Nhiều lối tự mở không bảo đảm
Vào chiều 25/5, tàu chạy đường sắt LP8 di chuyển theo hướng từ Hà Nội về Hải Phòng, khi đến vị trí giao cắt với lối đi tự mở ở km83+880, địa bàn xã Lê Thiện (huyện An Dương) thì va chạm với xe ba bánh tự chế. Thời điểm xảy ra va chạm, trên xe ba bánh có 2 người cùng trú tại quận Lê Chân, làm nghề chở hàng thuê. Vụ va chạm khiến 1 người trên xe tử vong, người còn lại bị thương nặng. Trước đó chỉ 1 ngày, tại một lối đi tự mở giao cắt với đường sắt Hà Nội-Hải Phòng cũng trên địa bàn huyện An Dương, xe ô tô tải van mang BKS 15D-021.45 bị húc đổ sau khi cố băng qua đường sắt dù đoàn tàu đang đến gần. May mắn, vụ va chạm khiến lái xe tải bị thương.
Nguy hiểm là vậy nhưng thực tế, việc chấp hành quy định về an toàn giao thông của một bộ phận người điều khiển phương tiện còn hạn chế. Ghi nhận của phóng viên vào sáng 31/5, tại vị trí xảy ra vụ va chạm giao thông đường sắt trước đó 5 ngày khiến 2 người thương vong cho thấy, nhiều người vẫn khá chủ quan, không chịu quan sát khi đi quan các điểm giao cắt, thậm chí thấy tàu đến gần khoảng hơn 200m, song vẫn cố đi qua đường sắt. Trong khi đó, một số biển cảnh báo nút giao với đường sắt đã hoen rỉ, cong vênh, khó quan sát. Nguy hiểm hơn, phần mặt đường các lối đi tự mở trên địa bàn xã Lê Thiện khá gồ ghề nên nhiều xe ô-tô khi chở vật liệu qua đây làm rơi xuống mặt đường. Vì thế, nhiều đá hộc to bằng nắm tay vẫn nằm ở vị trí tiếp giáp với đường sắt. Ngay cả tấm bê-tông giữa hai thanh ray tàu bị trơ cả lõi thép, chỉ chút sơ sảy là bánh xe có thể bị trượt, mắc kẹt dẫn tới tai nạn. Còn ở những điểm giao cắt đường sắt có rào chắn tự động, không ít người vẫn không chú ý đến thông tin hệ thống cảnh báo tàu sắp tới. Tại KM83+080, thuộc thôn Kim Sơn, xã Lê Thiện, khi tàu sắp chạy qua, gác chắn tự động hạ xuống nhưng một số người đi bộ, đi xe đạp vẫn cố len qua rào chắn để sang đường.
Anh Nguyễn Duy Tùng, kỹ thuật viên Cung Thông tin tín hiệu Phú Thái, đơn vị quản lý hệ thống tín hiệu đường sắt đoạn qua địa bàn huyện An Dương cho biết: Hệ thống chắn tự động sẽ tự đóng khi tàu cách vị trí giao cắt với đường bộ khoảng 1,2 km. Với vận tốc di chuyển tối đa của tàu trên tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng là 80 km/h, tàu sẽ chỉ mất khoảng 60 giây để tới điểm giao cắt. Việc người dân cố băng qua điểm giao cắt với đường sắt khi rào chắn đã hạ xuống cực kỳ nguy hiểm, nguy cơ bị tai nạn rất cao, nguy hiểm đến bản thân và những người đi cùng.
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông thành phố, trên địa bàn thành phố hiện còn 48 lối đi tự mở giao cắt với đường sắt tuyến Hà Nội-Hải Phòng, gần 30% trong số này nằm trên địa bàn huyện An Dương. Để hạn chế tai nạn giao thông đường sắt, từ đầu năm đến nay, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với UBND huyện An Dương khảo sát, lập hồ sơ công trình để thực hiện việc thu hẹp, xóa 8 lối đi tự mở trên địa bàn huyện. Dự kiến việc xóa các lối đi tự mở này sẽ hoàn thành trong năm 2023.
Tổng rà soát các lối đi tự mở
Chủ tịch UBND xã Lê Thiện Hoàng Văn Quynh cho biết: Thực tế cho thấy, các vụ tai nạn giao thông đường sắt trong thời gian qua đều xuất phát từ ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao, vẫn quen lối sống nông thôn dù những khu vực này có tốc độ đô thị hóa nhanh. Do đó, sau khi liên tiếp xảy ra các vụ va chạm giao thông tại các điểm giao cắt với đường sắt qua địa bàn huyện An Dương, chính quyền địa phương tập trung đẩy mạnh tuyên truyền an toàn giao thông tới người dân thông qua hệ thống loa truyền thanh của xã. Cán bộ, đoàn viên, thanh niên, cán bộ Hội phụ nữ, trưởng thôn cũng được yêu cầu trực tiếp tuyên truyền các hộ dân chấp hành nghiêm quy định an toàn giao thông để tránh xảy ra các sự cố tương tự.
Đối với các tình nguyện viên tham gia vào công tác điều tiết giao thông ở các lối đi tự mở, UBND huyện An Dương lập danh sách tình nguyện viên gửi Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để tổ chức tập huấn, nâng cao nghiệp vụ nhằm tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ-đường sắt tại các lối đi tự mở trên địa bàn. Để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt đối với điểm giao cắt, UBND huyện cần kiến nghị việc lắp đặt các thanh chắn tự động khi có tàu chạy qua.
Trung tá Vũ Ngọc Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an thành phố) cho biết: Để bảo đảm an toàn đường sắt, đơn vị đang tổng rà soát lại toàn bộ các điểm có lối đi tự mở giao cắt với tuyến đường sắt trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở khảo sát thực tế sẽ có khuyến nghị trực tiếp tới đơn vị quản lý đường sắt, chính quyền địa phương các giải pháp khắc phục, trong đó, tập trung vào yêu cầu chủ động thi công, bảo đảm mặt phẳng của lối đi tự mở, phát quang tầm nhìn hai bên lối đi tự mở. Cùng với đó, cần hoàn thiện hệ thống sơn gờ giảm tốc và sơn vạch kẻ cảnh báo trên lối đi tự mở giao cắt với đường sắt, có thể lắp đặt các barie thanh chắn tự động nâng, hạ mỗi khi có tàu chạy qua./.
Bài và Ảnh: Minh An
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 101/QĐ-TTg chủ trương đầu…
Chiều 14/1, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Chiều 14/1, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị đánh giá kết…
Chiều 14/1, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị tổng kết…
Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, ngày 14/11, đồng chí Đỗ Mạnh…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 86/QĐ-TTg ngày 14/1/2025 chủ trương…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More