Ngày 13-6, tại Hải Phòng, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị góp ý vào dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định 219- QĐ/ TƯ của Ban Bí thư về “chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy”; Quyết định 184 của Ban Bí thư về “chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” và Hướng dẫn 23 của Ban Tổ chức Trung ương về chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy của ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố”. Các đồng chí: Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, đồng chủ trì hội nghị.
Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố phát biểu chào mừng Hội nghị. Ảnh: Duy Thính
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; lãnh đạo Ban Tổ chức tỉnh ủy, thành ủy 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực miền Bắc và các đồng chí Tổ Biên tập xây dựng Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; lãnh đạo, công chức một số vụ, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương.
Phát biểu chào mừng hội nghị, đồng chí Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố thông tin tới các đại biểu kết quả phát triển kinh tế- xã hội 2,5 năm qua và kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết số 18 và 19 của Trung ương của thành phố Hải Phòng, khẳng định: sau hơn 6 tháng triển khai, việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ và Nghị quyết số 19-NQ/TƯ có kết quả bước đầu quan trọng như: bố trí đồng chí trưởng ban tuyên giáo kiêm giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị tại các quận, huyện; bố trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND tại 5 xã, phường, thị trấn và huyện Bạch Long Vỹ; 2 huyện bố trí trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch Ủy ban MTTQ; thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư với tỷ lệ chi thường xuyên 40%, chi đầu tư 60%; đã giảm 16 phòng chuyên môn thuộc sở, giảm 1 chi cục; tại 21 chi cục giảm 3 phòng chuyên môn thuộc chi cục…Trong quá trình thực hiện hai nghị quyết này, Hải Phòng cũng có những khó khăn nhất định. Do vậy, việc Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị góp ý vào các dự thảo quy định về công tác tổ chức, tinh gọn bộ máy của các cơ quan Đảng tại Hải Phòng hết sức có ý nghĩa, tạo điều kiện để các địa phương cùng trao đổi kinh nghiệm trong quá trình thực hiện và nêu những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần trung ương tháo gỡ.
Tại hội nghị, từ thực tiễn địa phương, các đại biểu tham gia ý kiến cụ thể, thiết thực vào dự thảo bổ sung, sửa đổi Quy định 219 và Quyết định 184 của Ban Bí thư và dự thảo Hướng dẫn số 23 của Ban Tổ chức Trung ương.
Đối với việc bổ sung Quy định 219, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào bổ sung, chức năng, nhiệm vụ Ban Tổ chức tỉnh ủy, thành ủy; bổ sung chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy; góp ý về chức năng, nhiệm vụ bộ máy của Ban Tuyên giáo, Ủy ban Kiểm tra, Ban Dân vận, Ban Nội chính thành ủy, tỉnh ủy; cho ý kiến về số lượng cấp phó các ban tham mưu; về số lượng đầu mối trực thuộc… Đại diện Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng và Ban Tổ chức Thành ủy Hải Phòng đề nghị Trung ương quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các Ban Tổ chức, Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo và Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy; từ chức năng nhiệm vụ mới thiết kế bộ máy, tổ chức bên trong phù hợp. Việc tổ chức cơ cấu, số lượng cán bộ phải bảo đảm để thực hiện tốt nhiệm vụ, với mục tiêu là tinh giản toàn bộ hệ thống chính trị nhưng có thể tăng giảm cục bộ cho phù hợp. Việc bố trí số lượng phòng, biên chế các cơ quan tham mưu do Ban Bí thư quyết định khung thống nhất trên toàn bộ hệ thống và có tính đến vấn đề đặc thù để tránh tạo cơ chế xin- cho khi giao quyền chủ động về biên chế cho các tỉnh ủy, thành ủy. Việc sửa đổi, bổ sung Quy định 219 của Ban Bí thư phải liên kết với đề án vị trí việc làm và thống nhất với khung biên chế của Chính phủ và các cơ quan nhà nước.
Về bộ máy của các Ban xây dựng Đảng, các đại biểu thống nhất phương án do Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quyết định căn cứ quy định khung của trung ương và tình hình thực tế địa phương. Về số lượng đầu mối trực thuộc, các đại biểu đề xuất ít nhất có 5 người thì thành lập một phòng thay vì 7 người như dự thảo của trung ương, đồng thời đề nghị Trung ương quy định rõ khung số phòng cụ thể đối với từng Ban xây dựng Đảng. Đối với việc bố trí số lượng cấp phó, các đại biểu đề xuất ở mức trung bình không quá 3 người, không nên ở mức bình quân không quá 2,5 phó trưởng ban ở mỗi Ban; việc giảm đầu mối cấp phó của các ban tham mưu giúp việc tỉnh ủy, thành ủy cần có lộ trình thực hiện thống nhất, hiệu quả cao, không nên mỗi nơi thực hiện một kiểu.
Đối với dự thảo bổ sung, sửa đổi Quyết định 184 của Ban Bí thư, các đại biểu trao đổi làm rõ về vị trí, chức năng, bộ máy của Trường Chính trị tỉnh ủy, thành ủy; về con dấu, thể thức văn bản, giá trị văn bằng. Đại diện Ban Tổ chức các tỉnh ủy Sơn La, Cao Bằng, Thái Nguyên đề xuất thêm chức năng, nhiệm vụ của trường chính trị; việc xác định số lượng khoa, phòng của các trường nên phù hợp với tình hình thực tế thay vì chốt chặt là để 3 khoa, 2 phòng. Các đại biểu thống nhất biên chế của Trường Chính trị tỉnh, thành phố do Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy xem xét, quyết định cụ thể trên cơ sở đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt và không cao hơn quy định khung; Trường chính trị tỉnh, thành phố cần sử dụng thống nhất con dấu của cơ quan, tổ chức Đảng…
Về dự thảo Hướng dẫn số 23 của Ban Tổ chức Trung ương, các đại biểu cho rằng việc bố trí trưởng ban và phó ban thường trực của Ban chăm sóc sức khỏe cán bộ đều là trưởng Ban Tổ chức và phó trưởng Ban Tổ chức thành ủy, tỉnh ủy kiêm nhiệm là không phù hợp, việc không có cán bộ chuyên trách sẽ khiến công tác này gặp khó khăn. Việc đặt trụ sở Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tại Ban Tổ chức tỉnh ủy, thành ủy là không phù hợp, nên để tại bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế- xã hội thành phố trong 2,5 năm qua và kết quả bước đầu thực hiện các nghị quyết 18, 19. Ghi nhận các ý kiến sâu sắc, đầy đủ, sát thực tiễn của các đại biểu, đồng chí đề nghị, Ban tổ chức các tỉnh ủy, thành ủy có góp ý bằng văn bản, thông qua Thường trực thành ủy, tỉnh ủy để gửi về Ban Tổ chức Trung ương. Trên cơ sở đó, Tổ Biên tập xây dựng Đề án tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện Dự thảo báo cáo và Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy định 219-QĐ/TƯ, Quyết định 184-QĐ/TƯ của Ban Bí thư; Hướng dẫn 23-HD/BTCTƯ của Ban Tổ chức Trung ương.
Báo Hải Phòng 13/06/2018