Print Thứ Bảy, 26/01/2019 21:21

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 30/10, đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy nghe báo cáo, cho ý kiến về một số đề án trình Kỳ họp thứ 8 HĐND thành phố khóa XV.

Cho ý kiến về Đề án đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hải Phòng

Theo Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, tại Kỳ họp này, UBND thành phố trình HĐND thành phố xem xét đặt tên 4 đường, 16 phố và 8 công trình công cộng trên địa bàn thành phố. Trong đó, đặt tên 12 đường, phố, công trình công cộng là tên địa danh; 13 đường, phố, công trình công cộng là tên danh nhân; 2 đường, phố, công trình công cộng là tên di tích lịch sử – văn hóa; 1 công trình công cộng là tên sự kiện lịch sử. Việc đặt tên đường, phố và công trình công cộng nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa – xã hội, thông tin liên lạc; đồng thời góp phần quảng bá, giới thiệu với du khách và nhân dân thành phố về truyền thống quê hương, đất nước, lịch sử – văn hóa dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, lòng tự hào về thành phố và đất nước, tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết trong nhân dân.

Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy đánh giá cao đề án ngân hàng tên do Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu xây dựng, cơ bản tán thành với một số phương án đặt tên đường được trình tại đề án, nêu quan điểm: đối với một số tên đường, tên phố, tên công trình… cần cân nhắc đặt tên sao cho tương xứng với tầm vóc, ảnh hưởng, vị thế, nơi phát tích của các nhân vật lịch sử, phù hợp với những đóng góp đặc biệt của danh nhân đối với sự phát triển đất nước và địa phương. Các ý kiến cũng cho rằng cần phân nhóm tên đất, tên người, tên sự kiện gắn liền với các phong trào cách mạng, sự kiện lịch sử, chiến thắng chống xâm lược tiêu biểu và có tiêu chí cụ thể để phục vụ đặt tên.

Đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Thành phát biểu tại cuộc họp

Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành ghi nhận và đánh giá cao công tác xây dựng đề án ngân hàng tên của Sở Văn hóa và Thể thao, tuy nhiên, việc đặt tên như thế nào cho phù hợp với các yếu tố văn hóa, lịch sử, cho đúng với tên đất, tên người, tên địa danh… cần phải có nguyên tắc cụ thể. Đề án ngân hàng tên tuy phong phú, nhưng chưa xây dựng được hệ thống tiêu chí để sắp xếp, phân loại và sử dụng cho phù hợp với các yếu tố văn hóa lịch sử. Đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục nghiên cứu, đưa ra những nguyên tắc ưu tiên, phân nhóm cụ thể, bảo đảm có sự tương xứng giữa tầm vóc của danh nhân với quy mô của đường phố, công trình và được nhân dân chấp nhận.

Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng đề nghị rà soát cụ thể số lượng cây cầu, con đường và các công trình công cộng chưa được đặt tên, chưa có tên chính xác hoặc tên do các đơn vị tư vấn tạm đặt, nếu tên đã quen thuộc và được nhân dân chấp nhận thì giữ nguyên, còn tên đặt tạm, tên chưa phù hợp hoặc chưa thống nhất thì tiến hành thay đổi, trên nguyên tắc: công trình cấp thành phố thì ưu tiên đặt tên theo những danh nhân có công đức lớn, đường nhỏ và công trình nhỏ thì đặt theo địa danh, tránh những cách gọi chung chung, trùng lặp.

Đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, việc đặt tên đường phố và các công trình công cộng là vấn đề văn hóa, gắn liền với đời sống xã hội và tồn tại lâu dài, cần thực hiện thận trọng, chính xác. Thống nhất cao với đề án đặt tên đường phố do Ban Cán sự Đảng UBND trình, Ban Thường vụ Thành ủy cũng nhất trí dành thời gian nghiên cứu và xem xét quyết định sau đối với một số tên đường như đường Bạch Thái Bưởi và đường Cao Văn Nhiêu ở quận Hải An, đường Nguyễn Quang Khuê ở quận Đồ Sơn, Phố Cát Bà ở thị trấn Cát Bà, cầu Điện Biên, cầu Tam Bạc, Công viên Tam Bạc và công viên Dương Kinh.

