Xã hội

Bảo đảm an ninh, an toàn tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng

Thời gian qua, lượng hành khách đi, đến TP. Hải Phòng bằng tàu hỏa gia tăng đột biến, nhất là vào những ngày nghỉ cuối tuần. Phóng viên Chuyên đề an ninh Hải Phòng đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Tiến Mạnh, Trưởng Ga Hải Phòng về công tác bào đảm an ninh, an toàn khu vực nhà ga cũng như hành khách trên tuyến.

PV: Trước tiên, xin ông cho biết nguyên nhân lượng khách đi, đến Hải Phòng bằng tàu hỏa tăng đột biến trong những tháng gần đây?

Ông Đặng Tiến Mạnh: Lượng khách lưu thông đi, đến Hải Phòng bằng tàu hỏa có sự gia tăng đột biến kể từ tháng 4/2022. Cụ thể, trong 4 tháng (từ tháng 4 đến hết tháng 7/2022) đã có 294.862 hành khách sử dụng dịch vụ tàu hỏa trên tuyến. So với cùng kỳ 2019, khi chưa có đại dịch Covid-19, lượng hành khách tăng 86%. Còn nếu so với cùng kỳ năm 2021, lượng khách bằng 647% vì khi đó dịch Covid-19 bùng phát phức tạp.

TTATGT khu vực trước cửa nhà ga cơ bản nề nếp.

Sở dĩ số lượng hành khách đi, đến Hải Phòng bằng tàu hỏa tăng như vậy là do các yếu tố cơ bản sau:

Một là, kể từ cuối tháng 3/2022, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu đi lại của người dân được khôi phục. Trong đó đáng kể là giới trẻ đi du lịch theo phong trào “Food tour” từ các tỉnh, thành trên cả nước (đông nhất vẫn là từ TP. Hà Nội) bùng phát.

Hai là, thời gian qua, giá nhiên liệu (xăng, dầu) tăng, khách đi tàu hỏa được mua giá vé thấp hơn so với vé ô tô. Cùng với đó là các cơ chế ưu đãi giá vé như: Học sinh, sinh viên được giảm 10%, người cao tuổi (60 tuổi trở lên) được giảm 15%, trẻ em 6-10 tuổi (cao dưới 1,32 mét) giảm 25%. Đặc biệt, từ ngày 01/8/2022, ngành Đường sắt có thêm cơ chế giảm giá vé tàu hỏa tuyến Hà Nội-Hải Phòng theo nhóm vào các ngày từ thứ Hai đến thứ Năm hàng tuần.

Cụ thể, với nhóm có 4 người thì tiền vé được tính bằng giá vé 3 vé của có giá tiền cao nhất. Nhóm hành khách với số lượng 8 người thì tiền vé được tính bằng giá 6 vé của có giá tiền cao nhất trong nhóm.

Ba là, hiệu quả từ công tác truyền thông như truyền hình, báo chí, mạng xã hội của ngành Du lịch và các đơn vị trong ngành Đường sắt về “Food tour” Hải Phòng đã tạo ra sức lan tỏa rộng lớn.

PV: Để đáp ứng yêu cầu của hành khách lưu thông trên tuyến Hà Nội-Hải Phòng hiện nay đang gia tăng nhất là vào những ngày cuối tuần, ngành Đường sắt đang duy trì tần suất chạy tàu như thế nào, thưa ông?

Ông Đặng Tiến Mạnh: Theo số liệu thống kê của Ga Hải Phòng, kể từ tháng 4/2022 đến nay, lượng khách trung bình đi, đến Ga Hải Phòng đạt trên 9.000 người. Trong đó, ngày thứ Bảy có khoảng 3.000 khách đến và khoảng 1.500 khách đi. Ngày Chủ nhật, có khoảng 4.500 hành khách đến và đi.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, trong các ngày cuối tuần, các đoàn tàu Hà Nội-Hải Phòng được lập với công suất lớn nhất cho phép. Cụ thể, mỗi đoàn tàu kéo 18 toa (gồm 1 toa phát điện, 1 toa chở hành lý và 16 toa chở khách), với tổng công suất đạt trên 900 lượt người, tương đương các ngày lễ, Tết.

Trong đó, ngày thứ Bảy, ngoài 4 chuyến tàu đi và đến như thường lệ thì chiều từ Hà Nội về Hải Phòng còn thêm 1 chuyến tàu vào buổi sáng (rời Ga Hà Nội lúc 7h15’ và đến Ga Hải Phòng lúc 10h7’). Ngày Chủ nhật, ngoài 4 chuyến tàu đi, đến như thường lệ thì tại Ga Hải Phòng còn tổ chức thêm 2 chuyến tàu về Hà Nội (chuyến thứ nhất mang số hiệu HP4 xuất phát lúc 14h25’ đến Ga Hà Nội lúc 17h15’; chuyến thứ 2 mang số hiệu LP10 rời ga lúc 16h20’ và đến Ga Hà Nội lúc 19h3’).

PV: Xin ông cho biết thêm công tác bảo đảm an ninh, an toàn khu vực nhà Ga Hải Phòng và trên tuyến trong bối cảnh hiện nay?

Ông Đặng Tiến Mạnh: Ngày 21/7/2022, Ga Hải Phòng thuộc Chi nhánh khai thác đường sắt Hải Hà đã chủ động có Công văn số 79/CV-GHP đề xuất Công an thành phố về công tác bảo đảm ANTT và ATGT khu vực Ga Hải Phòng vào các ngày cuối tuần.

Ngày 01/8/2022, Giám đốc Công an thành phố có Kế hoạch số 1052/CAHP-PV01 chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương liên quan phối hợp thực hiện nhiệm vụ này.

Theo đó, Phòng CSGT đường bộ-đường sắt cùng Ga Hải Phòng tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 912/KH-LN ngày 22/8/2019 về phối hợp công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế và đảm bảo TTATGT đường sắt giữa Công an thành phố với Tiểu ban ANTT, ATGT đường sắt Hải Phòng. Hai bên sẽ tập trung xử lý nghiêm tình trạng xe ô tô đỗ chiếm dụng tại cổng ra vào Ga Hải Phòng trong các ngày khách đông, gây ùn tắc giao thông tại ngã 4 trước cửa nhà ga.

Phòng CSĐT tội phạm về TTXH nắm chắc tình hình thực tế, chủ động tham mưu giúp Giám đốc Công an thành phố triển khai quyết liệt Kế hoạch HP22, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, trấn áp, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật tại khu vực Ga Hải Phòng; đồng thời tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, không để các loại tội phạm lợi dụng đông người để hoạt động phạm tội như trộm căp, cướp giật, gây rối trật tự công cộng và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Công an quận Ngô Quyền phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về TTATGT tại khu vực Ga Hải Phòng.

Ngoài ra, Ga Hải Phòng cũng đã đề xuất Sở Giao thông vận tải tăng cường lực lượng Thanh tra giao thông hỗ trợ đơn vị.

PV: Ông đánh giá như thế nào về kết quảcông tác phối hợp giữ gìn ANTT và TTATGT khu vực nhà ga trong những ngày cuối tuần hành khách đi tàu hỏa tăng đột biến?

Ông Đặng Tiến Mạnh: Nhờ có sự chỉ đạo kịp thời của Giám đốc Công an thành phố; sự vào cuộc tích cực của Công an các đơn vị, địa phương và lực lượng chức năng ANTT, ATGT khu vực nhà ga đã có những chuyển biến lớn rất đáng mừng. Đến nay, toàn bộ khu vực nhà ga không xảy ra vụ việc phức tạp về TTATXH và TTATGT, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân cũng như duy trì tốt cảnh quan môi trường, tạo hình ảnh đẹp trong lòng du khách đến với thành phố Hải Phòng.

Hiệu quả của công tác phối hợp này đã đóng góp một phần quan trọng vào kết quả thực hiện Quy chế phối hợp số 485/QCPH ngày 25/03/2008 giữa Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải về công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế và các quy chế phối hợp giữa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát QLHC về trật tự xã hội.

Đặc biệt đây còn là minh chứng cho việc thực hiện hiệu quả Quy chế số 24/QCPH-BGTVT-ƯBND ngày 28/6/2013 giữa Bộ GTVT với UBND TP. Hải Phòng về bảo đảm TTATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; Kế hoạch số 912/KH-LN ngày 22/8/2019 về phối hợp công tác bảo vệ ANCT nội bộ, an ninh kinh tế và bảo đảm TTATGT đường sắt giữa CATP với Tiểu ban ANTT, ATGT đường sắt Hải Phòng năm 2019 và những năm tiếp theo.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đoàn Lanh (thực hiện)

Nguồn tin: ANHP

Tin khác

Thông tin về vụ cháy tại KCN Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương

Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…

24/11/2024

Hội nghị cung cấp thông tin và giao ban báo chí tháng 11: thông tin về TECHFEST Việt Nam được tổ chức tại Hải Phòng

Chiều 22/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối…

22/11/2024

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More