty CP ACS Việt Nam thực hiện.

 

Nhiều kết luận thanh tra thực hiện kéo dài


Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện KLTT tại Hải Phòng còn gặp khó khăn, hạn chế. Một số KLTT chưa được thực hiện nghiêm túc, thu hồi tiền vi phạm không cao, thậm chí không thu hồi được tiền vi phạm. Một số kiến nghị trong KLTT thực hiện kéo dài trong nhiều năm chưa xong; cá biệt có KLTT từ năm 2011 vẫn chưa được thực hiện. Một số đơn vị chỉ quan tâm thực hiện các quyết định xử lý về tiền, còn các kiến nghị khác chưa tổ chức triển khai thực hiện, đặc biệt các kiến nghị liên quan lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, các dự án tái định cư… Các KLTT, thường kiến nghị các đơn vị có sai phạm cần tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khắc phục các yếu kém, song việc thực hiện còn hình thức, không đầy đủ các thành phần cần kiểm điểm, nội dung kiểm điểm sơ sài. Phần lớn, các đơn vị chưa làm rõ trách nhiệm từng tập thể, cá nhân có liên quan đến sai phạm cũng như đề ra các giải pháp khắc phục, phòng ngừa. Điều này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của công tác thanh tra.


Tại tọa đàm do Thanh tra thành phố tổ chức tháng 8 vừa qua, trao đổi nhằm tìm ra các giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác thực hiện KLTT, chỉ ra nguyên nhân về thực trạng trên, Chánh thanh tra Sở Y tế Nguyễn Đình Trình cho biết: Có tình trạng khi công bố KLTT thì đơn vị, cá nhân có liên quan không có ý kiến gì. Nhưng sau một thời gian, các đơn vị, cá nhân này gửi văn bản giải trình, đề nghị giảm hoặc miễn các khoản thu hồi tiền. Nguyên nhân là do một số KLTT ra chưa cụ thể, rõ ràng, áp dụng luật chưa chính xác nên giá trị, hiệu lực, hiệu quả trong KLTT chưa cao. Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị được thanh tra thực hiện chưa nghiêm, cá nhân thiếu ý thức tự giác trong việc chấp hành KLTT.


Chánh Thanh tra huyện An Lão Trần Văn Nhân thông tin: Các năm 2016- 2017, Thanh tra huyện thực hiện 9 cuộc thanh tra trong lĩnh vực kinh tế- xã hội, phát hiện hơn 1,85 tỷ đồng tiền sai phạm, kiến nghị thu hồi hơn 1,33 tỷ đồng, kiểm điểm trách nhiệm 2 tập thể, 18 cá nhân. Tuy nhiên quá trình thực hiện KLTT còn chậm. Đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, các đơn vị được thanh tra thực hiện kết luận kéo dài do chủ đầu tư còn nợ tiền xây dựng cơ bản của đơn vị thi công hoặc đơn vị thi công không tự giác nộp tiền khi bị phát hiện sai phạm. Trong khi đó, pháp luật về thanh tra con thiếu quy định cụ thể về các biện pháp cưỡng chế trong xử lý sau thanh tra, chế tài xử lý trong việc không chấp hành thực hiện KLTT.


Cụ thể vi phạm, chỉ rõ trách nhiệm từng cá nhân


Để KLTT được thực hiện nghiêm túc, Chánh Thanh tra thành phố Nguyễn Hải Bình đề xuất: cần gắn với trách nhiệm, sự vào cuộc, phối hợp, của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra. Đây là chủ thể có tầm quan trọng rất lớn trong việc tác động, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện KLTT, xử lý hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra. Bên cạnh đó, việc thực hiện KLTT cần có sự phối hợp của các cơ quan liên quan đến lĩnh vực hoạt động của đối tượng thanh tra để xử lý các đối tượng có biểu hiện trốn tránh, chây ỳ, không thực hiện các nội dung được kiến nghị. Từ yêu cầu thực tiễn, đề xuất Thanh tra Chính phủ xem xét xây dựng quy chế, thông tư phối hợp với các cơ quan Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Bộ Thông tin- Truyền thông để mở rộng các hình thức xử lý đối tượng thanh tra trốn tránh, chây ỳ thực hiện KLTT.

 

Vụ trưởng Vụ pháp chế Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Kim cho rằng: Luật Thanh tra hiện nay chưa quy định chi tiết vấn đề này. Để khắc phục những bất cập, KLTT phải cụ thể, chỉ rõ trách nhiệm từng cá nhân, vi phạm ở đâu, không nên kết luận định tính. Đặc biệt, trước khi ban hành KLTT, đoàn thanh tra nên tham khảo ý kiến của các ngành nội chính, các cơ quan liên quan, cơ quan chủ quản của đơn vị được thanh tra, vừa bảo đảm đúng quy định pháp luật, tính thực tiễn, đồng bộ trong phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan, nâng cao chất lượng KLTT, đồng thời tăng cao thẩm quyền giám sát của các cơ quan trong việc giám sát thực hiện KLTT. Đồng thời, các kết luận thanh tra cần công khai theo quy định pháp luật, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử tại các đơn vị, cơ sở tạo dư luận đồng tình, phát huy vai trò giám sát của người dân và các tổ chức đoàn thể, nhất là trong thực hiện kết luận thanh tra, phòng, chống tham nhũng.

 

Tại Hải Phòng, từ năm 2016 đến nay, ngành Thanh tra thành phố đôn đốc thực hiện 1.054 KLTT; trong đó có 327 KLTT hành chính; 727 KLTT chuyên ngành; theo dõi, đôn đốc xử lý sai phạm về kinh tế hơn 101,7 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi hơn 63,4 tỷ đồng, kiến nghị xử lý bằng hình thức khác gần 38,3 tỷ đồng; kiến nghị lập lại trật tự quản lý gần 15 nghìn m2 đất; kiến nghị xem xét trách nhiệm 2 tập thể, 18 cá nhân; kiến nghị xem xét xử lý kỷ luật về Đảng và chính quyền 6 cá nhân; chuyển 1 hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra.

Tuệ Minh – Báo Hải Phòng 02/10/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Bảo đảm thực hiện kết luận thanh tra: Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác