Vào tháng 11 vừa qua, 206 học sinh và 3 giáo viên Trường mầm non Xuân Nộn, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh (Hà Nội) bị ngộ độc thực phẩm do ăn bánh ngọt có nhiễm khuẩn salmonella. Vụ việc này, một lần nữa khiến nhiều cha mẹ có con đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố không khỏi lo lắng về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các bếp ăn bán trú.
Bếp ăn bán trú thực hiện nghiêm từ khâu tiếp nhận nguồn đến quy trình chế biến thực phẩm (ảnh chụp tại bếp ăn Trường mầm non Sao Sáng 3, quận Ngô Quyền)
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Tại Hải Phòng, tháng 5 – 2018, khi Sở Y tế kiểm tra ATVSTP tại các cơ sở giáo dục mầm non trên toàn thành phố, còn một số bếp ăn nhập nguồn thực phẩm chưa rõ ràng về nguồn gốc, chưa bảo đảm điều kiện chế biến thực phẩm. Cũng về việc này, Giám đốc Trung tâm y tế quận Ngô Quyền Vũ Thị Lượng cho biết, cũng trong tháng 5 – 2018, trên địa bàn quận, khi đoàn kiểm tra công tác này tại các trường mầm non, có trường chưa kịp thời ghi sổ giao nhận thực phẩm hằng ngày, bị phạt hành chính 3 triệu đồng. Vì vậy, nếu không may xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm, khó tìm ra nguyên nhân và truy cứu trách nhiệm của các bên liên quan. Trẻ mầm non đang ở giai đoạn cần chăm sóc tốt nhất để phát triển thể chất, tinh thần, nên vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bữa ăn của trẻ tại trường luôn được các cha mẹ quan tâm. Chị Vũ Thị Thanh Tân, phường Vạn Mỹ (quận Ngô Quyền) có con học Trường mầm non Sao Sáng 3 băn khoăn: Hiện nay, thực phẩm ngày càng có nguy cơ ô nhiễm về hóa chất tồn dư, khó có thể kiểm soát. Mặc dù, các cơ sở giáo dục mầm non ký hợp đồng với cá nhân, đơn vị cung cấp thực phẩm. Song, vấn đề thẩm định, kiểm tra nguồn thực phẩm đầu vào của các trường thực hiện như thế nào, có bảo đảm chất lượng? Chị Nguyễn Thị Lan, có con học ở Trường mầm non Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên) cho biết thêm, hiện nay, trường công khai bảng thực đơn, số lượng thực phẩm với giá tiền trong ngày trước cổng trường để cha, mẹ trẻ được biết. Song, có ngày trường “quên” thông báo, nên cha mẹ trẻ thực sự chưa yên tâm vì không rõ chất lượng bữa ăn trong ngày của trẻ có bảo đảm.
Kiểm soát nghiêm ngặt
Trưởng Phòng Giáo dục mầm non (Sở Giáo dục – Đào tạo) Vương Thị Đào cho biết, công tác bảo đảm ATVSTP trong các trường mầm non được ngành Giáo dục – Đào tạo quản lý chặt chẽ, nên an toàn thực phẩm tại các bếp ăn bán trú trường mầm non cơ bản bảo đảm. Ngay từ trước năm học mới, ngành Giáo dục – Đào tạo tập huấn, nâng cao kiến thức ATVSTP cho người quản lý, chế biến thức ăn cho trẻ tại các trường mầm non. Các cơ sở giáo dục mầm non phải bảo đảm về điều kiện bếp ăn bán trú, phân định rõ các khu vực chế biến thực phẩm, bảo đảm đúng nguyên tắc 1 chiều, không để thực phẩm sống, chín trên cùng một bàn. Các cá nhân, đơn vị cung ứng thực phẩm phải có giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cam kết cung cấp thực phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm để các trường kiểm soát chặt nguồn thực phẩm đầu vào. Đồng thời, nhân viên nuôi dưỡng phải đủ điều kiện sức khỏe và chuyên môn chế biến thực phẩm. Quy trình tiếp nhận, chế biến thực phẩm cần tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu tiếp nhận, ghi chép đầy đủ số lượng, chất lượng thực phẩm vào sổ giao nhận thực phẩm hằng ngày, đến chế biến, bảo quản thức ăn. Ngành Y tế kiểm tra ATVSTP tại các trường mầm non hằng tháng, nên hiện nay, các trường thực hiện nghiêm chỉnh quy định này. Cùng với đó, các quận, huyện tăng cường quản lý, quyết liệt xử lý các trường nếu phát hiện sai phạm. Điển hình, UBND quận Ngô Quyền công khai danh sách trường mầm non vi phạm về ATVSTP trong các bếp ăn bán trú trên cổng thông tin của quận. Thời gian tới, để bảo đảm sức khỏe của trẻ, đòi hỏi ngành Giáo dục, Y tế, các quận, huyện, UBND các xã, phường cần quản lý, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục việc bảo đảm ATVSTP tại các cơ sở giáo dục mầm non. Việc kiểm soát chặt chẽ từ nguồn thực phẩm đầu vào đến quy trình chế biến, bảo quản để bảo đảm bữa ăn của trẻ ở trường an toàn, đủ dinh dưỡng.
BÙI HƯƠNG – Báo Hải Phòng 24/12/2018