Print Thứ Năm, 21/11/2019 11:19 Gốc

Thời gian gần đây, trong dư luận xã hội cũng như tại nghị trường Quốc hội, vấn đề hàng thương hiệu Việt được nhắc đến khá nhiều. Nhất là từ khi một số vụ việc liên quan đến những doanh nghiệp nổi tiếng, bị phanh phui là nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, gắn tem nhãn Việt để “câu” người tiêu dùng.

Một số sản phẩm công nghiệp do các doanh nghiệp Hải Phòng sản xuất..

Đâu là hàng Việt?

Được biết hiện ngành Công thương đang triển khai lấy ý kiến Bộ Công Thương lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhóm định nghĩa này chủ yếu nhằm thể thức hóa cho hàng Việt khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, phục vụ công cuộc hội nhập trong điều kiện Việt Nam là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do.

Còn nhìn từ góc độ thị trường, nhất là thị trường nội địa, đến nay vẫn còn điều khiến nhiều người băn khoăn, đó là chưa có một văn bản hoặc công trình nghiên cứu nào chỉ rõ: Đâu là hàng Việt? Theo lẽ thông thường, hàng Việt được hiểu là sản phẩm sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam, nghĩa là bao gồm cả gia công, chuyển giao công nghệ, ly-xăng thương hiệu, liên doanh liên kết, đầu tư 100% vốn nước ngoài…

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, hàng Việt phải là sản phẩm sáng chế, sáng tạo do người Việt tự nghiên cứu phát triển, sử dụng nguyên liệu Việt, sản xuất trên dây chuyền công nghệ Việt, tóm lại là sản phẩm thuần tuý của Việt Nam?

Có thể hai cách nhìn nhận trên chưa đi đến thống nhất bởi ảnh hưởng của nền kinh tế bao cấp vẫn là di chứng đè nặng lên tư duy sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng hiện nay. Còn nhớ cách đây vài năm, các phương tiện thông tin đại chúng rùm beng chuyện, một khách hàng khởi kiện hãng Philip vì mua nồi cơm điện của hãng này, bên trong lại là những linh kiện sản xuất tại Trung Quốc?

Dư luận cũng được một phen xôn xao, khi biết thương hiệu xe máy nổi tiếng nhất đến từ Nhật Bản lại nhập khẩu khung từ Trung Quốc về? Ở Hải Phòng, cũng đã xảy ra những vụ tương tự, chẳng hạn là việc người dân rủ nhau không đóng tiền điện vì cho rằng, đơn vị cung cấp điện đã lắp đặt đồng hồ “Made in Việt Nam”, nhưng ruột cũng từ… Trung Quốc.

Thực tế trong nền kinh tế hội nhập, hoạt động của các hãng sản xuất lớn đều trên cơ sở đa quốc gia, vì vậy sản phẩm đều được cấu thành bởi những chi tiết không phải của riêng nhà sở hữu thương hiệu thành phẩm. Việc phân công sản xuất sẽ phát huy ưu thế vượt trội về công nghệ và nhân công, mặt khác sẽ góp phần thúc đẩy công nghiệp phụ trợ để khai thác vai trò chuyên môn hóa, tiết kiệm vốn đầu tư và giản tiện chi phí.

Cũng vì tranh thủ những thuận lợi đó mà nhiều hãng sở hữu thương hiệu mạnh mới đầu tư sản xuất hàng hóa ngay tại thị trường tiêu thụ, và điều này xuất hiện ngày càng nhiều ở Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung. Nên thật khó khi nói rằng những thương hiệu nổi tiếng như Bridgestone sản xuất ở KCN Đình Vũ hay máy giặt LG chế tạo tại KCN Tràng Duệ không phải là hàng Việt?

Ở một khía cạnh khác, nếu nói về thương hiệu đăng ký tại Việt Nam, thì thị trường trong nước hiện cũng xuất hiện một số lượng khổng lồ các sản phẩm mang tên Việt, nhưng thực tế là linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài. Vậy hàng thuần Việt của ta có gì? điều phải thừa nhận là nhóm sản phẩm này của Việt Nam còn quá đơn điệu, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng và cạnh tranh trên thị trường.

Ví dụ cùng là chiếc chiếu làm từ nguyên liệu truyền thống, ở ta những thương hiệu nổi tiếng như Nga Sơn (Thanh Hóa), Đậu (Thái Bình) hay Lật Dương (Hải Phòng) dường như nghìn năm nay vẫn thế, trong khi nước láng giềng họ có hàng trăm sản phẩm khác nhau bán ở nước ta.

Sản phẩm ô tô của Công ty Chiến Thắng (Hải Phòng)

Cần rõ một quy chuẩn

Cách đây 10 năm, một cuộc vận động lớn mang tên “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được phát động. Tuy nhiên những kiến thức mông lung về hàng Việt vẫn hiện hữu, điều đáng lưu tâm là nếu không xác định rõ khái niệm thì hàng Việt dễ bị đánh đồng, và chính sách ưu tiên hàng nội sẽ tạo cơ hội phát triển những sản phẩm trá hình.

Sự ngộ nhận của người tiêu dùng cộng với những bất cập trong chính sách quản lý sẽ không cải thiện được tình hình mà có thể dẫn đến tình trạng “mất cả chì lẫn chài” ngay trên sân nhà.

Vấn đề mấu chốt ở đây, mà cũng là mục tiêu phấn đấu của cuộc vận động chính là: Người Việt dùng hàng Việt để nâng cao hiệu quả tiêu dùng, thực hành tiết kiệm, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước… Phải nhìn nhận rằng, trong thời gian khá dài một bộ phận người Việt mắc căn bệnh sùng hàng ngoại, nhưng nhìn từ góc độ hiệu quả thiết thực, cũng không thể thuyết phục họ mua một sản phẩm nội có giá ngang hoặc cao hơn hàng ngoại mà lại yếu hơn toàn diện về tiêu chuẩn.

Vẫn biết trong một thị trường 100 triệu dân, để cho hàng ngoại tung hoành thực sự rất đáng tiếc, bởi quyền lợi người tiêu dùng luôn được đặt lên cao nhất. Tại văn bản 264 ban hành ngày 31-7-2009, Bộ chính trị xác định phải: “Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam và trên cơ sở đó làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng…”.

Như vậy, trong điều kiện đa số các ngành sản xuất công nghệ cao của chúng ta chưa thể tự chủ được đầu vào cho nhu cầu tiêu dùng, thì mô hình phát triển thương hiệu Việt phải đi theo hướng khác mới có thể theo kịp tốc độ phát triển chung. Sự kiện Tập đoàn Vin Group đầu tư Tổ hợp VinFast tại Hải Phòng đã tạo tiếng vang lớn, trong đó có không ít sự quan tâm dành cho phạm trù “thương hiệu Việt”.

Thực tế thì từ năm 1958, ta đã có ô tô mang tên Chiến Thắng, Trường Sơn, máy cày Tháng 8… nhưng cũng phát triển dựa trên công nghệ, phụ tùng của nước ngoài. Năm 1985, Hải Phòng quảng bá lần đầu tiên sản xuất được ô tô thuần Việt lắp máy nội Diezen Sông Công có tên là Otoka… nhưng rốt cuộc người tiêu dùng chưa kịp nhìn thấy các sản phẩm đó đi vào cuộc sống. Nên có thể thấy, phương pháp tiếp cận của VinGroup sẽ trở thành tiêu biểu, mở ra hướng đi mới nhằm xây dựng thương hiệu Việt?

Tình trạng phổ biến hiện nay là hàng kém chất lượng theo kiểu đăng ký một đằng làm một nẻo, hàng lậu và hàng nhái kiểm soát chưa hiệu quả, các dạng hình dịch vụ phát triển tràn lan trong cơ chế quản lý thiếu đồng bộ.

Việc khảo sát thực trạng sản xuất, tiêu dùng đối với kênh hàng nội cũng chưa được thực hiện, nên những vụ việc như lụa “KS”, điện tử “AZ” hay vụ việc một cơ sở may mặc nhập hàng ngoại về bóc tem gắn hàng Việt vừa bị phát hiện tại Hà Nội quả thật rất khó chấp nhận. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải rà soát tổng thể, trên cơ sở làm rõ nhóm khái niệm về hàng Việt, mới có thể phát huy hiệu quả được các chính sách ưu tiên.

Hoàng Minh

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Bàn thêm về hàng Việt
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác