Print Thứ Bảy, 26/01/2019 16:42

Mới đây, Thanh tra Sở Giao thông – Vận tải, UBND các quận, huyện tổ chức kiểm tra hoạt động của các bến đò. Kết quả cho thấy, một số bến đò, chủ phương tiện không đủ điều kiện hoạt động. Nếu các chủ bến đò không khắc phục sớm thiếu sót, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đường thủy nội địa, nhất là trong mùa mưa bão.

Bến đò An Lư (huyện Thủy Nguyên) đang hướng tới đạt chuẩn văn minh, an toàn.


Vẫn hoạt động dù chưa đủ điều kiện

 

Ông Trần Văn Thanh, Phó chánh thanh tra Sở Giao thông – Vận tải cho biết, qua kiểm tra công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa tại các bến đò cho thấy, một số bến đò không đủ điều kiện hoạt động. Như bến đò An Lư (huyện Thủy Nguyên) giấy phép mở bến đã hết hạn. Như Bến phà Dương Áo (huyện Tiên Lãng), bến phà Gót (huyện Cát Hải), bến phà Lại Xuân (huyện Thủy Nguyên) … các phương tiện hoạt động không có thiết bị chữa cháy đúng vị trí; thiếu phao cứu sinh, thiếu phao bè. Đoàn kiểm tra nhắc nhở các đơn vị và yêu cầu bổ sung các trang thiết bị và khắc phục ngay các lỗi trên.

 

Huyện Thủy Nguyên tiến hành kiểm tra về thủ tục hành chính, bến bãi, phương tiện và trang thiết bị an toàn giao thông, an toàn phòng chống cháy nổ tại 3 bến đò ngang và 33 phương tiện thủy nội địa. Qua kiểm tra, UBND huyện Thủy Nguyên đình chỉ hoạt động 10 chiếc đò màn hoạt động trên Bến Rừng, xã Tam Hưng và 7 chủ đò màn ở thị trấn Minh Đức do không có bến trả khách, chưa đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Ngoài ra, UBND huyện còn đình chỉ hoạt động của 3 chủ phương tiện đò ngang sinh sống ở các xã Hợp Thành và Lập Lễ, do hoạt động bến đón trả khách hết hạn, các trang thiết bị về an toàn giao thông thủy không bảo đảm. Tuy nhiên, hiện  nay, một số đò màn dù bị đình chỉ, nhưng vẫn “lén lút” hoạt động. Về việc này, UBND huyện Thủy Nguyên đang tăng cường chỉ đạo các địa phương, nhất là chính quyền xã Tam Hưng, thị trấn Minh Đức kiểm tra và kiên quyết yêu cầu các chủ đò màn tự phát dừng hoạt động.

 

Tại huyện Vĩnh Bảo, có 5 bến đò đang hoạt động. Tuy nhiên, thực tế, tại các bến đò, hành khách hầu như không mặc áo phao. Có những đò chở người quá tải như đò của thôn Lô Đông, xã Vĩnh Long, nhất là vào mùa cấy và thu hoạch lúa. Rất nhiều bến đò khác dù có áo phao, nhưng cả chủ đò và khách đều không mặc khi qua sông. Đây cũng là lỗi dễ bắt gặp tại hầu hết bến đò của các huyện An Dương, Thủy Nguyên, Cát Hải…

 

Xây dựng “Bến đò ngang an toàn”

 

Mùa mưa bão tới gần, các đò ngang, đò màn hoạt động khi không đủ điều kiện luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy. Bởi, tính mạng và tài sản của hành khách trông cậy vào người lái đò. Việc này, đòi hỏi chủ các phương tiện phải tuân thủ các quy định và trang bị các thiết bị an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ tại các bến đò.

 

Để bảo đảm an toàn đường thủy nội địa, nhất là các bến đò ngang, đò màn, hiện trên địa bàn thành phố xây dựng và thực hiện mô hình “Bến đò ngang an toàn” hoặc “Bến đò văn hóa và an toàn”. Chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về an toàn giao thông đường thủy tới các chủ bến, chủ phương tiện của các Bến đò Máy Chai (quận Ngô Quyền), đò Lâm (huyện Thủy Nguyên), Bến đò Hiệp Hòa (huyện Vĩnh Bảo), Bến đò Lê Xá (huyện An Dương)… và người dân. Chủ phương tiện thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn đường thủy như đăng ký mở bến, đăng kiểm phương tiện đò, chứng chỉ chuyên môn của người lái đò đầy đủ và chở số người theo quy định… Khách đi đò tuân thủ mặc áo phao đề phòng sự cố tai nạn.

 

Mô hình “Bến đò ngang an toàn” thực sự phát huy hiệu quả, góp phần bảo đảm an toàn giao thông thủy nội địa. Song, hiện nay, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng mô hình này. Đơn cử như việc xây dựng mô hình bến đò an toàn tại Bến đò An Lư –Máy Chai. Chủ bến đò Máy Chai và An Lư, ông Trần Văn Hưng cho biết, hằng ngày với 2 phà nhỏ tự hành hoạt động khoảng 40 chuyến phục vụ người dân đi lại, buôn bán từ huyện Thủy Nguyên sang nội thành và ngược lại. Song, chỉ Bến đò Máy Chai được UBND phường Máy Chai (quận Ngô Quyền) quan tâm xây dựng mô hình “Bến đò an toàn và văn hóa”. Từ đấy, hoạt động của bến đò nhận được nhiều trợ giúp về trang thiết bị an toàn của các cấp, ngành. Tuy nhiên, phía xã An Lư (huyện Thủy Nguyên) lại chưa được công nhận, xây dựng mô hình bến đò an toàn mặc dù điều kiện hoạt động bảo đảm như Bến đò Máy Chai. Do đó, ông Hưng mong mỏi, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng tiếp tục quan tâm, để hoạt động của 2 đầu bến đều “văn minh, an toàn”.

Hiện, các bến đò an toàn giao thông và văn hóa còn ít. Điều này, đòi hỏi các cấp chính quyền và ngành Giao thông – Vận tải tích cực tuyên truyền, kiểm tra và phát động các chủ bến đò, chủ các phương tiện đẩy mạnh xây dựng bến đò an toàn. Để những chuyến đò ngang an toàn, đòi hỏi các cấp chính quyền địa phương, Thanh tra giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông thủy… tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyên truyền để các chủ đò, lái đò thực hiện nghiêm quy định về an toàn đường thủy. Người dân đi đò cần thực hiện quy định an toàn đường thủy để bảo vệ chính mình và xây dựng văn hóa trên những chuyến đò.

 

Quang Mạnh – Báo Hải Phòng 11/5/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa trong mùa mưa bão: Chấn chỉnh các bến đò ngang
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác