Print Thứ sáu, 05/06/2020 17:22 Gốc

Tóm tắt nội dung Báo cáo của UBND thành phố trình kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố khóa 15

1. Tên đồ án:

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Các căn cứ:

Luật Quy hoạch đô thị ngày 17-6-2009; Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 7-4-202010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26-11-2019 về Chương trình hành động của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW; Chương trình số 76-CTr/TU ngày 8-7-2019 của Thành ủy Hải Phòng thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW;

Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16-9-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định số 535/QĐ-TTg ngày 15-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050;

Tiếp thu các ý kiến góp ý của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố, các sở, ban, ngành, địa phương, các hội nghề nghiệp, đại diện cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

3. Phạm vi và thời hạn lập quy hoạch

3.1 Phạm vi nghiên cứu:

– Phạm vi nghiên cứu trực tiếp bao gồm toàn bộ diện tích thành phố Hải Phòng là 1.561,76 km².

– Phạm vi nghiên cứu liên vùng: Bao gồm không gian kinh tế- xã hội thành phố Hải Phòng liên quan với các tỉnh, thành phố nằm trong khu vực Bắc bộ.

3.2 Thời hạn lập quy hoạch:

Ngắn hạn đến năm 2025, dài hạn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

4. Lý do, sự cần thiết và điều kiện điều chỉnh quy hoạch:

4.1 Thời hạn thực hiện rà soát điều chỉnh quy hoạch chung:

Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16-9-2009. Đến nay, sau 11 năm thực hiện quy hoạch này, thành phố Hải Phòng đã có những bước phát triển vượt bậc, nhiều mặt đã đạt và vượt so với dự báo trong quy hoạch được duyệt.

Theo Điều 46, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 quy định thời hạn rà soát định kỳ đối với quy hoạch chung là 5 năm, do đó cần thiết phải rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

4.2 Có sự điều chỉnh về chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia, quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị cấp trên:

Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được lập trên cơ sở định hướng phát triển đô thị theo Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 5-8-2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó xác định đến năm 2020, xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố cảng, công nghiệp hiện đại; là đô thị trung tâm cấp quốc gia; đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, có cảng nước sâu (nếu điều kiện kỹ thuật cho phép); một cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế động lực phía Bắc; một trọng điểm phát triển kinh tế biển; một trong những trung tâm công nghiệp, thương mại lớn của cả nước và trung tâm dịch vụ, du lịch, thủy sản, giáo dục và y tế của vùng Duyên hải Bắc bộ; một pháo đài bất khả xâm phạm về quốc phòng – an ninh; có tổ chức Đảng và hệ thống chính trị không ngừng lớn mạnh, đời sống nhân dân ngày một nâng cao.

Phấn đấu Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp văn minh, hiện đại trước năm 2020.

Ngày 24-1-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định quan điểm, mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, mối tương quan, liên kết với các tỉnh ven biển Bắc bộ, khu vực đồng bằng sông Hồng, các tỉnh phía Bắc và kết nối quốc tế. Hải Phòng không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh mà còn là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước. Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistics; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ, kinh tế biển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á; trật tự, an tòan xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Bên cạnh đó, từ năm 2009 đến nay đã có nhiều quy hoạch cấp trên đã được phê duyệt và điều chỉnh: (1) Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; (2) Quy hoạch tổng thể phát triển Vùng kinh tế Bắc bộ đến năm 2020; (3) Quy hoạch xây dựng vùng Duyên hải Bắc bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050… và một số quy hoạch khác có tầm chiến lược, có liên quan là căn cứ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng phát triển theo hướng bền vững.

Như vậy, đã có sự điều chỉnh về chiến lược phát triển thành phố theo định hướng của Bộ Chính trị; định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia, quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị cấp trên ảnh hưởng trực tiếp đến quy hoạch xây dựng thành phố Hải Phòng.

4.3 Hình thành các dự án trọng điểm có ý nghĩa quốc gia:

Trên cơ sở các định hướng chiến lược các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch xây dựng có liên quan, những năm qua trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã hình thành các dự án trọng điểm có ý nghĩa quốc gia, có tác động và làm ảnh hưởng đến cơ cấu sử dụng đất, môi trường, bố cục không gian kiến trúc cảnh quan đô thị. Ví dụ như: Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi; đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; tuyến đường bộ ven biển; nâng cấp quốc lộ 10; dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị mới (Bắc sông Cấm, Tràng Cát,…); dự án đầu tư xây dựng các khu công nghiệp tập trung (Nam Đình Vũ, Tràng Duệ, VSIP,…); các dự án giao thông đô thị (cầu Tân Vũ – Lạch Huyện, cầu Bạch Đằng, cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Nguyễn Trãi); dự án các khu du lịch tại Đồ Sơn, Cát Bà, đảo Vũ Yên,…

Các dự án trên đã góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố theo hướng dịch vụ, công nghiệp gắn với phát triển cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật của thành phố hướng tới hoàn thiện các chỉ tiêu của đô thị loại 1 và chuẩn quốc gia, quốc tế.

4.4 Tác động của biến đổi khí hậu, địa chất, thủy văn:

Biến đổi khí hậu (BĐKH) không còn là nguy cơ mà đang hiện hữu hàng ngày. Theo đánh giá của các tổ chức khoa học quốc tế, Việt Nam là một trong 5 nước trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng của BĐKH. Trong đó, thành phố Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh sẽ là 2 trong số 10 thành phố bị ngập lụt nhất thế giới. Hiện nay, Hải Phòng đang chủ động thích nghi và ứng phó với BĐKH, nước biển dâng trên cơ sở phát huy nội lực.

Theo kết quả quan trắc tại đảo Hòn Dáu, trong 10 năm gần đây, mực nước biển ở Hải Phòng đã tăng cao hơn 20cm. Một số vùng cửa sông ven biển ở Hải Phòng có hiện tượng bị nước biển xâm thực, đặc biệt mạnh tại khu vực Phù Long, đảo Cát Hải, Đình Vũ, ven đê biển 1, đê biển 2. Một số vùng cửa sông nền địa chất yếu, xuất hiện nhiều vùng xoáy nguy hiểm, tình trạng xói lở bờ sông có chiều hướng gia tăng, không theo quy luật như trước đây. Một số vùng hiện rất rõ tình trạng nước biển dâng cao, thủy triều lên xuống bất thường… nhiệt độ tăng, chế độ dòng chảy, độ mặn, lượng mưa thay đổi; các hiện tượng thiên tai biển như dông, tố, lốc, bão, gió mùa đông bắc,… ngày càng khó lường.

Đây là một trong những thách thức tác động rất lớn đến phát triển đô thị thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Như vậy, căn cứ Điều 47 – Luật Quy hoạch đô thị 2009, Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng hội tụ đủ tiêu chí cần thiết để điều chỉnh quy hoạch.

Ngày 15-5-2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 535/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để thành phố tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, phục vụ tốt hơn lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng.

5. Tính chất, mục tiêu:

5.1 Tính chất

Là đô thị loại 1 trực thuộc trung ương, một trọng điểm kinh tế biển của cả nước, giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng Duyên hải Bắc bộ; là thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại; đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế; có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh.

5.2 Mục tiêu

Xây dựng thành phố Hải Phòng phát triển bền vững, thành phố công nghiệp gắn với cảng biển hiện đại đạt trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố cảng hàng đầu châu Á và thế giới.

Xây dựng không gian thành phố Cảng Hải Phòng “xanh, thông minh, cạnh tranh”, thành phố hàng hải toàn cầu, đô thị cửa ngõ của vùng Bắc bộ, trung tâm kinh tế biển trọng điểm của đất nước; thành phố có môi trường sống chất lượng cao, thân thiện với tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu.

6. Dự báo dân số và đất đai

6.1 Dân số toàn đô thị

Dự báo dân số toàn đô thị trong kỳ quy hoạch đến 2035 tăng 1,5 – 2,5 triệu người so với hiện trạng và tăng 0,5 – 1,5 triệu người so với quy hoạch kỳ trước, tỷ lệ đô thị hóa tăng 39% so với hiện trạng và tăng 6% so với quy hoạch kỳ trước. Cụ thể:

– Đến năm 2025 đạt khoảng 2,4 – 2,7 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70-76%.

– Đến năm 2035 đạt khoảng 3,5 – 4,5 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 82-86%.

– Đến năm 2050 đạt khoảng 5 – 5,5 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 94%.

6.2 Đất đai đô thị

Dự báo đất xây dựng đô thị tăng 20.500 – 21.100ha (143%) so với quy hoạch kỳ trước, trong đó đất dân dụng tăng 10.900 – 11.900ha (169%) so với quy hoạch kỳ trước. Cụ thể:

– Giai đoạn đến năm 2025: đất xây dựng khoảng 52.000 – 55.000ha, trong đó: đất xây dựng đô thị tập trung khoảng 34.000 – 36.000ha, chỉ tiêu khoảng 180-190m²/người; đất dân dụng (đa chức năng) khoảng 13.000-14.000ha, chỉ tiêu khoảng 70-72m²/người.

– Giai đoạn đến năm 2035: đất xây dựng đô thị – nông thôn khoảng 76.000-78.000ha, trong đó: đất xây dựng đô thị tập trung khoảng 48.000 – 50.000ha, chỉ tiêu khoảng 140-142m²/người; đất dân dụng (đa chức năng) khoảng 20.000-22.000ha, chỉ tiêu khoảng 57-60m²/người.

– Giai đoạn sau năm 2035 (tầm nhìn 2050): đất xây dựng đô thị – nông thôn là 100.000-101.000ha, trong đó: đất xây dựng đô thị tập trung khoảng 68.000-70.000ha, chỉ tiêu: 145-147.000m²/người; đất dân dụng (đa chức năng) khoảng 28.000-29.000ha, chỉ tiêu khoảng 58-60m²/người.

7. Định hướng tổ chức phát triển không gian đô thị – nông thôn:

7.1 Điều chỉnh mô hình phát triển không gian đô thị:

Điều chỉnh từ mô hình Đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh sang mô hình Đô thị đa trung tâm, gồm hai vành đai kinh tế, ba hành lang cảnh quan, ba đô thị trọng điểm và các đô thị nhỏ, cụ thể:

– Hai vành đai kinh tế công nghiệp từ cảng Lạch Huyện đến phía Bắc (huyện Thủy Nguyên), phía Tây (dọc quốc lộ 10), phía Nam (dọc sông Văn Úc) nhằm khai thác quỹ đất phát triển công nghiệp, kết nối mạng lưới khu, cụm công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng với cảng Lạch Huyện. Vành đai kinh tế ven biển thúc đẩy phát triển đô thị hướng ra “vịnh Hải Phòng” kết hợp bảo vệ môi trường biển.

– Phát triển ba dải hành lang đô thị dọc hai bên bờ sông Cấm, sông Lạch Tray và sông Văn Úc, ở giữa dải đô thị là không gian mở xanh tạo nên môi trường sống tốt nhất và tăng khả năng tiếp cận giữa khu ở với khu sản xuất.

– Ba cụm đô thị trọng điểm là: (1) Trung tâm đô thị lịch sử (thuộc quận Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân) và đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm; (2) Đô thị hàng hải tại Dương Kinh và Hải An (CBD) trung tâm thương mại, tài chính; (3) Đô thị sân bay Tiên Lãng. Ba cụm đô thị trọng điểm được kết nối với nhau bằng hệ thống giao thông nhanh trên vành đai kinh tế ven biển.

– Các đô thị nhỏ như: Quang Thanh, Lưu Kiếm, Minh Đức (huyện Thủy Nguyên); An Lão, Trường Sơn (huyện An Lão); Tiên Lãng, Hùng Thắng (huyện Tiên Lãng); Vĩnh Bảo, Tam Cường (huyện Vĩnh Bảo), Bạch Long Vỹ (huyện đảo Bạch Long Vỹ) hỗ trợ quá trình tăng trưởng đô thị hóa khu vực nông thôn các huyện An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Bạch Long Vỹ.

7.2 Định hướng phát triển khu vực đô thị:

a) Đô thị lõi trung tâm (các quận Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền):

– Là trung tâm văn hóa, khoa học kỹ thuật thành phố Hải Phòng, trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch vùng Duyên hải ven biển Bắc bộ.

– Mật độ dân số khu vực đô thị khoảng 16.800-17.800 người/km² (không bao gồm đất công nghiệp và du lịch).

– Quy mô dân số khu vực đô thị đến năm 2025 khoảng 0,55 triệu người; năm 2035 khoảng 0,65 triệu người; năm 2050 khoảng 0,70 triệu người.

– Đất xây dựng đô thị đa chức năng đến năm 2025 khoảng 3.000ha, năm 2035 khoảng 3.100ha, năm 2050 khoảng 3.200ha.

b) Khu vực đô thị mở rộng phía Bắc (huyện Thủy Nguyên):

– Là trung tâm hành chính, chính trị thành phố Hải Phòng; trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch giải trí vùng Duyên hải ven biển Bắc bộ; xây dựng huyện Thủy Nguyên thành thành phố trực thuộc thành phố.

– Mật độ dân số khu vực đô thị đạt 9.300 – 9.500 người/km² (không bao gồm đất công nghiệp và du lịch tập trung).

– Quy mô dân số: Đến năm 2025 toàn khu khoảng 0,43 triệu người, khu vực đô thị khoảng 0,186 triệu người. Năm 2035 toàn khu khoảng 0,53 triệu người, khu vực đô thị khoảng 0,315 triệu người. Năm 2050 toàn khu khoảng 0,8 triệu người, khu vực đô thị khoảng 0,513 triệu người.

– Đất xây dựng: năm 2025 toàn khu khoảng 13.000ha, đất xây dựng khu vực đô thị đa chức năng 2.000ha, năm 2035 khoảng 16.000ha, đất xây dựng đô thị đa chức năng khoảng khoảng 3.300ha, năm 2050 khoảng 18.000ha, đất xây dựng đô thị đa chức năng khoảng 5.500ha.

c) Khu vực đô thị mở rộng phía Đông (huyện Cát Hải):

– Là trung tâm du lịch và dịch vụ hàng hải quốc tế.

– Mật độ dân số khu vực đô thị khoảng 5.000 – 8.000 người/km² (không bao gồm đất công nghiệp và du lịch tập trung).

– Quy mô dân số khu vực đô thị đến năm 2025 khoảng 0,04 triệu người; năm 2035 khoảng 0,06 triệu người; năm 2050 khoảng 0,1 triệu người.

– Đất xây dựng: đến năm 2025 toàn khu khoảng 5.000ha, đất xây dựng khu vực đô thị đa chức năng 750ha. Năm 2035 toàn khu khoảng 7.000ha, đất xây dựng khu vực đô thị đa chức năng 1.000ha. Năm 2050 toàn khu khoảng 10.000ha đất xây dựng khu vực đô thị đa chức năng 1.000-1.200ha.

d) Khu vực đô thị mở rộng phía Nam và Đông Nam (quận Hải An, Dương Kinh, Kiến An, Đồ Sơn, huyện Kiến Thụy):

– Là trung tâm dịch vụ hàng hải quốc tế; trung tâm thương mại, tài chính khu vực Bắc bộ; trung tâm công nghiệp, du lịch giải trí, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ vùng Duyên hải Bắc bộ.

– Mật độ dân số khu vực đô thị khoảng 9.000-12.000 người/km² (không bao gồm đất công nghiệp và du lịch tập trung).

– Quy mô dân số khu vực đô thị đến năm 2025 khoảng 0,63 triệu người; năm 2035 khoảng 1,3 triệu người; năm 2050 khoảng 1,97 triệu người.

– Đất xây dựng: năm 2025 toàn khu khoảng 18.000ha, đất xây dựng khu vực đô thị đa chức năng 7.000ha. Năm 2035 toàn khu khoảng 24.000ha, đất xây dựng khu vực đô thị đa chức năng 14.000-16.000ha. Năm 2050 toàn khu khoảng 27.700ha, đất xây dựng khu vực đô thị đa chức năng 17.000-18.000ha.

e) Khu vực đô thị mở rộng phía Tây (huyện An Dương):

– Là trung tâm công nghiệp, dịch vụ logistic, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ vùng Duyên hải Bắc bộ.

– Mật độ dân số khu vực đô thị khoảng 7.000-10.000 người/km² (không bao gồm đất công nghiệp và du lịch tập trung).

– Quy mô dân số khu vực đô thị đến năm 2025 khoảng 0,30 – 0,35 triệu người; đến năm 2035 khoảng 0,37 – 0,40 triệu người; đến năm 2050 khoảng 0,55-0,60 triệu người.

– Đất xây dựng: đến năm 2025 toàn khu khoảng 6.200ha, đất xây dựng khu vực đô thị đa chức năng 4.000-4.700ha. Năm 2035 toàn khu khoảng 7.500ha, đất xây dựng khu vực đô thị đa chức năng 5.000-5.500ha. Năm 2050 toàn khu khoảng 8.500ha, đất xây dựng khu vực đô thị đa chức năng 5.500-6.000ha.

f) Khu vực đô thị dự kiến mở rộng sau năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 (huyện Tiên Lãng):

– Xây dựng dải đô thị mới từ đô thị Tiên Lãng đến đô thị Hùng Thắng mới dựa trên động lực phát triển cảng sông Văn Úc và sân bay mới Tiên Lãng. Mở rộng không gian đa dạng sinh thái cửa sông Văn Úc về phía vùng biển nông, tạo quỹ đất xây dựng đô thị sân bay Tiên Lãng.

– Mật độ dân số khu vực đô thị khoảng 7.500 – 8.500 người/km².

– Dân số tầm nhìn 2050 toàn khu khoảng 0,40 – 0,45 triệu người, dân số khu vực đô thị 0,187 triệu người.

– Đất xây dựng năm 2050 toàn khu khoảng 7.000 – 7.500ha, đất xây dựng khu vực đô thị đa chức năng 2.000 – 2.500ha.

g) Các điểm đô thị:

– Các điểm đô thị gồm thị trấn huyện lỵ (Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Bạch Long Vỹ) và thị trấn thuộc huyện (Quảng Thanh, Lưu Kiếm, Minh Đức, Trường Sơn, Tam Cường, Hùng Thắng), được nâng cấp từ các đô thị hoặc thị tứ hiện hữu có chức năng dịch vụ tổng hợp.

– Quy mô dân số các thị trấn sinh thái này từ 4 nghìn đến < 5 vạn dân. Riêng thị trấn Vĩnh Bảo mở rộng và thị trấn An Lão mở rộng > 5 vạn dân.

7.3 Định hướng phát triển khu vực nông thôn:

– Hoàn thành mục tiêu quốc gia nông thôn mới trên địa bàn cấp huyện (trừ huyện đảo Bạch Long Vỹ), phấn đấu đạt 100% huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Tạo điều kiện để nông thôn tham gia vào quá trình đô thị hóa thành phố Hải Phòng; người dân ứng dụng và chuyển giao khoa học, kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, làm đẹp cảnh quan môi trường.

– Tái cấu trúc các khu định cư nông thôn, chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao; gìn giữ vùng sinh thái nông nghiệp và bản sắc văn hóa nông thôn Hải Phòng ở một số xã thuộc huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Thủy Nguyên.

7.4 Định hướng không gian xanh và mặt nước:

Quy hoạch đến năm 2025 khoảng 9.653ha (50,8m²/người), trong đó cây xanh công viên khoảng 994ha, chỉ tiêu khoảng 5,23m²/người; đất cây xanh cảnh quan sinh thái, cây xanh cách ly khoảng 8.659ha, chỉ tiêu khoảng 45,57m²/người. Năm 2035 khoảng 15.007ha (46,62m²/người), trong đó: cây xanh công viên khoảng 1,851ha, chỉ tiêu khoảng 5,29m²/người; đất cây xanh cảnh quan sinh thái, cây xanh cách ly khoảng 13,226ha, chỉ tiêu khoảng 41,33m²/người. Tổng diện tích đất cây xanh tăng 11.117ha so với quy hoạch kỳ trước (bổ sung từ không gian xanh tự nhiên trên các đồi núi, đảo Cát Bà, các dải xanh ven sông và ven biển và các không gian xanh đô thị). Cụ thể:

– Duy trì và phục hồi đa dạng sinh học các danh thắng: Khu dự trữ sinh quyển thế giới và công viên vườn quốc gia Cát Bà – Long Châu, các công viên rừng Bắc Thủy Nguyên, núi Voi- Xuân Sơn; núi Thiên Văn – núi Cột Cờ – núi Đấu; bán đảo Đồ Sơn. Bảo vệ nguồn nước ngọt trên sông Giá, sông Hòn Ngọc, sông Rế, sông Đa Độ, sông Chanh Dương.

– Các dải xanh ven sông Cấm, Lạch Tray, Văn Úc: phát triển dải công viên đô thị ven sông hướng Đông – Tây, phục hồi đa dạng sinh học ven sông góp phần tạo bản sắc riêng cho thành phố.

– Hình thành tuyến dải xanh Bắc Nam kết nối đa dạng sinh học vùng núi Thủy Nguyên với vùng nông nghiệp thấp trũng Vĩnh Bảo.

– Khu vực công viên đô thị: Chỉnh trang các công viên lớn hiện hữu là công viên An Biên, dải cây xanh công viên từ hồ Tam Bạc đến công viên Rồng Biển cũ, công viên hồ Phương Lưu, công viên Tam Bạc, công viên Cung Văn hóa hữu nghị Việt- Tiệp. Phát triển mới các công viên trong khu đô thị Bắc sông Cấm, công viên đô thị hàng hải, công viên biển Đồ Sơn, công viên Hồ Đông thuộc quận Hải An, công viên thị trấn An Dương…

– Mặt nước: giữ gìn, khôi phục và bổ sung thêm hệ thống sông, hồ, đầm nước để cân bằng môi trường sinh thái, tăng cường khả năng tiêu thoát nước đô thị, phát huy giao thông thủy và hoạt động du lịch và vui chơi giải trí.

7.5 Định hướng phát triển đô thị thông minh:

Xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng thông tin băng thông rộng, tạo nền tảng cốt lõi phát triển đô thị thông minh. Xây dựng mới và cải tạo dung lượng mạng lưới cáp quang tốc độ cao phủ khắp thành phố, đặt trung tâm mạng ở tất cả các quận huyện, đạt tốc độ 1 gigabit/giây (tương đương 1.000 megabits/giây).

Xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh, ứng dụng chương trình kỹ thuật số, trung tâm dữ liệu Bigdata khu vực Đông Nam Á ở Dương Kinh. Xây dựng mới khu vực công nghiệp công nghệ thông tin (công nghiệp ICT), ưu tiên đặt tại Nam Đình Vũ.

8. Định hướng phát triển hạ tầng kinh tế:

8.1 Định hướng phân bố không gian công nghiệp:

Quy mô đất khu cụm công nghiệp, kho tàng: năm 2025 khoảng 13.000-13.500ha (tăng khoảng 2.200-2300ha so với hiện trạng); năm 2035 khoảng 18.000-20.000ha; năm 2050 khoảng 23.000ha. Diện tích quy hoạch đất công nghiệp, kho tàng tăng 6.671ha (140%) so với quy hoạch kỳ trước.

Xác định lại ranh giới Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải với diện tích 22.540ha tăng 400ha so với Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải đã được Thủ tướng Chính phủ do cập nhật quy hoạch Khu công nghiệp Tràng Duệ 2 với diện tích 400ha, đồng thời điều chỉnh ra khỏi ranh giới 687ha đất đô thị phía Bắc Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải để bổ sung Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 với diện tích 687ha.

Kế thừa 17 khu công nghiệp với khoảng 9.500ha và 34 cụm công nghiệp đã hình thành theo quy hoạch kỳ trước với khoảng 1.300ha, phát triển thêm 9.400 – 9.600 ha gồm: 9 Khu công nghiệp mới với khoảng 8.100 – 8.300ha và rà soát mở rộng 28 Cụm công nghiệp đã có tăng khoảng 1.300ha.

Có 5 khu vực chính, như sau:

– Khu vực công nghiệp Đình Vũ – Cát Hải (gắn với cảng biển thuộc Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải): giữ lại các khu công nghiệp Đình Vũ, Nam Đình Vũ, Nam Tràng Cát, Lạch Huyện; bổ sung thêm các khu công nghiệp: Đảo Cái Tráp, Lạch Huyện mở rộng. Ưu tiên phát triển các loại hình công nghiệp điện tử, điện gia dụng, cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ vận tải biển, công nghệ IT v.v…

– Khu vực công nghiệp phía Bắc: giữ lại các khu công nghiệp Thủy Nguyên – VSIP, Cụm công nghiệp Bến Rừng, Minh Đức – Tràng Kênh; bổ sung thêm Khu công nghiệp Nam sông Giá, Bến Rừng 2; bỏ các cụm công nghiệp Gia Minh, Gia Đức. Khuyến khích áp dụng công nghệ sạch đối với cụm công nghiệp cũ, phát triển công nghiệp đa ngành ứng dụng công nghệ cao…

– Khu vực công nghiệp phía Tây (dọc quốc lộ 10): giữ lại các khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Nomura, An Hưng – Đại Bản, An Dương, Tràng Duệ, Cầu Cựu; bổ sung thêm Khu công nghiệp Tràng Duệ giai đoạn 3. Ưu tiên phát triển loại hình công nghiệp cơ khí chế tạo các sản phẩm cơ khí phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn, cơ khí chính xác, sản xuất linh kiện, phụ tùng máy cơ khí có ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao…

– Khu vực công nghiệp phía Tây Nam (chung quanh thị trấn Vĩnh Bảo), giữ lại các khu công nghiệp An Hòa, Giang Biên 2, các cụm công nghiệp Dũng Tiến, Tiên Thanh, Vinh Quang – Vĩnh Bảo; bổ sung thêm Khu công nghiệp thị trấn Vĩnh Bảo. Ưu tiên phát triển công nghiệp đa ngành hỗ trợ các ngành công nghiệp mũi nhọn, chế biến ứng dụng công nghệ cao…

– Khu vực công nghiệp phía Đông Nam (dọc sông Văn Úc và tuyến cao tốc ven biển): giữ lại các khu công nghiệp Vinh Quang, Sao Mai – Tiên Lãng, Ngũ Phúc – Kiến Thụy, các cụm công nghiệp Tiên Lãng, Tân Trào, Chiến Thắng, An Thọ; bổ sung thêm Khu công nghiệp Tam Cường – Vĩnh Bảo, Khu công nghiệp sân bay Tiên Lãng. Ưu tiên phát triển công nghiệp đa ngành, cơ khí chế tạo các sản phẩm cơ khí siêu trường, siêu trọng, tàu thủy, công nghiệp hỗ trợ ngành hàng không, công nghiệp vật liệu mới, công nghệ IT, công nghệ sinh học…

8.2 Định hướng phân bố hệ thống dịch vụ thương mại:

Phát triển thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistic, hàng hải và vận tải biển lớn của Việt Nam; trung tâm tài chính, thương mại, giao dịch ngoại thương, xúc tiến thị trường và vận động đầu tư lớn của vùng Bắc bộ, cả nước; trung tâm giao dịch thông tin, bưu chính viễn thông và hội nghị quốc tế lớn.

Hệ thống dịch vụ thương mại có tổng diện tích khoảng 7.000 ha, tăng khoảng 6.100 ha so với quy hoạch kỳ trước, phát triển thêm các khu dịch vụ thương mại cấp vùng và khuyến khích các dịch vụ tư nhân tham gia lĩnh vực dịch vụ thương mại đa ngành như dọc theo tuyến đường Vành đai 2, Vành đai 3, tại các đô thị mới, các khu vực đầu mối giao thông chính. Cụ thể:

– Thiết lập hệ thống trung tâm thương mại, tài chính tổng hợp: Nâng cấp trung tâm tài chính – thương mại quốc tế và hội chợ triển lãm tại Dương Kinh, Lê Chân, Hồng Bàng. Xây dựng mới trung tâm giao thương quốc tế CBD (Hải An), trung tâm thương mại, tài chính gắn với dịch vụ cảng hàng không (Cát Bi, Tiên Lãng), ga đường sắt liên tỉnh (Dương Kinh), Đô thị mới Bắc sông Cấm (Thủy Nguyên), Đô thị mới phía Tây (An Dương).

– Mạng lưới logistics: Trung tâm logistics cấp Vùng bố trí tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ. Các trung tâm logistics cấp thành phố, gồm: Trung tâm logistics Lạch Huyện, Khu công nghiệp VSIP, Khu công nghiệp Tràng Duệ, thị trấn mới (dự kiến) Hùng Thắng (huyện Tiên Lãng) và các trung tâm logistics ở Tràng Cát, An Lão, An Dương.

– Hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, bán lẻ trong đô thị lõi trung tâm, các khu đô thị mới. Khu vực trung tâm thương mại đầu mối: Hình thành khu thương mại tự do tại Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Mạng lưới chợ đầu mối nông sản tổng hợp, chợ rau quả và chợ thủy hải sản cấp vùng ở Thủy Nguyên, An Lão, Tiên Lãng và Vĩnh Bảo.

8.3 Định hướng phân bố không gian du lịch:

Thành phố Hải Phòng là cửa ngõ về du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và vùng vịnh Bắc bộ với đảo Cát Bà và trung tâm đô thị mới ở Đồ Sơn sẽ là những tâm điểm du lịch mang tầm vóc quốc gia.

Đến năm 2025 lượng khách du lịch dự báo khoảng 20 triệu lượt khách (trong đó 2,7 triệu lượt khách quốc tế). Đến năm 2035 lượng khách du lịch dự báo khoảng 35 triệu lượt khách (trong đó 10 triệu lượt khách quốc tế).

Mở rộng không gian du lịch – dịch vụ Đồ Sơn từ 91ha theo quy hoạch kỳ trước lên thành 902ha, bảo đảm đủ quỹ đất để phát triển thành trung tâm du lịch với thể thao vui chơi giải trí, tín ngưỡng và tham dự các lễ hội vùng biển độc đáo như Lễ hội chọi trâu; du lịch nghỉ dưỡng thể thao dưới nước, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện…). Là điểm đầu mối, cơ sở hậu cần cho tuyến du lịch Đồ Sơn – Cát Bà – Hạ Long.

Phát triển Cát Bà, Long Châu, Bạch Long Vỹ với khoảng 900 ha đất dành cho phát triển du lịch dịch vụ kết hợp bảo vệ, giữ gìn hệ sinh thái. Khu vực này là trung tâm du lịch với biển và đảo, tham quan vịnh, vũng, hệ thống hang động, di chỉ khảo cổ; tìm hiểu các giá trị sinh thái, sinh học và cảnh quan ở Khu dự trữ sinh quyển; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch xe đạp địa hình Hải Phòng – Cát Bà bằng đường xuyên đảo.

Khu phố Pháp phát triển du lịch với di sản văn hóa và đặc trưng đô thị biển, dựa vào tài nguyên du lịch khu phố cũ, công trình kiến trúc thời Pháp và các di tích chùa Dư Hàng, đình Hàng Kênh, đền Nghè, cảnh quan Tam Bạc, công viên văn hóa trung tâm, Bến Bính…

Hình thành con đường di sản Cái Bèo – Bạch Đằng Giang – núi Voi – Khu di tích Trạng trình Nguyễn Bỉnh Kiêm – Khu tưởng niệm Nhà Mạc… Mở rộng khai thác khu du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Tiên Lãng. Du lịch văn hóa tâm linh Tràng Kênh, Cái Tráp, Đồ Sơn.

Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, sinh thái rừng và làng nghề gắn với bảo vệ phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử, di sản văn hóa, cảnh quan núi, sông, hồ, đầm, nông – lâm nghiệp.

Phát triển du lịch đường thủy trên các sông Cấm, Lạch Tray, Văn Úc, Bạch Đằng, Thái Bình, Giá. Xây dựng bến tàu thủy quốc tế ở đảo Cát Hải, phía Nam cảng Đình Vũ hoặc Đồ Sơn.

8.4 Định hướng phân bố chức năng phục vụ nông lâm ngư nghiệp:

Hình thành 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp quốc gia và 2 khu cấp thành phố; 42 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ.

Xây dựng 2 chợ đầu mối nông sản tổng hợp (Thủy Nguyên và An Lão) và 1 chợ đầu mối chuyên về rau hoa quả (Vĩnh Bảo), 2 chợ đầu mối thủy sản (Thủy Nguyên và Tiên Lãng).

Xây dựng mới trung tâm dịch vụ nghề cá ở Thủy Nguyên, Trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc ở Bạch Long Vỹ, Khu neo đậu tàu tránh bão vùng giáp bờ ở Cát Hải, vùng xa bờ ở Bạch Long Vỹ. Phát triển hệ thông giao thông nông thôn, hệ thống cảng cá, trung tâm nghiên cứu và đào tạo nghề liên quan đến nông nghiệp đô thị và thủy sản.

9. Định hướng phát triển hạ tầng xã hội:

Tổng đất công trình phục vụ công cộng phục vụ đô thị năm 2025 là 1.067ha, chỉ tiêu là 5,61m²/người; năm 2035 là 1.468ha, chỉ tiêu là 4,19m²/người (bảo đảm tiêu chí đô thị đặc biệt là 4-5m²/người). Tổng diện tích đất phát triển hạ tầng xã hội tăng 501ha (151%) so với quy hoạch kỳ trước.

9.1 Hành chính, chính trị:

Kế thừa định hướng di dời trụ sở cơ quan hành chính, chính trị thành phố từ trung tâm đô thị cũ sang đô thị mới Bắc sông Cấm, xây dựng theo mô hình trung tâm hành chính tập trung.

Nâng cấp và quy hoạch mới cơ quan hành chính chính trị cấp huyện

9.2 An ninh quốc phòng:

Kế thừa quân cảng Đồ Sơn, sân bay Kiến An. Xây dựng khu vực quốc phòng nhân dân trên các đảo Cát Hải, Cát Bà, Long Châu, Bạch Long Vỹ, Đồ Sơn, Tiên Lãng.

Bố trí quỹ đất để từng bước di dời các đơn vị quốc phòng từ trung tâm đô thị cũ và trong các khu vực phát triển đô thị mới ra các khu vực trọng yếu cần được bảo vệ; đi đôi với sắp xếp, nâng cấp, cải tạo chỉnh trang các khu đất an ninh quốc phòng hiện hữu theo quy hoạch chuyên ngành an ninh quốc phòng.

9.3 Định hướng phát triển hệ thống viện nghiên cứu và đào tạo, giáo dục:

Thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm giáo dục đại học của vùng Duyên hải Bắc bộ (năm 2025); trở thành trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ với các ngành nghề hàng hải, đại dương học, kinh tế biển (năm 2030); giáo dục và đào tạo là nền tảng căn bản phát triển nền kinh tế tri thức (năm 2035, tầm nhìn năm 2050).

Hệ thống viện nghiên cứu: Xây dựng mới trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) về công nghệ thông tin – phần mềm smart ở Dương Kinh; các trung tâm R&D nghiên cứu ứng dựng công nghệ cao ở các khu cụm công nghiệp. Đối với các cơ sở nghiên cứu hiện hữu, từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng để đáp ứng yêu cầu phát triển.

Mạng lưới đào tạo: Tiếp tục phát triển các trung tâm đào tạo cấp vùng ở Kiến An, Thủy Nguyên, Kiến Thụy – Dương Kinh theo quy hoạch kỳ trước. Quy hoạch mới trường đại học công nghệ ở Nam Đình Vũ, phát triển thành phố giáo dục tại Khu đô thị mới Bắc sông Cấm.

9.4 Định hướng phát triển hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng:

Xây dựng hệ thống y tế Hải Phòng hiện đại, hoàn chỉnh và hiệu quả, trở thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao khu vực phía Bắc, một trong những trung tâm y tế lớn của cả nước và dần tiến tới là một trung tâm y tế có uy tín ở khu vực và quốc tế.

Nâng cấp các cơ sở y tế hiện hữu như: Bệnh viện hữu nghị Việt- Tiệp cơ sở 2 (Bệnh viện đa khoa Hải Phòng); Trung tâm sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản), Bệnh viện đa khoa quận Hải An; Bệnh viện đa khoa các huyện Kiến Thụy, Tiên Lãng, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, Bệnh viện Lao và bệnh phổi (giai đoạn 2)… từng bước nâng cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Quy hoạch bổ sung bệnh viện đa khoa cấp huyện tại các huyện chưa có bệnh viện đa khoa. Quy hoạch mới một số bệnh viện đa khoa và chuyên khoa hiện đại, trình độ cao đạt đẳng cấp quốc tế.

Quy hoạch tổ hợp công trình y tế đa chức năng, chất lượng cao, phục vụ cấp vùng đạt tiêu chuẩn quốc tế tại khu vực An Dương, Tiên Lãng, Bắc sông Cấm quy mô từ 5-10ha/1 cơ sở.

9.5 Định hướng phát triển không gian văn hóa và di sản:

Phát triển thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm văn hóa vùng Duyên hải Bắc bộ, có hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa và du lịch đồng bộ, hiện đại. Cụ thể:

– Kế thừa quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa hiện hữu.

– Quy hoạch mới trung tâm văn hóa đa năng cấp vùng tại khu vực đô thị mới phía Bắc sông Cấm. Quảng trường văn hóa biển ở trung tâm CBD (Dương Kinh – Hải An). Hình thành các trung tâm văn hóa, nghệ thuật đương đại, bảo tàng đô thị cảng (quỹ đất chuyển đổi công nghiệp – cảng cũ trên sông Cấm). Phát triển trung tâm văn hóa công đồng trong các đô thị mới.

– Xây dựng mới Bảo tàng Mỹ thuật thành phố; Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hải dương học và Bảo tàng Xi măng.

– Tôn tạo khu vực di sản đô thị Pháp ở đô thị lõi trung tâm, di sản đô thị du lịch ở Đồ Sơn và Cát Bà. Khoanh vùng bảo vệ các di sản văn hóa, các công trình tôn giáo tín ngưỡng trong không gian định cư đô thị – nông thôn.

– Bảo tồn phát huy giá trị không gian văn hóa: Khu di tích núi Voi – Xuân Sơn (An Lão) gắn với các di chỉ thời kỳ tiền sử kim khí (văn minh Đông Sơn); Khoanh vùng để quản lý, lập quy hoạch bảo tồn các khu vực liên quan tới các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trên dòng sông Bạch Đằng; mở rộng Khu di tích quốc gia đặc biệt Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; Khu di tích địa điểm bến cảng cổ Tiên Lãng; Khu di chỉ Cái Bèo.

– Bảo tồn phát huy giá trị không gian tự nhiên Khu di tích cấp quốc gia đặc biệt Cát Bà: Vùng lõi, gồm 7 phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, 5 khu phục hồi sinh thái và phân khu hành chính dịch vụ. Vùng đệm, gồm 2 vùng đệm trong (xã Gia Luận và xã Việt Hải), vùng đệm ngoài (xã Phù Long, xã Trân Châu, xã Hiền Hòa, xã Xuân Đám, thị trấn Cát Bà).

9.6 Định hướng phát triển hệ thống công trình thể dục thể thao:

Kế thừa quy hoạch Khu liên hợp thể dục thể thao cấp vùng Duyên hải Bắc bộ ở khu vực Dương Kinh – Đồ Sơn. Chỉnh trang trung tâm thể dục thể thao Lạch Tray; các trung tâm thể dục thể thao cấp quận. Cải tạo và nâng cấp các cơ sở thể dục thể thao cũ trong thành phố; các sân golf ở Thủy Nguyên, An Lão, Đồ Sơn, Cát Bà; Khu huấn luyện và đua thuyền sông Giá tại Thủy Nguyên và Trung tâm bắn súng, bắn cung tại Khu Liên hợp Thể thao Hải Phòng; Trung tâm huấn luyện thể thao – du lịch biển và cứu hộ tại Vạn Ngang, quận Đồ Sơn

Quy hoạch mới Khu trung tâm giải trí Disneyland hoặc Disneysea; phát triển các trung tâm thể thao mới, như đua xe công thức 1 ở Đồ Sơn, phát triển khu thể thao mặt nước trên vịnh Hải Phòng hoặc biển Đồ Sơn. Các sân golf ở An Lão, Cát Hải, Hải An, Cát Bà. Bổ sung các công trình thể thao trong các khu đô thị mới, khu dân cư cũ và các trường học. Phát triển trung tâm thể dục thể thao phục vụ khu dân cư.

10. Định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

10.1 Giao thông:

Tổng diện tích đất quy hoạch giao thông năm 2025 là 6.700ha, trong đó đất giao thông trong khu vực đô thị tập trung khoảng 4.000ha, chỉ tiêu là 20m²/người; Năm 2035 là 11.000 – 12.000ha, trong đó đất giao thông trong khu vực đô thị tập trung khoảng 6.000ha, chỉ tiêu là 17m²/người, phù hợp với tiêu chí đô thị loại đặc biệt 15-17m²/người. Tăng khoảng 5.000ha so với quy hoạch kỳ trước.

Bổ sung đường cao tốc nối Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long, mở rộng khu bến Lạch Huyện về phía Tây công suất dự báo khoảng 110 triệu TEU (~ 1.320 triệu tấn), điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không quốc tế tại khu vực Tiên Lãng trong giai đoạn dài hạn (sau 2035). Quy hoạch đường sắt đô thị, không gian ngầm, đường trục nội đô nhằm kiểm soát chống ùn tắc giao thông, khoanh vùng hạn chế phương tiện cơ giới đi qua khu vực đô thị lõi trung tâm.

10.2 Cao độ nền:

– Khu vực phía trong đê: cao độ xây dựng ≥+2,30m;

– Khu vực phía ngoài đê sông, cầu cảng, các khu vực xây dựng mới trực tiếp ra biển: cao trình xây dựng ≥ 5,15m.

10.3 Thoát nước mặt:

Toàn thành phố chia làm 7 lưu vực thoát nước chính thoát về sông Cấm, sông Lạch Tray, sông Văn Úc, sông Thái Bình, sông Hóa và biển.

10.4 Cấp nước:

Sử dụng nguồn nước mặt từ sông Giá, sông Hòn Ngọc, sông Đa Độ, hệ thống An Kim Hải (sông Sái, sông Vật Cách, sông Rế), sông Chanh Dương.

10.5 Cấp điện:

Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1&2 (4×300 MW) công suất 1200 MW. Quy hoạch mới nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 3 công suất 1.200 MW, Nhà máy đốt rác phát điện công suất 40 MW, nâng tổng công suất toàn thành phố lên 2.440 MW.

10.6 Thoát nước thải:

Sử dụng hệ thống thoát nước riêng, xây dựng 21 trạm xử lý nước thải sinh hoạt và các trạm xử lý nước thải trong khu, cụm công nghiệp nhằm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn theo quy định mới được thoát ra môi trường.

10.7 Quản lý chất thải rắn:

– Điều chỉnh thời hạn hoạt động của khu xử lý Đình Vũ thêm 50 năm, khu xử lý Tràng Cát thêm 5 năm; bổ sung thêm chức năng cho các khu xử lý bằng phương pháp đốt rác, tái chế và thu hồi năng lượng.

– Bổ sung quy hoạch một số nhà máy xử lý theo phương pháp tái chế rác đã qua phân loại trong các khu cụm công nghiệp.

– Quy hoạch mới, nâng cấp mỗi đô thị cấp huyện xây dựng 1 khu xử lý chất thải rắn, quy mô khoảng từ 10-30ha.

10.8 Nghĩa trang:

Quy hoạch diện tích sử dụng đất nghĩa trang đến 2035 là 258ha, tỷ lệ các hình thức táng 30% hỏa táng cho các đô thị.

11. Đánh giá môi trường chiến lược:

Giảm thiểu ô nhiễm sẽ được cải thiện khi thành phố hình thành vành đai công nghiệp chung quanh thành phố; chuyển đổi loại hình công nghiệp cũ sang loại hình công nghiệp xanh, ứng dụng công nghiệp cao; xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại, thân thiện với môi trường. Hình thành mạng lưới không gian xanh phân bố đồng đều trên khắp địa bàn thành phố, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái biển đảo, rừng ngập mặn, hành lang sinh thái ven sông tăng sức chịu tải môi trường. Từng bước xây dựng hệ thống hạ tầng xanh đô thị, tách nước thải với nước mưa. Áp dụng công nghệ mới để xử lý nước thải và rác thải. Ứng dụng công nghệ 4.0 để giảm thiểu rủi ro trong quản lý đô thị. Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo các trong hoạt động của đô thị và nông thôn.

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Báo cáo tóm tắt về việc thông qua Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác