Chính trị

Báo cáo trả lời việc giải quyết các kiến nghị cụ thể của cử tri tại Kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân thành phố khóa 15

Báo cáo trả lời việc giải quyết các kiến nghị cụ thể của cử tri tại Kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân thành phố khóa 15.

Thực hiện Công văn số 72/HĐND-DNTT ngày 30/7/2020 và Công văn số 110/HĐND-DNTT ngày 4/11/2020 của HĐND thành phố về việc tổng hợp kiến nghị cụ thể của cử tri tại Kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố khóa 15, UBND thành phố báo cáo kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cụ thể của cử tri như sau:

1. Huyện An Dương (03 câu):

1.1. Tại các điểm giao cắt giữa tuyến đường World Bank-Dự án phát triển giao thông đô thị với các tuyến đường trên địa bàn huyện hiện có những tồn tại sau: Do cốt nền đường World Bank cao so với cốt nền đường hiện tại dẫn đến tình trạng có độ dốc tại các điểm giao cắt lớn; thời gian đổi hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại các điểm này ngắn, cùng với hệ thống điện chiếu sáng công cộng tại tuyến đường không được bật sáng là những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông (đặc biệt trong thời gian qua đã có 02 vụ tai nạn làm chết 02 người). Đề nghị thành phố có phương án vuốt dốc, mở rộng bán kính cong tại các điểm giao cắt; vận hành bật sáng hệ thống điện chiếu sáng công cộng và tăng thời gian đổi hệ thống đèn tín hiệu giao thông.

Trả lời:

Tuyến đường World Bank như cử tri nêu trên thuộc Dự án Phát triển giao thông đô thị thành phố Hải Phòng đã hoàn thành và đi vào sử dụng, đoạn qua địa bàn huyện An Dương là đường Nguyễn Trường Tộ, có chiều dài hơn 9km.

Khi đưa tuyến đường vào khai thác, vận hành, theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Giao thông vận tải phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu giao thông đối với từng nút giao cho phù hợp, tránh xảy ra ùn tắc giao thông.

Đối với các đường nhánh đấu nối vào đường Nguyễn Trường Tộ có độ dốc lớn, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Ban quản lý chỉ đạo nhà thầu cải tạo các điểm giao cắt như sơn gờ giảm tốc, lắp đặt biển báo giao với đường ưu tiên, cải tạo độ dốc đường nhánh, mở rộng bán kính cong tại các điểm giao cắt; đồng thời tại các điểm giao cắt không có mật độ giao thông lớn đã chuyển chế độ đèn cảnh báo nháy vàng.

Đối với hệ thống điện chiếu sáng công cộng, toàn bộ công tác thi công đã hoàn thành. Hiện tại, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Ban quản lý dự án phối hợp với đơn vị quản lý khai thác, vận hành để hoàn thành công tác bàn giao hệ thống chiếu sáng trong năm 2020, đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông trên tuyến. Hiện tại tại các nút giao, cầu và các đoạn có mật độ giao thông lớn Ban quản lý vẫn chỉ đạo Nhà thầu cho vận hành hệ thống đèn tín hiệu và hệ thống chiếu sáng.

1.2. Trên địa bàn các xã An Hưng, An Hồng có nhiều điểm giao cắt hiện chưa có đèn tín hiệu giao thông (như đoạn ngã tư đi về phía thôn Đồng Hải) gây mất an toàn giao thông khu vực. Đề nghị thành phố kiểm tra, có phương án lắp đặt đèn tín hiệu giao thông.

Trả lời:

Qua phản ánh của cử tri huyện An Dương, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Sở Giao thông vận tải đã tổ chức kiểm tra, rà soát và xác định thứ tự ưu tiên các vị trí cần cải tạo trong năm 2020 và các năm tiếp theo.

Trong năm 2020, Sở Giao thông vận tải sẽ tổ chức cải tạo 05 vị trí có tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông liên quan đến đường tỉnh 351 trên địa bàn huyện An Dương, cụ thể như sau:

+ Nút giao ĐT.351 với đường vào UBND xã Nam Sơn;

+ Nút giao ĐT.351 với đường vào UBND xã Bắc Sơn;

+ Nút giao ĐT.351 với đường liên xã Hồng Thái-Quốc Tuấn;

+ Nút giao ngã tư UBND xã An Hồng (ĐT.351 giao với đường liên xã An Hưng-An Hồng);

+ Nút giao đường vào Ủy ban nhân dân xã An Hồng (giao QL.10 với ĐT.351).

Đối với các vị trí ngã ba, ngã tư còn lại trên địa bàn huyện An Dương giao cắt với đường tỉnh 351, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ giao Sở Giao thông vận tải nghiên cứu, triển khai trong các năm tiếp theo.

1.3. Khu vực cổng ra vào Khu công nghiệp Nomura-Quốc lộ 5 có mật độ cán bộ, công nhân làm việc trong khu công nghiệp tham gia giao thông lớn, đặc biệt vào khung giờ đi làm sáng và tan tầm chiều. Đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực này do xung đột giao thông giữa người, phương tiện tham gia giao thông trên Quốc lộ 5 và Khu công nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất lớn. Tiếp tục đề nghị thành phố nghiên cứu phương án đầu tư xây dựng cầu vượt ở khu vực này.

Trả lời:

Quốc lộ 5 do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) là đơn vị được giao bảo trì và khai thác. Trên tuyến có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông rất lớn, đặc biệt là các loại xe tải nặng, xe chở container. Dọc hai bên đường có nhiều cụm công nghiệp và dân cư sinh sống nên tình hình trật tự an toàn giao thông khá phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và ùn tắc giao thông.

Đối với đoạn tuyến qua khu công nghiệp Nomura (từ Km84+510 đến Km86+200/QL.5), đây là một trong những đoạn tuyến có tổ chức giao thông phức tạp do một số nguyên nhân sau:

– Về hạ tầng giao thông: chưa có đường gom nên đường vào khu công nghiệp đấu nối trực tiếp vào Quốc lộ 5;

– Về tổ chức giao thông: tại khu vực này tổ chức giao thông theo đảo xuyến; thường xuyên xung đột giữa dòng xe đi thẳng và dòng xe rẽ trái; là nút giao cắt giữa đường Hùng Vương-dốc cầu vượt Quán Toan-nhánh rẽ từ Quốc lộ 5 vào Quốc lộ 10;

– Lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông rất lớn, nhất là vào các giờ cao điểm trong ngày.

Giải pháp trước mắt:

Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Sở Giao thông vận tải báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo VIDIFI thực hiện một số giải pháp, cụ thể:

– Đã lắp đặt biển hạn chế tốc độ tối đa đoạn dốc cầu vượt Quán Toan, nút giao với đường Hùng Vương đến hết khu vực Khu công nghiệp Nomura.

– Thay thế 04 bộ đèn cảnh báo nháy vàng điện năng hiện hữu, lắp mới 01 bộ đèn quang năng tại Km85+200 phải tuyến; bổ sung 01 bộ biển báo cấm dừng, đỗ tại Km85+200; Sơn kẻ lại vạch sơn bị mờ, sơn gờ giảm tốc, sơn vạch chỉ hướng; cạp mở rộng nền, mặt đường từ Km85+600 đến Km85+900 phải tuyến (dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020).

Giải pháp lâu dài, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Sở Giao thông vận tải xây dựng Đề án phát triển hạ tầng giao thông và chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2030, định hướng sau năm 2030 trình Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp lần thứ 14, trong đó có nghiên cứu xây dựng cầu vượt khác mức tại khu vực nút giao. Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ Sở Giao thông vận tải đề xuất xây dựng đường gom tại cổng khu công nghiệp Nomura, đồng thời phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất với Bộ Giao thông vận tải phương án xây dựng cầu vượt tại nút giao này trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2020-2025.

2. Huyện An Lão (03 câu):

2.1. Đề nghị thành phố có ý kiến với Bộ Giao thông Vận tải xây dựng cầu vượt tại nút giao thông giữa đường 301 và Quốc lộ 10 cho xe thô sơ và xe máy lưu thông nhằm giảm nguy cơ tai nạn giao thông.

Trả lời:

Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Sở Giao thông vận tải kiểm tra cụ thể và đã có báo cáo Tổng cục Đường bộ để xử lý điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên tuyến QL.10, đồng thời đề nghị lắp đặt biển báo hạn chế tốc độ 50km/h từ Km33+00 đến Km33+800/QL10 và Km31+00 đến Km31+800/QL.10 khu vực qua các nút giao này. Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải đề xuất việc xây dựng cầu vượt tại nút giao giữa ĐH.301 và QL.10. Tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn do vậy chưa thể bố trí để tổ chức thực hiện. Do vậy, sau khi có ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ giao Sở Giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu triển khai.

2.2. Đề nghị thành phố sớm chỉ đạo giải quyết các quyền lợi chính đáng của người lao động tại Công ty TNHH JHCOS Việt Nam nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Trả lời:

Để giải quyết các tồn tại, bảo vệ quyền lợi của người lao động tại Công ty TNHH JHCOS Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố đã có Công văn số 2652/UBND-VX ngày 14/8/2020 giao Liên đoàn Lao động thành phố chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất có biện pháp giải quyết cụ thể.

Liên đoàn Lao động thành phố đã tổ chức cuộc họp ngày 10/9/2020 với đại diện các Sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Lao động-Thương binh và Xã hội, Công an thành phố, Ủy ban nhân dân huyện An Lão, Bảo hiểm xã hội huyện An Lão để xem xét đề nghị của người lao động, thống nhất ý kiến báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố hướng giải quyết: Ngân hàng MB thực hiện thủ tục xử lý tài sản đảm bảo theo Điều 59 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm. Sau khi thực hiện thủ tục bán thanh lý tài sản bảo đảm, căn cứ tổng số nợ của Công ty TNHH JHCos Việt Nam với người lao động từ đó đề xuất Ngân hàng MB hỗ trợ các khoản nợ cho người lao động.

2.3. Tuyến đường 362 hiện đã được nâng cấp mở rộng, tuy nhiên còn một đoạn từ ngã tư chợ Kênh (xã Quang Trung) đi bến Đò Sòi chưa được nâng cấp cải tạo, bề mặt đường nhỏ hẹp, lượng xe qua lại đông, thường xuyên gây tắc nghẽn. Đề nghị thành phố quan tâm cải tạo, mở rộng bề mặt đường để đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông.

Trả lời:

Theo Nghị quyết số 32/2014/HĐND ngày 11/12/2014 của Hội đồng nhân dân thành phố về việc phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải đường bộ thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trong đó tuyến đường tỉnh 362 đoạn Kiến Quốc-Đò Sòi dài 15,4km được nâng cấp đạt cấp III đồng bằng, 02 làn xe; thời gian triển khai giai đoạn 2014-2020.

Trong thời gian qua, thành phố đã đầu tư nâng cấp đoạn từ ngã ba Quán Chủng (Km18+500) đến ngã tư Kênh (Km27+600). Đối với đoạn từ ngã tư chợ Kênh đến đò Sòi, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để triển khai thực hiện.

3. Huyện Bạch Long Vĩ (01 câu):

Đề nghị thành phố quan tâm, đồng ý về chủ trương đầu tư, nâng cấp Cảng và Khu neo đậu tàu Bạch Long Vỹ (Cảng phía Tây Nam đảo) thành Cảng cá loại 1, Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng.

Trả lời:

Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Ủy ban nhân dân huyện Bạch Long Vĩ làm chủ đầu tư Dự án và đã bố trí vốn chuẩn bị đầu tư từ năm 2017.

Được sự thống nhất của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân thành phố đã có Công văn số 6240/UBND-TL ngày 08/10/2020 đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, đưa Dự án đầu tư nâng cấp Cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão Bạch Long Vĩ vào kế hoạch đầu tư công của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025 và giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Hải Phòng thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư của Dự án. Dự kiến sau khi hoàn tất thủ tục đầu tư, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ bố trí vốn triển khai Dự án trong giai đoạn 2021-2025.

4. Huyện Cát Hải (07 câu):

4.1. Tiếp tục kiến nghị thành phố về Dự án Vinaconex đã nhiều năm không triển khai đầu tư xây dựng, gây thất thoát, lãng phí tiền của nhà nước và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Đề nghị thành phố cho cử tri biết tình hình triển khai dự án đến nay như thế nào? đến bao giờ tiếp tục thi công dự án; cử tri cũng đề nghị thành phố can thiệp nếu chủ đầu tư không đủ điều kiện thì thu hồi để giao lại cho chủ đầu tư khác có năng lực tài chính đầu tư xây dựng.

Trả lời:

Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Mô trường phối hợp với Cục Thuế thành phố kiểm tra, giải quyết kiến nghị của cử tri. Ngày 17/01/2020, Cục Thuế thành phố có Công văn số 156/CT-HKDCN xác nhận Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex đã nộp đủ số tiền sử dụng đất và tiền chậm nộp tiền sử dụng đất của Dự án.

Ngày 17/12/2014, Ủy ban nhân dân thành phố đã điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư của Dự án, trong đó cho phép Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex được hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2022.

Ngày 28/8/2020, Ủy ban nhân dân thành phố có Thông báo số 304/TB-UBND đồng ý chủ trương để Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex tiếp tục triển khai thực hiện dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá, huyện Cát Hải.

Hiện nay, Công ty đang hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo điều kiện tiếp tục thực hiện dự án. Dự kiến trong tháng 11/2020 chủ đầu tư sẽ tổ chức lễ khởi công Dự án để triển khai thực hiện.

4.2. Đề nghị thành phố cho mở lại việc thăm quan và thu phí thăm quan tại 2 điểm đó là: Pháo đài thần công (điểm cao 177) và Hang Quân y vì đây là hai địa danh được nhiều du khách yêu thích và muốn được khám phá, góp phần tăng nguồn thu cho huyện.

Trả lời:

Hiện trạng điểm tham quan pháo đài thần công (điểm cao 177)

Hiện nay, Pháo đài thần công nằm trong điểm đất quốc phòng có diện tích 187.500m² do Bộ Tư lệnh Quân khu 3 giao Bộ Chỉ huy quân sự thành phố trực tiếp quản lý, sử dụng và đã được Ủy ban nhân dân thành phố cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Pháo đài thần công là điểm đến hấp dẫn khách du lịch, khi còn mở cửa cho khách tham quan, trung bình đón được từ 15.000 đến 17.000 lượt khách/năm, trong đó 40% là khách du lịch quốc tế.

Hiện trạng điểm tham quan Hang Quân y (Động Khoăn Uỵch)

Hang Quân Y đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Quốc phòng đồng ý về chủ trương cho tổ chức các hoạt động tham quan tại các văn bản số: 2554/KGVX ngày 23/5/1997 và 1605/QP ngày 12/5/1997. Trung bình điểm tham quan đón từ 35.000 đến 40.000 lượt khách/năm, trong đó 70% là khách du lịch quốc tế.

Công tác quản lý và khai thác các điểm thăm quan

Pháo đài thần công và Hang Quân y do Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cát Hải thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố trực tiếp quản lý và khai thác. Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cát Hải đã cho các công ty thuê phục vụ mục đích kinh doanh dịch vụ:

– Cho Công ty Cổ phần Đầu tư Hùng Vương thuê khu vực Pháo đài thần công. Mục đích kinh doanh du lịch, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu về lịch sử trận địa pháo và các địa danh của các hòn đảo thuộc khu vực Cát Bà và vùng vịnh.

– Cho Công ty TNHH Du lịch Phúc Hưng thuê khu vực Hang Quân y. Mục đích kinh doanh du lịch, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu về lịch sử Hang Quân y và các hang động khu vực Vườn quốc gia Cát Bà.

Mức thu phí thăm quan Pháo đài thần công và Hang Quân y được thực hiện theo Quyết định số 2401/QĐ-UBND ngày 20/10/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí thăm quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn huyện Cát Hải, cụ thể: Người lớn: 40.000đ/lượt-Trẻ em: 20.000đ/lượt.

Ngày 14/11/2018, Thông báo kết luận số 138/TB-HĐND của đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố tại cuộc họp kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 8 Hội đồng nhân dân thành phố khóa đã thống nhất không đưa nội dung phí tham quan di tích lịch sử, công trình văn hóa vào Chương trình kỳ họp thứ 8. Tại kỳ họp thứ 8 Hội đồng nhân dân thành phố khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 45/2018/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 về việc quy định một số loại phí, lệ phí trên địa bàn thành phố Hải Phòng, trong đó các điểm tham quan Pháo đài Thần công và Hang Quân y không có trong danh mục được thu phí tham quan tại Phụ lục số 07 ban hành kèm theo Nghị quyết số 45/2018/NQ-HĐND.

Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải đã có Thông báo số 438/TB-UBND chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cát Hải chấm dứt tất cả các hợp đồng thu phí tham quan danh lam thắng cảnh với các đơn vị có liên quan và tổ chức thực hiện quản lý tại 02 địa điểm trên. Ngày 10/5/2019, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cát Hải có báo cáo gửi Ủy ban nhân dân huyên Cát Hải tạm dừng phục vụ khách tham quan đối với khu vực Pháo đài thần công và Hang Quân y để tu sửa bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách.

Ngày 16/5/2019, Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải đã có Công văn số 718/UBND-VH báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố việc tổ chức quản lý, khai thác điểm thăm quan Pháo đài thần công và Hang Quân y. Ngày 20/5/2019, Ủy ban nhân dân thành phố đã có Công văn số 1753/VP-VH giao Sở Tài chính, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Tư pháp, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố nghiên cứu, kiểm tra, thống nhất các nội dung theo đề xuất của Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải. Tuy nhiên, đây là các công trình quốc phòng có tầm quan trọng đặc biệt trong thế trận khu vực phòng thủ thành phố và Quân khu.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao các sở, ngành nghiên cứu, đề xuất báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố:

Đối với điểm Hang Quân y: Ủy ban nhân dân thành phố đã có Văn bản số 3808/VP-VP ngày 04/11/2020 giao Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải cùng các cơ quan liên quan xem xét đề xuất của Sở Du lịch về việc tu bổ, sửa chữa điểm tham quan Hang Quân y để mửa cửa đón khách tham quan và lập hồ sơ đề nghị công nhận điểm du lịch Hang Quân y, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét.

Đối với điểm Pháo Đài Thần công:

Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải căn cứ quy định của pháp luật và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, nghiên cứu, xem xét đề xuất của Sở Du lịch về việc xây dựng phương án khai thác phù hợp, vừa đảm bảo an ninh, quốc phòng địa phương, vừa góp phần khôi phục điểm tham quan nổi tiếng của du lịch Cát Bà, báo cáo ủy ban nhân dân thành phố xem xét.

4.3. Hiện nay, hầu hết diện tích đất của xã Văn Phong đã được quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Trong quá trình thực hiện quy hoạch đã nảy sinh một số bất cập cần được thành phố quan tâm giải quyết như: Các dự án đã và đang triển khai thi công ảnh hưởng đến việc sản xuất, nuôi trồng của các hộ dân có đất sản xuất nhưng chưa được thu hồi. Đề nghị thành phố sớm có kế hoạch thu hồi những diện tích đất làm muối, nuôi trồng thủy sản còn lại để nhân dân được hưởng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nhằm ổn định đời sống. Hiện nay một số công trình phúc lợi trên địa bàn xã hư hỏng, xuống cấp nhưng do quy định không được đầu tư, tu bổ, sửa chữa đã ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân. Trong khi chờ thành phố bố trí tái định cư, để tiếp tục bảo đảm đời sống sinh hoạt của nhân dân, đề nghị thành phố có cơ chế chính sách đầu tư các hạng mục công trình phúc lợi cho nhân dân.

Trả lời:

1. Đối với nội dung về việc đề nghị thành phố sớm có kế hoạch thu hồi những diện tích đất làm muối, nuôi trồng thủy sản còn lại để nhân dân được hưởng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nhằm ổn định đời sống:

Hiện nay, trên địa bàn xã Văn Phong đang triển khai thực hiện 05 dự án, tổng diện tích đất nông nghiệp phải thu hồi là 1.497.760,5m², tổng diện tích đã thu hồi là 1.380.454,4m².

Tổng diện tích còn lại chưa giải phóng mặt bằng là 117.306,1m², trong đó:

– Diện tích 22.814,6m² đất nuôi trồng thủy sản của 03 hộ gia đình, cá nhân UBND huyện đã ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tuy nhiên các hộ gia đình cá nhân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng.

– Diện tích 3.720,0m² đất nuôi trồng thủy sản của 02 hộ gia đình, cá nhân UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm kê, lập phương án bồi thường, hỗ trợ.

– Diện tích 90.771,5m² đất nông nghiệp nằm trong phạm vi thu hồi thực hiện dự án Dự án xây dựng khu cảng hàng hóa, bến phà, bến tàu khách, nhà máy sản xuất các sản phẩm du lịch, khu dịch vụ hậu cần du lịch do Công ty TNHH Mặt trời Cát Bà làm chủ đầu tư UBND huyện chưa ban hành thông báo thu hồi đất do phụ thuộc vào tiến độ thực hiện dự án của chủ đầu tư.

Phần diện tích chưa giải phóng mặt bằng thuộc các dự án trên đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua danh mục các dự án đầu tư cần chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ; danh mục các dự án đầu tư phải thu hồi đất; mức vốn ngân sách Nhà nước dự kiến cấp cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố năm 2020 tại Nghị quyết số 34/NQ-HĐND ngày 22/7/2020. Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của huyện Cát Hải để làm căn cứ tiếp tục triển khai thực hiện dự án.

2. Đối với một số công trình phúc lợi trên địa bàn xã bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn xã Văn Phong:

Ngày 20/11/2014, Ủy ban nhân dân thành phố có Công văn số 8993/UBND-QH về việc quy hoạch khu vực đảo Cát Hải thuộc khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải, Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện theo đúng chủ trương và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.

Để đảm bảo duy trì hoạt động của các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương; đồng thời đảm bảo công tác phúc lợi xã hội, ổn định đời sống cho nhân dân khu vực trong vùng quy hoạch (khu vực đang chịu nhiều thiệt thòi do phải thực hiện công tác GPMB giao đất cho các tập đoàn, nhà đầu tư triển khai dự án), trong giai đoạn từ 2019-2020, trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải, Ủy ban nhân dân thành phố đã đồng ý cho huyện được tiến hành đầu tư cải tạo, sửa chữa một số công trình công cộng, phúc lợi xã hội bị xuống cấp, hư hỏng cụ thể như sau:

– Năm 2019: Đầu tư cải tạo, sửa chữa 08 công trình (trong đó có 04 công trình cải tạo sửa chữa các trường học).

– Năm 2020: Đầu tư cải tạo, sửa chữa nâng cấp 03 công trình (toàn bộ là các công trình trường học).

Hiện nay, Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải đang tiếp tục triển khai đầu tư cải tạo, sửa chữa các công trình phúc lợi xã hội, phục vụ ổn định đời sống của người dân.

4.4. Tuyến đường 356 qua địa bàn xã Phù Long đoạn từ bến phà Cái Viềng qua khu dân cư đến cầu Phù Long (dài 1,2km) đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và phát triển của địa phương. Đề nghị thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công đoạn đường này bởi dự án này đã được phê duyệt từ năm 2007.

Trả lời:

Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường xuyên đảo Cát Hải-Cát Bà (đoạn Cái Viềng-Mốc Trắng) đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 2275/QĐ-UBND ngày 20/11/2007, phê duyệt điều chỉnh tại các Quyết định: số 1122/QĐ-UBND ngày 17/6/2009, số 356a/QĐ-UBND ngày 20/02/2017, số 2502/QĐ-UBND ngày 26/9/2017; số 1077/QĐ-UBND ngày 09/5/2019 và số 1052/QĐ-UBND ngày 23/4/2020.

– Quy mô dự án:

+ Nâng cấp, mở rộng ĐT.356 đoạn từ bến phà Cái Viềng đến Mốc Trắng dài 5,45km theo quy mô đường cấp III đồng bằng và đồi (TCVN 4054-2005), Bn=12m, Bm=11m; riêng đoạn qua khu dân cư trung tâm xã Phù Long, Bn=18m, Bm=12m theo loại đường phố gom (TCXDVN 104-2007);

+ Bổ sung 3.050m đoạn tuyến mới tránh khu dân cư trung tâm xã Phù Long, Bn=25m, Bm=12m theo loại đường phố gom (TCXDVN 104-2007).

– Tình hình thực hiện dự án:

+ Đoạn tuyến mới tránh khu dân cư trung tâm xã Phù Long: Đã hoàn thành toàn bộ các công việc từ giải phóng mặt bằng đến thi công xây dựng và được đưa vào sử dụng trong tháng 5 năm 2020.

+ Đoạn tuyến cũ: Chủ đầu tư đã bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công 3,1km/5,4km (đạt 57,4%); tổng giá trị thực hiện gói thầu tuyến cũ (11ĐCDA) ước đạt 73,25 tỷ đồng tương đương 58,6% giá trị hợp đồng.

Tại Quyết định số 1052/QĐ-UBND ngày 23/4/2020, Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án là 2007-2021. Do đó, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng (Chủ đầu tư) và các đơn vị có liên quan hoàn thành dự án theo quyết định đã phê duyệt.

4.5. Đề nghị thành phố quan tâm đầu tư xây dựng tuyến đê biển từ Đầu Voi đến Mốc Trắng-xã Phù Long (dài khoảng 5km), vì hằng năm tình trạng nước biển xâm thực vào đất liền ngày càng nghiêm trọng (từ 20-30m/năm) làm ảnh hưởng đến đời sống dân sinh của người dân xã Phù Long.

Trả lời:

Khu vực bờ biển từ Đầu Voi đến Mốc Trắng, xã Phù Long hiện có cây ngập mặn chắn sóng. Khu vực này chủ yếu là đầm nuôi trồng thủy sản không có dân cư sinh sống.

Việc đầu tư xây dựng tuyến đê biển (dài khoảng 5km) cần kinh phí lớn trong khi ngân sách thành phố còn nhiều khó khăn nên tại khu vực này đang thực hiện biện pháp trồng rừng phòng hộ. Hiện tại, đang trồng và chăm sóc 26ha rừng phòng hộ (19,26ha rừng ngập mặn; 6,46ha rừng phi lao) tại khu vực này và đang thực hiện Dự án phục hồi và phát triển rừng ven biển tại quần đảo Cát Bà, giai đoạn 2016-2020, dự kiến hoàn thành cuối năm 2020 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn (chủ đầu tư).

4.6. Do đặc thù là một huyện đảo, tại các xã khu vực đảo Cát Bà có lượng lớn đất ở xen với đất vườn và đất trồng cây lâu năm. Người dân muốn phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng thì lại gặp vướng mắc trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Để phù hợp với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện và nâng cao thu nhập cho người dân các xã xây dựng nông thôn mới, nhân dân các xã Việt Hải, Xuân Đám, Trân Châu, Gia Luận, Hiền Hào, Phù Long đề nghị thành phố xem xét cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập người dân tại các xã xây dựng nông thôn mới khu vực đảo Cát Bà.

Trả lời:

Để phát triển du lịch tại quần đảo Cát Bà, ngày 05/12/2014, Ủy ban nhân dân thành phố đã có Quyết định số 2732/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó có nội dung về du lịch sinh thái cộng đồng tại các xã trên khu vực đảo Cát Bà. Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy hoạch, nếu phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và theo cấp có thẩm quyền.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ giao Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở, ngành liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải giải quyết các thủ tục cụ thể theo quy định của pháp luật để đảm bảo nhu cầu, nguyện vọng của người dân.

4.7. Đến thời điểm tháng 6 năm 2020 toàn bộ nhà, đất ở của thôn Minh Tân và một nửa thôn Minh Hồng thuộc xã Nghĩa Lộ do Công ty TNHH Mặt trời Cát Bà (Sungroup) làm chủ đầu tư đã kiểm đếm được 3 năm nhưng chủ đầu tư chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ, người dân chưa biết đến khi nào mới được di chuyển, thực tế hiện nay nhà ở đã xuống cấp, sinh hoạt của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Đề nghị thành phố quan tâm giải quyết.

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định, dự án tái định cư được lập và phê duyệt độc lập với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng phải bảo đảm có đất ở, nhà ở tái định cư trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất.

Ngày 01/10/2020, Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải được Ban Quản lý Khu kinh tế giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư đảo Cát Hải-giai đoạn 1. Hiện, Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải đang hoàn thiện hồ sơ xác định giá giao đất tái định cư để làm cơ sở lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ có đất thu hồi. Dự kiến hoàn thành việc lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ di chuyển các hộ dân có đất thu hồi trong phạm vi thực hiện dự án trong quý IV năm 2021.

5. Quận Dương Kinh (01 câu):

Trên địa bàn phường Anh Dũng có một số doanh nghiệp hoạt động, xả thải gây ô nhiễm môi trường, có doanh nghiệp tái vi phạm gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm (chủ yếu là các đơn vị doanh nghiệp thuê lại diện tích đất của Công ty Cổ phần nông nghiệp kỹ thuật cao). Đề nghị thành phố cho thu hồi toàn bộ diện tích đất của Công ty Cổ phần nông nghiệp kỹ thuật cao, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị quận.

Trả lời:

Tiếp thu phản ánh, kiến nghị của cử tri, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì kiểm tra, xử lý. Kết quả cụ thể như sau:

Hiện nay, trên địa bàn phường Anh Dũng, quận Dương Kinh có 16 doanh nghiệp đang hoạt động. Kết quả kiểm tra hàng năm về việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường cho thấy, cơ bản các cơ sở đã có hồ sơ bảo vệ môi trường, có báo cáo quan trắc môi trường, đã bố trí nơi lưu giữ chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp, một số đơn vị đã có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Tuy nhiên, các cơ sở này vẫn còn một số tồn tại như: nơi lưu trữ chất thải không đúng quy định, chất thải còn để ngoài trời và để lẫn với chất thải công nghiệp (Công ty Yen of London), chưa có báo cáo quản lý chất thải nguy hại gửi Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định, quan trắc môi trường thiếu thông số, tần suất. Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân quận Dương Kinh, Sở Tài nguyên và Môi trường, cùng các ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp trên địa bàn quận theo quy định.

Đối với Công ty Cổ phần nông nghiệp kỹ thuật cao:

Công ty Cổ phần Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng được giao quản lý, sử dụng khoảng 46,5ha đất tại phường Anh Dũng, quận Dương Kinh do nhận chuyển giao từ Xí nghiệp gia cầm Thành Tô theo Quyết định số 57/TTg-NN ngày 25/6/1969 của Hội đồng Chính phủ.

Từ năm 2003 đến nay, Ủy ban nhân dân thành phố đã thu hồi 17,9ha đất của Công ty Cổ phần Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng để giao cho các tổ chức, cá nhân khác thuê. Hiện, Công ty Cổ phần Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng còn quản lý, sử dụng khoảng 28,6ha đất tại phường Anh Dũng, quận Dương Kinh.

Ngày 24/3/2000, Xí nghiệp gia cầm Thành Tô (nay là Công ty Cổ phần Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng) đã ký Hợp đồng giao khoán sử dụng mặt bằng sản xuất nông nghiệp với Công ty Cổ phần Thương mại Cửu Long, diện tích 13.990,0m² để tổ chức sản xuất nông nghiệp. Năm 2018, Công ty Cổ phần Thương mại Cửu Long ký Hợp đồng góp vốn kinh doanh với Công ty TNHH thương mại nhựa tổng hợp GREEN PLASTIC sản xuất hạt nhựa từ phế liệu, gây ô nhiễm môi trường.

Ngày 26/7/2019, Ủy ban nhân dân quận Dương Kinh đã ban hành Quyết định số 907/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH thương mại nhựa tổng hợp GREEN PLASTIC.

