Thực hiện Công văn số 148/HĐND-DNTT ngày 29/12/2020 của HĐND thành phố về việc tổng hợp kiến nghị cụ thể của cử tri tại kỳ họp thứ 16, HĐND thành phố khóa 15, UBND thành phố báo cáo kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cụ thể của cử tri như sau:
1. Huyện An Dương (3 câu):
1.1. Đề nghị thành phố đầu tư cải tạo, nâng cấp đồng bộ (mở rộng đường, hè, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, thoát nước, cây xanh) tuyến đường 351 đoạn từ ngã tư Long Thành đến cầu Kiến An; đoạn đường từ khu vực cổng phụ Nomura qua khách sạn Lê Thanh (đường 5 cũ) hiện xuống cấp nghiêm trọng vì lưu lượng, mật độ người và các phương tiện tham gia giao thông đi lại trên các tuyến đường này rất lớn, đặc biệt là vào các giờ cao điểm thường xảy ra ùn tắc cục bộ.
Trả lời:
Về cải tạo, nâng cấp đồng bộ tuyến đường tỉnh 351 đoạn từ ngã tư Long Thành đến cầu Kiến An:
– Đoạn tuyến đường tỉnh 351 từ cầu Rế đến cầu Gỗ đã được UBND huyện An Dương cải tạo, nâng cấp năm 2019-2020 với quy mô: chiều dài 0,8 km, mặt đường 18m và hè 2 bên từ 1-3,5m, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.
– Đoạn tuyến còn lại từ ngã tư Long Thành đến hết cầu Rế và đoạn từ cầu Gỗ đến cầu Kiến An: UBND thành phố có chủ trương đầu tư nâng cấp cải tạo đường tỉnh 351 ngã tư Long Thành đến cầu Kiến An và giao các sở, ngành chuẩn bị đầu tư dự án. Hiện nay, các sở, ngành đang tiến hành thẩm định đề xuất chủ trương dự án.
Về cải tạo, nâng cấp đoạn đường từ cổng phụ Nomura qua khách sạn Lê Thanh (đường 5 cũ):
– Tại Quyết định số 3211/QĐ-UBND ngày 21/10/2020, UBND thành phố đã giao Sở Giao thông Vận tải thực hiện cải tạo, nâng cấp tuyến đường Hùng Vương (khu vực nút giao Nomura). Hiện nay Sở Giao thông Vận tải đã hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng.
1.2. Dự án xây dựng vườn hoa tại dải phân cách quốc lộ 5 khu vực Nomura (giai đoạn 2) được UBND thành phố giao UBND huyện An Dương làm chủ đầu tư giai đoạn 2017-2018. Tuy nhiên do việc thực hiện giải phóng mặt bằng đối với 42 hộ dân đang sinh sống khu vực này chưa có nguồn kinh phí chi trả nên ảnh hưởng chung đến tiến độ thực hiện dự án. Đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí thực hiện.
Trả lời:
Dự án đầu tư xây dựng vườn hoa tại dải phân cách quốc lộ 5 khu vực Nomura (giai đoạn 2) được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1561/2006/QĐ-UBND ngày 18/7/2006 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 301/QĐ-UBND ngày 12/02/2010; Trong đó: Quy mô đầu tư: Xây dựng vườn hoa diện tích 19.762m² gồm cây cảnh; hoa, thảm cỏ, đường nội bộ, điện chiếu sáng, cấp thoát nước, nhà quản lý; tổng mức đầu tư: 51.743 triệu đồng; địa điểm: Tại xã Tân Tiến, huyện An Dương; chủ đầu tư: Công ty CP Công trình công cộng và xây dựng Hải Phòng.
Dự án đã được bố trí 16.353,8 triệu đồng (đạt 31,6% tổng mức đầu tư) từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Giá trị thực hiện ước đạt 17.490 triệu đồng, chủ đầu tư đã giải ngân 16.333,4 triệu đồng cho công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng, quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác. Tuy nhiên, đối với phần diện tích đất thu hồi của 42 hộ dân, UBND huyện An Dương đã triển khai thực hiện kiểm kê để lập phương án bồi thường, nhưng các hộ dân không nhất trí tái định cư khu vực Tân Tiến A và Tân Tiến B, không nhất trí về giá đất bồi thường nên đến nay Dự án vẫn chưa giải phóng được mặt bằng để triển khai thực hiện.
Theo chỉ đạo của UBND thành phố tại Công văn số 3667/UBND-GT ngày 26/6/2017, Công ty CP Công trình công cộng và xây dựng Hải Phòng đã bàn giao hồ sơ dự án cho UBND huyện An Dương tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư .
Để dự án được tiếp tục thực hiện, UBND thành phố chỉ đạo:
– UBND huyện An Dương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ theo hướng dẫn của Sở Xây dựng theo văn bản số 303/SXD-QLXD ngày 20/01/2020 để làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án theo quy định.
– Sau khi dự án được phê duyệt điều chỉnh, UBND thành phố sẽ chỉ đạo UBND huyện An Dương khẩn trương rà soát phương án đền bù giải phóng mặt bằng, bảo đảm các quy định của pháp luật để các hộ dân sớm di chuyển ổn định sinh sống tại khu tái định cư.
1.3. Tuyến đường sắt đi qua thôn Dụ Nghĩa, xã Lê Thiện qua nhiều năm đang được tình nguyện viên trên địa bàn thôn thực hiện việc canh gác, cảnh báo ngày đêm, bảo đảm an toàn giao thông khi có tàu đi qua. Đề nghị thành phố quan tâm, chỉ đạo đầu tư lắp đặt hệ thống barie tự động đoạn đường sắt đi qua đoạn đường này.
Trả lời:
Hiện nay, trên địa bàn xã Lê Thiện, huyện An Dương còn 7 điểm lối đi tự mở tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 13/5/2020 triển khai thực hiện Quyết định số 138/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án bảo đảm trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt. Theo Kế hoạch, đến năm 2025 sẽ xóa bỏ dứt điểm toàn bộ lối đi tự mở trên địa bàn thành phố nói chung và địa bàn xã Lê Thiện, huyện An Dương nói riêng.
Căn cứ Kế hoạch nêu trên, ngày 24/11/2020, UBND thành phố có Văn bản số 7459/UBND-GT gửi Bộ Giao thông Vận tải để thỏa thuận về phương án và lộ trình cụ thể xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt quốc gia. Trong đó, đề xuất nâng cấp, xây dựng mới 7 đoạn đường gom bằng nguồn vốn ngân sách thành phố do UBND thành phố chủ trì thực hiện và 8 vị trí nâng cấp lối đi tự mở thành đường ngang có cảnh báo tự động kết hợp cần chắn tự động bằng ngân sách của trung ương và do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì thực hiện. Ngày 01/02/2021, Bộ Giao thông Vận tải có Văn bản số 917/BGTVT-KCHT trong đó cơ bản đồng ý với phương án xây dựng đường gom và đường ngang của UBND thành phố Hải Phòng.
Căn cứ Quyết định số 1149/QĐ-BGTVT ngày 15/6/2020 và Văn bản số 917/BGTVTKCHT của Bộ Giao thông Vận tải, UBND thành phố sẽ giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp chặt chẽ với Cục Đường sắt Việt Nam và các cơ quan liên quan để triển khai thực hiện bảo đảm đúng Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 13/5/2020 của UBND thành phố.
2. Huyện An Lão (3 câu):
2.1. Tuyến đường 362 hiện đã được nâng cấp mở rộng, tuy nhiên còn đoạn từ ngã tư chợ Kênh-xã Quang Trung đi bến Đò Sòi và đoạn từ Quán Rẽ-xã Mỹ Đức đi Kiến Thụy chưa được nâng cấp, cải tạo, bề mặt đường nhỏ hẹp, lượng xe lưu thông lớn, thường xuyên gây tắc nghẽn. Đề nghị thành phố quan tâm, nâng cấp, cải tạo, mở rộng bề mặt đường để bảo đảm an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông. Đề nghị thành phố bố trí kinh phí hệ thống thoát nước hai bên đường 357 đoạn qua địa bàn huyện.
Trả lời:
Về việc cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 362 trên địa bàn huyện An Lão:
– Đoạn từ ngã ba Quán Chủng Km 18+500 đến ngã tư Kênh Km 27+600 đang được UBND thành phố chỉ đạo đầu tư cải tạo, mở rộng. Hiện dự án đã thi công đạt khoảng 95% khối lượng công việc (một số đoạn tuyến đã được rải bê tông nhựa theo thiết kế được duyệt).
– Đoạn từ Quán Rẽ, xã Mỹ Đức đi Kiến Thụy (có chiều dài khoảng 2,9km) thuộc Dự án nâng cấp, mở rộng ĐT. 362 đoạn qua địa phận huyện Kiến Thụy và huyện An Lão đã được UBND thành phố chỉ đạo lập và thẩm định đề xuất chủ trương đầu tư, dự kiến cân đối nguồn ngân sách để sớm triển khai trong giai đoạn 2021-2025. Để bảo đảm an toàn giao thông trong giai đoạn hiện nay, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải tăng cường công tác duy tu, sửa chữa tuyến đường tỉnh 362 theo quy định.
– Đoạn từ Ngã tư chợ Kênh đi Đò Sòi (dài 2050m, từ Km 27+150 đến Km 29+200) đã được cải tạo nâng cấp bằng nguồn quỹ bảo trì đường bộ từ năm 2016.
Hiện nay, UBND thành phố đang tập trung chỉ đạo hoàn thành việc đầu tư xây dựng cầu Quang Thanh (kết nối thành phố với tỉnh Hải Dương) qua đường tỉnh 360. Sau khi công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ góp phần giảm mật độ giao thông qua đường tỉnh 362. Do vậy, trong giai đoạn tới tuyến ĐT.362 đoạn từ Ngã tư chợ Kênh đi Đò Sòi vẫn đáp ứng được nhu cầu, chưa cần thiết phải đầu tư mở rộng.
Về việc xây dựng hệ thống thoát nước hai bên đường tỉnh 357 đoạn đi qua địa bàn huyện An Lão:
UBND thành phố đã giao UBND huyện An Lão thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 357 đoạn từ ngã ba An Tràng đến Bưu điện An Lão, tại Quyết định số 2950/QĐ-CT ngày 25/9/2020. Hiện nay, UBND huyện An Lão đang triển khai thực hiện lập Báo cáo Đề xuất chủ trương đầu tư dự án.
Trong năm 2021, UBND thành phố cũng đã bố trí kinh phí nguồn quỹ bảo trì đường bộ giao Sở Giao thông Vận tải cải tạo hệ thống thoát nước ĐT.357 đoạn từ Km 1 đến Km 2, trên địa bàn thị trấn Trường Sơn, dự kiến hoàn thành công trình trong năm 2021.
2.2. Hiện nay các phương tiện lưu thông khi qua cầu vượt B49 tạo nên “nút thắt cổ chai” gây ùn tắc cục bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là vào các giờ cao điểm. Đề nghị thành phố làm việc với Bộ Giao thông Vận tải sớm triển khai xây dựng cầu vượt song song tại vị trí nút giao thông cầu B49.
Trả lời:
Việc đầu tư thêm 1 đơn nguyên cầu với 2 làn xe tại vị trí nút giao cầu B49 thuộc quốc lộ 10 là cần thiết, UBND thành phố đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương tại Thông báo số 332/TB-VPCP ngày 02/8/2017.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải nếu nhà đầu tư BOT bổ sung 1 đơn nguyên cầu vượt tại địa điểm trên với tổng mức đầu tư khoảng 250 tỷ đồng sẽ phá vỡ phương án tài chính của dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10 đoạn Quán Toan-Cầu Nghìn (hạng mục này chưa có trong dự án BOT đã được phê duyệt).
UBND thành phố giao Sở Giao thông Vận tải chủ động làm việc với Bộ Giao thông Vận tải xem xét, huy động đầu tư từ các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2.3. Đề nghị thành phố chỉ đạo nhà đầu tư vận hành hệ thống đèn chiếu sáng tại khu vực cầu Trạm Bạc nhằm bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.
Trả lời:
Hệ thống cầu trên quốc lộ 10 có 2 cầu Trạm Bạc, cụ thể: cầu Trạm Bạc cũ được Công ty CP Điện chiếu sáng thực hiện công tác quản lý, vận hành hệ thống đèn chiếu sáng trên cầu gồm 14 pha đèn từ năm 2004; cầu Trạm Bạc mới song song với cầu Trạm Bạc cũ do Công ty TNHH MTV Tasco Hải Phòng thực hiện quản lý, vận hành hệ thống điện chiếu sáng gồm 46 pha đèn từ năm 2018.
Để bảo đảm chiếu sáng khu vực cầu Trạm Bạc phục vụ người dân và phương tiện tham gia giao thông về ban đêm, UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo Công ty CP Điện chiếu sáng và Công ty TNHH MTV Tasco Hải Phòng thường xuyên kiểm tra, kịp thời sửa chữa hệ thống điện chiếu sáng khi có sự cố, bảo đảm an toàn giao thông ban đêm tại khu vực cầu Trạm Bạc.
3. Huyện Bạch Long Vĩ (1 câu):
Cử tri huyện Bạch Long Vĩ tiếp tục đề nghị thành phố sớm triển khai Đề án xây dựng Trung tâm y tế quân dân y huyện, trang bị xe cứu thương mới, và trang thiết bị y tế để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho quân và dân trên đảo cũng như người dân các địa phương khác hoạt động tại ngư trường Vịnh Bắc bộ.
Trả lời:
Thực hiện ý kiến của đồng chí Bí thư Thành ủy tại cuộc làm việc với Huyện ủy Bạch Long Vĩ (Thông báo số 16-TB/VPTU ngày 17/6/2021 của Văn phòng Thành ủy) về việc đồng ý chủ trương cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới Trung tâm y tế quân dân y Bạch Long Vĩ, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành cùng UBND huyện Bạch Long Vĩ nghiên cứu, đề xuất việc cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới Trung tâm y tế với điều kiện bố trí đủ đội ngũ y, bác sĩ có cơ cấu hợp lý, đồng bộ, đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân, trình UBND thành phố và HĐND thành phố thông qua làm cơ sở triển khai thực hiện. Riêng về xe cứu thương, ngày 15/5/2021, Trung tâm Y tế đã tiếp nhận 01 xe cứu thương từ Trung tâm cấp cứu 115 Hải Phòng và đưa vào sử dụng.
Đồng thời, UBND thành phố giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, UBND huyện Bạch Long Vĩ nghiên cứu và trực tiếp làm việc với Công ty Trực thăng miền Bắc về việc cung cấp dịch vụ vận chuyển bệnh nhân cấp cứu, hiểm nghèo ngoài khả năng cứu chữa của Trung tâm Y tế huyện Bạch Long Vĩ vào đất liền để cứu chữa kịp thời. Hiện các đơn vị đã thống nhất phương án và hợp đồng nguyên tắc để bảo đảm cung cấp dịch vụ.
4. Huyện Cát Hải (4 câu):
4.1. Mặc dù đã được thành phố quan tâm đưa nước máy từ thành phố về đảo Cát Hải, tuy nhiên việc tiếp cận dịch vụ nước sạch của người dân hiện không thuận tiện, giá cao do phải qua đơn vị trung gian cung cấp bán lại cho người dân. Đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm có giải pháp để đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho nhân dân được sử dụng nước sạch vì kế hoạch di dời, tái định cư cho nhân dân còn thời gian dài nữa mới thực hiện.
Trả lời:
Trên địa bàn huyện Cát Hải đang triển khai một số dự án nhằm phát triển kinh tế-xã hội của huyện và thành phố, dẫn đến không thực hiện được việc lắp đặt hệ thống đường ống cấp nước vào các khu vực dân cư chung quanh các dự án. Do đó, giai đoạn trước tháng 1/2020, người dân trên đảo chủ yếu dùng nước từ các đơn vị tư nhân mua nước từ trạm tăng áp Đông Hải của Công ty CP Cấp nước Hải Phòng về bán cho người dân trên đảo nên giá nước trung bình khoảng 70.000-120.000 đồng/m³.
Do vậy, UBND thành phố đã chỉ đạo Công ty CP Cấp nước Hải Phòng lắp đặt đường ống qua biển và 1 họng nước cấp tại Ngã tư Phà Gót-đường đi thị trấn Cát Hải. Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast phối hợp với Công ty CP Cấp nước hỗ trợ lắp đặt thêm 2 họng cấp nước tại 2 thôn Văn Chấn, Trung Lâm (xã Văn Phong) nâng tổng số họng cấp nước sạch lên 3 họng cấp nước. Sau khi các họng cấp nước tại thôn Văn Chấn, Trung Lâm hoàn thành, các đơn vị cấp nước đã cam kết với UBND huyện Cát Hải giá nước sạch bán tới các hộ dân trong vùng dự án không quá 35.000 đồng/m³. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn so với giá nước sạch quy định trên địa bàn thành phố. Trong thời gian tới, UBND thành phố sẽ chỉ đạo các nhà đầu tư đang thực hiện các dự án trên địa bàn huyện phối hợp với chính quyền địa phương, Công ty CP Cấp nước Hải Phòng nghiên cứu phương án cấp nước sạch tới các hộ dân bảo đảm theo mức giá đã quy định trên địa bàn thành phố.
4.2. Hiện nay, bãi rác Đồng Sam là nơi chôn lấp rác của khu vực đảo Cát Hải đã quá tải, lại nằm gần khu dân cư và trục đường chính, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của nhân dân. Cử tri đã nhiều lần có ý kiến, thành phố đã trả lời “sẽ thu gom và xử lý rác thải trên đảo Cát Hải tại Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Gia Minh vào tháng 7/2020”, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm giải quyết để bảo đảm sức khỏe cho nhân dân.
Trả lời:
Hiện nay, việc triển khai các biện pháp xử lý nhằm hạn chế ảnh hưởng của bãi rác đến khu vực chung quanh trong là rất cần thiết. Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND huyện Cát Hải nghiên cứu, đề xuất đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn, trạm trung chuyển, ga rác trên địa bàn huyện Cát Hải và thực hiện các biện pháp cải tạo, nâng cao hiệu quả phương pháp xử lý rác tại bãi rác Đồng Sam.
Đồng thời, UBND thành phố đã chỉ đạo UBND huyện Cát Hải khảo sát, xây dựng phương án chi tiết, lập dự toán kinh phí để thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, như: San gạt tại chỗ toàn bộ diện tích khu vực đã sử dụng đổ rác để tận dụng mặt bằng nhằm tăng khả năng tiếp nhận rác thải; tiến hành lấp đất hoàn toàn đối với khu vực không còn khả năng chứa rác và lấp đất bảo đảm theo đúng quy trình đối với khu vực đã san gạt để tạo mặt bằng, tăng khả năng chứa rác; lắp dựng tường bao nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của bãi rác Đồng Sam đến khu vực lân cận bãi rác Đồng Sam.
4.3. Tuyến đường 2A tại thị trấn Cát Hải và tuyến đường 356 dọc tuyến kè biển đã xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn giao thông. Đề nghị thành phố quan tâm sớm sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường trên.
Trả lời:
– Đối với tuyến đường 2A: Tuyến đường 2A trên địa bàn thị trấn Cát Hải do UBND huyện Cát Hải quản lý. Hiện trạng tuyến đường có chiều dài 1300m, bề rộng mặt đường 5m, nhiều năm qua không được cải tạo, nâng cấp dẫn đến mặt đường đã xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Để bảo đảm an toàn giao thông tuyến đường 2A, Uỷ ban nhân dân huyện Cát Hải lập dự án đầu tư kinh phí để cải tạo nâng cấp tuyến đường 2A. UBND huyện đã ban hành Quyết định số 3293/QĐ-UBND ngày 23/12/2020 về việc phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình sửa chữa, nâng cấp tuyến đường 2A thị trấn Cát Hải. Dự kiến, công trình sẽ được khởi công và hoàn thành trong năm 2021.
– Đối với tuyến đường 356 dọc tuyến kè biển (ĐT.356 đoạn 2B): Tuyến ĐT.356 đoạn 2B do Sở Giao thông Vận tải quản lý. Hiện trạng tuyến đường này có chiều dài 1100m (từ Km 21+100 đến Km 22+200), chiều rộng mặt đường 5,5m. Do tuyến đường nằm sát biển nên thường xuyên bị ảnh hưởng bởi sóng biển và triều cường tràn vào khi có bão, gây ra ngập úng kéo dài làm hư hỏng kết cấu mặt đường. Để bảo đảm an toàn giao thông trên đoạn tuyến này, năm 2019, Sở Giao thông Vận tải đã cải tạo, sửa chữa mặt đường và hệ thống thoát được đoạn từ Km 21+550 đến Km 21+900 với chiều dài 350m. Đoạn tuyến còn lại, mặt đường cơ bản vẫn còn tốt, UBND thành phố giao Sở Giao thông Vận tải tiếp tục tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên để bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến.
4.4. Các hộ nuôi trồng thủy, hải sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà đã ủng hộ chủ trương của thành phố về cắt giảm ô lồng, giải tỏa những bãi nuôi ngao để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, có nhiều hộ vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi trồng nhưng nay bị cắt giảm gây thiệt hại cho người dân vì không có chính sách hỗ trợ. Đề nghị thành phố quan tâm có chính sách hỗ trợ đối với các hộ nuôi trồng thủy, hải sản.
Trả lời:
Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND thành phố đã chỉ đạo UBND huyện Cát Hải phối hợp cùng các sở, ngành, xây dựng Đề án cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện cắt giảm, di chuyển cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà để trình HĐND thành phố thông qua làm cơ sở triển khai thực hiện. Đến nay, UBND huyện Cát Hải đã hoàn thành dự thảo đề án và nghị quyết, xin ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy tại cuộc làm việc với Huyện ủy Cát Hải ngày 9/6/2021 và chỉ đạo của UBND thành phố tại cuộc họp ngày 5/7/2021, UBND huyện Cát Hải tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án, dự kiến trình tại kỳ họp thứ 2 HĐND thành phố khóa 16 thông qua.
5. Huyện Kiến Thụy (1 câu):
Hiện nay Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Quán Chánh tại xã Đại Hợp mới thi công xong một số hạng mục và chỉ đáp ứng nhu cầu tránh, trú bão. Đề nghị thành phố chỉ đạo thi công hoàn thiện Khu dịch vụ hậu cần nghề cá và đưa vào sử dụng đồng bộ phục vụ nhu cầu đánh bắt, sửa chữa tàu thuyền và cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho ngư dân.
Trả lời:
Dự án đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão tàu cá tại bến Quán Chánh, huyện Kiến Thụy được UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt tại Quyết định số 1878/QĐ-UBND ngày 5/11/2008 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 996/QĐ-UBND ngày 30/6/2011. Dự án xây dựng khu neo đậu với quy mô có sức chứa 200 tàu, diện tích đất sử dụng là 12,6ha; tổng mức đầu tư 77.347 triệu đồng. Nguồn vốn theo Chương trình neo đậu tránh trú bão tại Quyết định số 288/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và ngân sách thành phố. Đến nay, các hạng mục xây lắp của dự án đã hoàn thành theo dự án được duyệt.
Tiếp thu ý kiến cử tri huyện Kiến Thụy, UBND thành phố đã chỉ đạo UBND huyện Kiến Thụy, các cơ quan chức năng có liên quan tiến hành rà soát, đề xuất Dự án Xây dựng hoàn chỉnh để khai thác khi neo đậu tàu cá bến Quán Chánh, trình HĐND thành phố thông qua làm cơ sở triển khai, tạo điều kiện hoàn thành các hạng mục Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Quán Chánh, đưa vào hoạt động phục vụ nhu cầu của các tổ chức, cá nhân.
6. Huyện Thủy Nguyên (7 câu):
6.1. Hiện nay việc thực hiện quy hoạch các dự án trên địa bàn huyện với diện tích rất lớn, phạm vi rộng, song chưa có thông báo, quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án. Đề nghị thành phố tạo điều kiện để các hộ dân trong vùng quy hoạch nhưng chưa triển khai được thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, chia tách thửa đất được thuận lợi, tránh làm hạn chế quyền lợi hợp pháp của nhân dân.
Trả lời:
Hiện nay trên địa bàn thành phố nói chung và huyện Thủy Nguyên nói riêng đang triển khai nhiều dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và huyện như: Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc sông Cấm; Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Bắc sông Cấm; Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo đường 359; Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo đường Máng Nước… Việc cùng lúc triển khai nhiều dự án với quy mô lớn, phạm vi rộng, thu hồi nhiều đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân dẫn đến việc chậm ban hành thông báo, quyết định thu hồi đất.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 49 Luật Đất đai năm 2013: Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.
Như vậy, đối với các trường hợp trên nhưng chưa có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất thì người sử dụng đất được thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật.
6.2. Đề nghị thành phố xem xét, cấp đất tái định cư cho các hộ dân có đất ở, nhưng không có công trình trên đất (không có nhà trên đất) mà không có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Bên cạnh đó, đơn giá bồi thường, hỗ trợ đối với công trình, vật kiến trúc trên đất từ năm 2015 đến nay chưa điều chỉnh, giá bồi thường thấp, không đủ để các hộ nộp tiền đất tái định cư. Đề nghị thành phố xem xét, điều chỉnh để bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Trả lời:
Về việc xem xét, cấp đất tái định cư cho các hộ dân có đất ở, nhưng không có công trình trên đất (không có nhà ở trên đất) mà không có hộ khẩu thường trú tại địa phương:
Tại điểm c Khoản 2 Điều 83 Luật Đất đai 2013 quy định: “c) Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở;”
Như vậy, việc xét, cấp đất tái định cư cho các hộ dân có đủ điều kiện được bồi thường về đất mà phải di chuyển chỗ ở mà trên địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi không còn nhà ở, đất ở nào khác mà có nhu cầu thì được xem xét bố trí tái định cư theo quy định.
Thực tế, đối với từng trường hợp cụ thể có khó khăn về nhà ở, đất ở hoặc các đối tượng chính sách, người có công mà không đủ điều kiện bố trí tái định cư, thành phố áp dụng biện pháp hỗ trợ khác theo quy định tại điều 25 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ để xem xét giao đất ở có thu tiền sử dụng đất để các hộ dân có đất bị thu hồi không đủ điều kiện bố trí tái định cư đỡ thiệt thòi, sớm ổn định cuộc sống.
Việc này đã được giải quyết khi thực hiện các dự án trên địa bàn huyện Thủy Nguyên và các dự án khác trên địa bàn thành phố.
Về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:
UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các ngành rà soát sửa đổi, bổ sung quy định ban hành kèm theo Quyết định số 2680/2014/QĐ-UBND ngày 03/12/2020 và số 03/2019/QĐ-UBND ngày 10/01/2019 của UBND thành phố Quy định chi tiết một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật được sửa đổi.
Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thành dự thảo và đang tiến hành thẩm định để trình UBND thành phố ban hành.
Về đơn giá bồi thường, hỗ trợ đối với công trình, vật kiến trúc trên đất:
UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1540/QĐ-CT ngày 02/7/2019 phê duyệt xây dựng Văn bản quy phạm pháp luật về Quyết định ban hành Bộ đơn giá Vật kiến trúc phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố (để thay thế Bộ đơn giá Vật kiến trúc phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ theo Quyết định 324/2015/QĐ-UBND ngày 5/02/2015 của UBND thành phố).
Hiện nay, Sở Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo, trình thẩm định trước khi trình UBND thành phố phê duyệt.
Như vậy, kiến nghị của cử tri về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đơn giá bồi thường, hỗ trợ đối với công trình, vật kiến trúc trên đất đã được UBND thành phố chỉ đạo sửa đổi, bổ sung.
6.3. Kỳ họp thứ 16 HĐND thành phố dự kiến thông qua chủ trương đầu tư dự án mở rộng đường tỉnh 352, trong đó có đoạn đi qua địa bàn xã Thiên Hương. Đây là khu vực chợ tập trung nhiều hộ kinh doanh. Đề nghị thành phố xây dựng chợ mới xong trước khi thực hiện mở rộng tuyến đường để người dân ổn định hoạt động kinh doanh, bảo đảm đời sống sinh hoạt. Đồng thời, có giải pháp giải quyết tình trạng hệ thống thoát nước của tuyến đường không có lối thoát, nước bị dồn hết xuống ruộng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.
Trả lời:
Về chủ trương đầu tư dự án mở rộng đường tỉnh 352 và giải quyết tình trạng hệ thống thoát nước:
Dự án đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352 đã được UBND thành phố trình HĐND thành phố tại Tờ trình số 97/TTr-UBND ngày 16/7/2020 với quy mô xây dựng: xây dựng mới cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352 đạt đường cấp 3 đồng bằng, Bnền = 12,0m, xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước, hoàn trả hệ thống mương, cống thủy lợi và các công trình bị ảnh hưởng. Sau khi được HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND thành phố sẽ giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với chủ đầu tư, UBND huyện Thủy Nguyên thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, hoàn trả mương thủy lợi trên địa bàn xã Thiên Hương và các xã khác bảo đảm an toàn, không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nhân dân tại địa phương.
Về việc đầu tư xây dựng chợ:
Trên địa bàn xã Thiên Hương, huyện Thủy Nguyên có chợ Trịnh Xá với diện tích khoảng 5.649m². Chợ nằm tại khu vực trung tâm xã, tại vị trí ngã 3 giao cắt giữa tỉnh lộ 351 và tỉnh lộ 352. Theo báo cáo chủ trương đầu tư do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng đề xuất, tuyến tỉnh lộ 352 kéo dài đến quốc lộ 10 sẽ cắt qua phần lớn diện tích của chợ Trịnh Xá hiện nay. Do đó, cần xây dựng chợ mới thay thế chợ cũ.
Hiện nay, UBND huyện Thủy Nguyên đang phối hợp Chủ đầu tư Dự án báo cáo, đề xuất UBND thành phố về địa điểm và phương án di chuyển chợ Trịnh Xá, xã Thiên Hương sang vị trí mới tại Khu tái định cư thuộc xã Kiền Bái và xã Thiên Hương với diện tích 5,2ha (diện tích chợ khoảng 12.600m²) trước khi thực hiện mở rộng tuyến đường, để ổn định hoạt động kinh doanh, bảo đảm đời sống sinh hoạt của nhân dân.
6.4. Tại khu vực dãy núi Sơn Khê, giáp ranh giữa 2 xã Minh Hòa và Thái Thịnh thuộc địa bàn huyện Kinh Môn (Hải Dương) có nhà máy sản xuất hóa chất xả thải gây khói bụi, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến nhân dân khu vực lân cận (như nhân dân xã Phù Ninh-huyện Thủy Nguyên). Đề nghị thành phố kiến nghị với tỉnh Hải Dương để kiểm tra hoạt động của nhà máy này, tránh gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân.
Trả lời:
Tiếp thu kiến nghị cử tri, ngày 12/3/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố có văn bản 725/STNMT-CCBVMT đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại khu vực nêu trên. Qua kiểm tra, xác minh thông tin, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương có văn bản số 532/STNMT-CCBVMT ngày 31/3/2021, thông tin về kết quả giải quyết như sau:
Trên địa bàn phường Thái Thịnh thuộc thị xã Kinh Môn chỉ có Công ty TNHH Minh Thắng đang hoạt động sản xuất vôi công nghiệp tại khu vực chân núi 1; dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư, quy mô sản xuất vôi và đá dolomite theo công nghệ lò đứng 60.000 tấn/năm; kinh doanh, chế biến vôi củ, dolomite qua nung và các sản phẩm khác từ vôi, dolomite nung với quy mô 30.000 tấn/năm. Công ty đã lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường; bắt đầu hoạt động sản xuất từ tháng 2/2018. Kết quả kiểm soát môi trường định kỳ (03 tháng/lần) cho thấy mẫu khí thải sau hệ thống xử lý có các thông số phân tích đạt quy chuẩn môi trường cho phép. Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Kinh Môn và UBND phường Thái Thịnh, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chưa nhận được ý kiến phản ánh về hoạt động của Công ty TNHH Minh Thắng gây ô nhiễm môi trường. Do đó, chưa có cơ sở kết luận Công ty hoạt động xả khí thải, bụi gây ảnh hưởng đến môi trường.
Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm 2020 tại khu vực bến bãi kinh doanh của ông Nguyễn Xuân Biết (vị trí gần Công ty TNHH Minh Thắng và đối diện bên kia sông là địa phận xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên) có tập kết, đốt rác thải nhựa gây ảnh hưởng đến môi trường khu vực lân cận. Đến nay, vụ việc đã được chính quyền địa phương xử lý dứt điểm. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến kiến nghị của cử tri huyện Thủy Nguyên.
Để bảo đảm công tác quản lý nhà nước về môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Minh Thắng trong quá trình hoạt động sản xuất. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương tiếp tục thông tin kịp thời các kiến nghị của cử tri, giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các đơn vị trên địa bàn giáp ranh tỉnh Hải Dương.
6.5. Hiện nay trên địa bàn xã Lại Xuân có Công ty CP Thương mại Minh Phương khai thác khoáng sản tại khu vực núi Kẹm 2 và Công ty Vật liệu xây dựng số 9 khai thác đá tại khu vực núi Đá Mát đã hết giấy phép khai thác từ lâu; tuy nhiên đến nay các công ty này vẫn chưa làm thủ tục đóng cửa mỏ. Đề nghị thành phố thu hồi giấy phép, đóng cửa mỏ của các Công ty và bàn giao mặt bằng cho địa phương để thực hiện các công trình công cộng.
Trả lời:
Về tình hình hoạt động của 2 công ty: Công ty CP Thương mại và Xây dựng Minh Phương, được UBND thành phố cấp Giấy phép khai thác khoáng sản sét, đất núi tại khu vực núi Kẹm 2, xã Lại Xuân, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với thời hạn 3 năm từ ngày 22/11/2011 đến hết ngày 22/11/2014. Công ty CP Vật liệu xây dựng số 9 Hải Phòng được UBND thành phố đã cấp Giấy phép khai thác khoáng sản đất làm vật liệu xây dựng thông thường tại núi Hàn, Vang, Mát, xã Lại Xuân với thời hạn 03 năm từ ngày 28/6/2007 đến hết ngày 28/6/2010. Ngày 25/4/2019, UBND thành phố có Quyết định số 984/QĐUBND chấm dứt hiệu lực đối với Giấy phép khai thác khoáng sản của hai công ty trên. Theo báo cáo của Cục Thuế thành phố, Công an thành phố và UBND huyện Thủy Nguyên, các công ty này đã ngừng hoạt động và di chuyển phương tiện ra khỏi khu vực khai thác khoáng sản.
Để việc quản lý, sử dụng đất bảo đảm theo quy định của pháp luật, UBND thành phố đã có văn bản số 1326/UBND-KS ngày 4/3/2021, giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc thu hồi đất, giao UBND huyện Thủy Nguyên căn cứ quy hoạch sử dụng đất đề xuất phương án sử dụng đất sau khi thu hồi. Hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường đang cùng các cơ quan liên quan và UBND huyện Thủy Nguyên kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ theo quy định để thu hồi diện tích đất trên theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Về việc đóng cửa mỏ khoáng sản, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất, báo cáo UBND thành phố.
6.6. Khu dân cư Thắng Lợi và Chiến Thắng với 255 hộ dân, diện tích 6ha nằm trong quy hoạch cây xanh của Nhà máy xi măng Chinfon đang bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Tiếp tục đề nghị thành phố trả lời cử tri biết: Khu dân cư đó có được di dời hay không? Thời gian và kế hoạch di dời cụ thể như thế nào để các hộ dân ổn định cuộc sống?
Trả lời:
Theo Quyết định số 500/QĐ-UBND ngày 7/3/2017 của UBND thành phố về việc phê duyệt quy hoạch chung thị trấn Minh Đức đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, khu dân cư Chiến Thắng, Thắng Lợi, thuộc thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên được quy hoạch là khu vực trồng cây xanh cách ly.
Như vậy, khu dân cư Chiến Thắng, Thắng Lợi, hiện nay không phù hợp với quy hoạch được phê duyệt; việc kiến nghị của cử tri về nội dung này là chính đáng, UBND thành phố đã tiếp thu và chỉ đạo UBND huyện Thủy Nguyên nghiên cứu việc di chuyển và bố trí tái định cư cho các hộ dân tại khu Sẹo Nghé, thị trấn Minh Đức với diện tích khoảng 20ha. Hiện nay, UBND huyện Thủy Nguyên đang triển khai các thủ tục nghiên cứu, lập dự án đầu tư, báo cáo UBND thành phố và các sở, ngành xem xét để ghi vốn đầu tư công triển khai thực hiện dự án.
Trong thời gian chưa thực hiện việc di dời, UBND thành phố yêu cầu Công ty Xi măng Chinfon tăng cường các biện pháp giảm thiểu bụi, khí thải phát sinh trong quá trình sản xuất; chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, thực hiện đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
6.7. Cử tri huyện Thủy Nguyên đề nghị thành phố sớm triển khai thi công, đưa vào sử dụng Nhà máy xử lý rác thải tại xã Gia Minh để giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải trên địa bàn huyện Thủy Nguyên. Đồng thời đề nghị thành phố nâng mức hỗ trợ kinh phí cho việc thu gom, vận chuyển rác thải do hiện nay, công tác xử lý thu gom vận chuyển rác thải trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, kinh phí hỗ trợ thấp (bình quân 120 triệu đồng/xã), khoảng cách vận chuyển đến bãi rác thành phố quá xa, dẫn đến việc rác thải tồn đọng, gây ô nhiễm môi trường.
Trả lời:
Về Dự án Khu xử lý chất thải rắn Gia Minh:
Dự án được thiết kế với công suất xử lý rác trung bình 300 tấn/ngày. Hiện dự án trong giai đoạn vận hành chạy thử và dự kiến đi hoạt động trong quý 3/2021 sẽ góp phần đáng kể giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Thủy Nguyên.
Về mức hỗ trợ kinh phí việc thu gom, vận chuyển rác thải:
Hằng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách, định mức chi theo quy định và nhu cầu của các địa phương, thành phố bố trí dự toán chi sự nghiệp bảo vệ môi trường cho các địa phương bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp. Năm 2021, nguồn kinh phí chi sự nghiệp bảo vệ môi trường bố trí trong dự toán ngân sách huyện Thủy Nguyên là 23.120 triệu đồng (cấp huyện: 17.200 triệu đồng; cấp xã: 5.920 triệu đồng). UBND thành phố giao huyện Thủy Nguyên căn cứ nhiệm vụ, nội dung công việc của từng xã, chủ động sử dụng dự toán chi sự nghiệp bảo vệ môi trường đã được bố trí để bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp theo quy định.
Trong năm 2021, UBND thành phố sẽ xây dựng, trình HĐND thành phố thông qua Nghị quyết ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương giai đoạn 2022-2025, trong đó sẽ cân đối nguồn kinh phí cho các địa phương, đơn vị thực hiện nhiệm vụ chi sự nghiệp bảo vệ môi trường, bao gồm cả nhiệm vụ thu, gom rác thải nông thôn.
Trong trường hợp các địa phương có đề xuất điều chỉnh về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt (so với quy định hiện hành tại Quyết định số 14/2018/QĐUBND ngày 6/6/2018 của UBND thành phố về giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt), UBND thành phố sẽ giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các địa phương xây dựng phương án giá phù hợp để trình UBND thành phố và HĐND thông qua làm cơ sở triển khai.
7. Huyện Tiên Lãng (2 câu):
7.1. Đề nghị thành phố quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn đi qua địa bàn huyện Tiên Lãng.
Trả lời:
Theo báo cáo của chủ đầu tư, nguyên nhân Dự án tuyến đường bộ ven biển bị chậm tiến độ do chủ đầu tư chưa thu xếp được nguồn vốn vay ngân hàng theo dự án được duyệt và dự kiến trong quý 3/2021, ngân hàng sẽ giải ngân vốn cho dự án để tiếp tục thực hiện theo hợp đồng đã ký.
7.2. Tuyến đường 212 đoạn từ xã Quang Phục đến xã Vinh Quang đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến những người tham gia giao thông. Đề nghị thành phố quan tâm nâng cấp tuyến đường trên.
Trả lời:
Tuyến đường huyện 212 dài 16km, từ nút giao ĐT.354 đến đường Cống Rộc (xã Vinh Quang), chiều rộng mặt đường 9,0m, do UBND huyện Tiên Lãng quản lý khai thác, bảo trì.
Tiếp thu ý kiến của cử tri huyện Tiên Lãng, từ năm 2019 đến nay UBND thành phố đầu tư kinh phí và giao Sở Giao thông Vận tải tổ chức thực hiện cải tạo, nâng cấp mặt đường các đoạn tuyến:
– Năm 2019, cải tạo nâng cấp 1,9km đoạn từ Km0+00 đến Km1+900;
– Năm 2020, cải tạo, sửa chữa 3,9km đoạn từ Km1+900 đến Km5+800;
– Năm 2021, cải tạo, sửa chữa 4,2km đoạn Km5+800 đến Km10+00, dự kiến sẽ thi công và hoàn thành trong tháng 10/2021.
Đối với đoạn tuyến còn lại, trong thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục bố trí kinh phí để cải tạo phù hợp với khả năng cân đối ngân sách.
8. Huyện Vĩnh Bảo (3 câu):
8.1. Đề nghị thành phố quan tâm xem xét nâng cấp cứng hóa mặt đê quốc gia tại các xã: Đồng Minh, Cao Minh, Tam Cường, Hòa Bình và Trấn Dương để người dân đi lại được thuận tiện.
Trả lời:
Những năm qua các tuyến đê trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo từng bước được tu bổ, kiên cố hóa mặt đê kết hợp giao thông. Tuyến đê tại các xã Đồng Minh, Cao Minh, Tam Cường, Hòa Bình và Trấn Dương dài 14,49km, trong đó đê tả Hóa chạy qua địa bàn các xã Đồng Minh dài 1,19km, xã Cao Minh dài 3,4km, xã Tam Cường dài 2,246km, xã Trấn Dương dài 7,654km, trên cả hai tuyến đê tả Hóa và hữu Thái Bình. Năm 2019 và năm 2020, trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo được đầu tư, sửa chữa nâng cấp 15,824km mặt đê, trong đó tuyến đê qua xã Đồng Minh đã được đầu tư hoàn thiện mặt cắt và rải cấp phối mặt đê được 795m bằng nguồn vốn duy tu bảo dưỡng đê điều ngân sách trung ương.
Tiếp thu ý kiến của cử tri huyện Vĩnh bảo, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện Kế hoạch đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt về duy tu bảo dưỡng đê điều thành phố Hải Phòng năm 2021, trong đó sẽ tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp 5,21km mặt đê bằng bê tông để kết hợp giao thông tại các xã: Vĩnh Long 3,5km, Dũng Tiến 460m, Cao Minh 1,25km. Việc đầu tư gia cố mặt đê để kết hợp giao thông là cần thiết và sẽ từng bước thực hiện theo khả năng về nguồn vốn được phân bổ hằng năm.
8.2. Đề nghị thành phố làm việc với tỉnh Thái Bình xem xét, giải quyết khắc phục việc xoáy lở tuyến sông vào Khu dân cư Thâm Động Đồng Minh do bến tàu thuyền của Nhà máy thép phía Thái Bình gây nên.
Trả lời:
Khu vực bãi sông phía bờ tả sông Hóa (ngoài đê bối) xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo có hiện tượng xói lở nhẹ mặt bãi do tác động của sóng tàu thủy. Vị trí sạt lở cách chân đê bối từ 10m đến 12m; cách đê chính từ 500 m đến 600 m. Hiện tượng xói lở chưa gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê điều và khu dân cư phía trong đê bối.
Tiếp thu ý kiến của cử tri huyện Vĩnh Bảo, UBND thành phố đã giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng quản lý phối hợp với địa phương tiếp tục kiểm tra, theo dõi diễn biến xói lở; kịp thời đưa ra các giải pháp xử lý, bảo đảm ổn định đời sống người dân.
8.3. Đề nghị thành phố quan tâm chỉ đạo sớm đưa diện tích Dự án nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tam Đa vào sản xuất.
Trả lời:
Dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco làm chủ đầu tư tại xã Tân Liên, xã Tam Đa huyện Vĩnh Bảo. Dự án được triển khai từ năm 2016, với diện tích 214,8ha; trong đó năm 2016 triển khai 50ha, đến năm 2018 được mở rộng thêm 164,8ha.
Ngày 18/11/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổng diện tích 212ha (87,5ha tại xã Tân Liên, 124,5ha tại xã Tam Đa) cho Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco, công ty đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước về tiền thuê đất theo quy định. Đến nay, công ty đã đưa vào tổ chức sản xuất 119ha đạt 56% diện tích được giao.
Đối với 83,8ha diện tích còn lại chưa đưa vào sản xuất (từ năm 2018 đến nay, chủ yếu nằm trên địa bàn xã Tam Đa), công ty đã triển khai xây dựng xong hàng rào bao quanh, thực hiện làm cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi… trong vùng sản xuất) đạt 30% khối lượng theo thiết kế. Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ty, các công việc trên đã dừng triển khai từ năm 2019 do công ty gặp một số khó khăn như điều kiện về giao thông, diện tích tại xã Tam Đa thuộc vùng trũng dẫn đến khó khăn trong việc lựa chọn thử nghiệm giống cây trồng phù hợp…
Tiếp thu ý kiến cử tri huyện Vĩnh Bảo, ngày 02/7/2021, UBND thành phố có văn bản số 1928/VP-NN về việc tình hình Dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco, trong đó yêu cầu:
– Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco tập trung nguồn lực và triển khai thực hiện dự án theo đúng kế hoạch tiến độ đầu tư tại các quyết định chủ trương đầu tư của UBND thành phố.
– UBND huyện Vĩnh Bảo kiểm tra cụ thể, xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp có hành vi ngăn chặn, cản trở thi công lấn chiếm đất theo phản ánh của doanh nghiệp.
9. Quận Dương Kinh (4 câu):
9.1. Trên địa bàn phường Tân Thành có 156 hộ dân thuộc địa bàn Tổ dân phố Tân Tiến đã được huyện Kiến Thụy giao đất từ năm 2003, song đến nay vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm nhà ở. Cử tri đã kiến nghị nhiều lần, song vẫn chưa được giải quyết. Tiếp tục đề nghị thành phố sớm chỉ đạo giải quyết dứt điểm để bảo đảm quyền lợi người dân.
Trả lời:
Tiếp thu kiến nghị cử tri, UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, rà soát, kết quả như sau:
Việc UBND huyện Kiến Thụy giao đất cho 156 hộ dân nêu trên thuộc trường hợp giao đất không phù hợp với quy hoạch đã được duyệt do tại thời điểm giao đất, diện tích đất trên đã được quy hoạch là đất xây dựng Khu chế xuất. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố và Kết luận Thanh tra số 01/KLTT-CT ngày 10/5/2007 của UBND huyện, UBND huyện Kiến Thụy đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan Thanh tra kiểm tra, rà soát để xử lý. Đến nay UBND huyện Kiến Thụy đã thực hiện thu hồi 30/156 quyết định giao đất do không đủ điều kiện. Việc này đã dẫn đến các hộ dân không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở.
Để giải quyết kiến nghị của cử tri, UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra của UBND huyện Kiến Thụy; rà soát việc nộp tiền hợp thức hóa của các hộ dân, đề xuất phương án xử lý theo quy định, báo cáo UBND thành phố xem xét, giải quyết.
9.2. Quận Dương Kinh đã thành lập được hơn 12 năm, song nhiều tuyến đường, tuyến phố đến nay chưa được đặt tên. Đề nghị thành phố kiểm tra, quan tâm giải quyết.
Trả lời: Từ khi quận Dương Kinh được thành lập đến năm 2021, đã có 9 đường, 22 phố được HĐND thành phố đặt tên tại Nghị quyết số 07/2012/NQ-HĐND ngày 20/7/2012. Trong những năm qua, cơ sở hạ tầng đô thị trên địa bàn quận Dương Kinh được đầu tư nâng cấp, nhiều tuyến đường, phố được xây dựng mới, mở rộng, do đó việc đặt tên cho những tuyến đường này là cần thiết.
Theo đề nghị của UBND quận Dương Kinh, Sở Văn hóa và Thể thao đã tiến hành khảo sát 35 tuyến đường trên địa bàn quận, trên cơ sở đó rà soát, đối chiếu các tiêu chí, lựa chọn tên từ Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng thành phố để đề xuất tên đặt cho 18 tuyến phố đủ điều kiện để đặt tên. Sở Văn hóa và Thể thao đang tổng hợp và hoàn thiện đề án đặt tên đường phố, dự kiến trình HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp thứ 3.
9.3. Năm 2019, thành phố đã quan tâm đầu tư nâng cấp mặt đường, xây rãnh thoát nước một phần tuyến đường Mạc Đăng Doanh. Đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư đoạn qua địa bàn quận.
Trả lời: Trong những năm qua, để phục vụ thi công một số công trình, thành phố đã tổ chức phân luồng cho các phương tiện lưu thông qua tuyến đường Mạc Đăng Doanh (ĐT.355). Do lưu lượng các phương tiện tăng nhanh, đặc biệt xe tải nặng, dẫn đến kết cấu ĐT.355 bị hư hỏng, xuống cấp.
Để bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến, trong các năm 2019-2020, UBND thành phố đã đầu tư kinh phí để cải tạo, nâng cấp 3 đoạn: đoạn từ Km3+700 đến Km 4+445 dài 750m; đoạn từ Km7+110 đến Km7+400 dài 290m, đoạn từ Km7+400 đến Km9+650 dài 2.250m và xây dựng rãnh thoát nước từ Km8+050 đến Km8+350 (phía phải tuyến). Đoạn còn lại từ Km4+450 đến Km7+110 dài 2.660m kết cấu mặt đường cơ bản còn tốt, giao Sở Giao thông Vận tải tăng cường công tác duy tu, bảo trì để bảo đảm an toàn giao thông.
Mặt khác, tuyến ĐT.355 trùng với đường Vành đai 2 đã được UBND thành phố giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án cho Sở Giao thông Vận tải tại Quyết định số 702/QĐ-UBND ngày 12/03/2021. Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải đang thực hiện các bước để triển khai dự án.
9.4. Tiếp tục đề nghị thành phố quan tâm xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng tại: Đường Tư Thủy (đường 402 cũ) nối từ đường Phạm Văn Đồng đi huyện Kiến Thụy trên địa bàn phường Hòa Nghĩa.
Trả lời:
Đường Tư Thủy là đoạn đường thuộc trục đường tỉnh 362 (đường tỉnh 362 đi qua địa bàn quận Dương Kinh và huyện Kiến Thụy). Thực hiện chủ đề năm 2021 của thành phố “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị-Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu” giai đoạn năm 2021, UBND huyện Kiến Thụy có kế hoạch cải tạo lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng đoạn đường tỉnh đi qua huyện với chiều dài 691m. Đoạn đường tỉnh 362 (đường Tư Thủy) đi qua phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh, UBND thành phố sẽ chỉ đạo UBND quận Dương Kinh nghiên cứu, đầu tư giai đoạn năm 2022-2025.
10. Quận Đồ Sơn (4 câu):
10.1. Đề nghị thành phố chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn quận như: Dự án khu du lịch-nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu của Công ty CP Him Lam; dự án Khu nhà nghỉ cuối tuần Vụng Hương của Công ty Vinaconex 15; Dự án Làng biệt thự cao cấp Vạn Hương của Công ty CP DaSo Hải Phòng; Khu du lịch Quốc tế Đồi Rồng của Công ty CP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương.
Trả lời:
Các dự án nêu trên là những dự án lớn về phát triển hạ tầng du lịch trên địa bàn quận Đồ Sơn. Quá trình triển khai các dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do các nguyên nhân như vấn đề giao đất, giải phóng mặt bằng, thay đổi về pháp luật đất đai, đầu tư; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch… dẫn đến các dự án chậm tiến độ.
Thời gian qua, UBND thành phố đã làm việc với các Chủ đầu tư dự án để giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, tồn tại của các dự án để đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Hiện nay, UBND thành phố đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2050. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND thành phố sẽ chỉ đạo nhà đầu tư cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung khắc phục khó khăn, huy động nguồn lực để tiếp tục triển khai các dự án.
Riêng Dự án Khu du lịch Quốc tế Đồi Rồng của Công ty CP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương: Dự án đã được UBND thành phố cấp Giấy chứng nhận đầu tư và qua các lần điều chỉnh với tổng mức vốn đầu tư dự kiến 17.370,55 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng khoảng 261,08ha. Đến nay, Dự án đã thực hiện san lấp mặt bằng khoảng 261ha, thi công đường công vụ thực hiện san lấp mặt bằng khoảng 6km và thi công một số công trình tạm phục vụ công trình chính trong quá trình thực hiện dự án.
Đối với hạng mục đầu tư sân golf, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo thẩm định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư và kinh doanh sân golf thuộc Quy hoạch Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án là đấu giá quyền sử dụng đất thuê. Sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND thành phố sẽ chỉ đạo UBND quận Đồ Sơn tập trung xúc tiến thủ tục đấu giá lựa chọn nhà đầu tư để triển khai.
10.2. Đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, đầu tư cải tạo chung cư cũ trên địa bàn quận đã xuống cấp nghiêm trọng, cụ thể: Khu nhà 5 tầng, phường Hải Sơn do Công ty du lịch Hải Phòng (cũ) đầu tư xây dựng, đến nay chưa triển khai thực hiện.
Trả lời:
Trên địa bàn phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn hiện có 2 chung cư cũ (1 tòa 3 tầng; 1 tòa 5 tầng) thuộc danh mục chung cư cũ được phá dỡ, xây dựng lại. Theo kế hoạch, việc cải tạo, xây dựng lại khu nhà 5 tầng phường Hải Sơn sẽ được thực hiện giai đoạn năm 2024-2025 bằng nguồn vốn ngân sách thành phố.
10.3. Dự án Công viên Đầm Vuông thuộc quận Đồ Sơn được UBND thành phố quyết định đầu tư tại Quyết định số 2171/QĐ-UB ngày 13/9/2002. Năm 2017, UBND quận Đồ Sơn tiếp tục đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị khu công viên Đầm Vuông. Thực hiện chủ đề năm 2021 của thành phố “Đẩy mạnh chỉnh trang hiện đại hóa đô thị-xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu” và để nâng cao hiệu quả, tính năng hoạt động của Công viên Đầm Vuông đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân và du khách, đề nghị thành phố quan tâm bố trí kinh phí để nâng cấp, cải tạo hoàn thiện dự án Công viên Đầm Vuông.
Trả lời:
Dự án được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 2171/QĐ/UB ngày 13/9/2002 và UBND quận Đồ Sơn phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 2916/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 với tổng mức đầu tư 28.904 triệu đồng từ nguồn thu ngân sách Trung ương để lại cho quận, thời gian thực hiện từ năm 2002 đến năm 2017.
Trong quá trình thực hiện dự án, do vướng mắc kéo dài về việc giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cho 5 hộ dân và khó khăn trong bố trí vốn từ nguồn thu ngân sách Trung ương để lại cho quận Đồ Sơn nên dự án không được tiếp tục triển khai.
UBND thành phố có Công văn số 1337/UBND-KHĐT ngày 4/3/2021 giao Sở Tài chính chủ trì cùng UBND quận Đồ Sơn thực hiện quyết toán các gói thầu đã hoàn thành của dự án. Trên cơ sở quyết toán kết thúc Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu công viên Đầm Vuông, UBND thành phố giao Sở Xây dựng nghiên cứu đề xuất cải tạo, chỉnh trang công viên Đầm Vuông và đưa vào kế hoạch giai đoạn 2021-2025 triển khai.
10.4. Đề nghị thành phố quan tâm, chỉ đạo sớm triển khai thực hiện Dự án thoát nước mưa, nước thải trên địa bàn quận Đồ Sơn.
Trả lời:
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố tại Quyết định số 2690/QĐ-UBND ngày 10/9/2020, UBND quận Đồ Sơn đã phối hợp với đơn vị tư vấn (Công ty CP nước và Môi trường Việt Nam/VIWASE) khảo sát lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án với tổng mức đầu tư khoảng 1.492 tỷ đồng gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định.
UBND quận Đồ Sơn đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để sớm phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án, đồng thời đề xuất bổ sung dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và năm 2021 để trình HĐND thành phố phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện.
11. Quận Hải An (5 câu):
11.1. Vòng xuyến khu vực đường Lê Hồng Phong-đường Bùi Viện quá rộng gây khó khăn trong quá trình tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Đề nghị thành phố chỉ đạo xem xét, điều chỉnh.
Trả lời:
Vòng xuyến khu vực đường Lê Hồng Phong-đường Bùi Viện thuộc Dự án Phát triển giao thông đô thị thành phố Hải Phòng. Dự án được phê duyệt thiết kế năm 2013 và thi công hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 5/2019; UBND thành phố đã giao Sở Giao thông Vận tải theo dõi, đánh giá tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông tại nút giao trên để nghiên cứu, đề xuất biện pháp khắc phục nếu có những bất cập phát sinh.
11.2. Dự án đường 100m Lạch Tray-Hồ Đông đã được cử tri kiến nghị triển khai rất nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Đề nghị thành phố cho biết có thực hiện Khu đô thị hai bên đường nữa hay không; bao giờ triển khai? Đồng thời đề nghị chỉ đạo cắm mốc dự án.
Trả lời:
Quá trình triển khai Dự án đường 100m Lạch Tray-Hồ Đông gặp nhiều vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ thực hiện dự án. Đến nay một số quy định của pháp luật và định hướng khu vực có sự thay đổi. Để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong quá trình đầu tư, thực hiện các dự án, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, làm rõ một số nội dung để xem xét việc triển khai các dự án cho phù hợp với thực tế. Việc cắm mốc giới phạm vi toàn dự án sẽ được thực hiện sau khi thành phố quyết định việc triển khai các dự án.
11.3. Đoạn mương An Kim Hải (từ Trường tiểu học Đông Hải 2 đến cống Nam Đông) hiện ô nhiễm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Đề nghị thành phố quan tâm chỉ đạo xử lý, khắc phục và đầu tư xây dựng cống hộp đoạn mương này.
Trả lời:
Đoạn mương An Kim Hải đoạn từ Trường tiểu học Đông Hải 2 đến cống Nam Đông, phường Nam Hải, quận Hải An có chiều dài khoảng 1.483m, trong đó có khoảng 782m thuộc phạm vi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường 100m Lạch Tray-Hồ Đông; khoảng 143m thuộc phạm vi thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Lạch Tray-Hồ Đông, còn lại khoảng 558m không trong phạm vi dự án nào.
Theo quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 quận Hải An đến năm 2025 được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-UBND ngày 25/7/2016, toàn bộ tuyến mương An Kim Hải (bao gồm cả đoạn từ Trường tiểu học Đông Hải 2 đến cống Nam Đông) được quy hoạch cứng hóa thành đường giao thông, cây xanh…
Về lâu dài, để việc cứng hóa toàn bộ đoạn mương trên đồng bộ theo quy hoạch được duyệt, UBND thành phố sẽ chỉ đạo UBND quận Hải An phối hợp với đơn vị chủ đầu tư thực hiện dự án tuyến đường 100m Lạch Tray-Hồ Đông và dự án khu đô thị mới Lạch Tray-Hồ Đông để lập, thống nhất phương án, quy mô cứng hóa đồng bộ toàn tuyến đoạn mương trên.
Trước mắt, để bảo đảm vệ sinh môi trường tuyến mương này, UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước thường xuyên thực hiện vớt rác, thau đảo nước, vệ sinh bờ kè tuyến kênh và đang thực hiện nạo vét bùn khu vực cống ngăn triều Nam Đông để tạo độ sâu, dòng chảy thông thoáng, bảo đảm tiêu thoát nước tuyến kênh.
11.4. Về ô nhiễm môi trường tại khu vực bãi rác Tràng Cát, cử tri đã kiến nghị nhiều lần, thành phố đã có chủ trương xây dựng Khu xử lý rác thải hiện đại tại huyện Thủy Nguyên. Tuy nhiên, trong khi chưa giải quyết được việc này mà vẫn tiếp tục cho chuyển rác từ các quận, huyện khác về tập kết tại khu vực giữa bãi 1 và bãi 2 gây bức xúc trong nhân dân. Đề nghị thành phố chỉ đạo sớm di chuyển bãi rác Tràng Cát, đồng thời trong thời gian chưa di chuyển đề nghị miễn phí tiền thu gom rác và hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho người dân Tràng Cát.
Trả lời:
– Về Dự án Khu xử lý chất thải rắn Gia Minh với công suất xử lý trung bình 300 tấn/ngày, hiện dự án trong giai đoạn vận hành chạy thử và dự kiến đi hoạt động trong quý 3/2021 sẽ giảm tải một phần lượng rác thải xử lý tại khu xử lý chất thải rắn Tràng Cát.
– Về việc di chuyển khu xử lý chất thải rắn Tràng Cát: Hiện nay khu xử lý chất thải rắn Tràng Cát tiếp nhận, xử lý rác thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật; có công nhân trực 24/24h để bảo đảm vệ sinh môi trường, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng tới khu vực lân cận. Theo kế hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt, khu xử lý chất thải rắn Tràng Cát sẽ được đóng cửa vào năm 2025.
– Về miễn phí tiền thu gom rác: Theo quy định tại Quyết định số 3257/2016/QĐ-UBND ngày 22/12/2016 của UBND thành phố về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt tại khu vực đô thị trên địa bàn thành phố, các hộ dân khu vực đô thị đều thuộc diện phải chịu phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt và không có quy định về các trường hợp được miễn giảm.
– Về việc hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho người dân: Theo quy định, trừ các nhóm đối tượng được tham gia bảo hiểm y tế miễn phí và các đối tượng được ngân sách trung ương và thành phố hỗ trợ một phần (như hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên), các trường hợp khác vẫn phải đóng 100% mức phí khi tham gia bảo hiểm y tế.
11.5. Đề nghị thành phố quan tâm kiểm tra, lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại ngã 3 đường Lê Hồng Phong-đường Trần Hoàn (khu vực trước cổng trụ sở UBND quận Hải An) do khu vực này đường rộng, nhiều phương tiện tham gia giao thông đi tốc độ cao, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn tại đây.
Trả lời:
Tiếp thu ý kiến của cử tri quận Hải An, UBND thành phố đã giao Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu thực hiện. Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, đây là nút ngã 3, số liệu đếm xe tại nút giao đang ở mức trung bình, tập trung vào các giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều, trong đó mật độ phương tiện đi từ Lê Hồng Phong cao hơn đường Trần Hoàn.
Mặt khác, tuyến đường Lê Hồng Phong đoạn từ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đến nút giao ngã 6 sân bay Cát Bi hiện nay có 5 nút giao (3 nút điều khiển bằng đèn tín hiệu giao thông), với chiều dài là 2,1km. Do vậy, tại thời điểm hiện nay, việc tổ chức thêm một nút đèn tín hiệu giao thông tại nút giao này là chưa cần thiết, nếu lắp thêm sẽ ảnh hưởng tới năng lực lưu thông trên tuyến đường Lê Hồng Phong.
Giải pháp trước măt để bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại khu vực nút giao thông này, Sở Giao thông Vận tải đã triển khai sơn vạch kẻ đường kiểu mắt võng (Vạch 4.4, QCVN41:2019) để tăng cường cảnh báo người tham gia giao thông.
UBND thành phố giao Sở Giao thông Vận tải tiếp tục theo dõi lưu lượng và tình hình trật tự an toàn giao thông tại nút giao thông này, nếu lưu lượng giao thông tăng cao, thường xuyên mất an toàn giao thông sẽ lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông.
12. Quận Hồng Bàng (8 câu):
12.1. Trung tâm thương mại Chợ Sắt hiện nay xuống cấp, gây mất mỹ quan đô thị; khu đất tại trụ sở quận Hồng Bàng cũ (số 44 phố Lê Đại Hành và số 3 phố Phan Chu Trinh) chưa được đưa vào sử dụng, gây lãng phí. Đề nghị thành phố sớm có phương án cụ thể để xây dựng mới Tổ hợp trung tâm thương mại hiện đại tại khu vực Chợ Sắt cũ và chỉnh trang đô thị tại khu vực số 44 phố Lê Đại Hành và số 3 phố Phan Chu Trinh, góp phần phát triển, hiện đại hóa đô thị và là động lực phát triển kinh tế-xã hội thành phố trong những năm tới.
Trả lời:
Về xây dựng Tổ hợp trung tâm thương mại tại khu vực Chợ Sắt:
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố tại Thông báo số 16/TB-UBND ngày 8/01/2021, các sở, ngành và UBND quận Hồng Bàng đang triển khai thực hiện các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án xây dựng Tổ hợp Trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê tại khu vực chợ Sắt, quận Hồng Bàng; đồng thời đề xuất UBND thành phố phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất đối với dự án.
Hiện, UBND thành phố đang xem xét để phê duyệt danh mục dự án có sử dụng đất đối với Dự án làm cơ sở để các sở, ngành, UBND quận Hồng Bàng triển khai các bước tiếp theo lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án.
Về chỉnh trang đô thị tại khu vực số 44 phố Lê Đại Hành và số 3 phố Phan Chu Trinh:
Khu đất số 44 phố Lê Đại Hành và số 3 phố Phan Chu Trinh là trụ sở cũ của Quận ủy, UBND quận Hồng Bàng và Trung tâm Văn hóa Thể thao quận. Sau khi Quận ủy, UBND quận Hồng Bàng chuyển đến trụ sở mới tại khu đô thị Sở Dầu vào tháng 2/2018, UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành thực hiện sắp xếp tài sản công, giải phóng mặt bằng để chỉnh trang đô thị khu vực này theo hướng đô thị văn minh-hiện đại, đồng thời tạo nguồn lực phát triển thành phố và đưa khu đất trên vào Danh mục các dự án có nhu cầu sử dụng đất và Kế hoạch sử dụng đất quận Hồng Bàng năm 2021, làm cơ sở để thu hồi đất theo quy định pháp luật.
Hiện nay, UBND quận Hồng Bàng đang phối hợp cùng đơn vị tư vấn tổ chức lập quy hoạch, đề xuất dự án đầu tư và thực hiện thủ tục xử lý tài sản công theo quy định pháp luật.
12.2. Đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư Dự án chỉnh trang sông Tam Bạc giai đoạn 2, dự án công viên cây xanh phía Nam cầu Hoàng Văn Thụ và công viên tại cảng Hoàng Diệu kết nối với vườn hoa Tố Hữu tạo thành Dải trung tâm kéo dài, độc đáo chỉ có ở Hải Phòng.
Trả lời:
Trong tháng 3/2021, UBND thành đã chỉ đạo: Ủy ban nhân quận Hồng Bàng tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án chỉnh trang sông Tam Bạc đoạn từ cầu Lạc Long đến cầu Hoàng Văn Thụ. Hiện nay, UBND quận Hồng Bàng đã tổ chức lập nhiệm vụ và dự toán giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án, với thời gian thực hiện dự án dự kiến giai đoạn năm 2021-2023.
Sở Xây dựng đã tổ chức lập nhiệm vụ, dự toán giai đoạn chuẩn bị Dự án đầu tư xây dựng Công viên phía Nam cầu Hoàng Văn Thụ với thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2021-2023.
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 và quy định quản lý theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 quận Ngô quyền đến năm 2025 được UBND thành phố phê duyệt, khu vực cảng Hoàng Diệu được quy hoạch là công viên cây xanh. Để bảo đảm nguồn lực, cũng như để phù hợp với tình hình lưu thông hàng hóa hiện nay tại cảng Hoàng Diệu. Sau khi các dự án cải tạo chỉnh trang một số công viên trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 hoàn thành như: Dự án đầu tư xây dựng công viên nút giao Nam cầu Bính; Dự án đầu tư xây dựng Công viên phía Nam cầu Hoàng Văn Thụ; Dự án đầu tư xây dựng công viên ven sông từ đường ven sông Cấm đến đê tả sông Cấm… hoàn thành. UBND thành phố sẽ xem xét, chỉ đạo các Sở, ngành thực hiện đầu tư xây dựng công viên, cây xanh tại khu vực Cảng Hoàng Diệu theo quy hoạch được duyệt.
12.3. Trên địa bàn phường Hạ Lý còn một khu đất rất rộng của Công ty đóng tàu Bạch Đằng nhiều năm hoạt động không hiệu quả; đường Chương Dương đã rất xuống cấp nhiều năm chưa được cải tạo. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất và chỉnh trang đô thị, đề nghị thành phố sớm đầu tư, nâng cấp, cải tạo đường Chương Dương và có chủ trương thực hiện dự án Trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp tại khu đất của Công ty đóng tàu Bạch Đằng.
Trả lời:
Về dự án Trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp tại khu đất của Công ty đóng tàu Bạch Đằng
Theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16/9/2009, khu đất có diện tích 45,8ha trên địa bàn phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng (bao gồm diện tích đất do Công ty đóng tàu Bạch Đằng đang quản lý và sử dụng) được quy hoạch là đất trung tâm hỗn hợp.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất và góp phần chỉnh trang đô thị, UBND thành phố đã có Công văn số 3308/UBND-QH2 ngày 13/5/2020 về việc khảo sát, nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và đề xuất dự án đầu tư tại khu vực phường Hạ Lý quận Hồng Bàng. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, khảo sát đối với khu đất này cho thấy tổng diện tích giải phóng mặt bằng lớn, bao gồm: 7 đơn vị sử dụng đất quốc phòng; 1 đơn vị sử dụng đất an ninh; 7 doanh nghiệp đang thuê đất; 1 đơn vị tôn giáo-tín ngưỡng và đất ở của 5 tổ dân phố.
UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng cùng UBND quận Hồng Bàng nghiên cứu lại quy hoạch khu vực bảo đảm tính hiệu quả và khả thi.
Thành phố sẽ tiếp tục mời gọi những nhà đầu tư có năng lực về tài chính, kinh nghiệm để đưa khu đất nêu trên vào sử dụng có hiệu quả, đáp ứng những mong mỏi của cử tri quận Hồng Bàng.
Về đầu tư, nâng cấp, cải tạo đường Chương Dương:
Tiếp thu ý kiến của cử tri quận Hồng Bàng, UBND thành phố đã đầu tư kinh phí giao Sở Giao thông Vận tải thực hiện cải tạo, sửa chữa đường Chương Dương (đoạn từ cầu qua Sông Tam Bạc) hoàn thành trong tháng 01/2021.
12.4. Kiến nghị của cử tri về ô nhiễm môi trường kênh Bắc Nam Hùng đã được thành phố quan tâm giải đáp. Tuy nhiên, đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn còn, cử tri mong muốn thành phố chỉ đạo sớm triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cống hộp thoát nước thải từ kênh Bắc Nam Hùng ra sông Cấm, ngăn chảy trực tiếp ra sông Rế, có biện pháp xử lý nước thải trước khi đổ ra sông Cấm.
Trả lời:
UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng cùng các sở, ngành lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến cống thoát nước từ kênh Bắc Nam Hùng ra sông Cấm, với quy mô xây dựng tuyến cống hộp BxH=2x(2,0×2,0)m dài 111,5m để trình HĐND thông qua, làm cơ sở triển khai trong giai đoạn năm 2021-2023.
Sau khi dự án hoàn thành, UBND thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng hệ thống đường cống thu gom nước thải 2 bên bờ kênh Bắc Nam Hùng và nhà máy xử lý nước thải tập trung Hoàng Mai tại xã Hồng Thái theo quy hoạch để bảo đảm nước thải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi chảy ra sông Cấm.
12.5. Hiện nay, trên địa bàn quận Hồng Bàng được quy hoạch rất nhiều khu đất trồng cây xanh nhưng nhiều năm chưa được triển khai như: Dự án dải cây xanh cách ly tại phường Quán Toan; dự án công viên cây xanh phía Nam cầu Hoàng Văn Thụ; dự án cây xanh tại nút giao Nam cầu Bính phường Trại Chuối; dự án cây xanh tại đầm Nam Giang và các khu đất ven sông Cấm. Đề nghị thành phố quan tâm triển khai các dự án trên trong thời gian tới để sớm xây dựng, chỉnh trang diện mạo đô thị thành phố bảo đảm văn minh, hiện đại hơn.
Trả lời:
Để bảo đảm chỉ tiêu cây xanh trên địa bàn thành phố theo tiêu chí đô thị loại 1, đồng thời thực hiện mục tiêu chỉnh trang đô thị, tạo không gian xanh, khu vui chơi phục vụ người dân, UBND thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công viên, cây xanh giai đoạn năm 2021-2025 như: Dự án đầu tư xây dựng công viên nút giao Nam cầu Bính; Dự án đầu tư xây dựng Công viên phía Nam cầu Hoàng Văn Thụ; Dự án đầu tư trồng cây xanh cách ly khu vực Nhà máy thép Cửu Long (hay còn gọi Dự án dải cây xanh cách ly tại phường Quán Toan); Dự án đầu tư xây dựng công viên ven sông từ đường ven sông Cấm đến đê tả sông Cấm… và tiếp tục chỉ đạo UBND các quận rà soát, nghiên cứu triển khai xây dựng công viên cây xanh trên địa bàn các phường theo lộ trình phù hợp.
12.6. Dòng sông Tam Bạc đang bị ô nhiễm ảnh hưởng đến sự sống và phát triển của thiên nga do nước thải sinh hoạt của người dân đổ ra và mực nước lên xuống không ổn định do thủy triều. Đề nghị thành phố cho đầu tư đập ngăn giữ nước trên sông Tam Bạc để làm hồ điều hòa kết nối với hồ Tam Bạc và đầu tư hệ thống thu gom nước thải nhằm giữ mực nước hồ, chống gây ngập lụt và ô nhiễm, bảo đảm thiên nga sinh sống và phát triển tốt.
Trả lời:
– Để bảo đảm môi trường nước, cũng như cải tạo, chỉnh trang đô thị khu vực sông Tam Bạc, UBND thành phố đã giao UBND quận Hồng Bàng thực hiện Dự án chỉnh trang sông Tam Bạc (đoạn từ cầu Lạc Long đến công viên Tam Bạc) và tháng 5/2019 dự án được khánh thành, đi vào hoạt động, dự án với quy mô hệ thống đường cống thu gom nước thải dọc 2 bên bờ sông thu gom toàn bộ nước thải từ các hộ dân 2 bên bờ sông, không còn tình trạng nước thải từ các hộ dân thoát trực tiếp ra sông, đồng thời UBND quận Hồng Bàng thường xuyên chỉ đạo đơn vị quản lý thường xuyên kiểm tra, vớt rác, bèo (nếu có) để bảo đảm lòng sông luôn sạch, tạo cảnh quan, mỹ quan đô thị chung khu vực, bảo đảm môi trường sống thuận lợi cho đàn thiên nga sinh sống và phát triển ổn định.
– Về việc đắp đập ngăn giữ nước sông Tam Bạc để biến đoạn sông này thành hồ điều hòa điều tiết nước: Theo Quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định 510/QĐUBND ngày 08/3/2018 đã đưa phương án đắp đập sông Tam Bạc để tạo thành hồ nước với diện tích khoảng 9,72 ha để điều tiết mực nước chống ngập lụt vào mùa mưa. Trước mắt, giai đoạn 2021-2025, UBND thành phố đã chỉ đạo UBND quận Hồng Bàng triển khai thực hiện tiếp Dự án chỉnh trang sông Tam Bạc đoạn từ cầu Lạc Long đến cầu Hoàng Văn Thụ để đồng nhất chỉnh trang đô thị toàn tuyến sông Tam Bạc, sau khi dự án chỉnh trang sông Tam Bạc hoàn thành, UBND thành phố sẽ chỉ đạo UBND quận Hồng Bàng nghiên cứu, thực hiện đầu tư xây dựng đắp đập sông Tam Bạc theo quy hoạch.
12.7. Trên địa bàn quận có 2 tuyến quốc lộ 5 cũ và quốc lộ 5 mới, vào giờ cao điểm thường xuyên ùn tắc giao thông tại khu vực quốc lộ 5 mới; trong năm 2020, khu vực này đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 5 người chết. Cử tri được biết tuyến đường World Bank (đường Bùi Viện-Nguyễn Trường Tộ) nối từ xã Bắc Sơn, huyện An Dương đến phường Nam Hải, quận Hải An đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đề nghị thành phố tiếp tục chỉ đạo đầu tư xây dựng kéo dài tuyến đường trên từ phường Nam Hải đến Khu công nghiệp Đình Vũ; đồng thời có chủ trương điều chỉnh, phân làn xe container sang tuyến đường trên để giảm tải lưu lượng xe container qua ngã 4 Metro, tiến tới cấm xe container đi qua khu vực nội đô thành phố. Đồng thời nghiên cứu chỉnh trang tuyến quốc lộ 5 cũ và quốc lộ 5 mới là cửa ngõ vào thành phố.
Trả lời:
Tiếp thu ý kiến cử tri, việc đầu tư xây dựng kéo dài tuyến đường trên từ phường Nam Hải đến Khu công nghiệp Đình Vũ đã được UBND thành phố bố trí kinh phí, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tổ chức thực hiện và hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 2/2021.
UBND thành phố đã giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Công an thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức phân luồng cho các phương tiện lưu thông từ QL.10 qua các tuyến đường Nguyễn Trường Tộ-Bùi Viện-đường Liên phường kết nối với đường Đình Vũ để giảm áp lực cho tuyến quốc lộ 5.
Đối với việc chỉnh trang tuyến quốc lộ 5 cũ (đường Hùng Vương): Năm 2020, UBND thành phố đã đầu tư kinh phí giao Sở Giao thông Vận tải tổ chức thực hiện việc cải tạo, thảm asphalt toàn bộ mặt đường Hùng Vương, hoàn thành tháng 01/2020.
Đối với việc chỉnh trang tuyến quốc lộ 5 mới: Tuyến quốc lộ 5 được Bộ Giao thông Vận tải giao Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) quản lý, khai thác và bảo trì. Theo kế hoạch của VIDIFI đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt, trong năm 2021-2022, tuyến quốc lộ 5 thực hiện chỉnh trang một số hạng mục:
– Sửa chữa hư hỏng mặt đường đoạn từ Km76+00 đến Km 94+00 (VIDIFI đang triển khai thi công từ tháng 6-2021, dự kiến hoàn thành trong năm 2021);
– Thay thế dải phân cách giữa đoạn từ Km 92+70 đến Km 104+60 bằng dải phân cách bê tông (đang thi công và hoàn thành trong quý 3/2021);
– Rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống biển báo trên toàn tuyến bảo đảm kỹ thuật theo Quy chuẩn 41/2019 của Bộ Giao thông Vận tải.
12.8. Hiện nay trên địa bàn quận không có Trung tâm văn hóa thể thao quận. Đề nghị thành phố đầu tư cho quận Trung tâm văn hóa thể thao tại các khu đất được quy hoạch đất cây xanh và đất công cộng.
Trả lời:
Thực hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 quận Hồng Bàng và phần mở rộng đến năm 2025 được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1302/QĐ-UBND, hiện nay UBND quận Hồng Bàng đang tổ chức thiết kế, lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng Trung tâm văn hóa thể thao quận tại khu An Trì, phường Hùng Vương với diện tích sử dụng đất khoảng 7.827,3m² làm cơ sở thực hiện đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa thể thao quận theo quy định.
13. Quận Kiến An (5 câu):
13.1. Hiện thành phố đã đồng ý cho lập Dự án cải tạo, xây dựng tuyến kênh Đò Vọ, quận Kiến An tại Quyết định số 1935/QĐ-UBND ngày 7/7/2020. Để dự án sớm được triển khai thực hiện, đề nghị thành phố quan tâm phê duyệt chủ trương đầu tư và bố trí vốn cho dự án trong năm 2021.
Trả lời:
Tại Thông báo số 15/TB-UBND ngày 8/01/2021, Chủ tịch UBND thành phố đã có ý kiến đồng ý chủ trương cải tạo kênh Đò Vọ, quận Kiến An (giai đoạn 1) đoạn từ nhà máy Xử lý nước thải phường Tràng Minh đến đường Nguyễn Lương Bằng từ nguồn vốn sự nghiệp của thành phố, bảo đảm hoàn thành trong năm 2021.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn xong tư vấn lập dự án, đang triển khai công tác lập dự án, trình thẩm định và phê duyệt theo quy định để tổ chức thực hiện.
13.2. Đề nghị thành phố cho phép lập Dự án đầu tư xây dựng đường nối đường Nguyễn Lương Bằng đến đường Trữ Khê ngã 6 Quán Trữ do hiện trạng đoạn tuyến này chưa thông suốt, chủ yếu là những đoạn đường tự mở dọc tuyến kênh Đò Vọ và đi qua một số điểm dân cư nhỏ lẻ nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại sinh hoạt, giao thương của người dân trong khu vực, phù hợp quy hoạch chung được duyệt, đồng thời phân luồng giao thông, giúp giảm lưu lượng qua khu vực nút giao thông ngã 5 đang thường xuyên bị ùn tắc và tận dụng quỹ đất hai bên để phát triển đô thị góp phần từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng của quận.
Trả lời:
Theo Văn bản số 699/UBND-QLĐT ngày 15/4/2021 của UBND quận Kiến An đề xuất tuyến đường có quy mô: dài khoảng 3,35 km; đầu tuyến: giao cắt với đường Nguyễn Lương Bằng tại vị trí mương Đò Vọ, cuối tuyến: ngã 6 Quán Trữ.
Tuyến đường được quy hoạch các mặt cắt lộ giới khác nhau, cụ thể: Lộ giới rộng 36m: chiều dài 2km từ đoạn giao đường Nguyễn Lương Bằng đến tổ dân phố Kha Lâm 3, phường Nam Sơn; Lộ giới rộng 25m: chiều dài 1km từ tổ dân phố Kha Lâm 3, phường Nam Sơn tới đoạn giao với đường Trữ Khê; lộ giới rộng 13m: chiều dài khoảng 0,35km dọc đường Trữ Khê.
Hiện trạng đoạn chưa có đường giao thông (dài 3,2km) bao gồm toàn bộ tuyến lộ giới 36m và khoảng 850m chiều dài của tuyến lộ giới rộng 25m.
Trước mắt, thành phố tập trung đầu tư tuyến đường nối quốc lộ 5 với quốc lộ 10 đoạn qua địa bàn quận, góp phần tăng cường kết nối giao thông đô thị của thành phố nói chung và quận Kiến An nói riêng, đồng thời với việc phát triển đô thị hai bên đường.
Tuyến đường theo đề xuất của quận (song song với đường nối Quốc lộ 5 với quốc lộ 10, cách khoảng 150m) sẽ được thành phố xem xét đầu tư vào thời điểm thích hợp.
13.3. Việc đầu tư nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn và các dự án khác trên địa bàn thành phố… kéo theo nhu cầu tái định cư khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, quỹ đất tái định cư trên địa bàn quận Kiến An hiện nay đã hết, không đáp ứng được nhu cầu tái định cư cho các dự án đang triển khai. Để kịp thời có quỹ đất tái định cư phục vụ các dự án trên địa bàn quận Kiến An nói riêng và địa bàn thành phố nói chung, đề nghị thành phố quan tâm đầu tư xây dựng Khu tái định cư trên địa bàn quận Kiến An.
Trả lời:
Để bảo đảm quỹ đất tái định cư phục vụ các dự án trên địa bàn quận cũng như của thành phố, UBND quận Kiến An đã kiểm tra, rà soát bổ sung 02 khu để lập quỹ đất đầu tư xây dựng khu tái định cư với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 54.000m², trong đó: Khu vực 1 có diện tích khoảng 29.000m² có vị trí tại Tổ dân phố Phương Khê, phường Đồng Hòa (dự kiến phục vụ tái định cư khi thực hiện các dự án đường Vành đai 2; tuyến đường nối quốc lộ 5 và quốc lộ 10; xây dựng Trụ sở Tòa án nhân dân quận giai đoạn 2…). Khu vực 2 có diện tích khoảng 25.000m² tại phường Văn Đẩu (dự kiến phục vụ tái định cư khi thực hiện Dự án phòng, chống sạt lở núi Thiên Văn). Hiện UBND quận Kiến An đang thực hiện đề xuất chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư tại phố Phương Khê, phường Đồng Hòa để phục vụ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trên địa bàn quận.
UBND thành phố giao UBND quận Kiến An và các sở, ngành chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các thủ tục để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở triển khai thực hiện.
13.4. Để khắc phục tình trạng ngập lụt do mưa và ô nhiễm môi trường tại khu vực trung tâm quận Kiến An, đề nghị thành phố quan tâm xem xét, cho phép lập chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hệ thống thoát nước khu vực đường Tây Sơn-đường Trần Thành Ngọ-đường Phan Đăng Lưu.
Trả lời:
Nhằm bảo đảm tiêu thoát nước, khắc phục tình trạng ngập lụt vào mùa mưa, hằng năm, Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty CP Công trình công cộng và Xây dựng thực hiện kiểm tra, rà soát thực hiện quản lý, duy tu hệ thống thoát nước tại các tuyến đường trên địa bàn quận Kiến An, trong đó có tuyến đường Tây Sơn, Trần Thành Ngọ và Phan Đăng Lưu:
– Tuyến đường Tây Sơn hiện đã được đầu tư hệ thống cống tròn D500÷D800 dài 1.000m và tuyến cống hộp kích thước (1,2×1,5)m, dài 125m, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thoát nước khu vực.
– Tuyến đường Trần Thành Ngọ hiện đã được đầu tư 1.270m cống tròn có đường kính từ D400÷D1000, trong đó có đoạn D800 dài 170m đoạn từ ngã 3 Hiệu Sách đến ngã tư Cống Đôi được đầu tư xây dựng năm 2019 đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thoát nước khu vực.
– Tuyến đường Phan Đăng Lưu đang được UBND quận Kiến An làm chủ đầu tư thực hiện đầu tư hệ thống thoát nước dài 646m với đường kính cống từ D400÷D1000, dự kiến hoàn thành trong năm 2021 theo kế hoạch, sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu thoát nước khu vực.
Đồng thời, UBND thành phố đã giao UBND quận Kiến An chủ động cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách thành phố hỗ trợ để đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước từ đường Phan Đăng Lưu qua đường Hoàng Quốc Việt ra sông Lạch Tray.
Như vậy, với các công trình đã và đang được đầu tư sẽ bảo đảm việc tiêu, thoát nước, chống ngập lụt cho các tuyến đường trên.
13.5. Đề nghị thành phố quan tâm, tạo điều kiện cho quận Kiến An có cơ chế đặc thù, đồng thời thu hút các nguồn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế-xã hội địa phương bảo đảm yếu tố lịch sử nguyên là Thủ phủ của tỉnh Kiến An và xứng tầm với các quận khác trên địa bàn thành phố.
Trả lời:
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16, thành phố đã có chỉ đạo các sở, ngành và quận Kiến An triển khai các nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội quận, như:
– Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển quận Kiến An.
– UBND thành phố đã có Thông báo số 27/TB-UBND ngày 18/01/2021 giao các sở, ngành, UBND quận Kiến An nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, đề xuất chủ trương một số dự án để triển khai trên địa bàn quận; đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư lớn nghiên cứu và thực hiện đầu tư trên địa bàn quận.
Hiện, các sở, ngành đang cùng UBND quận Kiến An tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao để thúc đẩy phát triển quận Kiến An trong thời gian tới.
14. Quận Lê Chân (4 câu):
14.1. Dự án kè sông trên địa bàn khu vực phường Lam Sơn đoạn từ cầu An Đồng đến cầu An Dương đã khởi công từ lâu nhưng tiến độ rất chậm. Đề nghị thành phố xem xét kiểm tra để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Trả lời:
Dự án kè sông trên địa bàn phường Lam Sơn (Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp vỉa hè, kè đá sông đào Hạ Lý đường Lán Bè-đoạn từ cầu An Dương đến cầu An Đồng) được UBND thành phố giao UBND quận Lê Chân làm chủ đầu tư thực hiện dự án từ năm 2016. Tuy nhiên, dự án có một phần (đoạn kè dài 471,84m) thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam-Bộ Giao thông Vận tải cần phải xin ý Thủ tướng Chính phủ để có cơ sở tiếp tục triển khai.
Hiện nay, UBND thành phố đã giao Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu phương án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố thực hiện đầu tư công trình. Sau khi có ý kiến đồng ý chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố sẽ chỉ đạo UBND quận Lê Chân tập trung triển khai hoàn thành dự án.
14.2. Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND và các đoàn thể phường Trần Nguyên Hãn hiện diện tích sử dụng quá nhỏ. Đề nghị thành phố bố trí quỹ đất để xây dựng trụ sở mới nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân và bảo đảm điều kiện làm việc của cán bộ cơ sở.
Trả lời:
UBND thành phố đã giao UBND quận Lê Chân chỉ đạo các cơ quan của quận và UBND phường Trần Nguyên Hãn tổ chức rà soát, khảo sát trụ sở làm việc và các khu vực trên địa bàn phường để đề xuất địa điểm làm việc mới. Theo báo cáo của UBND quận Lê Chân, trên địa bàn phường Trần Nguyên Hãn hiện không có quỹ đất trống phù hợp để bố trí xây dựng trụ sở mới.
Do vậy, UBND thành phố đã chỉ đạo UBND quận Lê Chân hướng dẫn Uỷ ban nhân dân phường Trần Nguyên Hãn bố trí sắp xếp lại vị trí, cơ sở vật chất tại trụ sở để cơ bản bảo đảm đủ điều kiện làm việc của cán bộ cơ sở và tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính cho công dân và tổ chức theo quy định.
14.3. Trường mầm non Xi măng (thuộc phường Lam Sơn) được xây dựng từ lâu, nay xuống cấp nghiêm trọng. Đề nghị thành phố đầu tư xây sửa lại để bảo đảm an toàn cho cô, trò và các hộ dân sống chung quanh trường.
Trả lời: UBND thành phố chỉ đạo quận Lê Chân tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng và có phương án cải tạo, sửa chữa trường. Theo báo cáo của UBND quận Lê Chân, quận đã xây dựng phương án cải tạo, sửa chữa trường và bố trí vốn triển khai thực hiện trong kế hoạch năm 2021 bảo đảm đủ điều kiện đón các cháu vào năm học mới 2021-2022.
14.4. Đề nghị thành phố quan tâm rà soát, cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường cũng như khơi thông hệ thống thoát nước tại một số tuyến đường trên địa bàn phường Vĩnh Niệm hiện xuống cấp nghiêm trọng.
Trả lời:
– Đối với việc cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường: Trong năm 2020, Sở Giao thông Vận tải triển khai cải tạo, sửa chữa nhiều tuyến đường trên địa bàn quận Lê Chân, trong đó có các tuyến đường: Vĩnh Cát, Trực Cát, đường Thiên Lôi. Trong năm 2021, Sở Giao thông Vận tải tiếp tục phối hợp với UBND quận Lê Chân rà soát các tuyến đường xuống cấp, hư hỏng để cải tạo.
– Về việc cải tạo, nâng cấp, khơi thống hệ thống thoát nước trên địa bàn phường Vĩnh Niệm: Hệ thống thoát nước khu vực phường Vĩnh Niệm quận Lê Chân trong các năm qua đã được đầu tư, cải tạo nâng cấp bảo đảm phục vụ tiêu thoát nước. Trong năm 2021 và trong các năm tiếp theo, Sở Xây dựng tiếp tục tổ chức duy tu, nạo vét bùn lòng cống, sửa chữa, cải tạo hệ thống thoát nước.
15. Quận Ngô Quyền (9 câu):
15.1. Hiện nay một số dự án như: Khu Đô thị mới Ngã 5-Sân bay Cát Bi, đường 100m Lạch Tray-Hồ Đông, đường Đông Khê 2… kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Cử tri tiếp tục đề nghị thành phố làm rõ tiến độ triển khai để người dân biết những khu vực còn trong quy hoạch thực hiện các dự án; xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Giấy phép xây dựng cho các hộ trong vùng dự án để bảo đảm quyền lợi và ổn định cuộc sống.
Trả lời:
Dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới ngã 5-Sân bay Cát Bi đã đầu tư hoàn thiện và đưa vào sử dụng tuyến đường trục chính rộng 64m (đường Lê Hồng Phong) dài 5,29km, 03 khu tái định cư và 01 khu chung cư, 5ha/7ha nút giao thông Ngã 5 Lạc Viên (nay là nút Ngã 6 Máy Tơ); đã hoàn thành đầu tư khoảng 166,51ha/246,16ha (67,6%). Hiện còn một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật và các lô đất phát triển đô thị trong tình trạng đầu tư dở dang. Dự án đường 100m Lạch Tray-Hồ Đông đã thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng được 23,39ha/60,64ha đất của tuyến đường và 17,75ha/46,54ha đất của khu tái định cư. Hiện nay, UBND thành phố đang chỉ đạo việc bàn giao chủ đầu tư từ Công ty TNHH MTV Thương mại đầu tư phát triển đô thị sang Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông. Sau khi hoàn thành thủ tục bàn giao, UBND thành phố sẽ chỉ đạo Chủ đầu tư mới tập trung nghiên cứu đề xuất phương án để triển khai dự án.
Dự án đầu tư xây dựng đường Đông Khê 2 đã triển khai thi công được 4 đoạn tuyến với tổng chiều dài là 672m/1.970m. UBND thành phố đã có quyết định điều chỉnh giảm quy mô dự án và điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ giai đoạn 2013-2021 thành giai đoạn 2013-2022. Trong năm 2021, UBND thành phố đã bố trí 530 tỷ đồng để tập trung công tác giải phóng mặt bằng. Hiện nay, UBND quận Ngô Quyền đang khẩn trương thực hiện phê duyệt phương án bồi thường để chi trả cho các hộ dân.
Quá trình triển khai các dự án trên đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, huy động nguồn vốn, phải điều chỉnh quy hoạch, thay đổi chủ đầu tư… dẫn đến chậm tiến độ. Trong thời gian tới, UBND thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương, chủ đầu tư tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, hoàn thiện các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
15.2. Đề nghị thành phố quan tâm sớm có kế hoạch triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn các phường: Máy Tơ, Lê Lợi, Vạn Mỹ, Đồng Quốc Bình. Trong thời gian chưa triển khai xây dựng lại, đề nghị thành phố quan tâm duy tu, sửa chữa để bảo đảm an toàn cho người dân; đồng thời chỉ đạo nạo vét các hố ga hạn chế tình hình ngập lụt trong mùa mưa.
Trả lời:
Trong thời gian qua, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo việc xây dựng các chung cư mới thay thế chung cư cũ xuống cấp và đã hoàn thành, đưa vào sử dụng một số chung cư trên địa bàn quận Ngô Quyền, như: Chung cư N1, N2 Lê Lợi với quy mô 6 tầng, 126 căn hộ và đưa người dân quay trở lại ổn định cuộc sống từ năm 2018; Chung cư HH3-HH4 Đồng Quốc Bình với quy mô 29 tầng, tổng số 1.456 căn hộ. Đồng thời tiếp tục triển khai xây dựng Chung cư HH1-HH2 Đồng Quốc Bình với quy mô 29 tầng, tổng số căn hộ 1.016 căn hộ, dự kiến đến quý 2/2022 sẽ hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng. Đang tiếp tục chuẩn bị các thủ tục đầu tư để xây dựng chung cư Vạn Mỹ trong giai đoạn 2021-2025 (sau khi hoàn thành sẽ đưa toàn bộ các hộ đang sinh sống tại chung cư U206 Lê Lợi về sinh sống).
Đối với các khu chung cư không thuộc trường hợp xây dựng lại theo kế hoạch, UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà rà soát, xây dựng kế hoạch để cải tạo, sửa chữa bảo đảm an toàn cho người dân đang sinh sống.
Về việc thoát nước, chống ngập lụt tại các tuyến đường, khu dân cư, UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước thường xuyên kiểm tra, rà soát thực hiện nạo vét bùn hố ga, lòng cống… tại các tuyến đường. Trong đó, năm 2021 sẽ thực hiện duy tu, nạo vét bùn một số khu vực như: tuyến đường Văn Cao, tuyến cống D1000 phường Đồng Quốc Bình, đường Lạch Tray; các phường Cầu Đất, Lê Lợi, Máy Tơ, Lạc Viên, Máy Chai quận Ngô Quyền.
15.3. Hiện nay, nhiều tuyến đường trên địa bàn quận xuống cấp, hẹp, gây ách tắc giao thông, nhất là trong các giờ cao điểm, đề nghị thành phố quan tâm triển khai cải tạo, mở rộng đường kết hợp nâng cấp hệ thống thoát nước; trước mắt triển khai sớm đối với các tuyến đường: Phương Lưu, phố Cấm, Máy Tơ, Chu Văn An, Trần Khánh Dư, Phạm Minh Đức.
Trả lời:
– Về việc cải tạo, mở rộng các tuyến phố: Phương Lưu, phố Cấm, Chu Văn An, Trần Khánh Dư, Phạm Minh Đức: Thực trạng của các tuyến phố nêu trên có bề rộng mặt đường và vỉa hè nhỏ, hẹp; các hộ dân sinh sống dọc hai bên mặt đường. Trong giai đoạn hiện nay, thành phố chưa xem xét đến việc mở rộng các tuyến đường nêu trên, nguyên nhân là do việc mở rộng các tuyến đường nêu trên thành phố sẽ phải đầu tư kinh phí rất lớn cho công tác giải phóng mặt bằng, công tác tái định cư và các công tác khác, trong khi nguồn lực của thành phố đang phải tập trung đầu tư cho các công trình trọng điểm. Để bảo đảm an toàn giao thông và mỹ quan đô thị trên các tuyến đường nêu trên, năm 2020, UBND thành phố đầu tư kinh phí giao Sở Giao thông Vận tải triển khai thực hiện công tác cải tạo, kết cấu mặt đường và đã hoàn thành vào tháng 01/2021.
Để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông các tuyến đường nêu trên, đề nghị UBND quận Ngô Quyền, tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 12/CT-UBND ngày 20/5/2019 của UBND thành phố về việc bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè và mỹ quan đô thị; trong đó tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, tập kết hàng hóa trên đường phố.
– Về việc cải tạo, nâng cấp, khơi thống hệ thống thoát nước các tuyến đường nêu trên là công tác duy tu, nạo vét thường xuyên do Sở Xây dựng chỉ đạo thực hiện. Hiện, Sở Xây dựng đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng kiểm tra, khảo sát và lập phương án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước tại các khu vực này trong năm 2021 và trong các năm tiếp theo.
15.4. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân sinh sống, kinh doanh trên đường Đà Nẵng, đề nghị thành phố xem xét bỏ việc cấm đỗ xe ô tô trên toàn tuyến do tuyến đường này kéo dài, mặt đường rộng, hai bên đường có nhiều khu tập thể, dân cư đông đúc.
Trả lời:
– Hiện trạng tuyến đường Đà Nẵng đoạn từ Ngã 6 Lạc Viên đến đường Lê Thánh Tông có chiều dài 2,6km, chiều rộng trung bình từ 14m÷18m, phần lớn vỉa hè nhỏ hẹp, nhiều đoạn đường không có vỉa hè. Mật độ giao thông tương đối đông, đặc biệt vào các giờ cao điểm. Riêng đoạn từ đường vòng Vạn Mỹ đến đường Đà Nẵng cho phép xe tải trên 7,5 tấn hoạt động.
– Tiếp thu ý kiến của cử tri quận Ngô Quyền, UBND thành phố đã giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì cùng Công an thành phố, UBND quận Ngô Quyền và các đơn vị liện quan tổ chức họp, bàn phương án thực hiện. Tại cuộc họp, các ngành và địa phương đã thống nhất giữ nguyên việc tổ chức giao thông như hiện nay (cấm đỗ xe toàn tuyến), bảo đảm đúng quy đinh tại Nghị định 100/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Quy hoạch Bãi đỗ xe của thành phố, đồng thời dành đường cho các phương tiện lưu thông an toàn và phần hè dành cho người đi bộ.
15.5. Hiện nay, chợ dân sinh phường Đồng Quốc Bình xuống cấp nghiêm trọng. Đề nghị thành phố sớm triển khai cải tạo, xây mới chợ để bảo đảm an toàn cho các hộ kinh doanh và nhân dân tại khuôn viên nhà Đ4, Đ6, Đ8 Đồng Quốc Bình.
Trả lời:
Tại Báo cáo số 133/BC-UBND ngày 03/6/2020 của UBND thành phố trình kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố khóa 15 đã trả lời về kiến nghị trên, theo đó, UBND thành phố đã có Quyết định số 1732/QĐ-UBND ngày 6/7/2017 phê duyệt quy hoạch Dự án xây dựng chợ Đồng Quốc Bình, với diện tích 2.915,1m² tại mặt bằng chung cư D4, D6, D8 Đồng Quốc Bình.
Theo Quyết định điều chỉnh Kế hoạch cải tạo xây dựng lại các chung cư cũ phường Đồng Quốc Bình, quận Ngô Quyền đã được phê duyệt tại Quyết định số 2158/QĐ-UBND ngày 18/8/2017 của UBND thành phố, các dãy nhà chung cư DD4, DD6, DD8 phải di dời, dự kiến bố trí về sinh sống tại chung cư HH1-HH2 Đồng Quốc Bình.
Hiện nay, chung cư HH1-HH2 Đồng Quốc Bình đang triển khai thi công xây dựng. Dự kiến đến năm 2022, chung cư HH1-HH2 sẽ được bàn giao đưa vào sử dụng, do đó, dự kiến việc xây chợ Đồng Quốc Bình được thực hiện trong năm 2022 trên cơ sở kế hoạch và nguồn lực của thành phố.
15.6. Cử tri phường Đồng Quốc Bình vui mừng, phấn khởi khi tòa chung cư mới HH3, HH4 hoàn thành sau 2 năm thi công xây dựng. Tuy nhiên tiến độ đưa các hộ dân quay trở lại còn chậm (đến hết tháng 11/2020 mới đưa được 325/829 hộ về chung cư HH4). Đề nghị thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đưa các hộ dân quay trở lại, ổn định cuộc sống; sớm chi trả tiền hỗ trợ tạm cư còn thiếu cho các hộ dân. Đồng thời, chỉ đạo làm rõ việc Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà tự ý nâng phí dịch vụ trông coi xe tại chung cư HH4 nhưng không làm rõ căn cứ thực hiện theo quy định pháp luật.
Trả lời:
Tính đến tháng 7/2021, Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà đã tổ chức đón, bố trí được 497/827 hộ dân trở về ổn định cuộc sống tại tòa chung cư HH4. Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà đang tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tiếp tục hoàn tất các thủ tục đón các hộ còn lại về ổn định cuộc sống trong năm 2021.
Về việc chi trả tiền hỗ trợ tạm cư còn thiếu: Hiện có khoảng 353 hộ dân có thời gian tạm cư quá 24 tháng với kinh phí hỗ trợ dự kiến 8.182,8 triệu đồng. Ban Quản lý dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng phối hợp với UBND quận Ngô Quyền đang triển khai thực hiện các thủ tục chi trả hỗ trợ đối với các hộ dân.
Về phí dịch vụ trông giữ xe tại HH4: Trước thời điểm ngày 01/11/2020, khi khu trông giữ xe tòa chung cư HH4 chưa đưa hệ thống giám sát: camera, thẻ điện tử… vào hoạt động, Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà tạm thu tiền trông giữ xe theo điểm b Mục 3 Phụ lục giá dịch vụ trong giữ xe được ban hành kèm theo Quyết định số 21/2017/QĐ-UBND ngày 03/11/2017 của UBND thành phố với mức giá cụ thể: Giá trông giữ xe đạp, xe đạp điện: 50.000 đồng/tháng; xe máy, xe máy điện: 70.000 đồng/tháng. Từ ngày 01/11/2020, sau khi đưa hệ thống giám sát: camera theo dõi, ra vào quẹt thẻ điện tử…, Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà áp dụng thu phí trông giữ xe theo điểm a Mục 3 Phụ lục giá dịch vụ trong giữ xe được ban hành kèm theo Quyết định số 21/2017/QĐ-UBND với giá cụ thể: Giá trông giữ xe đạp, xe đạp điện: 60.000 đồng/tháng; xe máy, xe máy điện: 100.000 đồng/tháng.
Việc thu phí dịch vụ trông giữ xe tại chung cư HH4 đã được thực hiện theo đúng Quyết định số 21/2017/QĐ-UBND của UBND thành phố và được Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà thông báo công khai tại 2 bảng tin của tòa nhà HH4.
15.7. Cử tri đã nhiều lần kiến nghị thành phố chỉ đạo bàn giao khu công viên, cây xanh trước tòa nhà Đ2 Đồng Quốc Bình cho đơn vị chuyên ngành quản lý để thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ, giữ gìn cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có đơn vị nào được giao quản lý. Đề nghị thành phố sớm quan tâm, giải quyết.
Trả lời:
Từ năm 2019 đến nay, hệ thống vườn hoa, cây xanh khu vực phía trước tòa nhà Đ2 Đồng Quốc Bình được giao Công ty CP Công viên, cây xanh Hải Phòng thực hiện quản lý, duy tu, vận hành chăm sóc và đã bảo đảm hệ thống cây xanh sinh trưởng, phát triển ổn định, bảo đảm mỹ quan đô thị khu vực.
15.8. Đề nghị thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, sớm nghiệm thu dự án cải tạo mương An Kim Hải và xóa bỏ vách ngăn trong lòng cống hộp do đơn vị thi công xây lên, bảo đảm khơi thông dòng chảy tại khu vực.
Trả lời:
Trong tháng 12/2020, Ban Quản lý dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng hoàn thành công tác phá dỡ vách ngăn trong lòng cống hộp, bảo đảm tiêu thoát nước khu vực. Đồng thời, hiện nay, Ban Quản lý đang phối hợp với Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng-Bộ Xây dựng để hoàn tất các thủ tục nghiệm thu theo quy định, dự kiến công tác nghiệm thu hạng cải tạo mương An Kim Hải sẽ hoàn thành trong năm 2021.
15.9. Hiện nay mật độ giao thông trên tuyến đường An Đà rất lớn, thường xuyên gây ách tắc trong các giờ cao điểm. Đề nghị thành phố chỉ đạo nghiên cứu phương án cho ô tô đi một chiều (theo hướng từ đường Lạch Tray vào đường An Đà) để bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại khu vực.
Trả lời:
Tuyến đường An Đà nối đường Lạch Tray và đường Lê Hồng Phong, có chiều dài 1,5km, mặt đường rộng trung bình từ 5m÷6m; mật độ giao thông trên tuyến đường An Đà rất lớn, thường xuyên gây ách tắc trong các giờ cao điểm.
Việc tổ chức một chiều xe ô tô đường An Đà (chiều từ Lạch Tray đi Lê Hồng Phong) sẽ gây hạn chế, bất cập cho các phương tiện đi chiều ngược lại (từ Lê Hồng Phong đi Lạch Tray), do chưa có tuyến thay thế phù hợp. Do vậy, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông tuyến đường An Đà, UBND thành phố giao Sở Giao thông Vận tải tổ chức phân luồng đường An Đà như sau: cấm xe ô tô lưu thông trên đường An Đà (chiều từ đường lô 22 Lê Hồng Phong đến đường Lạch Tray) vào các giờ cao điểm trong ngày: Sáng: từ 6 giờ đến 8 giờ, Chiều: từ 16 giờ 30 đến 18 giờ 30.
Mặt khác, yêu cầu UBND quận Ngô Quyền chỉ đạo UBND các phường Lạch Tray, Đằng Giang thực hiện nghiêm Chỉ thị 12/CT-UBND ngày 20/5/2019 của UBND thành phố về việc bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè và mỹ quan đô thị; tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để họp chợ, kinh doanh, tập kết hàng hóa trên đường An Đà, trả lại đường thông, hè thoáng cho người tham gia giao thông trên tuyến.
Trên đây là báo cáo của UBND thành phố về việc giải quyết, trả lời các kiến nghị cụ thể của cử tri thành phố tại kỳ họp thứ 16, HĐND thành phố khóa 15./.
TM. UBND THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH LÊ ANH QUÂN