Chiều 29/5, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương kiểm tra, khảo sát tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tại Hải Phòng.
Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Đào Khánh Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố.
Thời gian qua, một trong những chủ trương lớn của Thành ủy Hải Phòng được tích cực triển khai, mang lại hiệu quả rõ nét là “Đầu tư cho an sinh xã hội phải đi trước so với tốc độ phát triển kinh tế”; cụ thể hóa bằng nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên trong phân bổ nguồn lực cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, văn hoá, xã hội, xây dựng nông thôn mới… Các chính sách về an sinh xã hội trong những năm vừa qua đã góp phần quan trọng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân, là nền tảng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội thành phố.
HĐND thành phố ban hành nhiều Nghị quyết về an sinh xã hội, đặc biệt là Nghị quyết về nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho các đối tượng chính sách, gấp 1,4 lần quy định của Chính phủ; Nghị quyết về cơ chế cấp gạch, xi măng, hỗ trợ tiền để xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các gia đình chính sách. Trong những năm qua, đã có 17.595 hộ gia đình thương binh liệt sĩ, người có công, hộ nghèo được hưởng thụ chính sách này với tổng kinh phí 462 tỷ đồng, có 77.809 người được hưởng mức chuẩn trợ giúp xã hội với tổng kinh phí 478,317 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm, từ 3,86% năm 2015 xuống còn 0,22% năm 2020. Năm 2021, địa bàn thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2022-2025 là 1,40%; năm 2022 còn 0,90%; năm 2023 là 0.32% giảm 0.46% so với năm 2022 .Thành phố dự chi hơn 400 tỷ đồng ngân sách địa phương để thực hiện việc hỗ trợ 100% học phí cho học sinh các cấp; áp dụng mức thưởng cao cho học sinh và giáo viên có học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế và các vận động viên có giải cao quốc gia, quốc tế…
Phát biểu tại cuộc làm việc, đại diện Đoàn công tác ghi nhận, Hải Phòng thành phố có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết số 33, trong đó, có một số chủ trương, quyết sách đột phá, mang dấu ấn riêng. Có cơ chế, chính sách đầu tư cho bảo tồn, phát huy các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể trên địa bàn thành phố; coi trọng nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hoá, con người, có cơ chế chính sách phù hợp để đầu tư, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ, nhân dân tích cực tham gia sáng tạo, cống hiến tài năng, trí tuệ.
Đồng chí Đào Khánh Hà, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy nhấn mạnh, thành phố đã cụ thể hoá các mục tiêu, giải pháp về việc xây dựng, phát triển văn hoá, con người Hải Phòng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, thành phố. Đồng thời luôn xác định văn hoá là nền tảng tinh thần xã hội, là động lực phát triển bền vững, góp phần xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa và khẳng định vai trò động lực phát triển đất nước./.
Phương Mai, Ảnh: Đàm Thanh