Print Thứ Sáu, 29/03/2019 16:49

Cùng với triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, việc chỉ đạo thành lập các chốt kiểm dịch động vật kịp thời, tổ chức hoạt động nghiêm túc góp phần giúp huyện Vĩnh Bảo hạn chế dịch tả lợn châu Phi lan rộng trên địa bàn. Tuy nhiên, để bảo đảm nhân lực ứng trực 24/24 giờ tại các chốt ở các địa phương có lợn mắc dịch, cần sự hỗ trợ kinh phí từ cấp trên.

Chốt kiểm dịch động vật tại cầu sông Hóa, xã Cổ Am (huyện Vĩnh Bảo).Ảnh: HỒ HƯƠNG

Chốt kiểm dịch cấp huyện làm việc chặt chẽ, nghiêm túc

Ông Lâm Duy San, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Vĩnh Bảo thông tin: Ngay khi thành phố phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại xã Chính Mỹ (huyện Thủy Nguyên), ngày 23-2, UBND huyện Vĩnh Bảo quyết định thành lập 3 chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại xã giáp ranh với 2 tỉnh có dịch là Thái Bình và Hải Dương. Đó là các chốt kiểm dịch đặt tại cầu Nghìn trên địa bàn xã Hưng Nhân, cầu phao sông Hóa trên địa bàn xã Cổ Am (giáp với tỉnh Thái Bình) và cầu Chanh Chử trên địa bàn xã Thắng Thủy (giáp với tỉnh Hải Dương). Các chốt kiểm dịch có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tất cả phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra, vào địa bàn.

Theo Quyết định số 427/QĐ-UBND ngày 27-2- 2019 của UBND thành phố về việc thành lập 5 điểm chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên địa bàn toàn thành phố, huyện Vĩnh Bảo chuyển điểm chốt cầu Nghìn để thành phố quản lý. Hiện lực lượng tại điểm chốt này gồm 9 thành viên (2 người thuộc Trạm Thú y huyện Vĩnh Bảo, 2 cán bộ quản lý thị trường, 2 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông thành phố, 2 cán bộ Thanh tra thành phố và đồng chí Phó phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Bảo). Huyện Vĩnh Bảo tăng cường thêm 3 nhân lực: 1 cán bộ công an kinh tế, 1 cảnh sát giao thông và 1 người của Trạm Khuyến nông huyện. Các thành viên tham gia túc trực 24/24 giờ (kể cả ngày nghỉ cuối tuần và ngày lễ). Trung bình, mỗi ngày có từ 1-2 xe ô-tô tải chở lợn đi qua chốt. Trạm kiểm tra thủ tục giấy tờ và dấu kiểm dịch trên lợn đối với cả 3 bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng và dịch tả lợn cổ điển. Nếu đầy đủ thủ tục, tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng toàn bộ xe rồi cho đi qua. Nếu không đầy đủ, buộc xe quay lại. “Từ khi thành lập điểm chốt đến nay, chưa có trường hợp nào bất hợp tác, các xe đều đầy đủ giấy tờ, có dấu kiểm dịch”, ông San cho biết.

Đối với 2 chốt kiểm dịch tại cầu phao sông Hóa và cầu Chanh Chử, huyện Vĩnh Bảo bố trí mỗi chốt kiểm dịch 5 thành viên: 1 đồng chí lãnh đạo UBND xã làm tổ trưởng, 1 cán bộ tư pháp, 1 cán bộ thú y, 1 công an viên xã và 1 công an huyện tăng cường. Chủ tịch UBND xã Thắng Thủy Nguyễn Văn Cường cho biết, các thành viên chốt kiểm dịch cầu Chanh Chử khi được phân công nhiệm vụ, ai nấy đều vui vẻ nhận lời, không ai từ chối, đòi hỏi công xá hay bồi dưỡng. Từ khi thành lập đến nay, chốt luôn bảo đảm quân số ứng trực nghiêm túc phương tiện qua lại. Trong đó, có 3 xe ô-tô tải nhỏ, mỗi xe chở từ 5 đến 10 con lợn không đầy đủ giấy tờ, lợn không có dấu kiểm dịch, cán bộ trực chốt kiên quyết yêu cầu lái xe quay xe trở lại. Nhờ vậy, dù là địa phương “đầu sóng, ngọn gió” (giáp với tỉnh Hải Dương có dịch), nhưng đến nay trên địa bàn xã Thắng Thủy chưa phát hiện lợn mắc dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đề nghị hỗ trợ các xã kinh phí hoạt động

Khi huyện Vĩnh Bảo phát hiện có ổ dịch đầu tiên ngày 9-3, đến nay, 13 xã, thị trấn phát hiện có lợn mắc bệnh dịch. Huyện chỉ đạo các cơ quan, phòng ban, đơn vị chức năng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch khẩn cấp trong đó có việc thành lập các điểm chốt kiểm soát tại các tuyến đường ra vào các thôn phát hiện lợn mắc bệnh, mỗi điểm chốt bố trí ít nhất 1 thành viên. Đa phần các điểm chốt tại các thôn đều chấp hành theo quy định. Tuy nhiên, còn một số điểm chốt, nhất là những điểm chốt chỉ có 1 thành viên, không bảo đảm chế độ ứng trực 24/24 giờ với lý do bận việc nhà, ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh cá nhân… Thậm chí, có trường hợp “chê” thù lao thấp, khi được phân công tham gia ứng trực tại các điểm chốt, chỉ làm cho có lệ.

