Món bánh mì trở nên phổ biến ở nước Úc nhờ vào nỗ lực không ngừng của nhiều thế hệ người gốc Việt.
Theo Đại sứ quán VN tại Canberra (Úc), có 350.000 người gốc Việt đang sinh sống trên khắp xứ sở chuột túi, từ thành phố lớn đến nông thôn. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá văn hóa và ẩm thực truyền thống ở Úc.
Một trong số đó là món bánh mì, trở nên phổ biến không chỉ trong cộng đồng người Việt mà cả dân bản xứ. “Bánh mì là món ăn đường phố phổ biến nhưng đang dần trở thành một đại sứ văn hóa. Ngày nay, khi nói đến bánh mì, đó là VN”, ông Lương Thanh Nghị, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt ở nước ngoài, chia sẻ với Thanh Niên.
“Thủ phủ” bánh mì
Trong thập niên 1980, thế hệ người Việt đầu tiên đã mang bánh mì đến Úc để bảo tồn ẩm thực truyền thống. Từ đó, bánh mì dần trở thành một phần trong lựa chọn bữa sáng hằng ngày của người dân bản xứ. Cụ thể, TP.Melbourne (bang Victoria) được xem là “thủ phủ” của bánh mì Việt tại xứ sở kangaroo với nhiều nhà hàng phục vụ món ăn đường phố này hơn bất kỳ nơi nào khác.
Dù chưa có số liệu cụ thể nhưng có hàng ngàn đánh giá tốt, hình ảnh cùng bài viết đánh giá cao về bánh mì Việt được đăng tải trên báo đài và mạng xã hội ở Úc. “Với giá từ 4 AUD (gần 63.000 đồng), bánh mì được bán với nhiều loại thịt khác nhau như thịt gà, heo quay hoặc bò nướng. Khách hàng Úc chuộng bánh mì thịt heo quay”, chị Nguyễn Huyền, chủ tiệm bánh Lee’s ở Melbourne, cho biết.
Hiện bánh mì vẫn là lựa chọn hàng đầu của thực khách. Tôi đã không từ bỏ vì bánh mì là một phần quan trọng trong tuổi thơ và vẻ đẹp ẩm thực Việt Nam
Ông Nguyễn Quốc Tế, chủ tiệm Lyndhurst ở Melbourne
Bánh mì không chỉ phổ biến ở các thành phố lớn mà cả những vùng xa xôi như bang Tây Úc. Lúc còn giữ chức Đại sứ VN tại Úc (2014 – 2017), ông Nghị từng đến thăm thị trấn hẻo lánh Newman (Tây Úc) và tìm thấy tiệm bánh Marrickville Pork Roll. “Tiệm bánh nhỏ luôn đông đúc vào giờ ăn trưa. Chủ nhân là một người Việt nói với tôi rằng bánh mì là lựa chọn hàng đầu ở đây. Tôi xúc động và tự hào vì ẩm thực Việt xuất hiện ở một vùng xa xôi như vậy”, ông Nghị chia sẻ.
Biểu tượng hợp tác Việt – Úc
Đến VN tham dự APEC hồi năm 2017, Thủ tướng Úc lúc đó Malcolm Turnbull đã thưởng thức bánh mì tại quán hàng rong ở TP. Đà Nẵng cùng đầu bếp gốc Việt Luke Nguyễn. Lúc bấy giờ, ông Turnbull nói với báo chí: “Tôi yêu hương vị tươi ngon của món ăn Việt. Người Úc thưởng thức món ăn Việt mỗi ngày và đây là một trong số nhiều đóng góp tích cực của hàng trăm ngàn người gốc Việt ở Úc”.
Là người đề xuất Thủ tướng Turnbull thưởng thức bánh mì, ông Nghị cho hay: “Bột mì là nguyên liệu chính để sản xuất bánh mì. Úc là quốc gia mà VN nhập khẩu nhiều bột mì nhất. Do đó, đây không đơn thuần là một món ăn bình dân mà còn là biểu tượng của sự hợp tác thương mại song phương.
Tuy nhiên, để bánh mì có được danh tiếng ngày nay, các thế hệ chủ tiệm bánh phải đối mặt nhiều thách thức, với một số cửa tiệm ở Melbourne phải đóng cửa. Chẳng hạn, bắt đầu bán bánh mì từ năm 1989, ông Nguyễn Quốc Tế, chủ tiệm Lyndhurst ở Melbourne, cho biết ông từng ngừng bán món ăn này vì doanh thu sụt giảm hồi đầu năm 2000.
“Vài năm sau đó, tôi quyết định bán lại bánh mì tại tiệm mới mở. Hiện bánh mì vẫn là lựa chọn hàng đầu của thực khách. Tôi đã không từ bỏ vì bánh mì là một phần quan trọng trong tuổi thơ và vẻ đẹp ẩm thực VN”, ông Nguyễn chia sẻ.
Tại quán Phố Café (Melbourne), thực khách có thể thưởng thức bánh mì que. “Bánh mì que là đặc sản ở quê tôi, TP. Hải Phòng. Ba năm trước, tôi quyết định bán thêm bánh mì que kẹp thịt để phục vụ đồng hương và bây giờ người Úc yêu thích nó”, bà Vũ Lê Phương, chủ quán Phố Café, nói. Mỗi ngày, ngoài cà phê truyền thống đậm chất Việt, bà Phương bán được hàng trăm ổ bánh mì que.