‘Dự kiến đề án điều chỉnh tăng mức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long từ tháng 1-2020’ vừa được đưa ra với mức tăng cao nhất, 73%, so với hiện tại, khiến nhiều doanh nghiệp du lịch bức xúc, bàng hoàng.
Ngày 22-10, Ban quản lý vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) gửi doanh nghiệp văn bản dự thảo đề án điều chỉnh tăng mức thu phí tham quan vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và dự kiến mức tăng thu phí. Theo đó, doanh nghiệp có 3 ngày để phản hồi.
Lý giải việc tăng giá này, Ban quản lý vịnh Hạ Long cho rằng đây là giải pháp phân tải khách du lịch tại các tuyến, điểm du lịch đảm bảo phù hợp khả năng tiếp nhận, góp phần bảo vệ bền vững môi trường vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng mức tăng như đề xuất là quá cao và thời hạn áp dụng ngắn là không hợp lý.
Mức phí lưu trú đêm tăng nhiều nhất
Theo dự thảo, mức phí phí được đề xuất tăng 20-73% (tùy tuyến) so với mức đang áp dụng.
Theo đó, tham quan ban ngày của 5 tuyến (từ Cảng Tàu đi công viên Vạn Cảnh, công viên các hang động, Trung tâm văn hóa biển, Trung tâm giải trí biển và bến Gia Luận) tăng giá 20-25% lên 250.000 – 300.000 đồng/khách/lần.
Trong khi đó, tham quan và lưu trú đêm được đề xuất tăng phí mạnh. Theo đó, tuyến 2 và lưu trú 1 đêm từ mức 550.000 đồng/lần/người hiện nay sẽ tăng lên 950.000 đồng (tăng 73%), tham quan tuyến 2 và lưu trú 2 đêm từ 750.000 tăng lên 1.200.000 đồng.
Tương tự, tuyến 3 và tuyến 4 được điều chỉnh từ 500.000 đồng và 650.000 đồng tăng lên 800.000 đồng và 1050.000 đồng/lần/người (tăng 60 – 62%). Trường hợp tham quan từ 2 ngày 1 đêm và 3 ngày 2 đêm tại các tuyến, mức thu dự kiến 1.400.000 – 1.700.000 đồng/lần/người tùy tuyến.
Không thể góp ý kịp
“Ngày 22-10 ra văn bản kiến nghị tăng mức thu phí nhưng nhiều công ty kinh doanh tại vịnh Hạ Long đến ngày 24-10 mới tiếp cận. Chưa kể nhiều doanh nghiệp khác ở xa hơn không biết và không kịp góp ý với thời hạn chốt chỉ đến ngày 25-10“, đại diện một doanh nghiệp nhận định.
Đã báo giá tour hết năm, công ty du lịch bức xúc
Theo đại diện một đơn vị, hiện các công ty lữ hành đã báo giá tour hết năm 2021 nhưng thời hạn tăng giá (nếu được thông qua) chỉ có 3 tháng thì xem như doanh nghiệp thiệt hại nặng.
Đồng quan điểm đó, ông Từ Quý Thành – giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang (TP.HCM) – cho biết khách châu Âu được nhiều đơn vị ký kết giá tour trước cả năm. Do đó, việc thay đổi giá là điều tối kỵ.
“Thế giới không ai làm vậy, họ có lộ trình để quản lý, phát triển bài bản. Theo đó, mọi thay đổi về giá thường có thời hạn ít nhất 6 tháng hoặc 1 năm sau“, ông Thành nhấn mạnh.
Đại diện một đơn vị lữ hành cho rằng giá bán tour hiện dựa vào cơ cấu giá hiện có, trong đó mức lợi nhuận cho khách du lịch trong nước vốn đã rất ít ỏi. Do đó, việc tăng giá bất chợt sẽ gây hệ quả dây chuyền.
Ngoài ra, việc tăng giá phí lấy lý do giảm tải khách đến vịnh Hạ Long nhằm góp phần bền vững môi trường là không rõ ràng.
“Dựa vào cơ sở nào đơn vị quản lý đưa ra mức giá này. Trường hợp được chấp nhận thì lấy gì đảm bảo môi trường vịnh Hạ Long bền vững, du khách có không gian tốt hơn khi trả nhiều tiền, và ai quản lý đo đếm chuyện này“, vị này ý kiến.
Cần cân nhắc việc tăng giá lưu trú đêm
Việc thu hút du khách ở đêm vô cùng cần thiết và cần làm mọi cách để tạo sự thu hút để du khách để lại, nếu chỉ dựa vào việc tăng phí để tối ưu lợi ích khai thác trên số khách hiện có thì đây là việc cần phải cân nhắc.
“Khách Việt Nam có dám bán 2 tạ lúa chỉ để đủ tiền mua vé Vịnh Hạ Long không?” – một tài khoản đặt câu hỏi khi thấy mức giá mới được đề xuất.
Nguyễn Trí