Tham gia hội nghị có đông đảo các nhà khoa học đầu ngành về khảo cổ học, địa chất đến từ trung ương như: Hội Khảo cổ học Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Viện Địa chất, Viện Tài nguyên và Môi trường, Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Đại học Khoa học xã hội và nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và các nhà khoa học về khảo cổ học trên địa bàn thành phố.
Hội nghị được tổ chức trên cơ sở kết quả khai quật và nghiên cứu sơ bộ về bãi cọc Đầm Thượng của đoàn nghiên cứu Viện Khảo cổ học phối hợp UBND huyện Thủy Nguyên, Bảo tàng Hải Phòng trong tháng 2 và tháng 5 vừa qua; khảo sát thực địa của các nhà khoa học tại bãi cọc Đầm Thượng chiều 13-6.
Theo báo cáo sơ bộ của đoàn nghiên cứu: Ngày 9-2-2020, gia đình ông Đào Văn Đến, ở thôn 11, xã Lại Xuân phát hiện 13 cọc gỗ dưới đáy ao trong quá trình thu hoạch cá. Ngày 12-2, Viện Khảo cổ học phối hợp UBND huyện Thủy Nguyên tiến hành khảo sát khu vực phát hiện cọc và cho rằng các cọc gỗ tại ao nhà ông Đến có giá trị trong việc nghiên cứu. Ngày 20-2-2020, Sở Văn hóa – Thể thao báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc cấp phép khai quật khẩn cấp bãi cọc khu vực Đầm Thượng.
Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy: Đặc điểm của các bãi cọc không phải cọc kiến trúc, không phải cọc đáy, cọc kè đê hay phục vụ các mục đích dân sinh khác. Bãi cọc nằm ở vị trí chiến lược, án ngữ phía sau nút thắt tạo ra bởi các núi đá trên sông Đá Bạc và các núi trên sông Kinh Thầy. Có thể thấy rõ tính chất quân sự của bãi cọc này. Sự có mặt của các cọc lớn, xen lẫn cọc nhỏ, được đóng rất chắc chắn xuống vùng đầm lầy ở phần giáp ngã ba sông, trong khi các cọc nhỏ hơn được đóng phía sau, trong phạm vi rất rộng cho thấy tính chất một trận địa vừa nhằm mục đích phòng thủ, ngăn chặn vừa nhằm tiêu diệt sinh lực địch.
Từ một số dấu hiệu ban đầu, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết bãi cọc Đầm Thượng là một trong các điểm đánh chặn và tiêu diệt đoàn thuyền chiến của quân Nguyên trên đường rút lui năm 1288.
Tại hội nghị, các nhà khoa học trao đổi, phân tích và đề nghị giả thuyết này cần tiếp tục được kiểm chứng qua việc mở rộng nghiên cứu khảo cổ học và các khoa học liên ngành (địa chất, địa mạo, cổ môi trường, lịch sử, tư liệu dân gian…), trong đó nghiên cứu chi tiết hơn các chứng tích khảo cổ học và kết quả phân tích các mẫu vật thu được trong tổng thể các di tích trên sông Bạch Đằng tại Hải Phòng và 2 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương để khẳng định chắc chắn hơn giá trị văn hóa, lịch sử của bãi cọc Đầm Thượng. Đồng thời, các nhà khoa học đề nghị mở rộng phạm vi nghiên cứu khảo cổ học tại một số di tích thuộc khu vực tổng Trúc Động xưa (nay là huyện Thủy Nguyên) và các khu vực lân cận ở tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương để xây dựng hồ sơ đầy đủ các di tích liên quan hoặc cùng loại ở khu vực này; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thực hiện các chương trình nghiên cứu chuyên sâu và nghiên cứu so sánh, nhằm làm rõ giá trị giả thiết đặt ra về chức năng, chủ nhân, niên đại của di tích và mối liên hệ với các di tích khác thuộc hệ thống Bạch Đằng Giang. Trên cơ sở đó sẽ đề nghị UBND thành phố Hải Phòng có phương án cụ thể bảo tồn, bảo quản di tích tiến tới lập hồ sơ công nhận di tích, đối với bãi cọc Đầm Thượng nói riêng và quần thể di tích gắn với trận chiến trên sông Bạch Đằng nói chung./.
Bùi Hương
Từ ngày 6-8/1, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ…
Virus (hMPV) lây qua đường hô hấp, qua giọt bắn, hắt hơi, sổ mũi hoặc…
Thực hiện Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 23/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về một…
Để bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án đầu tư xây dựng…
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay (8/1),…
Từ năm 2025 sẽ có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm:…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More