Cho ý kiến về Quyết định cơ chế, chính sách hỗ trợ xi măng và gạch để xây, sửa chữa nhà ở đối với một số đối tượng (gia đình) người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở

Theo Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, đến nay, số lượng đối tượng người có công trên địa bàn thành phố có nhu cầu hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở còn lớn khoảng trên 7 nghìn hộ, rất cần sự hỗ trợ của thành phố và các tổ chức kinh tế xã hội. Vì vậy, mục tiêu của cơ chế đảm bảo 100% hộ gia đình người có công với cách mạng theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg có nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà ở đều thực hiện được việc xây mới, sửa chữa nhà ở sau khi nhận được hỗ trợ vật liệu xây dựng của thành phố, góp phần thực hiện chủ trương đi trước một bước trong chăm lo đời sống người có công. Theo nội dung cơ chế, ngân sách thành phố hỗ trợ bằng hiện vật gồm xi măng, gạch chỉ để xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ gia đình người có công và thân nhân người có công thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ người có công về nhà ở, chưa xây mới hoặc sửa chữa nhà ở.

Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phát biểu tại cuộc họp


Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất với chủ trương, chính sách này, việc xây dựng cơ chế nhằm tạo điều kiện cho hộ gia đình người có công trên địa bàn thành phố nâng cao khả năng thực hiện việc cải thiện điều kiện nhà ở, góp phần giúp người có công với cách mạng nâng cao đời sống một cách thiết thực, hiệu quả. Đồng chí Bí thư Thành ủy đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND thành phố và các sở, ngành liên quan tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, trong Quyết định cần làm rõ hơn về đối tượng được áp dụng, cơ chế chính sách, việc giám sát thực hiện, phương thức thực hiện và phương thức thanh toán.

Cho ý kiến về việc thông qua danh mục các dự án đầu tư có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; danh mục các dự án đầu tư phải thu hồi đất; mức vốn ngân sách nhà nước dự kiến cấp cho việc bồi thường, GPMB trên địa bàn thành phố năm 2019; danh mục các khu đất sử dụng để đối ứng thực hiện các dự án BT trên địa bàn thành phố

Theo Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, hiện có 243 dự án, công trình có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trên địa bàn thành phố năm 2019 theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai; có 320 dự án, công trình phải thu hồi đất theo quy định tại Khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013; danh mục các khu đất để đối ứng thực hiện các dự án BT trên địa bàn thành phố gồm 27 vị trí.

Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND thành phố và các sở, ngành liên quan chuẩn bị lại, cần rà soát kỹ các dự án vi phạm pháp luật không đưa vào danh mục này.

Cho ý kiến về Quyết định nội dung chi, mức chi phục vụ hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội

Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp đã triển khai thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, nội dung và định mức chi, nguồn kinh phí thực hiện giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn thành phố không thống nhất. Do đó, nhằm đảm bảo cho công tác quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn thành phố có hiệu quả, việc ban hành Nghị quyết quy định mức thanh toán kinh phí phục vụ hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn thành phố là rất cần thiết.

Nguồn kinh phí phục vụ hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp do ngân sách nhà nước bảo đảm, được bố trí theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành. Mức chi bảo đảm kinh phí phục vụ hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp trên địa bàn thành phố Hải Phòng theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành của Nhà nước. Nghị quyết này quy định một số mức chi cụ thể như: Hội nghị đối thoại, tọa đàm, hội thảo; chi thuê chuyên gia thẩm định, chuyên gia tư vấn độc lập; chi bồi dưỡng thành viên tham gia đoàn giám sát, phản biện xã hội ngoài chế độ thanh toán công tác phí theo quy định; chi xây dựng báo cáo kết quả giám sát, phản biện xã hội, văn bản kiến nghị.

Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất cao thông qua chủ trương ban hành mức thanh toán kinh phí phục vụ hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội.

LHT – haiphong.gov.vn 30/10/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Ban Thường vụ Thành ủy nghe báo cáo, cho ý kiến về một số đề án trình Kỳ họp thứ 8 HĐND thành phố khóa XV
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác