Chỉ còn ít ngày nữa, cùng với cả nước, học sinh toàn thành phố sẽ bước vào năm học mới 2018-2019. Với hàng trăm nghìn học sinh đến trường mỗi ngày, ngoài gia tăng về áp lực giao thông, nguy cơ tai nạn giao thông sẽ càng cao khi số lượng học sinh tự đi về bằng phương tiện cá nhân rất lớn. Do đó, để giảm thiểu tai nạn giao thông cho học sinh, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ…
Nhiều học sinh điều khiển phương tiện xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, đi dàn hàng, gây mất an toàn giao thông.
Ảnh: Hoàng Phước
Gắn trách nhiệm của nhà trường
Theo Ban ATGT thành phố, năm 2018 được Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia lấy chủ đề “Năm ATGT cho trẻ em”. Cho đến thời điểm này, so với cùng kỳ năm 2017, tuy số người tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn thành phố giảm, riêng số trẻ em tử vong vì TNGT lại tăng. Điều này cho thấy nguy cơ về TNGT đối với trẻ em vẫn rất lớn. Vì vậy, để giảm thiểu tai nạn giao thông cho học sinh, ngoài tuyên truyền vận động, cần gắn trách nhiệm của nhà trường đối với xử lý học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Chánh văn phòng Ban ATGT thành phố Nguyễn Văn Luyến cho biết, để nâng cao hiệu lực trong việc hạn chế tình trạng học sinh vi phạm trật tự ATGT, góp phần giảm thiểu TNGT, Ban ATGT thành phố có văn bản gửi đến Sở Giáo dục – Đào tạo, đề nghị chỉ đạo các nhà trường tổ chức cho học sinh ký cam kết không điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi quy định; chấp hành luật pháp khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện; không tụ tập thành đám đông trước cổng trường… Yêu cầu phụ huynh cùng tham gia ký kết để bảo đảm đôn đốc, nhắc nhở con em thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về giao thông.
Ngay trong tháng 9-2018, Ban ATGT thành phố yêu cầu Sở Giáo dục – Đào tạo chỉ đạo các trường học triển khai “Tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường”, hướng dẫn các trường triển khai công tác giáo dục ATGT cho học sinh ngay từ đầu năm học mới, nâng cao chất lượng giáo dục ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên khi tham gia giao thông. Các trường học thành lập tổ, đội nhóm thanh niên, học sinh xung kích tình nguyện tham gia hướng dẫn giao thông tại khu vực cổng trường trong giờ cao điểm, vận động người dân trong khu vực không vi phạm hành lang ATGT.
Tiếp tục triển khai mô hình “cổng trường an toàn”
Sau nhiều năm triển khai, mô hình “cổng trường an toàn” được Sở Giáo dục – Đào tạo và các địa phương thực hiện ở hầu hết các trường học. Các trường học đều có thông báo nhắc nhở phụ huynh học sinh tuân thủ các quy định khi đưa-đón con em ở các cổng trường, tránh ùn tắc và giảm nguy cơ TNGT. Cô giáo Nguyễn Thị Mai Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (quận Hải An) cho biết, vào giờ cao điểm, nhà trường cử thêm một số giáo viên kết hợp với bảo vệ, công an phường tổ chức điều phối, hướng dẫn cho phụ huynh và nhắc nhở học sinh không tập trung đông tại khu vực cổng trường. Vì vậy, trong nhiều năm qua, tuy có thời điểm xảy ra ùn tắc, song cổng Trường THCS Lê Lợi luôn được bảo đảm an toàn. 100% số học sinh đi học bằng xe đạp điện, xe máy điện đều đội mũ bảo hiểm.
Theo Phó giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Đỗ Thị Hòa, mô hình “cổng trường an toàn” được nhiều trường học nâng cấp thành “cổng trường an toàn giao thông” hoặc “cổng trường an toàn văn minh”, cho thấy sự quyết tâm của các trường học trong công tác bảo đảm ATGT cho học sinh. Trong năm học 2017-2018, hầu hết tại các cổng trường học không xảy ra TNGT đối với học sinh, xuất phát từ việc tuyên truyền, vận động, chủ động hướng dẫn học sinh và phụ huynh của các trường.
Ông Nguyễn Văn Luyến khẳng định, mô hình “cổng trường an toàn” sẽ hiệu quả hơn nếu các nhà trường chủ động kết nối với lực lượng Công an, tổ chức các cuộc thi kỹ năng điều khiển phương tiện, tổ chức các chương trình hướng dẫn về tham gia giao thông. Ban ATGT thành phố sẽ hỗ trợ các nhà trường về điều kiện hướng dẫn, giảng dạy ATGT.
Kiên quyết xử lý vi phạm giao thông
Tình trạng học sinh tham gia giao thông trên đường vi phạm trật tự ATGT còn khá nhiều, tập trung vào các lỗi: chở quá người quy định, đi xe đạp điện-xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều… Thời gian qua, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt và Công an các địa phương xử lý khá nhiều trường hợp, gửi thông báo về các trường học, song tình trạng này chưa có chiều hướng giảm.
Để ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm trật tự ATGT, ngoài việc lực lượng CSGT kiên quyết xử lý, gửi thông báo cho các trường học, cần công khai vi phạm của học sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Quá trình xử lý vi phạm cần kết nối với các cơ quan báo chí để vừa góp phần tuyên truyền, vừa tăng tính răn đe. Anh Phạm Thanh Tùng, admin của group An toàn-văn hóa giao thông Hải Phòng cho biết, các trường học nên công khai chia sẻ fanpage facebook để CSGT hoặc người dân đưa thông tin về học sinh của trường có vi phạm trật tự ATGT. Sự phối hợp đồng bộ giữa xã hội- nhà trường-gia đình và sự kiên quyết của lực lượng chức năng sẽ góp phần ngăn chặn TNGT cho học sinh, cùng xây dựng thành phố thân thiện, an toàn.
Mai Lâm – Báo Hải Phòng
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More