Sau thời gian dài cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã cho học sinh quay trở lại trường học tập. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với các cơ sở giáo dục là vừa chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, vệ sinh môi trường; đồng thời bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, giáo viên, học sinh thực hiện dạy và học hiệu quả.
Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước cho học sinh đi học trở lại kể từ khi hết thời gian thực hiện quy định giãn cách xã hội. Đã một tuần qua, gần 300 nghìn học sinh ở 743 trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên vui mừng đi học trở lại. Để chuẩn bị cho học sinh đến trường, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nghiêm công tác vệ sinh trường, lớp học, phun hóa chất khử khuẩn, mua sắm hàng nghìn máy đo thân nhiệt, xà-phòng, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn cho học sinh, giáo viên… Hằng ngày, tại Trường THCS Quang Trung (phường Ba Đình, TP Thanh Hóa), an ninh được thắt chặt từ cổng nhằm kiểm soát người lạ vào trường; tổ chức đo kiểm tra thân nhiệt cho hơn 1.500 học sinh, giáo viên. Nhà trường chủ động mua 4 kg CloraminB, 50 lít nước sát khuẩn, 20 máy, thiết bị đo thân nhiệt; các đơn vị, cá nhân hảo tâm hỗ trợ nước rửa tay khô, thiết bị y tế. Cô giáo Bùi Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, qua theo dõi, giám sát, không có giáo viên, học sinh có biểu hiện sức khỏe bất thường trong tuần học vừa qua. Dù vậy, ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên, học sinh không chủ quan, lơ là trong thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Từ ngày 23-4, hơn 45 nghìn học sinh lớp 9 và lớp 12 của Hải Phòng trở lại trường và đến ngày 27-4 toàn bộ học sinh các cấp đi học. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Hải Phòng Vũ Văn Trà cho biết: Ngành giáo dục Hải Phòng đang nỗ lực để thực hiện được mục tiêu vừa dạy học vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, cuối tháng 4, đầu tháng 5, các trường thực hiện quy định giãn cách học sinh để ngăn ngừa dịch bệnh. Phần lớn các lớp học được chia đôi thành hai lớp và tổ chức học mỗi lớp một buổi. Ngành giáo dục vừa tổ chức học trực tiếp tại trường, vừa tổ chức học trực tuyến. Trong đó, ưu tiên học sinh các lớp cuối cấp: khối 5, khối 9 và khối 12 có nhiều thời gian học trực tiếp tại trường, nhất là đối với các môn học phải thi tốt nghiệp.
Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú (quận Lê Chân) Lê Thúy Hạnh cho biết, trường có 36 phòng học, nhưng có tới 52 lớp của cả bốn khối học. Trong những ngày qua, cán bộ, giáo viên chuẩn bị khá kỹ các điều kiện để đón học sinh trở lại trường. Trường THCS Trần Phú thực hiện ưu tiên học sinh khối lớp 9 có nhiều thời gian được học tại trường, nhất là các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh… Các khối lớp còn lại thường tổ chức ba buổi học trực tiếp với các môn học quan trọng, học thực hành, thí nghiệm… và ba buổi học trực tuyến ở nhà. Việc chia lớp thực hiện giãn cách được thực hiện nghiêm, nhưng cũng đồng nghĩa với đó là các thầy, cô giáo sẽ vất vả hơn và bố trí thời gian dạy thêm buổi cũng khó khăn hơn.
Sở GD và ĐT tỉnh Bắc Giang tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” là vừa tiếp tục tập trung phòng, chống dịch bệnh vừa khôi phục và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm; giảm mật độ tập trung học sinh; không tổ chức ăn bán trú tại trường. Theo Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Trần Tuấn Nam, học sinh các trường tiểu học, THCS, THPT, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên bắt đầu đi học trở lại từ ngày 4-5. Đối với bậc tiểu học không tổ chức dạy hai buổi/ngày và không tổ chức bán trú. Các trường chủ động chia số lớp làm hai ca học; sắp xếp thời gian học tập của học sinh và các hoạt động giáo dục phù hợp điều kiện thực tế. Cấp trung học cũng được yêu cầu chia số lớp ra hai ca học (sáng – chiều); ưu tiên tổ chức dạy học cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Đến thời điểm này, hầu hết các khâu chuẩn bị để đón học sinh đi học trở lại được các trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh triển khai một cách nghiêm túc. Chánh Văn phòng Sở GD và ĐT thành phố Nguyễn Thành Trung cho biết, dự kiến, ngày 4-5, học sinh sẽ quay trở lại trường học tập. Ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra các trường học trong việc triển khai, thực hiện theo bộ tiêu chí đánh giá an toàn tại cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Đây là căn cứ quan trọng để các trường tiến hành rà soát, tự đánh giá trên cơ sở các tiêu chí về phòng, chống dịch bệnh. Đối với các phương án về chuyên môn, các trường đã bám sát yêu cầu của Bộ GD và ĐT, nhất là tiến độ liên quan đến phương án thi, hoàn thành chương trình, dạy và học trực tuyến, học qua truyền hình…
Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Các cơ sở giáo dục cần thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế như thiết bị đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, nơi rửa tay bằng nước sạch có xà-phòng; bố trí người đón và giao nhận trẻ mầm non và học sinh tiểu học tại cổng trường; thực hiện việc đo thân nhiệt cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên trước khi vào trường và lớp học. Các trường tổ chức chào cờ và các hoạt động giáo dục trong phạm vi từng lớp học; bố trí giờ vào lớp, giải lao, tan học xen kẽ giữa các khối lớp để tạo giãn cách và giám sát, nhắc nhở học sinh không tụ tập trong giờ ra chơi. Kết thúc mỗi buổi học, thực hiện nghiêm việc giãn cách khi ra khỏi cổng trường, đeo khẩu trang trên đường về nhà. Bộ GD và ĐT cũng đưa ra năm bước xử trí các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19 trong trường học để các trường kịp thời xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình dạy học.
Đáng chú ý, khi học sinh trở lại trường, các cơ sở giáo dục cần chú trọng khâu bảo đảm an toàn thực phẩm trong điều kiện tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), các bếp ăn tập thể của các cơ sở giáo dục, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong các trường học phải thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục có bếp ăn tập thể chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong phạm vi quản lý.
Bên cạnh đó, Bộ GD và ĐT lưu ý các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp điều kiện thực tế và thực tiễn dịch bệnh tại địa phương, có biện pháp tổ chức dạy học theo từng khối, lớp và nhóm học sinh để thực hiện giãn cách hợp lý, bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên khi đến trường. Kết hợp giữa dạy học qua in-tơ-nét, trên truyền hình với dạy học trực tiếp để rút ngắn thời gian hoàn thành chương trình, bảo đảm kết thúc năm học trước ngày 15-7.
QUỲNH TÙNG, LUẬN TÂN DŨNG