Chủ tịch UBND xã Liên Am Nguyễn Xuân Sáu cho biết, do kinh phí hạn hẹp, xã chỉ bố trí 3 điểm chốt tại các tuyến đường ra vào 2 thôn có dịch (2 thôn Ngọc Đông và Thượng Trung), mỗi chốt 1 công an viên xã với mức thù lao 150.000 nghìn đồng/ngày đêm. Theo đồng chí Nguyễn Văn Vớ, Bí thư Đảng ủy xã Tiền Phong, hiện trên địa bàn có 3 điểm chốt trực, xã bố trí mỗi điểm 2 công an viên, dân quân hoặc trưởng thôn, bảo đảm ứng trực 24/24 giờ. Do ngân sách hạn hẹp, xã chủ yếu huy động trên tinh thần tự nguyện, vấn đề bồi dưỡng, trả thù lao để khi nhận được kinh phí hỗ trợ của huyện và kết thúc dịch tính sau.

Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo Trịnh Khắc Tiến khẳng định, các đoàn kiểm tra của huyện thường xuyên xuống các chốt, nhất là các chốt ở khu vực phát sinh bệnh dịch và nghi vấn, để đôn đốc, kiểm tra. Kết quả kiểm tra cho thấy, một số địa phương do ngân sách khó khăn chỉ bố trí được 1-2 thành viên mỗi điểm chốt nên khó bảo đảm chế độ ứng trực 24/24 giờ không kể ngày nghỉ, chủ nhật theo quy định. Trước thực tế này, huyện Vĩnh Bảo đề xuất thành phố hỗ trợ kinh phí, cũng như xem xét hỗ trợ các xã có dịch một phần kinh phí để chi trả và bố trí thêm nhân lực tham gia các điểm chốt kiểm tra, kiểm soát bảo đảm chế độ ứng trực 24/24 giờ theo quy định. Trước mắt, huyện Vĩnh Bảo khuyến khích các địa phương động viên, phân công nhiệm vụ cho các cá nhân dựa trên tinh thần tự nguyện không đòi hỏi thù lao như các xã Thắng Thủy, Tiền Phong…

Thêm 4 xã thuộc 2 huyện An Lão và Vĩnh Bảo phát sinh dịch

(HPĐT)-Theo thống kê của ngành chức năng, trong ngày 27-3, dịch tả lợn châu Phi phát sinh tại 95 hộ tại 34 xã thuộc các huyện Tiên Lãng, An Lão, An Dương, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, An Lão, trong đó có 4 xã mới là An Thắng, An Tiến (An Lão), xã Đồng Minh, An Hòa (An Dương); tổng số lợn tiêu hủy 869 con, trọng lượng tiêu hủy 37.592 kg.

2 quận Dương Kinh và Hải An không phát sinh thêm hộ bị dịch. Huyện An Lão có xu hướng liên tục phát sinh thêm xã mới có dịch. Các xã đã có dịch cũng phát sinh thêm nhiều hộ mới phải tiêu hủy lợn vì dịch bệnh. Các huyện Tiên Lãng, Thủy Nguyên mỗi huyện có từ 36 đến 40 hộ chăn nuôi tại các xã có dịch phải tiêu hủy đàn lợn vì mắc bệnh tả lợn châu Phi. Trước diễn biến dịch phức tạp trong ngày, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Vũ Bá Công đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tại huyện Vĩnh Bảo. Tại 5 chốt kiểm dịch liên ngành tạm thời tại các đầu mối giao thông chính vào thành phố, kiểm tra 5 xe vận chuyển lợn, các xe đều có giấy chứng nhận kiểm dịch, dừng đỗ tại chốt và được thực hiện khử trùng tiêu độc theo quy định.

Tính từ ngày 22-2 đến ngày 27-3, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 1.088 hộ, 214 thôn, 72 xã, phường thuộc 8 huyện, quận: Thủy Nguyên, Tiên Lãng, An Dương, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, An Lão, Dương Kinh và Hải An. Số lợn bắt buộc phải tiêu hủy 12.676 con.

THÁI PHAN

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Bảo đảm hoạt động tại các chốt kiểm dịch
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác