Du lịch

Bánh đa cua của Hải Phòng bất ngờ được cẩm nang ẩm thực đánh giá là món ngon nổi tiếng

Red noodle soup là tên gọi mà cẩm nang ẩm thực trực tuyến TasteAtlas (có trụ sở ở Croatia) vừa cập nhật cho món bánh đa cua nổi tiếng ở Hải Phòng. Trang ẩm thực trực tuyến này đánh giá bánh đa cua là 1 trong 8 món súp nổi tiếng nhất miền Bắc Việt Nam.

Bánh đa cua Hải Phòng, món ăn đầy màu sắc

Bát bánh đa cua Hải Phòng được giới thiệu trên cẩm nang ẩm thực trực tuyến.

Cụ thể trên trang này giới thiệu “Red noodle soup“, món ăn đầy màu sắc này là một đặc sản địa phương đến từ Hải Phòng. Nước dùng làm từ thịt lợn với nhiều loại nguyên liệu như thịt cua, rau sống, chả viên, giò lụa, chả lụa hoặc thịt xay gói lá lốt.

Các nguyên liệu có thể khác nhau, nhưng mỗi bát cần phải có một phần bánh đa sản xuất tại địa phương có màu đỏ nhạt đặc trưng. Ăn kèm thêm vài lát chanh, ớt cắt lát và rau thơm.

Khoan hãy vội bình phẩm về lời giới thiệu của họ với món bánh đa cua nếu bạn là người Hải Phòng hoặc đã quá quen thuộc với món ăn đừng đầu bảng danh sách mà đa số du khách nhất định ăn khi đi food tour ở thành phố Hải Phòng bởi vì còn rất nhiều người Việt Nam hiểu lầm về món bánh đa cua.

Sợi bánh đa đỏ là nét đặc trưng của món bánh đa cua Hải Phòng được làm từ bột gạo và tạo màu nâu đỏ từ đường mía hoặc bột gấc tùy theo công thức riêng nhưng không ít du khách từng hỏi có phải sợi bánh đa cua làm từ gạo và cua không, thế nên nếu TasteAtlas chưa chính xác trong việc giới thiệu nước dùng bánh đa cua làm từ thịt lợn cũng là chuyện dễ hiểu!

Không bánh đa cua, bất thành food tour Hải Phòng!

Hải Phòng có một số nơi chuyên sản xuất bánh đa cua như Dư Hàng Kênh, Hỗ… nhưng nhiều người thích kết cấu dai giòn của bánh đa cua Hỗ, chan nước dùng nóng rẫy ăn đến khi nguội, sợi bánh đa cũng không bị nhũn nát, đổi màu nhờ nhờ.

Còn nói về nước dùng thì chắc chắn phải từ cua đồng xay mới là chuẩn vị nước dùng truyền thống của bánh đa cua Hải Phòng. Ngày nay, ẩm thực trở nên phong phú và biến tấu thêm nhiều món ngon, lạ thì ngoài bánh đa cua đồng còn có bánh đa cua bể, bánh đa bề bề, bánh đa hải sản thập cẩm…

Chả lá lốt và tôm là nhân phổ biến trong bát bánh đa cua Hải Phòng.

Với người chưa từng ăn món bánh đa cua Hải Phòng, cứ hình dung thế này: Những sợi bánh đa có màu đỏ hoặc trắng thường được chần sơ vì loại bánh này đã được hấp chín trước khi phơi, nhân đi kèm là miếng gạch cua đồng chuẩn, một vài miếng chả lá lốt rán, viên chả thịt, mấy con tôm đã được bóc vỏ xào thơm…

Gia vị không thể thiếu là chút hành khô vàng phi giòn thơm, một ít tóp mỡ giòn ngậy, ít nước màu làm từ gạch chưng với mỡ phần.

Rau thơm thường là hành lá, mùi tàu và cả mùi ta tùy theo quán, còn có các loại rau theo mùa như rau muống, rau rút, rau cải, rau cúc, rau cần…

Một hàng bánh đa cua được cộng đồng mạng ưa thích. Ảnh minh họa.

Rồi sau đó, người bán hàng sẽ chan thứ nước dùng quyết định bát canh bánh đa cua ngon tới mức nào, nước dùng có chút màu vàng nhạt nhè nhẹ của nước cua đồng đã được xay, lọc kỹ đun lên và nêm nếm vừa miệng. Khi ăn nhất định nên thêm một chút chí chương, món tương ớt có phần đặc trưng khác của Hải Phòng.

Nồi nước cua đồng, “linh hồn” của bát bánh đa cua Hải Phòng.

Đó là sơ qua về bát bánh đa cua hay bát “phở đỏ” mà TasteAtlas giới thiệu, thực tế một món ăn sẽ có những nét khác biệt đôi chút tùy thuộc người chế biến, tùy quán ăn, những biến tấu này dần dà được phổ biến trở thành công thức chung. Nhưng chắc chắn không nhiều người được nếm thử món bánh đa cua nồi đất của Hải Phòng. Món ăn không cầu kỳ như bát bánh đa cua ngày nay nhưng là một món ngon trong ký ức xa xưa của nhiều người dân đất Cảng.

Bánh đa cua rau cần.

Là một thành phố Cảng nhộn nhịp, Hải Phòng là thành phố của những người công nhân lao động, người dân buôn bán, giờ tan tầm vội vã hay trước giờ vào ca thường bắt gặp hình ảnh những hàng quán đơn sơ trước cổng nhà máy, xí nghiệp, trong đó có quán bánh đa cua nồi đất với những chiếc ghế đẩu, chiếc chõng tre. Nồi ủ bánh đa là chiếc nồi đất được đặt trong một chiếc rổ, rá to và quấn những lớp quần áo cũ, ruột chăn bông cũ… xung quanh nồi để giữ nhiệt. Món bánh đa nồi đất lúc đó không có nhiều “topping” như bây giờ mà chỉ có nước dùng cua, gạch cua chưng tóp mỡ lấy màu, thêm rau xanh, hành lá. Sau này, khi nồi nhôm phổ biến hơn thì chiếc nồi đất bị thay thế dần nhưng vẫn có tên gọi là bánh đa cua nồi đất.

Người mê ẩm thực, mê bánh đa cua có thể nói nhiều hơn nữa về món bánh đa cua đặc trưng, ngon miệng, ngon mắt, nhiều dinh dưỡng của Hải Phòng nhưng bài viết này chỉ xin giới thiệu đôi chút để bạn đọc và du khách khám phá, cảm nhận vì nhiều người từng nói đến Hải Phòng mà không ăn bánh đa cua thì bất thành chuyến food tour trọn vẹn!

Hoàng Nam

Tin khác

Thông tin về vụ cháy tại KCN Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương

Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…

24/11/2024

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More