Tại thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp đã ngừng sản xuất. Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Công ty Cổ phần Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng khẩn trương chấm dứt hợp đồng giao khoán với Công ty Cổ phần Thương mại Cửu Long, tiếp nhận lại quỹ đất đã giao khoán, sử dụng đất đúng mục đích nông nghiệp; đề nghị Ủy ban nhân dân quận Dương Kinh thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất của Công ty Cổ phần Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng. Trường hợp doanh nghiệp tiếp tục cho thuê lại, sử dụng đất không đúng mục đích, gây ô nhiễm môi trường, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét thu hồi đất theo quy định.

6. Quận Đồ Sơn (05 câu):

6.1. Đề nghị thành phố xem xét triển khai nâng cấp, xây dựng Cảng cá Ngọc Hải thành cảng cá loại II kết hợp khu neo đậu tránh trú bão theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ để tạo điều kiện phát triển ngành thủy sản của địa phương.

Trả lời:

Cảng Ngọc Hải là Cảng cá loại II: độ sâu của luồng và vùng nước đậu tàu từ -1,0 đến -2,0, mét. Chiều dài cầu cảng 280 mét; tàu có công suất dưới 400 CV, tải trọng 300 tấn trở xuống có thể cập cảng. Năng lực bốc dỡ hàng hóa 9.000 tấn thủy sản/năm. Hàng ngày, có khoảng 100 lượt tàu cá các loại vào cảng, cập cảng. Trong những ngày mưa bão, gió lớn, tàu thuyền vào neo đậu tránh trú từ 300-500 chiếc, trong đó có các tàu chiều dài lớn nhất trên 24m.

Trải qua thời gian dài sử dụng và hoạt động trong môi trường sóng to, gió lớn, phần lớn các hạng mục công trình của Cảng cá Ngọc Hải được đưa vào khai thác, sử dụng đã xuống cấp, bồi lấp, sạt, lún và chỉ đáp ứng một phần về thu mua, chế biến hải sản…

Để khắc phục tình trạng trên, thời gian vừa qua Ủy ban nhân dân thành phố đầu tư nâng cấp như: nạo vét cửa luồng, luồng với chiều dài 370m, chiều rộng 50m (năm 2017-2018, tuy nhiên khối lượng nạo vét rất thấp so với 1.800m tổng chiều dài toàn tuyến); nâng cấp, cải tạo mặt cảng cá, mặt bến, bổ sung các trụ neo, buộc tàu thuyền, nâng cấp nhà điều hành, cải tạo công trình phụ trợ; hệ thống nền đặt thiết bị máy xử lý nước thải có nồng độ BOD do Cơ quan Hợp tác quốc tế JICA (Nhật Bản) tài trợ…

Để Cảng cá Ngọc Hải hoàn chỉnh các điều kiện là cảng cá loại II kết hợp khu neo đậu tránh trú bão là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác phục vụ xuất khẩu, đảm bảo khuyến cáo của EC về chống khai thác IUU; đáp ứng nhu cầu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá hoạt động trong ngư trường Vịnh Bắc Bộ, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của ngư dân khi có gió bão.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới Ủy ban nhân dân dân thành phố sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp Cảng cá Ngọc Hải, chỉ đạo các sở, ngành rà soát, kiểm tra, đề xuất, báo cáo các hoạt động cụ thể:

– Điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2000 Cảng cá Ngọc Hải, bổ sung quy hoạch Cảng cá Ngọc Hải kết hợp Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;

– Nâng cấp: các bến cập tàu; nạo vét luồng và khu neo đậu; nâng cấp đê chắn sóng, chắn cát; xây dựng nhà điều hành, khu dịch vụ hậu cần, đường giao thông nội bộ; cải tạo hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, hệ thống phòng cháy, chữa cháy; hệ thống phao tiêu, biển báo hiệu…

6.2. Hệ thống kè biển Khu du lịch Đồ Sơn có chiều dài gần 10km và được xây dựng từ những năm 1960, hiện nay do Công ty cổ phần Công trình công cộng và Dịch vụ du lịch Hải Phòng quản lý. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hệ thống kè không đủ vững chắc và cao độ nên không ngăn được sóng biển khi triều cường, không đảm bảo yêu cầu phòng chống thiên tai. Hiện nay nhiều đoạn kè biển còn phải rào tạm để tránh cho du khách rơi xuống biển. Đề nghị thành phố quan tâm tiếp tục bố trí nguồn kinh phí để khắc phục thiệt hại về kè, nền mặt đường và vỉa hè để đảm bảo an toàn cho du khách cũng như phục vụ có hiệu quả công tác phòng chống thiên tai năm 2020 và những năm tiếp theo.

Trả lời:

Hệ thống kè biển tại khu du lịch Đồ Sơn có chiều dài gần 10km và được xây dựng từ những năm 1960, do ảnh hưởng của bão, triều cường trong những năm qua đã làm hư hỏng nhiều đoạn thân kè bị đứt gãy, hè bị sụt lún. Căn cứ vào hiện trạng thực tế, năm 2019, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành tiến hành kiểm tra, sửa chữa, gia cố một số đoạn kè, sân tiêu năng thuộc khu I Đồ Sơn nhằm đáp ứng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật lân cận trong các cơn bão vừa qua. Tuy nhiên, còn một số đoạn kè, sân tiêu năng chưa được sửa chữa.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Công văn số 6338/UBND-CT ngày 12/10/2020, ngày 23/10/2020 Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì cùng các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận Đồ Sơn kiểm tra, khảo sát thực trạng hệ thống kè biển tại khu du lịch Đồ Sơn. Theo đề xuất của Ủy ban nhân dân quận Đồ Sơn, nhu cầu đầu tư hệ thống kè biển khoảng 650 tỷ đồng. Do nhu cầu cầu tư khá lớn, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân quận Đồ Sơn thực hiện các nội dung sau:

(1) Giao Sở Xây dựng chủ trì cùng Ủy ban nhân dân quận Đồ Sơn, các đơn vị liên quan rà soát hệ thống kè biển, vỉa hè khu du lịch Đồ Sơn và đề xuất phương án cải tạo, nâng cấp đoạn kè biển xung yếu, hư hỏng để đảm bảo công tác phòng chống lụt bão.

(2) Giao Ủy ban nhân dân quận Đồ Sơn chủ trì cùng các Sở: Du lịch, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng mới hệ thống kè biển, vỉa hè khu du lịch Đồ Sơn đảm bảo công tác phòng chống lụt bão, phù hợp với định hướng phát triển du lịch của thành phố và khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định đầu tư.

6.3. Đề nghị thành phố quan tâm bố trí kinh phí để hoàn thành dự án tuyến đường từ K1 đến Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng.

Trả lời:

Đường từ K1 đến Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng là một đoạn thuộc tuyến đường từ Ngã ba Vạn Bún (đường Lý Thái Tổ) đến tuyến đường bộ ven biển. Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường bộ ven biển (km1+00) đến Ngã ba Vạn Bún (đường Lý Thái Tổ), quận Đồ Sơn (Quyết định số 1963/QĐ-UBND ngày 10/7/2020) với tổng mức đầu tư là: 832,69 tỷ đồng, tiến độ thực hiện dự án: 2019-2023 và đã bố trí kế hoạch vốn năm 2020 là: 1,5 tỷ đồng để triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư, khởi động dự án. Hiện, Ủy ban nhân dân quận Đồ Sơn đang trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Ủy ban nhân dân thành phố sẽ tiếp tục bố trí kế hoạch vốn để triển khai thực hiện Dự án theo tiến độ đã phê duyệt.

6.4. Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố quan tâm bố trí nguồn kinh phí cho các địa phương được giao quản lý vùng biển và bãi triều theo Quyết định của thành phố.

Trả lời:

Ngày 13/10/2017, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 2658/QĐ-UBND về việc tạm giao quản lý hành chính khu vực ven biển giữa các quận, huyện thuộc thành phố Hải Phòng: Đồ Sơn, Dương Kinh, Hải An, Cát Hải, Tiên Lãng, Kiến Thụy. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự toán ngân sách hàng năm từ năm 2018 đến năm 2020 và dự toán ngân sách năm 2021 (đang xây dựng, hoàn thiện), Ủy ban nhân dân các quận, huyện chưa có báo cáo đề xuất cụ thể về việc bố trí kinh phí thực hiện để gửi Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

Tiếp thu ý kiến củ cử tri, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ giao Ủy ban nhân dân các quận, huyện được tạm giao quản lý hành chính khu vực ven biển tại Quyết định số 2658/QĐ-UBND xây dựng dự toán kinh phí, gửi Sở Tài chính tổng hợp trong dự toán ngân sách hàng năm, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố để trình Hội đồng nhân dân thành phố theo quy định.

6.5. Đề nghị thành phố chỉ đạo sớm đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án xử lý nước thải trên địa bàn quận Đồ Sơn, đặc biệt là trong khu du lịch Đồ Sơn.

Trả lời:

Tháng 10/2020, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Ủy ban nhân dân quận Đồ Sơn triển khai thực hiện nghiên cứu lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Hệ thống thoát nước mưa, nước thải quận Đồ Sơn.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân quận Đồ Sơn đang tổ chức rà soát, nghiên cứu phạm vi, quy mô dự án, trong đó tập trung vào Khu du lịch của quận tại phường Vạn Hương và Hải Sơn, dự kiến sẽ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố trong tháng 12/2020. Trên cơ sở báo cáo, đề xuất chủ trương đầu tư, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ xem xét, phê duyệt, làm cơ sở triển khai thực hiện án trong giai đoạn 2021-2025.

7. Quận Hải An (04 câu):

7.1. Đề nghị thành phố cho biết rõ lộ trình, thời gian xử lý, giải quyết các vi phạm tại khu đất 14,2ha thuộc phường Thành Tô, phường Tràng Cát, quận Hải An? Việc bố trí nhân lực ứng trực kiểm tra, phát hiện, xử lý như thế nào? Hiện nay vẫn còn hiện tượng xây dựng, mở rộng công trình tại khu vực này. Đề nghị thành phố quan tâm chỉ đạo xử lý triệt để.

Trả lời:

Đối với khu đất 9,2ha:

Thời gian qua, Ủy ban nhân dân quận Hải An đã tiến hành lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với 143 công trình tại khu đất 9,2ha (nằm trong khu đất 14,2ha), các trường hợp có hành vi vi phạm chiếm đất quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Trong đó, số trường hợp đã xác định được đối tượng vi phạm là 79/143 trường hợp, 64/143 trường hợp không xác định đối tượng vi phạm (Ủy ban nhân dân quận Hải An đã đăng tải thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng của thành phố nhưng các đối tượng không đến trình báo). Ủy ban nhân dân quận Hải An đã ban hành 36 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và 36 Thông báo để các đối tượng vi phạm chấp hành quyết định, tự nguyện tháo dỡ, di dời trả lại nguyên trạng đất trước khi vi phạm nhưng đến nay vẫn chưa có trường hợp nào tự nguyện khắc phục hậu quả, tháo dỡ, di chuyển công trình vi phạm, trả lại diện tích đất lấn chiếm. Ủy ban nhân dân quận Hải An sẽ thực hiện cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Đối với 107 trường hợp còn lại, Ủy ban nhân dân quận Hải An đang xin ý kiến Sở Tư pháp, các cơ quan nội chính thành phố hoàn thiện hồ sơ và ban hành quyết định khắc phục hậu quả theo quy định.

Ngày 22/7/2020, Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết số 23/NQ-HĐND về việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư tại khu đất 9,2ha, phường Thành Tô, quận Hải An. Hiện nay, Ủy ban nhân dân thành phố đang giao các ngành triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư Dự án.

Đối với khu đất 5ha:

Ủy ban nhân dân thành phố sẽ giao Ủy ban nhân dân quận Hải An tiếp tục rà soát, lập hồ sơ vi phạm (thực hiện trong quý IV năm 2020); phối hợp với Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng khẩn trường rà soát, kiểm tra các hộ dân tại khu 5ha vi phạm hợp đồng cung cấp điện, nước (cho đấu nối, cung cấp điện nước ra khu 9,2ha… ) xử lý nghiêm các vi phạm. Thành lập Ban chỉ đạo tiếp nhận bàn giao, xử lý vi phạm trên khu đất quốc phòng; Tổ công tác có nhiệm vụ để ứng trực 24/24h, kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và đình chỉ các hoạt động xây dựng trái phép. Lắp đặt các chòi canh gác, barie tại các lối vào khu đất để quản lý các xe ra vào. Giao cho Ủy ban nhân dân phường Thành Tô tiếp nhận, quản lý, trông coi. Huy động nhân lực làm việc tại các phòng, ban chuyên môn của quận, cán bộ, công chức Ủy ban nhân dân phường Thành Tô huy động lực lượng Công an quận ứng trực 24/24h, tăng cường cho Công an phường Thành Tô để đảm bảo an ninh tại khu vực, phối hợp với các Đoàn thể thực hiện vận động nhân dân tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm; ngăn chặn triệt để các phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng vào khu đất. Qua kiểm tra, nắm bắt tình hình thấy không có việc xây dựng mới, mở rộng công trình tại khu vực này.

7.2. Dự án Khu tái định cư tuyến đường 100m Lạch Tray-Hồ Đông trên địa bàn quận Hải An triển khai từ năm 2006 đến nay chưa tiếp tục được thực hiện gây khó khăn cho đời sống sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là việc xây dựng, mua bán, chuyển nhượng. Mặc dù cử tri đã kiến nghị nhiều lần, thành phố và quận cũng đã quan tâm giải quyết, trả lời tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện tiếp. Đề nghị thành phố trả lời rõ có thực hiện tiếp dự án này hay không và cho biết lộ trình, thời gian cụ thể?

Trả lời:

Ủy ban nhân dân thành phố đã có văn bản đồng ý chủ trương điều chỉnh Dự án theo hướng thay đổi chủ đầu tư từ Công ty TNHH MTV Thương mại và Phát triển đô thị thành Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng; điều chỉnh các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng Dự án tại phường Nam Hải và phường Đằng Hải theo hướng đưa ra khỏi phạm vi quy hoạch đối với khu vực dân cư đang sinh sống có mật độ cao.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng phối hợp với các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân quận Hải An thực hiện các thủ tục chuyển đổi theo quy định. Sau khi hoàn thành việc chuyển đổi Chủ đầu tư, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng và các Sở, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

7.3. Trên địa bàn quận có nhiều khu đất gia đình quân nhân được các đơn vị quân đội giao để làm nhà ở hiện có nhu cầu được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Để giải quyết triệt để vấn đề này, đề nghị thành phố có ý kiến đề nghị Bộ Quốc phòng quan tâm chỉ đạo điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch đất quốc phòng đối với diện tích đất của các khu gia đình nêu trên, bàn giao về cho địa phương quản lý để thuận lợi cho việc tiếp nhận, bàn giao, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân và đảm bảo công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn quận.

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 148 Luật Đất đai năm 2013, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; rà soát, xác định ranh giới đất sử dụng cho mục đích quốc phòng; xác định vị trí, diện tích đất quốc phòng không còn nhu cầu sử dụng, sử dụng không đúng mục đích để bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng.

Việc này, Ủy ban nhân dân thành phố đã có văn bản số 7420/UBND-ĐC2 ngày 26/11/2019 đồng ý chủ trương tiếp nhận bàn giao các khu nhà ở quân nhân không còn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt là đất ở (trong đó có các khu gia đình quân nhân trên địa bàn quận Hải An).

Hiện nay, Ủy ban nhân dân thành phố đang phối hợp với Bộ Quốc phòng kiểm tra, rà soát các thủ tục sắp xếp, xử lý nhà đất theo Nghị định số 167/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về quy định sắp xếp lại, xử lý tài sản công để báo cáo Chính phủ điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng và chuyển mục đích sử dụng đất làm cơ sở hoàn thiện thủ tục, hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, bàn giao đất quốc phòng; đồng thời giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, các đơn vị quốc phòng và địa phương rà soát từng trường hợp cụ thể trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để triển khai thực hiện.

7.4. Tuyến đường mương An Kim Hải, phường Tràng Cát (đoạn gần UBND phường Tràng Cát) đã hoàn thiện hồ sơ; tuyến đường Ngõ 327 đường Nam Hải, phường Nam Hải đã hoàn thiện hồ sơ từ năm 2018, đồng thời Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường phố và các công trình công cộng thành phố đã thẩm định. Tuy nhiên đến nay 2 đoạn đường này vẫn chưa được đặt tên. Đề nghị thành phố sớm đặt tên, đảm bảo thuận lợi cho nhân dân trong và ngoài quận trong việc tra cứu địa chỉ và thông tin liên lạc.

Trả lời:

Năm 2017, Ủy ban nhân dân quận Hải An đã có văn bản đề nghị đặt tên một số đường, phố trên địa bàn quận. Tại kỳ họp thứ 8, khóa XV ngày 07/12/2018, Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua Nghị quyết đặt tên đường, phố và công trình công cộng thành phố trong đó đặt tên 04 phố, 03 công trình công cộng trên địa bàn quận Hải An.

Đối với 02 phố chưa được đặt tên theo đề nghị của Ủy ban nhân dân quận Hải An là Mương An Kim Hải (phường Tràng Cát) và Nam Hải Đông (ngõ 327 đường Nam Hải, phường Nam Hải), Hội đồng Tư vấn có ý kiến như sau:

– Đối với đề nghị đặt tên phố An Kim Hải, phường Tràng Cát: Sau khi kiểm tra tên đường phố theo đề nghị của Ủy ban nhân dân quận Hải An, tên đề nghị đặt “An Kim Hải” là tên một kênh thoát nước của thành phố, không thuộc các tiêu chí tên đặt theo Nghị định số 91. Do đó, Hội đồng Tư vấn đã đề xuất để lại, xem xét lựa chọn đặt tên khác phù hợp hơn cho tuyến phố này trong thời gian tới.

– Đối với đề nghị đặt tên phố Nam Hải Đông, phường Nam Hải: Căn cứ vào vị trí, quy mô tuyến phố, sau khi xin ý kiến thành viên Hội đồng, các Sở, ngành, địa phương có liên quan, Hội đồng Tư vấn đã đề xuất địa phương lựa chọn tên danh nhân Nguyễn Thắng-là một trong những gương tiêu biểu nhất trong phong trào “bám dân, bám đất”, ông là người có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng của thành phố, có thời gian hoạt động và đóng góp cho phong trào cách mạng quận Hải An, nguyên Bí thư huyện ủy huyện Hải An để đặt cho tuyến phố này. Tuy nhiên, chưa nhận được sự đồng thuận của nhân dân địa phương. Do đó, Hội đồng Tư vấn đề xuất để lại, lựa chọn tên đặt khác phù hợp hơn cho tuyến phố này trong thời gian tới.

8. Quận Hồng Bàng (03 câu):

8.1. Dự án Cầu Hoàng Văn Thụ đã thông xe kỹ thuật ngày 15/10/2019, song đến nay chưa triển khai tiếp giai đoạn 2. Đề nghị thành phố tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án này để nhân dân yên tâm tiếp tục ủng hộ dự án và sớm ổn định cuộc sống tại khu tái định cư mới.

Trả lời:

Sau khi Dự án đầu tư xây dựng Cầu Hoàng Văn Thụ hoàn thành và được thông xe kỹ thuật ngày 15/10/2019, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng phối hợp với các sở, ngành, đơn vị nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công viên phía Nam cầu Hoàng Văn Thụ.

Ngày 17/7/2020, Ủy ban nhân dân thành phố đã có Tờ trình số 103/TTr-UBND trình Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án. Sau khi được Hội đồng nhân dân thành thông qua, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành đơn vị triển khai thực hiện.

8.2. Trên địa bàn phường Hoàng Văn Thụ hiện có dự án xây dựng tòa nhà 25 tầng do Công ty xăng dầu Vipco thực hiện đến nay vẫn chưa hoàn thành, bỏ hoang nhiều năm, ảnh hưởng lớn tới mỹ quan đô thị. Đề nghị thành phố kiểm tra và có biện pháp giải quyết dứt điểm.

Trả lời:

Ủy ban nhân dân thành phố đã có Thông báo số 551/TB-UBND ngày 29/11/2019 về việc chấm dứt hoạt động của Dự án đầu tư xây dựng Tòa nhà Vipco Tower của Công ty Cổ phần Vận tải xăng dầu Vipco (sau đây gọi tắt là Dự án).

Trên cơ sở kết quả kiểm tra tình hình thực hiện dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 2857/KHĐT-DN ngày 11/12/2019 báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố. Theo đó, tiến độ thực hiện Dự án của Công ty Cổ phần Vận tải xăng dầu Vipco chậm hơn 08 năm so với tiến độ đăng ký đầu tư. Căn cứ quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư năm 2014, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Dự án bị xem xét chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư trong trường hợp sau 12 tháng nhà đầu tư không thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư.

Tại Công văn số 4461/VP-XD ngày 25/12/2019, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã đồng ý chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với Dự án đầu tư xây dựng tòa nhà Vipco Tower do Công ty Vận tải Xăng dầu VIPCO làm chủ đầu tư tại số 37 Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng.

Trên cơ sở chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có Quyết định số 216/QĐ-KHĐT ngày 31/12/2019 và Thông báo số 264/TB-KHĐT ngày 31/12/2019 về việc chấm dứt hoạt động và chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tòa nhà Vipco Tower do Công ty Vận tải Xăng dầu VIPCO làm chủ đầu tư tại số 37 Phan Bội Châu, phường Quang Trung, quận Hồng Bàng kể từ ngày 31/12/2019. Công ty Vận tải Xăng dầu VIPCO có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục thanh lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại khoản 14 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai, dự án được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm mà bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư thì:

a) Chủ đầu tư được tiếp tục sử dụng đất 24 tháng kể từ ngày dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật về đầu tư;

b) Trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động theo quy định, chủ đầu tư được thực hiện bán tài sản hợp pháp gắn liền với đất cho nhà đầu tư khác theo quy định của pháp luật. Nhà nước thu hồi đất của người bán tài sản gắn liền với đất thuê để cho người mua tài sản thuê;

c) Khi hết thời hạn 24 tháng được gia hạn tiến độ sử dụng đất mà chủ đầu tư không thực hiện được việc bán tài sản hợp pháp của mình gắn liền với đất cho nhà đầu tư khác thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 của Luật đất đai..

Hiện nay, Dự án đầu tư xây dựng tòa nhà Vipco Tower do Công ty Vận tải Xăng dầu VIPCO làm chủ đầu tư đã bị chấm dứt hoạt động. Công ty Vận tải Xăng dầu VIPCO có quyền thực hiện bán tài sản hợp pháp gắn liền với đất cho nhà đầu tư khác theo quy định của của Luật Đất đai. Trường hợp Công ty bán được tài sản này thì thành phố sẽ thu hồi đất của Công ty để cho người mua tài sản thuê. Trường hợp hết thời gian bán tài sản theo quy định của Luật Đất đai nêu trên mà Công ty Vận tải Xăng dầu VIPCO không thực hiện được việc bán tài sản hợp pháp gắn liền với đất cho nhà đầu tư khác thì thành phố sẽ thu hồi đất mà không bồi hoàn về đất và tài sản gắn liền với đất.

8.3. Từ năm 2017 đến nay, cử tri phường Sở Dầu nhiều lần kiến nghị về việc Công ty TNHH Hóa chất PTN hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sống của các hộ dân Khu tái định cư Vinhomes Riverside. Đề nghị thành phố kiểm tra, giải quyết.

Trả lời:

Ngày 07/5/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Ủy ban nhân dân quận Hồng Bàng, Ủy ban nhân dân phường Sở Dầu tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Hóa chất PTN tại phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, kết quả như sau:

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân phường Sở Dầu và Ủy ban nhân dân quận Hồng Bàng, năm 2019 có nhận được đơn kiến nghị của nhân dân khu tái định cư (gần Công ty) kiến nghị về việc xả khí thải của Công ty làm ảnh hưởng đến môi trường khu vực. Ủy ban nhân dân quận Hồng Bàng đã phối hợp với Ủy ban nhân dân phường Sở Dầu tiến hành kiểm tra và yêu cầu Công ty có các biện pháp khắc phục. Đến nay chính quyền địa phương không nhận được đơn kiến nghị của nhân dân về việc gây ô nhiễm môi trường của Công ty. Năm 2020, kết quả quan trắc môi trường định kỳ tại Công ty đạt quy chuẩn cho phép.

Từ tháng 3/2020, Công ty TNHH Hóa chất PTN đã nộp hồ sơ điều chỉnh dự án từ “sản xuất chất hoạt động bề mặt Alkyl Bên Sulforic mạch thẳng LAS” thành “Đóng gói sản phẩm (thành phẩm dạng lỏng) vệ sinh, rửa, làm sạch đồ gia dụng” và gia hạn thực hiện dự án thêm 05 năm (đến năm 2025). Dự án đóng gói sản phẩm (thành phẩm dạng lỏng) vệ sinh, rửa, làm sạch đồ gia dụng không thuộc danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân thành phố đang xem xét quyết định chủ trương đầu tư và gia hạn sử dụng đất cho Dự án điều chỉnh theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 127/BC-KHĐT ngày 27/5/2020 Sở Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 2511/STN&MT-CCQLĐĐ ngày 16/7/2020. Sau khi Dự án điều chỉnh được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, Công ty TNHH Hóa chất PTN có trách nhiệm lập kế hoạch bảo vệ môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.

9. Quận Kiến An (03 câu):

9.1. Trường Mầm non Nhi Đức nằm trong khuôn viên Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, hiện đang chăm sóc 420 cháu, nguy cơ lây nhiễm từ các bệnh dịch: sởi, tay chân miệng, tiêu chảy… là rất cao. Cơ sở vật chất của trường hiện nay đã xuống cấp rất nghiêm trọng, cốt nền của trường thấp so với mặt bằng chung của khu vực nên mỗi khi trời mưa là bị ngập lụt, mất vệ sinh môi trường. Do đó, việc di chuyển trường ra khỏi Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng là rất cấp bách. Đến nay, dự án tuy đang triển khai nhưng hiện rất chậm do thiếu vốn. Để dự án sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm bố trí vốn và bổ sung kinh phí năm 2020 cho dự án.

Trả lời:

Dự án đầu tư xây dựng mới Trường Mầm non Nhi Đức, quận Kiến An được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 2897/QĐ-UBND ngày 30/10/2017, tổng mức đầu tư là 63,085 tỷ đồng, lũy kế vốn đã bố trí đến nay là 28,6 tỷ đồng, trong đó năm 2020 Ủy ban nhân dân thành phố đã bố trí cho dự án là 10 tỷ đồng theo Quyết định số 3136/QĐ-UBND ngày 16/12/2019 về việc giao kế hoạch các nguồn vốn đầu tư công năm 2020.

Do ngân sách thành phố còn hạn chế và đang tập trung, ưu tiên đầu tư cho các dự án trọng điểm nên chưa đáp ứng tiến độ thi công của Dự án. Ngày 22/9/2020 Ủy ban nhân dân thành phố đã có Công văn số 5919/UBND-VX đồng ý chủ trương cho phép điều chỉnh dự án, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn để bổ sung các nguồn vốn của quận Kiến An đẩy nhanh tiến độ Dự án. Ủy ban nhân dân thành phố sẽ tiếp tục cân đối, bố trí từ các nguồn vốn đầu tư công của thành phố, đồng thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân quận Kiến An bố trí từ các nguồn vốn của quận cho Dự án đầu tư xây dựng mới Trường Mầm non Nhi Đức trong kế hoạch năm 2021.

9.2. Để hoàn thành Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật trường Đại học Hải Phòng và giải quyết dứt điểm kiến nghị của một số hộ dân nằm trong chỉ giới thu hồi đất thực hiện dự án nhưng chưa được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ do khó khăn về nguồn vốn, đề nghị thành phố quan tâm chỉ đạo trường Đại học Hải Phòng và các sở, ngành liên quan sớm hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật trường Đại học Hải Phòng để sớm giải quyết kiến nghị của cử tri.

Trả lời:

Dự án Hạ tầng kỹ thuật trường Đại học Hải Phòng được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1249/QĐ-UBND ngày 09/6/2006, với tổng mức đầu tư là 114,3 tỷ đồng. Để hoàn chỉnh việc giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, Ủy ban nhân dân thành phố đã điều chỉnh tổng mức đầu tư thực hiện dự án từ 114,3 tỷ đồng lên 144,498 tỷ đồng theo Quyết định số 2359/QĐ-UBND, ngày 11/9/2017, trong đó chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng từ 39,765 tỷ đồng lên 69,963 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách trung ương là 74,535 tỷ đồng, ngân sách thành phố là 69,963 tỷ đồng.

Đến ngày 31/12/2019 lũy kế vốn đã bố trí cho dự án là 144,498 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố là 69,963 tỷ đồng. Như vậy dự án đã được bố trí đủ tổng mức đầu tư được phê duyệt. Mặt khác, dự án đã được bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 là 30,198 tỷ đồng, năm 2019 đã bố trí đủ 30,198 tỷ đồng.

Để có thể tiếp tục đề xuất, bố trí kế hoạch vốn đầu tư công cho dự án, Ủy ban nhân dân thành phố đã có Công văn số 675/UBND-VX ngày 06/02/2020 giao Trường Đại Học Hải Phòng khẩn trương tính toán, rà soát, trình thẩm định và phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án Hạ tầng kỹ thuật trường Đại học Hải Phòng.

Hiện nay, Trường đại học Hải Phòng đang rà soát lập hồ sơ trình thẩm định và phê duyệt điều chỉnh Dự án, sau khi dự án được điều chỉnh Ủy ban nhân dân thành phố sẽ bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn và bố trí kế hoạch đầu tư công các năm tiếp theo cho dự án.

9.3. Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng nút giao thông Ngã 5 Kiến An có thời gian thực hiện từ năm 2018-2021. Để hoàn thành dự án bảo đảm đúng tiến độ, cử tri đề nghị thành phố quan tâm bố trí bổ sung đủ kinh phí trong năm 2020 cho dự án.

Trả lời:

Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng nút giao thông Ngã 5 Kiến An, được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 2848/QĐ-UBND ngày 31/10/2018, điều chỉnh tại Quyết định số 1696/QĐ-UBND ngày 19/6/2020, tổng mức đầu tư là 153,621 tỷ đồng, lũy kế vốn đã bố trí đến nay là 127 tỷ đồng (chiếm 82,67% so với tổng mức đầu tư), trong đó năm 2020 Ủy ban nhân dân thành phố đã bố trí cho dự án là 60 tỷ đồng theo Quyết định số 3136/QĐ-UBND ngày 16/12/2019 và Quyết định số 2268/QĐ-UBND ngày 30/7/2020, đảm bảo đủ kế hoạch vốn để hoàn thành dự án theo tiến độ đề ra.

10. Huyện Kiến Thụy (03 câu):

10.1. Hệ thống giao thông của huyện Kiến Thụy (đường TL 361, 362) là các đường trục huyết mạch đã được đầu tư xây dựng từ lâu, chiều rộng nền đường trung bình từ 7-9m trong khi mật độ tham gia giao thông hiện nay là rất lớn nên không đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại của người dân và các phương tiện vận tải. Đề nghị thành phố quan tâm nâng cấp và mở rộng các tuyến đường trên để kết nối đồng bộ với tuyến đường bộ ven biển nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của huyện.

Trả lời:

Đường tỉnh 361 dài khoảng 18,9km có điểm đầu tại ngã ba Đa Phúc giao với ĐT.355, điểm cuối tại ngã ba Quán Ngọc giao với ĐT.353. Trong đó, đoạn qua địa bàn huyện Kiến Thụy dài khoảng 14,1km.

Đường tỉnh 362 dài khoảng 29,2km có điểm đầu tại ngã ba giao với ĐT.353, điểm cuối tại bến Đò Sòi huyện An Lão. Trong đó, đoạn qua địa bàn huyện Kiến Thụy dài khoảng 10,3km.

Bề rộng nền đường hiện trạng của hai tuyến đường tỉnh trên trung bình từ 7m÷9m, mặt đường từ 3,5m÷8m, quy mô đường cấp IV, cấp V đồng bằng.

Theo Nghị Quyết số 32/2014/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 của Hội đồng nhân dân thành phố về việc phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải đường bộ thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, giai đoạn 2021-2030, tiếp tục nâng cấp, xây dựng mới các đoạn chỉnh tuyến tất cả các đường tỉnh đạt quy mô tối thiểu cấp III, 2 làn xe, Bn=12m.

Trong thời gian giao các cơ quan, đơn vị chuyên môn nghiên cứu đầu tư, xây dựng các đường tỉnh trên theo quy hoạch giai đoạn 2021-2030, trong năm 2020, tại Văn bản số 4055/UBND-GT ngày 22/6/2020, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tiếp tục duy tu sửa chữa gắn vá cao su ổ gà và rải bê tông nhựa, đảm bảo an toàn giao thông bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hàng năm.

10.2. Hiện nay mặt đê tả sông Văn Úc qua địa bàn các xã Kiến Quốc, Ngũ Phúc đã xuống cấp, không đảm bảo cho việc đi lại, bảo vệ đê, phòng chống thiên tai. Đề nghị thành phố kiểm tra và đầu tư cải tạo.

Trả lời:

Tuyến đê Tả Văn Úc qua địa bàn huyện Kiến Thụy có tổng chiều dài 12,845km, trong đó đoạn qua địa bàn các xã Kiến Quốc dài 2,3km, Ngũ Phúc dài 3,3km đã xuống cấp, không đảm bảo cho đi lại, bảo vệ đê, phòng chống thiên tai. Để nâng cấp tuyến đê này, từ năm 2010 Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt Dự án nâng cấp tuyến đê Tả sông Văn Úc thuộc huyện Kiến Thụy tại Quyết định số 1900/QĐ-UBND ngày 08/11/2010 với tổng mức đầu tư là 302.443 triệu đồng và giao Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy làm chủ đầu tư (nguồn vốn Chương trình nâng cấp đê sông theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 09/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ).

Đoạn qua địa bàn xã Ngũ Phúc, Dự án đã đầu tư xây dựng 3,03km đường hành lang phía đồng, nâng cấp làm mới 02 cống dưới đê, nâng cấp 3,03km mặt đê, xây mới 03 dốc lên đê tuy nhiên sau nhiều năm sử dụng (từ năm 2011) và chịu ảnh hưởng của mưa, bão mặt đê đã xuống cấp (Từ năm 2012 đến nay dự án chưa được bố trí vốn để tiếp tục thực hiện).

Năm 2020, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo và giao Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy điều chỉnh dự án, bố trí vốn đầu tư công của huyện để thanh toán phần khối lượng đã thực hiện (Công văn số 5428/UBND-TL ngày 27/8/2020). Dự kiến việc cải tạo, nâng cấp sẽ được bố trí thực hiện vào năm 2021 và các năm tiếp theo.

10.3. Khu tưởng niệm Vương triều các Vua Nhà Mạc được quy hoạch là 10,5ha, được đầu tư xây dựng từ năm 2009 đến năm 2010 đã hoàn thành giai đoạn 1 (gồm các công trình vùng lõi dự án với tổng diện tích 2,5 ha). Để đảm bảo tính đồng bộ, yếu tố tâm linh cũng như tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch, góp phần tăng thu từ dịch vụ trên địa bàn huyện Kiến Thụy, kết nối hệ thống các khu di tích lịch sử của thành phố, đề nghị thành phố quan tâm, tạo điều kiện cho địa phương tiếp tục xây dựng giai đoạn 2 của dự án.

Trả lời:

Khu tưởng niệm Vương triều các Vua Nhà Mạc đã được đầu tư xây dựng giai đoạn 1 và 2 bằng ngân sách thành phố. Trong đó, giai đoạn 2 đã quyết toán và thanh toán hết; giai đoạn 1 đến nay chưa hoàn thiện thủ tục quyết toán. Đề xuất của Ủy ban nhân dân huyện Kiến Thụy về việc triển khai giai đoạn 3 của dự án chưa được làm rõ quy mô, thời gian, lộ trình triển khai, tỷ lệ nguồn vốn xã hội hóa trong tổng mức đầu tư Dự án Khu tưởng niệm Vương triều Mạc.

Căn cứ vào khả năng cân đối bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 của thành phố và huyện Kiến Thụy, thứ tự ưu tiên của các dự án đầu tư trên địa bàn huyện Kiến Thụy giai đoạn 2021-2025 do Ủy ban nhân huyện xác định, việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng công trình Khu tưởng niệm Vương triều Mạc giai đoạn 3 được xem xét, đề xuất sau năm 2020.

11. Quận Lê Chân (03 câu):

11.1. Đề nghị thành phố quan tâm bố trí kinh phí để tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 đường Hồ Sen-Cầu Rào II (đoạn từ Chợ Con đến đường Tô Hiệu) để đảm bảo mỹ quan đô thị và tránh ùn tắc giao thông giờ cao điểm.

Trả lời:

Dự án trục đường Hồ Sen-Cầu Rào II-giai đoạn 2 từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến ngã 3 Chợ Con đã điều chỉnh tại Quyết định số 2911/QĐ-UBND ngày 22/9/2020, trong đó điều chỉnh tổng mức đầu tư thành 2.053 tỷ đồng. Kế hoạch vốn năm 2020 đã bố trí cho Dự án là 958 tỷ đồng, đảm bảo thông tuyến đường từ ngã 3 Chợ Con đến nút giao với đường Nguyễn Văn Linh vào ngày 03/10/2020. Đối với đoạn từ ngã 3 đường Chợ Con đến đường Tô Hiệu đang lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng và sẽ tập trung thi công hoàn thành trong thời gian tới.

11.2. Đề nghị thành phố cho cải tạo, nạo vét lòng Hồ Sen nhằm cải thiện chất lượng nước cũng như tránh ô nhiễm môi trường khu vực này.

Trả lời:

Hồ Sen có diện tích sơ bộ (205×80)m khoảng 16.400m², hồ có một phần diện tích (giáp về phía trụ sở UBND quận Lê Chân) thuộc phạm vi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng trục đường Hồ Sen-Cầu Rào 2, đoạn từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến ngã 3 đường Chợ Con.

Nhằm đảm bảo môi trường nước hồ, từ tháng 3/2020, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng đã tổ chức nạo vét lượng cát san lấp tạo mặt bằng thi công dưới lòng hồ. Từ đó đến nay, Sở Xây dựng tiếp tục chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước thường xuyên thực hiện công tác vớt rác trong lòng hồ, rửa kè, tăng cường công tác điều tiết mực nước thủy triều ra vào để giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo môi trường nước trong hồ.

Về lâu dài, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ giao Ủy ban nhân dân quận Lê Chân phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng nghiên cứu phương án cải tạo chỉnh trang tổng thể Hồ Sen (cải tạo hè, lan can, điện chiếu sáng, kè ven hồ, cải tạo tổng thể lòng hồ…) nhằm đảm bảo môi trường Hồ Sen và đồng nhất cảnh quan, mỹ đô thị Hồ Sen với Dự án đầu tư xây dựng trục đường Hồ Sen-Cầu Rào 2, đoạn từ nút giao Nguyễn Văn Linh đến ngã 3 đường Chợ Con.

11.3. Đề nghị thành phố quan tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án cải tạo kè Lán Bè, phường Lam Sơn để thực hiện việc cải tạo chỉnh trang dải vườn hoa trung tâm thành phố từ Công viên cây xanh Tam Bạc đến cầu An Đồng.

Trả lời:

Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp vỉa hè, kè đá sông đào Hạ Lý đường Lán Bè-đoạn từ cầu An Dương đến cầu An Đồng đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh tại các Quyết định: số 2678/QĐ-UBND ngày 31/10/2016, số 2412/QĐ-UBND ngày 18/9/2017 do Ủy ban nhân dân quận Lê Chân làm chủ đầu tư; tổng mức đầu tư: 61.723.690.756 đồng bằng ngân sách thành phố.

Trên cơ sở Dự án được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, Ủy ban nhân dân quận Lê Chân đã tiến hành tổ chức thực hiện triển khai Dự án. Đến nay, Dự án đã thực hiện lựa chọn xong nhà thầu để thi công công trình. Tuy nhiên, theo Nghị định số 45/2018/NĐ-CP ngày 13/3/2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa thì thẩm quyền xử lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa thuộc Bộ Giao thông vận tải. Do đó, việc phá dỡ kè đá sông đào Hạ Lý để thi công dự án phải được sự chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân thành phố đã có các Văn bản: số 4786/UBND-GT3 ngày 07/8/2019, số 4786/UBND-GT3 ngày 23/4/2020 gửi xin kiến Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên, đến nay Bộ Giao thông vận tải chưa có ý kiến theo đề xuất của Ủy ban nhân dân thành phố tại các văn bản trên. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án nêu trên, trong thời gian tới Ủy ban nhân dân thành phố sẽ chỉ đạo Sở Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân quận Lê Chân làm việc trực tiếp với Bộ Giao thông vận tải để có ý kiến cho việc phá dỡ kè đá sông đào Hạ Lý để thi công Dự án này.

12. Quận Ngô Quyền (09 câu):

12.1. Thành phố đã có chủ trương thực hiện Dự án cải tạo, chỉnh trang Sân vận động Máy Tơ từ tháng 8/2019, tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa triển khai. Đề nghị thành phố sớm chỉ đạo triển khai; trong thời gian dự án chưa thực hiện, đề nghị thành phố cho phép người dân được tập thể dục, thể thao trong Sân vận động Máy Tơ.

Trả lời:

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân quận Ngô Quyền (được giao làm chủ đầu tư Dự án) đã phê duyệt Dự án cải tạo, chỉnh trang khu vực sân vận động Máy Tơ, quận Ngô Quyền, hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu. Ngày 23/10/2020, UBND quận Ngô Quyền đã tổ chức Lễ khởi công thực hiện dự án, dự kiến dự án sẽ hoàn thành trong năm 2021 theo kế hoạch.

Để đảm bảo an toàn thi công tại công trường sân vận động Máy Tơ, quận Ngô Quyền, Ủy ban nhân dân thành phố mong cử tri và Nhân dân lựa chọn địa điểm tập thể dục, thể thao phù hợp trong thời gian thi công Dự án. Sau khi Dự án hoàn thành, khu vực này sẽ trở thành khu vực công cộng phụ vụ cử tri và Nhân dân với công viên cây xanh và các thiết bị thể thao được trang bị mới.

12.2. Đề nghị thành phố quan tâm sớm có kế hoạch triển khai cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ của phường Vạn Mỹ và phường Đồng Quốc Bình. Trong thời gian chưa triển khai xây dựng lại, đề nghị thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng sửa chữa những khu nhà cũ, xuống cấp để đảm bảo an toàn cho người dân.

Trả lời:

Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng nghiên cứu giải quyết kiến nghị của cử tri.

Về chung cư phường Đổng Quốc Bình

– Ngày 15/5/2020, tòa nhà chung cư HH4 đã được khánh thành, đưa vào sử dụng. Ủy ban nhân dân thành phố đã tiến hành thực hiện các thủ tục để đưa các hộ dân trở lại sinh sống.

– Tòa chung cư HH3 hiện đang được Công ty CP Đầu tư Dịch vụ tài chính Hoàng Huy đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để thực hiện bàn giao tiếp tục đón các hộ dân về sinh sống ổn định, dự kiến thời gian bàn giao vào cuối năm 2020.

– Tòa chung cư HH1-HH2 hiện đã thi công xong phần ngầm. Sau khi tạm dừng thực hiện dự án do có vướng mắc, đến ngày 30/10/2020, Công ty Hoàng Huy (chủ đầu tư) đã có văn bản đề xuất tiếp tục thực hiện dự án theo Hợp đồng BT đã ký kết.

Về chung cư phường Vạn Mỹ

Theo kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư do Sở Xây dựng lập, sẽ thực hiện phá dỡ 10 tòa chung cư cũ hiện trạng tại khu tập thể Vạn Mỹ để xây dựng mới 03 tòa chung cư dự kiến cao 33 tầng/tòa, với tổng 2.622 căn hộ. Thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn năm 2020-2025.

Để đảm bảo an toàn cho người dân đang sinh sống tại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố nói chung, tại phường Vạn Mỹ nói riêng, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ nguy hiểm, xuống cấp đối với các công trình chung cư cũ làm cơ sở lên phương án cải tạo, sửa chữa cục bộ đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống cho người dân.

Năm 2019 và 03 quý đầu năm 2020, Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà đã tổ chức thực hiện cải tạo, sửa chữa cục bộ chung cư nhà A5, A7, A9, A11 Vạn Mỹ.

12.3. Đề nghị thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án nút giao thông Quán Mau vì dự án này kéo dài quá lâu làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, gây ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.

Trả lời:

Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị nối đường Lạch Tray với đường Hồ Sen-Cầu Rào 2 được phê duyệt và triển khai thực hiện đến nay đã trên 15 năm. Tuy nhiên, dự án còn dở dang, không đạt được mục tiêu đề ra; quá trình thực hiện phát sinh nhiều vướng mắc, đặc biệt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ Dự án, Ủy ban nhân dân thành phố đã Quyết định số 2374/QĐ-UBND ngày 12/9/2017 thành lập Tổ công tác liên ngành với nhiệm vụ: Rà soát, kiểm tra tình hình thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng của Dự án; Rà soát, kiểm tra công tác thực hiện quy hoạch của Dự án; Rà soát, kiểm tra tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính của các bên; rà soát, kiểm tra tình hình quyết toán gói thầu, hạng mục công trình hoàn thành thuộc Dự án; Rà soát, kiểm tra thủ tục pháp lý, tình hình thực hiện Dự án, việc sử dụng nguồn vốn nhà nước; trên cơ sở đó hướng dẫn, hỗ trợ chủ đầu tư, UBND các quận Ngô Quyền, Lê Chân giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án. Ngày 02/11/2018, Tổ Công tác đã có Báo cáo số 335/BC-TCT báo cáo tổng thể quá trình thực hiện Dự án, những vướng mắc, khó khăn và kiến nghị, đề xuất giải quyết.

Nhận thấy đây là dự án có nhiều vướng mắc, khó khăn, không thể chỉ đạo xử lý trong một văn bản hay một thời gian ngắn mà cần từng bước giải quyết, tháo gỡ, Ủy ban nhân dân thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo về Dự án này. Tại Công văn số 4255/UBND-GT2 ngày 15/7/2019, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo về việc điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị nối đường Lạch Tray với đường Hồ Sen-Cầu Rào 2, trong đó đồng ý chủ trương điều chỉnh Dự án theo hướng tách Dự án thành hai dự án với hình thức đầu tư khác nhau: Phần Hạ tầng kỹ thuật khu đô thị thành Dự án đầu tư phát triển nhà ở thương mại, giao Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp thương mại tiếp tục làm chủ đầu tư, tự huy động vốn đầu tư dự án theo đúng quy hoạch, quy định của pháp luật; phần Nút giao thông Quán Mau đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, từ ngân sách thành phố và giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện nhiệm vụ cụ thể trong quá trình thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh Dự án. Hiện nay, các sở, ngành, địa phương và Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp thương mại đang tiếp tục triển khai các bước công việc để điều chỉnh Dự án.

12.4. Cử tri phản ánh, nhiều hộ dân tại Khu đô thị mới Ngã 5-Sân bay Cát Bi đã sinh sống ổn định từ lâu nhưng đến nay vẫn đánh số nhà theo lô. Đề nghị thành phố quan tâm, chỉ đạo việc đặt tên đường, phố và đánh số nhà cho các hộ dân khu vực này.

Trả lời:

Năm 2017, Ủy ban nhân dân quận Ngô Quyền đã có văn bản đề nghị đặt tên một số đường, phố trên địa bàn quận. Tại kỳ họp thứ 8, khóa XV ngày 07/12/2018, Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua Nghị quyết đặt tên đường, phố và công trình công cộng thành phố trong đó đặt tên 02 phố trên địa bàn quận Ngô Quyền. Tại kỳ họp thứ 14, khóa XV ngày 22/7/2020, Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua Nghị quyết đặt tên đường và công trình công cộng trong đó có đường Bùi Viện đi qua địa bàn quận Ngô Quyền.

Hiện Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục phối hợp với Ủy ban nhân dân quận Ngô Quyền khảo sát, lựa chọn, tham mưu Hội đồng Tư vấn về đề nghị đặt tên cho 02 tuyến phố thuộc Khu đô thị Ngã 5-Sân bay Cát Bi theo đề xuất của Ủy ban nhân dân quận Ngô Quyền gồm: Phố có điểm đầu từ Lô 8A, điểm cuối Lô 6B, Khu đô thị Ngã 5-Sân bay Cát Bi, phường Đông Khê, quận Ngô Quyền và phố có điểm đầu giao với đường Lê Hồng Phong (ngã tư nhà hàng Phượng Chi) điểm cuối là Lô 7C, Khu đô thị Ngã 5-Sân bay Cát Bi, phường Đông Khê, quận Ngô Quyền đảm bảo đúng theo quy định trình Hội đồng nhân dân thành phố thông qua để triển khai thực hiện.

Sau khi các tuyến phố được đặt tên, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo việc đánh số nhà gắn với tên đường phố.

12.5. Bốt điện trong ngõ 78 Cầu Đất hiện nay xuống cấp gây nguy hiểm cho tính mạng nhân dân trong mùa mưa bão. Đề nghị thành phố chỉ đạo kiểm tra, giải quyết sớm.

Trả lời:

Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Sở Công Thương phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng xem xét giải quyết kiến nghị của cử tri về bốt điện trong ngõ 78 Cầu Đất (trạm biến áp Cầu Đất 4).

Đến thời điểm hiện nay, việc sửa chữa kiến trúc và thi công các hạng mục bên trong và bên ngoài trạm biến áp Cầu Đất 4 đã hoàn thành theo đúng tiến độ, Sở Công Thương đã cùng Tổ dân phố kiểm tra, bảo đảm an toàn, cử tri không còn kiến nghị gì thêm.

12.6. Đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức phân luồng giao thông tại khu vực đường vòng Vạn Mỹ theo hướng chỉ cho lưu thông 01 chiều đối với xe container. Tiếp tục rải asphalt một số tuyến đường: đoạn từ ngã ba đường Phương Lưu-Phủ Thượng Đoạn đến đường Phủ Thượng Đoạn; tuyến đường Lê Thánh Tông đoạn từ Cầu Cảng 4 đến đường Lê Lai.

Trả lời:

Về việc tổ chức phân luồng giao thông tại khu vực đường vòng Vạn Mỹ theo hướng chỉ cho lưu thông 01 chiều đối với xe container.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố có Văn bản số 518/VP-GT ngày 06/3/2020, Sở Giao thông vận tải đã tổ chức lắp đặt biển báo hiệu đường bộ, thông báo tổ chức phân luồng giao thông cấm xe sơ-mi-rơ-moóc và các xe kéo rơ-moóc vào các giờ từ 06h00 đến 22h00 trên đường vòng Vạn Mỹ. Do đó đã bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hạn chế các xe tải vận tải hàng nặng (xe chở container) lưu thông trên tuyến đường Vạn Mỹ vào các khung thời gian có mật độ phương tiện giao thông cao.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ chỉ đạo Sở Giao thông vận tải chủ trì cùng Công an thành phố, chính quyền địa phương, hiệp hội vận tải Hải Phòng kiểm tra, theo dõi có phương án điều chỉnh tổ chức giao thông trên tuyến đường Vạn Mỹ đảm bảo an toàn, hiệu quả, trật tự an toàn giao thông.

Về việc tiếp tục rải asphalt một số tuyến đường theo kiến nghị của cử tri:

– Việc thảm asphalt tuyến đường Lê Thánh Tông đoạn từ Cầu Cảng 4 đến đường Lê Lai: Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt Danh mục các công trình nâng cấp, cải tạo sửa chữa các tuyến đường giao thông năm 2020. Trong đó đã giao sở Giao thông vận tải tổ chức triển khai thảm mặt đường Lê Thánh Tông đoạn từ Cầu Cảng 4 đến đường Lê Lai, dự kiến thi công trong trung tuần tháng 11 và hoàn thiện thảm mặt đường trong tháng 12/2020.

– Việc thảm asphalt tuyến đường đoạn từ ngã ba đường Phương Lưu-Phủ Thượng Đoạn đến đường Phủ Thượng Đoạn: Dự án cải tạo nâng cấp đường Phủ Thượng Đoạn do Ủy ban nhân dân quận Hải An làm chủ đầu tư. Hiện nay, Ủy ban nhân dân quận Hải An đang quyết liệt chỉ đạo nhà thầu thi công mặt đường, thoát nước và các hạng mục công trình phù trợ khác dự kiến hoàn thành trong năm 2021.

12.7. Hiện nay, sau khi sáp nhập các Tổ dân phố, số lượng hộ dân tăng lên trong khi đó các Tổ không có địa điểm rộng để sinh hoạt cộng đồng. Đề nghị thành phố quan tâm bố trí đất, kinh phí xây dựng các Nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt cộng đồng cho người dân.

Trả lời:

Hiện trên địa bàn quận có khoảng 42 điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nhà văn hóa. Nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của cử tri có đủ địa điểm, diện tích rộng phục vụ sinh hoạt cộng đồng, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân quận Ngô Quyền rà soát, lập kế hoạch đầu tư xây dựng thêm điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nhà văn hóa trên địa bàn quận.

Tháng 11/2020, Ủy ban nhân dân quận Ngô Quyền đã thực hiện rà soát quỹ đất trên địa bàn; dự kiến kế hoạch thực hiện đầu tư xây dựng thêm 02 điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nhà văn hóa phục vụ người dân thuộc tổ dân phố các khu vực ngõ 25 Lê Lợi (với diện tích đất khoảng 126,7m², quy mô xây dựng dự kiến 01 tầng), ngõ 55 Lạch Tray (với diện tích đất khoảng 200m², quy mô xây dựng dự kiến 02 tầng) đủ diện tích phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Dự kiến triển khai thực hiện trong giai đoạn năm 2021-2022 từ nguồn vốn ngân sách của quận.

Đồng thời, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ chỉ đạo Ủy ban nhân dân quận Ngô Quyền tiếp tục rà soát tổng thể các điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nhà văn hóa trên địa bàn quận để có kế hoạch cải tạo, mở rộng, xây mới đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hội họp, các hoạt động văn hóa, văn nghệ… của người dân tại các Tổ dân phố.

12.8. Đề nghị thành phố xem xét điều chỉnh nâng mức phụ cấp cho cán bộ cơ sở trong điều kiện quy mô tổ dân phố tăng, khối lượng công việc cán bộ cơ sở phải đảm nhiệm nhiều nhưng mức phụ cấp vẫn chưa thay đổi.

Trả lời:

Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố hiện đang thực hiện theo Nghị quyết số 25/2014/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 của Hội đồng nhân dân thành phố, trong đó quy định có 07 chức danh hoạt động không chuyên trách ở tổ dân phố được hưởng mức phụ cấp hàng tháng, gồm: Bí thư chi bộ; tổ trưởng tổ dân phố; tổ phó tổ dân phố; Trưởng ban công tác mặt trận; Tổ đội trưởng do Tổ trưởng tổ dân phố kiêm nhiệm; Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố và Tổ viên tổ bảo vệ dân phố. Tuy nhiên, theo quy đinh tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/04/2019 của Chính phủ và Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ Nội vụ, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước là không quá 03 người và chỉ áp dụng đối với các chức danh: Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng Ban công tác mặt trận; những người còn lại tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia công việc từ các nguồn kinh phí theo quy định.

Trên cơ sở đề xuất của Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân thành phố đã báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố về việc xây dựng Nghị quyết về “Chức danh và bố trí số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; mức phụ cấp của từng chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội ở cấp xã; mức phụ cấp của từng chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách và mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố” để trình tại kỳ họp cuối năm 2021 của Hội đồng nhân dân thành phố.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ chỉ đạo Sở Nội vụ tiếp thu, tổng hợp kiến nghị nêu trên để xây dựng Đề án để trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết, làm cơ sở triển khai thực hiện.

12.9. Đề nghị thành phố chỉ đạo cải tạo, kè hồ Đầm Huyện (hồ Cây Na) trên địa bàn phường Đằng Giang để đảm bảo an toàn, tránh tình trạng lấn chiếm xung quanh bờ hồ.

Trả lời:

Tháng 4/2020, Ủy ban nhân dân thành phố đã đồng ý chủ trương giao Sở Xây dựng tiếp nhận hồ Đầm Huyện (hồ Cây Na) từ Ủy ban nhân dân quận Ngô Quyền để tổ chức quản lý, vận hành.

Hiện, Sở Xây dựng đang phối hợp cùng Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân quận Ngô Quyền thực hiện các thủ tục xác định ranh giới diện tích hiện trạng của hồ để thực hiện cắm mốc giới quản lý, vận hành hồ, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm diện tích hồ, dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2020. Trên cơ sở mốc giới quản lý, vận hành, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ giao Sở Xây dựng phối hợp cùng Ủy ban nhân dân quận Ngô Quyền nghiên cứu lập phương án cải tạo, chỉnh trang tổng thể hệ thống kè quanh hồ nhằm tạo cảnh quan, mỹ quan đô thị hồ Cây Na phục vụ người dân khu vực.

13. Huyện Thủy Nguyên (10 câu):

13.1. Đề nghị thành phố xem xét điều chỉnh tăng đơn giá bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân có đất bị thu hồi khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm phù hợp với giá thực tế.

Trả lời:

Tại Thông báo số 282/TB-UBND ngày 14/8/2020 của Ủy ban nhân dân thành phố về Kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố tại cuộc họp nghe báo cáo về công tác giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên rà soát lại giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất của Dự án, đảm bảo việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân theo quy định của pháp luật; trường hợp vướng mắc vượt thẩm quyền, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính kiểm tra, đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở cùng thống nhất, Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên đã có Tờ trình số 19/TTr-LCQ ngày 08/9/2020 trình Hội đồng thẩm định giá đất thành phố thẩm định giá đất cụ thể năm 2020 để tính tiền bồi thường thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm (giai đoạn 2) tại xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên.

Hội đồng thẩm định giá đất thành phố đã có Thông báo số 323/TB-HĐTĐGĐ ngày 22/9/2020 về kết quả thẩm định giá đất cụ thể, trên cơ sở đó Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt theo quy định.

Đối với các khu vực còn lại, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên đang tiếp tục rà soát để điều chỉnh cho phù hợp.

13.2. Hoạt động sản xuất của Công ty Tân Hà Kiều nằm trên địa bàn thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương gây khói, bụi, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân xã Lại Xuân và các khu vực lân cận. Đề nghị thành phố có ý kiến với tỉnh Hải Dương kiểm tra, rà soát hoạt động sản xuất của Công ty và việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường để có chỉ đạo nhằm ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm môi trường.

Trả lời:

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, ngày 25/8/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 3022/STNMT-CCBVMT gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, đề nghị kiểm tra, rà soát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty Tân Hà Kiều trên địa bàn thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, chỉ đạo chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm môi trường tại Công ty trên (nếu có).

Ngày 25/9/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương có văn bản số 1949/STNMT-CCBVMT, trả lời cụ thể như sau:

Công ty Cổ phần Tân Hà Kiều tại thị trấn Minh Tân (nay là phường Minh Tân), thị xã Kinh Môn, với quy mô Dự án: sản xuất 100.000 tấn Cacbua Silic/năm để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Công ty đã lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt tại Quyết định số 1094/QĐ-UBND ngày 22/4/2011, được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương cấp Giấy xác nhận số 90/GXN-STNMT ngày 07/7/2014 về việc thực hiện các công trình biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành (giai đoạn 1) của Dự án với với công suất thiết kế 30.000 tấn/năm.

Đến tháng 7/2020, Công ty đã đầu tư xây dựng, lắp đặt hoàn chỉnh máy móc thiết bị của toàn bộ Dự án và có Bản Kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình bảo vệ môi trường gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương đã tổ chức kiểm tra và có văn bản yêu cầu Công ty bổ sung làm rõ một số nội dung (quy trình vận hành, các thông số kỹ thuật đối với các công trình xử lý khí thải, nước thải…) để làm cơ sở xem xét việc vận hành thử nghiệm, hiện Công ty đang chỉnh sửa hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương.

Tháng 8/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương đã tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của người dân thông qua đường dây nóng do Tổng cục Môi trường. Kết quả kiểm tra cho thấy: Trong quy trình sản xuất của Công ty Cổ phần Tân Hà Kiều có công đoạn sàng nguyên liệu (lượng nguyên liệu này hình thành từ quá trình ra lò, đây là lượng nguyên liệu chưa phản ứng hết), Công ty có thực hiện phun nước để làm nguội và giảm thiểu bụi phát tán. Tuy nhiên, có trường hợp công nhân thực hiện phun nước chưa đủ độ ẩm dẫn đến bụi phát sinh trong công đoạn đổ nguyên liệu vào sàng gây ra hiện tượng bụi đen như phản ánh. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương đã yêu cầu Công ty Cổ phần Tân Hà Kiều thực hiện đúng quy trình sản xuất (trong đó có công đoạn phun ẩm nguyên liệu tái sử dụng), đảm bảo không để tình trạng bụi đen phát sinh từ hoạt động sản xuất, gây ảnh hưởng đến môi trường.

Năm 2019, qua công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương đã tiến hành lấy mẫu quan trắc, đánh giá các nguồn khí thải của Công ty, kết quả cho thấy, mẫu khí thải ống khói công đoạn nghiền thô, nghiền tinh sản phẩm đều đạt quy chuẩn môi trường cho phép (QCVN 19:2009/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ, áp dụng mức B). Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương đang tiếp tục giám sát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty Cổ phần Tân Hà Kiều trong quá trình vận hành Dự án.

13.3. Đề nghị thành phố sớm ra Quyết định thành lập Cụm Công nghiệp làng nghề đúc cơ khí Thủy Nguyên để UBND huyện triển khai xây dựng Cụm Công nghiệp, tạo điều kiện cho nhân dân sản xuất tập trung, tránh gây ô nhiễm môi trường.

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Sở Công Thương kiểm tra. Ngày 15/01/2020, Sở Công Thương đã có Văn bản số 10/BCTĐ-SCT về thẩm định thành lập cụm công nghiệp Làng nghề Cơ khí và Đúc huyện Thủy Nguyên, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định thành lập đối với cụm công nghiệp này. Ngày 21/4/2020, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố đã có Văn bản số 152/CV-BCSD gửi Thường trực Thành ủy về việc xin ý kiến về chủ trương thành lập cụm công nghiệp Làng nghề Cơ khí và Đúc huyện Thủy Nguyên.

Tuy nhiên, ngày 11/6/2020 Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2020; theo đó, tại khoản 6 Điều 1 quy định “Khuyến khích ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp khi có hồ sơ đề nghị thành lập, mở rộng cụm công nghiệp đáp ứng quy định tại Nghị định này. Trong quá trình thẩm định quy định tại khoản 3 Điều 12, Sở Công Thương báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư…”.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ. Sau khi có hướng dẫn của Bộ Công Thương, Sở Công Thương sẽ tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư của thành phố để đánh giá lựa chọn chủ đầu tư cụm công nghiệp Làng nghề Cơ khí và Đúc huyện Thủy Nguyên theo quy định hiện hành.

13.4. Dự án Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền và dự án của trường Đại học Hàng hải tiến độ còn chậm, ảnh hưởng đến các hộ dân xã Lâm Động. Đề nghị thành phố xem xét có biện pháp để các dự án sớm triển khai thực hiện.

Trả lời:

Dự án Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền

Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền do Công ty Cổ phần Shinec làm chủ đầu tư, đã được Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Dự án có mục tiêu đầu tư, xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Nam Cầu Kiền-giai đoạn I quy mô 253,47 ha, được phân kỳ thành 02 đợt đầu tư, tình hình thực hiện cụ thể như sau:

Đợt 1: Đã hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất tại các xã Kiền Bái, Hoàng Động, Thiên Hương, Lâm Động huyện Thủy Nguyên để bồi thường, giải phóng mặt bằng (phục vụ thực hiện Dự án xây dựng Cụm công nghiệp Vinashin-Shinec, nay là Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền) và được thành phố cho thuê đất. Công ty đã đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho 55 nhà đầu tư thứ cấp thuê đất với tỷ lệ lấp đầy là 100%.

Đợt 2: Thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-HĐND ngày 10/12/2018 của Hội đồng nhân dân thành phố về thông qua danh mục các công trình, dự án thu hồi đất và Quyết định số 1601/QĐ-UBND ngày 09/07/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2019 huyện Thủy Nguyên, Công ty đã thực hiện thủ tục giải phóng mặt bằng, tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng được khoảng 80% diện tích đất khu công nghiệp được giao.

Đối với diện tích đất còn lại trong quy hoạch của Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Công ty đã phối hợp với huyện Thủy Nguyên, các cơ quan chuyên môn thành phố làm thủ tục xin phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2020-2021 tại các xã Hoàng Động, Kiền Bái, Lâm Động, Thiên Hương. Ủy ban nhân dân thành phố đã có Tờ trình số 107/TTr-UBND ngày 17/7/2020 trình Hội đồng nhân dân thành phố thông qua việc điều chỉnh, bổ sung danh mục công trình, dự án đầu tư cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất, danh mục các dự án đầu tư phải thu hồi đất năm 2020.

Sau khi được Hội đồng nhân dan thành phố thông qua, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế triển khai thực hiện.

Về Dự án của trường Đại học Hàng hải

Đề án Xây dựng Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 768/QĐ-BGTVT ngày 14/3/2014 địa điểm tại xã Lâm Động, huyện Thủy Nguyên với quy mô 75ha. Hiện nay do khó khăn về nguồn vốn nên Dự án mới triển khai Dự án Đầu tư xây dựng Phòng thí nghiệm trọng điểm-Bể thử mô hình tàu thủy (theo Thông báo số 213/TB-VPCP ngày 28/5/2014 của Văn phòng Chính phủ và Quyết định số 2697/QĐ-BGTVT ngày 15/7/2014 của Bộ Giao thông vận tải) trên diện tích 05ha. Hiện trường Đại học Hàng Hải đang xây dựng Kế hoạch đầu tư công 5 năm 2021-2025, trong đó có các công trình đầu tư tại khu vực xã Lâm Động để trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng sẽ có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải xem xét, đánh giá hiệu quả của Dự án và có phương hướng xử lý các bước triển khai dự án tiếp theo.

13.5. Hệ thống thoát nước do Công ty TNHH VSIP Hải Phòng xây dựng chưa đảm bảo, mỗi lần mưa lớn gây ngập úng, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; nguồn nước tại hồ điều hòa và các khu vực xung quanh hồ của Khu Công nghiệp VSIP có màu đen, nhiều cá chết nổi lên, bốc mùi hôi thối ảnh hưởng đến môi trường. Đề nghị thành phố tiến hành kiểm tra và có phương án khắc phục để đảm bảo vệ sinh môi trường và đời sống của nhân dân.

Trả lời:

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, ngày 14/9/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên và Ủy ban nhân dân 08 xã: (1) Tân Dương, (2) Thủy Đường, (3) Dương Quan, (4) An Lư, (5) Trung Hà, (6) Thủy Triều, (7) Thủy Sơn và (8) Lập Lễ kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với hạng mục công trình hệ thống thoát nước, nguồn nước hồ điều hòa và các khu vực xung quanh hồ tại Công ty TNHH VSIP Hải Phòng, kết quả kiểm tra như sau:

Dự án “Đầu tư xây dựng Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng” do Công ty TNHH VSIP Hải Phòng làm chủ đầu tư gồm 02 giai đoạn, trong đó giai đoạn I được khởi công xây dựng từ năm 2010 và đi vào hoạt động từ năm 2013 và đã có hồ sơ môi trường theo đúng quy định. Hiện nay, giai đoạn 2 đang được triển khai xây dựng (đang giải phóng, san lấp mặt bằng và xây dựng hệ thống thoát nước). Căn cứ kết quả kiểm tra thực tế cho thấy kiến nghị của cử tri huyện Thủy Nguyên phản ánh là có cơ sở, nguyên nhân:

– Đối với giai đoạn 2, có diện tích khoảng 10 ha trên địa bàn xã An Lư trong Dự án VSIP Hải Phòng chưa hoàn thiện giải phóng mặt bằng. Công ty chưa hoàn thiện xong hệ thống thoát nước cho khu vực này của Dự án (khoảng 200m) do 28 hộ nằm trên địa bàn xã An Lư thuộc diện cưỡng chế từ năm 2018 nhưng đến nay chưa thực hiện cưỡng chế để bàn giao đất nên Công ty chưa có mặt bằng để hoàn thiện hệ thống thoát nước, vì vậy gây ngập úng cục bộ khi mưa lớn cho khu vực này.

– Nguồn nước tại hồ điều hòa được tiếp nhận từ nhiều nguồn khác nhau: từ kênh Đầm Dài có chiều dài ước tính khoảng 9km bắt nguồn từ sông Giá chảy qua địa bàn các xã: (1) Hòa Bình, (2) Trung Hà, (3) An Lư, (4) Thủy Đường, (5) Dương Quan và chảy ra sông Ruột Lợn nối với sông Cấm, trong đó có các nguồn thải sinh hoạt của các hộ dân, các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Khi trời mưa, lượng bèo từ các kênh mương đổ về hồ điều hòa gây hiện tượng cá chết. Trong quá trình phát hiện cá chết, Công ty có cho công nhân vớt cá nhưng chưa thu gom, xử lý theo đúng quy định nên đã gây mùi hôi thối.

– Các mương thoát nước giáp ranh KCN (nằm ngoài ranh giới KCN) thuộc địa bàn xã An Lư chưa được khơi thông dòng chảy, dọc kênh đường Trục có nhiều rác thải sinh hoạt gây mùi hôi thối.

Để đảm bảo công tác tiêu thoát nước tại Khu công nghiệp VSIP và 08 xã giáp ranh với Khu công nghiệp, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo:

Giao Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên:

– Rà soát lại chế độ chính sách giải phóng mặt bằng đối với 28 hộ nằm trên địa bàn xã An Lư thuộc diện cưỡng chế từ năm 2018 để sớm thực hiện bàn giao đất cho Công ty TNHH VSIP Hải Phòng hoàn thiện xây dựng hệ thống thoát nước.

– Đề xuất giải pháp tiêu thoát nước liên quan địa bàn 08 xã giáp ranh với Khu đô thị, công nghiệp và Dịch vụ VSIP, khắc phục hiện tượng ngập úng khi trời mưa.

– Chỉ đạo Ủy ban nhân dân 08 xã trên tăng cường khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước chảy qua Khu Công nghiệp (đặc biệt là mương tiêu thoát nước thuộc địa bàn xã Thủy Triều); tăng cường công tác tuyên truyền tới các hộ dân trên địa bàn đồng thời giám sát về việc thu gom, quản lý chất thải sinh hoạt theo quy định tại các Điều 95, 96, 97 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và khoản 3 Điều 15 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.

Giao Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Thủy Nguyên rà soát, tăng cường khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước chảy qua Khu đô thị, công nghiệp và Dịch vụ VSIP.

13.6. Huyện Thủy Nguyên đang tập trung thực hiện lộ trình xóa bỏ các lò nung vôi thủ công theo Kế hoạch số 4143/KH-UBND ngày 29/10/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố. Theo đó, đến hết tháng 10/2020, phải hoàn thành việc chấm dứt hoạt động đối với các lò vôi thủ công này. Để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động và chủ lò vôi, đề nghị thành phố quan tâm, xem xét, ban hành cơ chế hỗ trợ tiền đầu tư cơ sở vật chất ban đầu cho các chủ lò và hỗ trợ kinh phí cho các lao động bị mất việc sau khi xóa bỏ lò vôi.

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên rà soát tình hình thực tế việc phá bỏ các lò vôi thủ công theo Kế hoạch số 4143/KH-UBND ngày 29/10/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố, xây dựng kế hoạch hỗ trợ chủ lò vôi và người lao động. Đến nay, tổng số đã hoàn thành xóa bỏ 137/137 lò vôi theo kế hoạch.

Sau khi xin ý kiến các ngành liên quan, ngày 03/11/2020, Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 175/KH- UBND để hỗ trợ chủ lò vôi và người lao động, gồm:

– Hỗ trợ vay vốn chuyển đổi nghề đối với chủ lò vôi.

– Hỗ trợ học việc, định hướng nghề nghiệp đối với chủ lò và người lao động tại cơ sở sản xuất vôi.

– Sử dụng quỹ đất sau tháo dỡ đảm bảo hiệu quả và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được duyệt.

Căn cứ vào nhu cầu của các chủ cơ sở sản xuất vôi thủ công, người lao động và các quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên sẽ xem xét, xét duyệt hỗ trợ đối với từng trường hợp cụ thể.

13.7. Tuyến đường tỉnh lộ 352 từ Trịnh Xá (xã Thiên Hương) đến bến Phà Đụn (xã Lại Xuân) hiện đã xuống cấp song lại có lưu lượng tham giao giao thông lớn, thường xuyên ùn tắc ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân. Đề nghị thành phố quan tâm cải tạo, nâng cấp tuyến đường này; đồng thời đề nghị thành phố có kế hoạch nạo vét hệ thống thoát nước 2 bên tuyến đường tỉnh lộ 351, 352, đảm bảo tiêu thoát nước mùa mưa bão, tránh ngập lụt, ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân ven đường cũng như hoạt động của người và các phương tiện tham gia giao thông.

Trả lời:

Dự án đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352 đang được Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trong đó tuyến đường tỉnh 352 sẽ được đầu tư nâng cấp, mở rộng thành đường cấp 3 đồng bằng với bề rộng mặt đường 11m và có hệ thống chiếu sáng vỉa hè tại các đoạn đi qua khu dân cư; xây dựng, cải tạo lại hệ thống thoát nước và hoàn trả lại hệ thống mương, cống thủy lợi bị ảnh hưởng.

Dự án đã được Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư tại Tờ trình số 97/TTr-UBND ngày 16/7/2020. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 13, Hội đồng nhân dân thành phố chưa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trên, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ tiếp tục báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án làm cơ sở triển khai thực hiện.

Đối với hệ thống thoát nước hai bên tuyến đường 351 và 352, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ giao Sở Giao thông vận tải bố trí nguồn vốn sự nghiệp năm 2021 để cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước phục vụ nhu cầu của nhân dân, bảo đảm an toàn giao thông.

13.8. Năm 2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thi công Dự án củng cố, nâng cấp tuyến đê biển Bạch Đằng đoạn từ K0,0-K14,5 huyện Thủy Nguyên và đã hoàn thành giai đoạn 1, từ K2,90-K8,75 (trên địa bàn các xã, thị trấn: Minh Đức, Tam Hưng, Ngũ Lão, Phục Lễ, Phả Lễ); mặt đê được bê tông hóa rộng khoảng 6,0m đảm bảo công tác phòng chống lụt bão và kết hợp giao thông của các xã thuận tiện. Đề nghị thành phố tiếp tục bố trí kinh phí thi công bê tông hóa mặt đê giai đoạn 2, từ K8,75-K13,42 (từ Cống Đông Xuân, xã Phả Lễ đến Cống Sơn 2, xã Lập Lễ). Đồng thời đề nghị thành phố đầu tư kinh phí thi công Đê tả Sông Cấm, đoạn đê từ K0,00 đến K6,150 (trên địa bàn các xã: An Sơn, Phù Ninh); tu bổ đạt mặt cắt thiết kế, bê tông hóa mặt đê rộng khoảng 6,0m; xây dựng lại các cống xung yếu: Cổ Ngựa, Trà Tre, Đội 6, Đội 5A và lấp bỏ Cống Vẹt Khê do hiện nay đã xây dựng cống mới thay thế.

Trả lời:

1. Dự án đầu tư Củng cố, bảo vệ và nâng cấp tuyến đê biển Bạch Đằng từ K0+000 đến K14+500 đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 226/QĐ-UBND ngày 04/02/2010, điều chỉnh tại Quyết định số 1603/QĐ-UBND ngày 10/10/2011 với tổng mức 332,890 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước (Chương trình Đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh có đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam theo Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg ngày 14/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ); thời gian thực hiện từ năm 2010 đến năm 2015. Đến nay, khối lượng dự án hoàn thành 5,85km đê từ K2+900 đến K8+750 và cống My Sơn; ngân sách từ nguồn vốn Trung ương bố trí cho dự án 75.600 triệu đồng.

Ủy ban nhân dân thành phố sẽ chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên rà soát quy mô đầu tư Dự án và điều chỉnh nguồn vốn, sử dụng ngân sách thành phố để tiếp tục đầu tư.

2. Bố trí kinh phí thi công Đê tả Sông Cấm từ K0+000 đến K6+150 và công trình liên quan: Ủy ban nhân dân thành phố sẽ chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên rà soát thực trạng tuyến đê và xác định sự cần thiết phải đầu tư. Trường hợp phải đầu tư, Ủy ban nhân dân thành phố giao các cơ quan liên quan đề xuất dự án để triển khai đầu tư theo quy định.

13.9. Trên địa bàn xã Lại Xuân có nhiều mỏ khai thác khoáng sản đã bị đình chỉ; tuy nhiên các chủ doanh nghiệp vẫn phải nộp tiền thuế và tiền thuê đất hàng năm. Đề nghị thành phố tạm thời không thu tiền thuê đất của các doanh nghiệp trên.

Trả lời:

Theo báo cáo Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên tại văn bản số 2129/UBND-TNMT ngày 04/9/2020, kết quả kiểm tra, rà soát của Chi cục Thuế huyện Thủy Nguyên đối với các tổ chức được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản đã bị đình chỉ khai thác nhưng vẫn phải nộp tiền thuế, tiền thuê đất hàng năm tính đến ngày 31/3/2020, trên địa bàn huyện có 01 tổ chức là Hợp tác xã Nông nghiệp Lại Xuân nay là Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh-Dịch vụ nông nghiệp Lại Xuân (HTX Lại Xuân).

Sau khi Giấy phép khai thác khoáng sản của HTX Lại Xuân hết thời hạn, cơ quan thuế không yêu cầu HTX Lại Xuân thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất hàng năm; chỉ ban hành thông báo số tiền chậm nộp đối với nghĩa vụ tài chính còn nợ. Do đó, kiến nghị về việc mỏ khai thác khoáng sản đã bị đình chỉ, tuy nhiên chủ doanh nghiệp vẫn phải nộp tiền thuế và tiền thuê đất hàng năm là chưa có cơ sở.

Tại cuộc họp ngày 23/9/2020, Cục Thuế thành phố, Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên, Ủy ban nhân dân xã Lại Xuân đã yêu cầu Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh-Dịch vụ nông nghiệp Lại Xuân cung cấp chứng từ đã nộp tiền cho Chi cục thuế huyện Thủy Nguyên để được hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ tài chính trong hoạt động khoáng sản.

13.10. Hiện nay trên địa bàn huyện còn nhiều dự án thực hiện dang dở, kéo dài như: Đường trục Khu Công nghiệp Bến Rừng, đường Máng nước, đường bao thị trấn Minh Đức… Đề nghị thành phố bố trí tăng vốn đầu tư để sớm hoàn thiện dứt điểm các dự án trên.

Trả lời:

1. Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục chính giao thông Khu đô thị và công nghiệp Bến Rừng:

Tại Công văn số 2619/VP-GT2 ngày 24/5/2018 của Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã có ý kiến: Hiện tại, vốn trung ương không bố trí Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục chính giao thông Khu đô thị và công nghiệp Bến Rừng. Về nguồn vốn của thành phố, do còn khó khăn về ngân sách, thành phố chủ trương ưu tiên tập trung đầu tư một số dự án cấp thiết hơn. Vì vậy, tạm dừng triển khai Dự án nêu trên. Khi có điều kiện thuận lợi về nguồn vốn, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ báo cáo, trình Thường trực Thành ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, quyết định chủ trương bố trí vốn tiếp tục thực hiện Dự án.

Đến nay, thành phố vẫn đang phải ưu tiên nguồn vốn ngân sách thành phố cho các dự án mang tính cấp thiết. Đồng thời để giải quyết một số khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân khi tạm dừng thực hiện Dự án, Ủy ban nhân dân thành phố đã có nhiều văn bản (Công văn số 505/VP-GT2 ngày 21/02/2019 và số 4825/UBND-XD2 ngày 09/8/2019) giao cho Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên trong trường hợp cần thiết, nghiên cứu, điều chỉnh mục tiêu, quy mô đầu tư, nguồn vốn đầu tư của các công trình phục vụ giải phóng mặt bằng để thực hiện bằng các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định, có thể từ nguồn vốn đầu tư công ngân sách thành phố phân cấp cho huyện trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

2. Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp tuyến đường Máng Nước từ chân cầu Bính nối với đường 359 tại thị trấn Núi Đèo, huyện Thủy Nguyên được Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kế hoạch vốn năm 2020 là 10 tỷ đồng. Hiện nay, Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên đang lập hồ sơ điều chỉnh Dự án. Sau khi dự án được điều chỉnh, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ tiếp tục cân đối, bố trí từ nguồn vốn đầu tư công của thành phố cho Dự án.

3. Dự án đầu tư cải tạo đường thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên được Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kế hoạch vốn năm 2020 là 5 tỷ đồng và dự kiến bổ sung 100 tỷ đồng cho Dự án theo phương án sử dụng nguồn tiết kiệm chi ngân sách thành phố năm 2019 tại tờ trình 333/TTr-BCSĐ ngày 25/9/2020 của Ban cán sự Đảng UBND thành phố trình Thường trực Thành ủy.

14. Huyện Tiên Lãng (05 câu):

14.1. Dự án đầu tư xây dựng đường nối giữa Quốc lộ 10 với Quốc lộ 5 theo hình thức hợp đồng BOT đã được thành phố phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 64/QĐ-UBND ngày 16/01/2017, song đến nay sau hơn 03 năm, dự án vẫn chưa được triển khai do gặp khó khăn trong phương án triển khai. Để tạo điều kiện thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Tiên Thanh, thúc đẩy phát triển sản xuất tại địa phương và giảm áp lực giao thông cho tuyến Quốc lộ 10, đề nghị thành phố sớm xem xét triển khai dự án bằng nguồn vốn ngân sách thành phố.

Trả lời:

Về nội dung này, Ủy ban nhân dân thành phố có ý kiến như sau: Do nhà đầu tư không triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường nối Quốc lộ 10 đến Quốc lộ 5 theo hình thức hợp đồng BOT theo quy định, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 2830/QĐ-UBND ngày 17/9/2020 về việc hủy bỏ Quyết định số 64/QĐ-UBND ngày 16/01/2017 về việc phê duyệt đề xuất Dự án. Đồng thời, để tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư triển khai dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Tiên Thanh, thu hút nhà đầu tư thứ cấp sau này, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 2831/QĐ-UBND ngày 17/9/2020 về việc giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ Khu công nghiệp Tiên Thanh đến đường huyện 25, huyện Tiên Lãng, trong đó giao Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án.

Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng, các Sở có liên quan tập trung lập, thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ Khu công nghiệp Tiên Thanh đến đường huyện 25, huyện Tiên Lãng bằng ngân sách thành phố để Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt, sớm triển khai dự án theo quy định.

14.2. Ngày 07/10/2016, HĐND thành phố đã ban hành Quyết định số 43/QĐ-HĐND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp đê biển 3 của huyện Tiên Lãng, trong đó có hạng mục xây mới Cống Rộc (xã Vinh Quang) từ nguồn vốn được Trung ương hỗ trợ 95%. Do nguồn ngân sách Trung ương chưa cân đối được nên dự án tạm dừng. Đến tháng 10/2017, UBND thành phố quyết định điều chỉnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương sang ngân sách thành phố và đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn đến năm 2020. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai. Đề nghị thành phố bố trí kinh phí đầu tư xây mới Cống Rộc (xã Vinh Quang) bằng nguồn ngân sách thành phố, đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống nhân dân và nguyện vọng của cử tri.

Trả lời:

Tuyến đê biển III trên địa bàn huyện Tiên Lãng có nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, nước biển dâng, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra và tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội các địa phương trên địa bàn huyện Tiên Lãng. Dự án đầu tư xây dựng Củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển III đoạn từ K4+500 đến K6+881 và đoạn từ K10+957 đến K16+500 đã được Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại Quyết định số 43/QĐ-HĐND ngày 07/10/2016 và Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2631/QĐ-UBND ngày 28/10/2017, nội dung dự án: Tổng mức đầu tư là 80.500 triệu đồng; nguồn vốn đầu tư là nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định cuộc sống dân cư giai đoạn 2016-2020 là 75.000 triệu đồng và ngân sách thành phố (chi dự phòng) là 5.500 triệu đồng.

Trước mắt, Ủy ban nhân dân thành phố đã có Văn bàn số 5810/UBND-TL ngày 17/9/2020 báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư kinh phí để xây dựng lại các cống dưới đê nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống đê, dự kiến kinh phí khoảng 14 tỷ đồng, trong đó có xây dựng cống Rộc. Sau khi có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triền nông thôn, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Tiên Lãng đề xuất phương án để sớm triển khai các thủ tục đầu tư.

14.3. Huyện Tiên Lãng bốn phía được bao bọc bởi hệ thống sông và biển, hàng năm chịu ảnh hưởng trực tiếp từ 3- 4 cơn bão. Do được đầu tư đã lâu và phần lớn bề mặt đê bao chưa được cứng hóa, bề mặt đê còn hẹp gây khó khăn cho công tác cứu hộ khi có sự cố thiên tai xảy ra. Đề nghị thành phố quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống Đê tả sông Thái Bình đoạn từ xã Tây Hưng đi xã Đoàn Lập và Đê tả sông Thái Bình đoạn qua các xã Tiên Thanh, Kiến Thiết, Tiên Cường.

Trả lời:

Hệ thống đê điều của Tiên Lãng bao gồm 06 tuyến đê với tổng chiều dài 77,966km; đến nay, có 68,939km (bằng 88,42%) đê đã được gia cố mặt bằng: bê tông mặt đê (24,675km), rải nhựa (4,623km), đá cấp phối (39,641km) và 9,027km mặt đê bằng đất chưa được cải tạo, nâng cấp.

Đê Tả sông Thái Bình đoạn từ xã Tây Hưng đi xã Đoàn Lập dài khoảng 4,3km và đoạn qua các xã Tiên Thanh, Kiến Thiết, Tiên Cường dài khoảng 15,44km được dải đá cấp phối, tuy nhiên sau nhiều năm sử dụng và chịu ảnh hưởng của mưa, bão, những đoạn đê này đã xuống cấp mặt đê, khó khăn cho đi lại đặc biệt là công tác cứu hộ khi có sự cố thiên tai xảy ra.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, năm 2020, Ủy ban nhân dân thành phố đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp 5,5km đê trên địa bàn huyện Tiên Lãng, trong đó có 3,2km đê đoạn qua xã Kiến Thiết, xã Tiên Thanh được đổ bê tông mặt đê, chỉnh trang mái đê và cải tạo mặt đê theo kiến nghị của cử tri.

Việc đầu tư gia cố đê, cải tạo mặt đê sẽ được tiếp tục Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện theo khả năng vốn đầu tư hàng năm.

14.4. Đề nghị thành phố bố trí kinh phí cho 02 dự án đầu tư công do thành phố quyết định giao cho huyện làm chủ đầu tư: Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường phòng chống lụt bão và trục liên xã Bắc Hưng-Nam Hưng-Đông Hưng-Tây Hưng (đoạn từ ngã ba Quán Cháy đi cống C4) và Dự án đầu tư xây dựng đường bao phía Nam kênh Huyện Đội, thị trấn Tiên Lãng (đoạn từ đường 354 đến đường 212), theo tiến độ đến năm 2021 hoàn thành đưa vào sử dụng.

Trả lời:

Năm 2020, do tập trung nguồn vốn cho các dự án trọng điểm và công tác phòng chống dịch Covid-19 nên chưa đáp ứng được nhu cầu bố trí vốn cho các dự án dở dang. Hiện Dự án nâng cấp cải tạo tuyến đường phòng chống lụt bão và trục liên xã Bắc Hưng-Nam Hưng-Đông Hưng-Tây Hưng (đoạn từ ngã ba Quán Cháy đi cống C4) đã được bố trí kế hoạch vốn năm 2020 là: 10 tỷ đồng. Ủy ban nhân dân thành phố sẽ tiếp tục cân đối, bố trí từ các nguồn vốn đầu tư công của thành phố, đồng thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng bố trí từ các nguồn vốn của huyện cho các dự án nêu trên.

14.5. Đề nghị thành phố quan tâm khôi phục 02 tuyến xe buýt từ huyện vào nội thành để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân: Tuyến Cầu Hàn-Cát Bi và tuyến Suối Khoáng-An Lão-Hải Phòng.

Trả lời:

Đối với tuyến xe buýt Cầu Hàn-Cát Bi:

Đây là tuyến xe buýt số 05 từ Khu công nghiệp Đình Vũ-Ngã ba cầu Đầm trước đây do Công ty Cổ phần vận tải thương mại Quảng Đông khai thác, tuy nhiên do hoạt động kinh doanh vận tải gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp đã ngừng khai thác tuyến từ năm 2018 đến nay. Để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân từ các huyện ngoại thành từ Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến An về trung tâm thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố đồng ý giao Sở Giao thông vận tải đặt hàng Công ty TNHH Vận tải Thịnh Hưng tổ chức khai thác tuyến xe buýt số 18 có trợ giá từ Ngã tư Lê Hồng Phong-Cầu phao Sông Hóa (có hành trình trùng 90% với hành trình của tuyến xe buýt số 05).

Đối với tuyến xe buýt Suối khoáng Tiên Lãng-An Lão:

Đây là tuyến nhánh của tuyến xe buýt số 2 từ Bến Bính-Bến xe buýt An Lão do Công ty Cổ phần Đường bộ Hải Phòng tổ chức khai thác. Tuyến xe buýt nêu trên đã ngừng khai thác từ cuối năm 2019 do không đủ kinh phí duy trì hoạt động của tuyến. Ủy ban nhân dân thành phố sẽ giao Sở Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xem xét về việc khôi phục lại tuyến hoặc mở mới các tuyến xe buýt khác phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

15. Huyện Vĩnh Bảo (02 câu):

15.1. Đề nghị thành phố quan tâm xem xét bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng cầu Đồng Trượng để phát triển kinh tế-xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của người dân hai bờ sông Hóa, xã Vĩnh Long góp phần kết nối giao thông các xã của huyện Vĩnh Bảo và huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Trả lời:

Cầu Đồng Trượng (cầu Lô Đông) vượt qua sông Hóa kết nối khu dân cư thôn Đồng Trượng với trung tâm xã Vĩnh Long và kết nối giữa huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng với huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã được ghi nhận trong Giao kết hợp tác kinh tế giữa thành phố Hải Phòng và tỉnh Thái Bình ký ngày 26/01/2019 và Chương trình hành động số 76-CTr/TU ngày 08/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đến thời điểm hiện tại, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Bảo chủ động làm việc với các Sở, ngành, địa phương, đơn vị của thành phố Hải Phòng và tỉnh Thái Bình tại Văn bản số 5160/UBND-GT ngày 17/8/2020 để thống nhất đề xuất điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch có liên quan. Sau khi quy hoạch công trình cầu Đồng Trượng (cầu Lô Đông) vượt qua sông Hóa được bổ sung, điều chỉnh theo quy định, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ có chỉ đạo, giao các cơ quan, đơn vị cụ thể triển khai thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư công và xây dựng công trình.

15.2. Đề nghị thành phố xem xét đầu tư, cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 bằng nguồn vốn ngân sách thành phố tạo cơ hội kết nối giao thông thuận lợi cho huyện Vĩnh Bảo trở thành đô thị vệ tinh của thành phố Hải Phòng (hiện tại hai tỉnh Thái Bình và Hải Dương đã đầu tư cầu và đường Quốc lộ 37 thuộc địa phận hai tỉnh).

Trả lời:

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 37 đoạn qua địa phận thành phố Hải Phòng được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 834/QĐ-BGTVT ngày 30/3/2017 và phê duyệt Dự án đầu tư tại Quyết định số 2868/QĐ-BGTVT ngày 11/10/2017 với tổng mức đầu tư là 628,444 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương giao cho Bộ giao thông vận tải, thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 đến năm 2020 và giao Sở Giao thông vận tải Hải Phòng là Chủ đầu tư.

Dự án đã được giao danh mục và mức vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 tại Quyết định số 1291/QĐ-TTg ngày 29/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1178/QĐ-BKHĐT ngày 29/8/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn bản số 10219/BGTVT-KHĐT ngày 08/9/2017 của Bộ Giao thông vận tải với mức vốn là 630 tỷ đồng.

Trong các năm qua thành phố đã có rất nhiều công văn đề nghị Bộ Giao thông vận tải bố trí vốn để triển khai thi công, tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn do vậy Dự án chưa thể bố trí được vốn để tổ chức thực hiện.

Ngày 21/8/2020, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn số 8272/BGTVT-KHĐT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Kế hoạch đầu tư công năm 2021 trong đó đề nghị bố trí vốn 100 tỷ trong năm 2021 cho Dự án để triển khai thực hiện. Sau khi Dự án được bố trí vốn, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ chỉ đạo Sở Giao thông vận tải cùng các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện dự án trong năm 2021.

Trên đây là báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố về việc giải quyết, trả lời các kiến nghị cụ thể của cử tri thành phố tại Kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân thành phố khóa XV./.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ, CHỦ TỊCH NGUYỄN VĂN TÙNG

Nguồn tin: haiphong.gov.vn

Tin khác

Tổng thống Cộng hòa Bulgaria thăm và làm việc tại Hải Phòng

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch…

26/11/2024

Kịp thời giúp khách hàng thoát “bẫy” lừa đảo chuyển hơn 5 tỷ đồng

Chiều 26/11, Công an huyện Vĩnh Bảo thông tin, sáng 26/11, khách hàng Nguyễn Quốc…

26/11/2024

Dự án YEAST ERA đoạt quán quân cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia năm 2024

Thuộc khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia - Techfest Việt Nam…

26/11/2024

Quận Ngô Quyền hướng dẫn, trao Quyết định giao đất tái định cư cho 57 hộ dân hoàn thiện hồ sơ theo quy định

Sáng 26/11, UBND quận Ngô Quyền tổ chức Hội nghị trao Quyết định giao đất…

26/11/2024

Hội thảo công nghệ tài chính Việt Nam – Vietnam Fintech Summit 2024 (VFS)

Thuộc khuôn khổ Techfest Việt Nam 2024, sáng 26-11, tại khách sạn Pullman, Hiệp hội…

26/11/2024

Hội thảo “Khai thác nguồn lực từ chuyển đổi kép cho khởi nghiệp sáng tạo”

Thuộc chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ Techfest Việt Nam 2024, sáng 26-11, tại…

26/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More